Mục lục nỗi đau dan tôi

Tuesday, March 5, 2013

Tiểu sử Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp NGÔI MỘ ĐẦY HƯƠNG HOA




Ảnh này là ảnh đen trắng gốc do gia đình cung cấp
(Để có bản high resolution, click vào ảnh)
Ra về còn nhớ Tắc Sậy,
Xứ đạo nhỏ bé sình lầy đường xa,
Hồng Ân Thiên Chuá ban ra,
Ðoàn con lương giáo gần xa viếng Người
Những ai đau khổ đôi phần,
Nguyện xin Cha thánh đỡ đần ủi an,
Những ai gặp bước gian nan,
Nguyện xin Cha thánh lo toan mọi bề,
Những ai đau khổ đường về,
Cậy trông Cha thánh tràn trề hồng ân.

Ai đi về Cà Mau, hãy ghé qua họ Tắc Sậy kính viếng ngôi mộ đầy hương hoa của linh mục Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp, trong giáo phận Cần Thơ. Ðối với hàng ngàn người Việt Nam không phân biệt tôn giáo, Linh Mục Trương Bửu Diệp là một vị ân nhân đã ban nhiều ơn lành, phép lạ cho họ trong những giờ phút thập tử nhất sinh.

Linh Mục Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01-01-1897, được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 2-2-1897 tại họ đạo Cồn Phước, làng Tấn Ðức, nay thuộc ấp Mỹ Lợi, xã Mỹ Luông, Chợ Mới, Tỉnh An Giang. Thân phụ là Ông Micae Trương Văn Đặng (1860-1935), thân mẫu là Bà Lucia Lê Thị Thanh, gia đình sống tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1904, lúc ngài lên bảy tuổi thì mẹ mất. Theo cha, gia đình dời lên Battambang, Campuchia sinh sống bằng nghề thợ mộc. Tại đây thân phụ ngài tục huyền với Bà Maria Nguyễn Thị Phước, sinh năm 1890, quê quán họ Mỹ Luông, Chợ Mới, An Giang. Kế mẫu đã sinh hạ một người con gái tên là Trương Thị Thìn (1913), hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh, Xã Tân Hòa, Huyện Thanh Bình, Tỉnh Đồng Tháp.

Năm 1909, Cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền đưa ngài vào Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng, Xã Tấn Mỹ, Chợ Mới, An Giang. Sau thời gian học ở tiểu chủng viện, ngài lên Đại Chủng Viện Nam Vang, Campuchia (lúc ấy, các họ đạo khu vực đồng bằng sông Cửu Long đều trực thuộc Giáo Phận Phnom-Penh, Campuchia).

Năm 1924, sau thời gian tu học, ngài được thụ phong linh mục tại Nam Vang, thời Đức Giám Mục Valentin Herrgott. Lễ vinh qui và mở tay được tổ chức tại nhà người cô ruột là Bà Sáu Nhiều, tại họ đạo Cồn Phước.

Năm 1924-1925, ngài được bề trên bổ nhiệm là cha phó họ đạo Hố Trư, một họ đạo của người Việt sinh sống tại Kandal, Campuchia.

Năm 1927-1929, ngài về làm giáo sư tại Chủng Viện Cù Lao Giêng.

Tháng 03-1930, ngài về phục vụ họ đạo Tắc Sậy. Trong những năm làm cha sở, ngài giúp đỡ, thành lập nhiều họ đạo vùng phụ cận như: Bà Đốc, Cam Bô, An Hải, Đầu Sấu, Chủ Chí, Khúc Tréo, Đồng Gò, Rạch Rắn.

Năm 1945-1946, chiến tranh loạn lạc, bà con di tản, Cha bề trên Địa Phận Trần Minh Ký ở Bạc Liêu và cả người Pháp cũng gọi ngài lánh mặt. Khi nào tình hình yên ổn thì trở về họ đạo, nhưng ngài trả lời: "Tôi sống giữa đoàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đoàn chiên. Tôi không đi đâu hết."

Ngày 12 Tháng 3 năm 1946, ngài bị bắt nhốt chung với 70 giáo dân xứ Tắc Sậy. Các giáo phái xung đột tranh chấp, cha Trương Bửu Diệp hiên ngang bênh vực quyền lợi cho các giáo dân, ngài đã chịu chết thay cho những người bị nhốt chung (1). Thi hài ngài được chôn cất trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo. Ðến năm 1969, hài cốt ngài được di dời về nhà thờ Tắc Sậy. Ngôi nhà mồ của ngài hiện nay, được trùng tu và khánh thành ngày 4-6-1989. Và ngày nay, ngôi mộ của ngài là một cao điểm hành hương, không những cho người Công Giáo mà cho cả đồng bào bên lương. Người ta được nhiều "phép lạ" (2), trên phần mộ, dưới bóng cây Thập Giá, người ta đem nhiều lễ vật đến tạ ơn biến thành "ngôi mộ đầy hương hoa". Họ đạo Tắc Sậy ngày nay đã trở thành nơi hành hương với một ngôi thánh đường bằng gạch khang trang.

