Lịch sử cận đại vì lý do chính trị nên sự kiện ghi lại cũng không trung thực và theo cách nhìn của người Viết . Trang nhà http://ww.vietquoc.org nhận thấy cuốn Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965 của Linh Mục Cao Văn Luận , Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang được tính khách quan và trung thực, vậy xin đưa lên để độc giả thưởng thức. Sau đây là Chương 18 & 19
Chương 18:
Nhìn Trâu Cày Ngấn Lệ
Tháng tám 1947, nghĩa là vài tháng sau khi yết kiến Đức Thánh Cha, tôi cùng 15 cha Việt Nam khác lên tàu Felix Roussel về nước. Tàu lênh đênh 21 ngày trên biển cả. Mỗi ngày qua đi, tôi lại thấy lòng thương nhớ nước Việt Nam lớn thêm, những bồn chồn mong đợi và lo sợ cũng tới theo. Những gì sẽ chờ đợi chúng tôi, chờ đợi nước Việt Nam chúng tôi trong những ngày tới? Khi tàu ghé qua một vài bến ở Phi Châu, tôi và vài cha có lên thăm các thành phố xứ người cho khuây khoả. Hình ảnh nước Pháp hùng mạnh càng hiện rõ hơn, nhưng bóng dáng những nứt rạn, những lúng túng của nước Pháp, của đế quốc Pháp cũng đã bắt đầu nổi lên tại các xứ thuộc địa Pháp này rồi. Tôi tin tưởng gần như chắc chắn là nước Pháp sẽ phải thanh toán các thuộc địa của họ. Điều đáng lo sợ là cái cách thanh toán đó, có bao nhiêu dân tộc nhỏ bé bị nghiền nát, bị hy sinh?
Tàu đến Cap St Jacques dừng lại một đêm ngoài cửa sông chờ người cầm lái. Sáng hôm sau, tàu ngược dòng sông lên Sài Gòn.
Chúng tôi đứng trên boong tàu nhìn vào hai bên bờ sông từ khi tàu vào sông cho đến lúc tàu cập bến, những đám ruộng lúa bắt đầu hiện ra. Vài con trâu đủng đỉnh gặm cỏ trên bờ ruộng. Tự dưng mắt tôi ươn ướt, và tôi đã khóc thầm lặng không biết từ lúc nào. Nhìn sang các cha bên cạnh, một vài người Việt Nam bên cạnh, cũng đang rưng rưng nước mắt. Nhưng không phải là nước mắt đau thương mà là nước mắt sung sướng vinh dự được trở về quê hương mình sau 8 năm cách biệt. Mặc dầu báo chí đã cho tôi thấy những cảnh chiến tranh tàn bạo nhưng lúc tàu ngược dòng tôi chỉ thấy cảnh thanh bình, yên ổn hết sức. Những luỹ tre, những rặng dừa, những thửa ruộng, những đàn trâu bò, những đứa bé chăn trâu, vài đoàn người đi trên bờ ruộng. Tất cả đều có vẻ thanh bình kỳ lạ.
Chúng tôi được một đại diện Đại Chủng Viện Sài Gòn ra bến Nhà Rồng đón tiếp, và chúng tôi về ngay Đại Chủng Viện ở đường Cường Để bây giờ. Các cha khác, tuỳ gốc địa phận, chờ tàu trở lại địa phận của họ. Riêng tôi thì chờ tàu ra Hải Phòng để tìm cách về địa phận Vinh.
Khoảng vài tuần sau, tôi mua được vé tàu thuỷ ra Hải Phòng. Cảnh vịnh Hạ Long hùng tráng, sừng sững nổi lên trên mặt nước, với vài chiếc thuyền buồm, vài chiến hạm Pháp, tuy đồ sộ mà so với cảnh thì thật là bé nhỏ vô nghĩa, càng làm tôi yêu mến đất nước mình hơn.
Lúc tàu cập bến Hải Phòng, cảnh chiến tranh bắt đầu hiện ra trước mắt. Những dấu vết của vụ bắn phá Hài Phòng cuối năm 1946 vẫn còn nguyên vẹn.
Dân Việt Nam ngoài bến tàu ra thì rất thưa thớt. Chỉ có những khu phố của người Tàu và người Pháp là còn có vẻ đông đúc, thịnh vượng. Vừa bước lên bến tàu tôi đã biết ngay thế nào là nỗi nhục của một người dân nước nhỏ bị trị. Đáng buồn nhất, là chính một người Việt Nam nhắc nhở cho tôi cái nhục này.
Tôi đến phòng nhà đoan để khai giấy tờ. Trên phiếu khai bằng tiếng Pháp, nơi dòng ghi quốc tịch, tôi viết thật đậm nét hai tiếng: Việt Nam.