Người trong họ đạo kể rằng: sau khi chúng chặt đầu ngài quẳng xuống ao, vị tử đạo về báo mộng cho ông trùm biết nơi quăng xác và giáo dân đem về chôn cất tử tế. Họ đạo nghèo thế mà ngày nay có một ngôi Nhà Thờ bằng gạch khang trang. Số là một ngày kia, ông chủ lò gạch địa phương, là một người ngoại giáo, cho chở đến cho Cha Sở mới lên thay rất nhiều xe gạch, nói là để xây cất Nhà Thờ. Cha Sở lúc ấy ngạc nhiên cho biết họ đạo nghèo làm sao thanh toán được số tiền. Ông chủ lò gạch nhìn lên di ảnh Cha Trương Bửu Diệp treo trên vách tường và nói: Ông Cha này đã trả tiền mua gạch rồi. Nhà Thờ bằng gạch được xây lên khang trang nhờ công ơn vị tử đạo năm 1946 đã hy sinh mạng sống vì đoàn chiên.

Đức Kitô dạy: "Người mục tử tốt lành hiến mạng sống vì đàn chiên." Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã thực hiện lời Đức Kitô trong cuộc sống. Ngài đã hiến mạng sống vì đàn chiên. Chúng ta có thể tóm tắt cuộc đời của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp:

Tận hiến cuộc đời cho Thiên Chúa,
Hy sinh kiếp sống giúp con người.


Sống hiến thân phó thác,
Chết nêu gương sáng ngời

để
Một đời dâng hiến,
Trọn kiếp vinh quang.


Hàng năm, khi tiết xuân đương độ dâng cao, vào những ngày 11 và 12 tháng 3 dương lịch, là lúc hàng ngàn người không kể tôn giáo, từ khắp nơi gần xa dắt dìu nhau, nô nức đến họ đạo Tắc Sậy, một họ đạo nhỏ bé thuộc Giáo Phận Cần Thơ, nằm trong địa bàn của Ấp 2 Xã Tân Phong, Huyện Giá Rai, Tỉnh Bạc Liêu, là nơi chôn cất hài cốt và di ảnh của Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp, để khấn xin, để trút những nỗi lo, gánh nặng vật chất, tinh thần để nhờ ngài chuyển lên Thiên Chúa và Thiên Chúa đã chấp nhận, chúc phúc cho những khấn ước, nguyện xin.

(Tham khảo theo tài liệu của Cha Nguyễn Ngọc Tỏ, Cựu chánh xứ họ Tắc Sậy, nơi có mộ Cha Trương Bửu Diệp)

Chú thích:

(1) : Những năm 45-46, tình hình ở miền Nam vô cùng bất ổn, Nhật nhảy vào Đông Dương, các thế lực quân sự, chính trị, tôn giáo ở đây hình thành và phát triển. Miền Tây Nam Bộ là nơi khai sinh ra các giáo phái mới như Hòa Hảo, Cao Đài, v.v… Ngoài Nhật, Pháp, quân Việt Minh, các cuộc nổi dậy lẻ tẻ, chống phá nhau xảy ra thường xuyên, bà con nhân dân vẫn là người chịu thiệt thòi và oan uổng nhất, số người thiệt mạng trong các cuộc xung đột và thanh trừ lẫn nhau này không phải là ít. Có rất nhiều lời đồn đoán về cái chết của cha Diệp, ở đây tác giả không tiện ghi rõ nguyên nhân và thủ phạm thuộc tổ chức phe phái nào chắc là có lí do. Trên tinh thần khoan dung của người Công Giáo, chúng ta chỉ hướng đến cái chết của Cha Diệp như một chứng nhân anh dũng cho Chúa Kitô chứ không nên đi sâu vào các vấn đề chính trị và tôn giáo.

(2) : Ai cũng đã từng nghe qua về chuyện lạ và ơn lành mà nhiều người đã nhận được, cả trong lẫn ngoài Việt Nam, dù là người Công giáo hay không Công giáo, khi đến cầu nguyện và khấn xin nơi phần mộ của cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp ở họ đạo Tắc Sậy, Cà Mau. Thậm chí, không ít người lưu giữ hình ảnh của “cha Phanxicô” tại nơi rất trang trọng trong gia đình và trên phương tiện di chuyển của mình. Tuy vậy, phải khẳng định một điều là cho đến hiện tại, cha Trương Bửu Diệp chưa được phong thánh. Không có gì ngăn trở người ta đến cầu nguyện nơi phần mộ của ngài và xin ơn lành, vì đó là việc làm mang tính cách cá nhân, nhưng chưa thể tôn kính cha Diệp như một vị thánh (như các thánh tử đạo Việt Nam), vì “cha Phanxicô” chưa được Giáo hội Công giáo phong thánh. Cũng như rất nhiều trường hợp khác, Giáo hội địa phương tại đây chủ trương "không ngăn cản" cũng "không khuyến khích", nhưng luôn giúp anh chị em tín hữu tránh những cử chỉ mê tín dị đoan. Thiết nghĩ chắc hẳn Giáo hội địa phương vẫn luôn để tâm đến những sự kiện đó và sẽ âm thầm tìm hiểu kỹ lưỡng, thận trọng, nhất là thâu thập những bằng chứng xác thực trong tinh thần cầu nguyện liên lỉ và lắng nghe tiếng Chúa; và nếu đó quả là dấu chỉ và ý Chúa muốn, thì chắc chắn Giáo hội địa phương sẽ xúc tiến việc lập hồ sơ xin phong thánh cho cha Diệp trong một ngày nào đó.
Ngày 19 Tháng 11 Năm 2008
Trích từ www.lavang.co.uk
Vài hình ảnh trong lễ di dời ngôi mộ Cha Trương Bửu Diệp 





Hài cốt Cha Trương Bửu Diệp

No comments:

Post a Comment