Người thư ký nhà đoan gạch hai chữ đỏ, nhìn tôi trâng tráo hỏi:
- Cha người Cochinchinois, Annamites hay Tonkinois? Tôi trừng mắt nhìn người thư ký nhà đoan, gắt giọng:
- Tôi người Việt Nam.
Người thư ký nhà đoan cau mày, mấp máy như sắp gắt gỏng với tôi, rồi chẳng hiểu sao lại mỉm cười, giải thích dài dòng:
- Xin lỗi cha, lệnh quan trên bây giờ bắt buộc mọi người lên bến phải khai rõ là người Cochinchinois, Annamite du Centre, hay Tonkinois. Cha hiểu cho, đó chỉ là bệnh quan trên, chúng tôi có muốn bắt ép ai làm gì đâu.
Tôi chán ngán đau đớn:
- Quê tôi ở Hà Tĩnh, thầy ghi sao đó cũng được. Người thư ký nhà đoan viết nắn nót: Annamite du Centre. Tôi chua xót vì hiểu ra âm mưu định gây chia rẽ Nam Bắc trở lại của người Pháp. Mình không được quyền làm người Việt Nam nữa. Mình phải bị bắt buộc làm người Trung kỳ, Bắc lỳ. Người Pháp muốn có 3 nước Nam kỳ, Trung kỳ, Bắc kỳ!
Tôi lên ngay Hà Nội.
Đường xe lửa đã được tái lập ngay sau khi Pháp tái chiếm Hà Nội. Xe chạy thật chậm chạp, có lẽ chỉ khoảng năm chục cây số 1 giờ hay kém hơn. Từ cửa sổ toa xe lửa nhìn ra ngoài, những làng mạc hoang tàn, những khu nhà bị đốt cháy còn trơ nền, những nhà gạch đổ nát cho tôi biết chiến tranh đã là một sự thật mà từ đây tôi phải làm quen, phải hoà mình vào. Tôi đến ở tại nhà Chung Hà Hội, nơi tôi đã từng sống ít lâu trước khi đi Pháp. Tôi bắt đầu làm quen lại với văn chương Việt Nam. Tôi đọc hầu hết những sách của Tự lực Văn đoàn. Khi hay tin tôi về nước, một số người Việt ở Pháp và những người biết tiếng tôi đôi chút lần lượt đến thăm, thỉnh thoảng mời tôi đến nhà họ chơi.
Tôi nhớ hình như người đầu tiên mà tôi gặp là Hoàng Bá Vinh còn được người công giáo trong địa phận Vinh gọi là ông già Vinh. Tôi xin đóng một dấu ngoặc ở đây: ông già Vinh được gọi như thế không phải vì ông nhiều tuổi, mà vì ông từng học ở địa chủng viện ra và gần thụ phong linh mục, thì vì một lý do nào đó bỏ dở con đường tu hành.
Đối với những người đó, người công giáo địa phận Vinh gọi là “ông già” để tỏ ý kính trọng một chút.
Hoàng Bá Vinh lúc bấy giờ cầm đầu một nhóm thanh niên trẻ, hăng say lý tường, phần lớn người công giáo đầy lòng yêu nước, tuy không theo Việt Minh, nhưng nhất quyết không hợp tác với Pháp, đang hoạt động cho một giải pháp quốc gia thuần tuý.
Lãnh tụ được tôn thờ nhất là ông Ngô Đình Diệm. Trong này có anh Nguyễn Văn Châu, người Quảng Bình, về sau làm Trung tá Giám đốc Nha Chiến tranh Tâm lý, một thời được ông Diệm tin cậy. Ngoài ra, nếu tôi nhớ không lầm thì có một anh chàng cao lớn, hơi gầy, đen, liều lĩnh, thật thà, là anh Hoàng Bá Linh.
Không rõ lúc đó anh đã đi học trường Hạ Sĩ Quan Pháp hay chưa, hình như là chưa thì phải.
Hoàng Bá Vinh gặp tôi rất thường, và những lúc đó tôi với anh ta bàn về tình hình đất nước, nói đến những niềm hy vọng của mọi người Việt Nam, của những người công giáo yêu nước.
Chương 19
Gặp các cộng sự viên đầu tiên của Ngô Đình Diệm
Những ngày chủ nhật, có lúc tôi và mấy anh em đó ngồi lại nói chuyện rất lâu. Họ hỏi tôi về khuynh hướng, chủ trương của nước Pháp đối với Việt Nam. Tôi cũng thành thật nói cho họ biết những nhận xét của tôi: nước Pháp không thể dễ dàng trao trả độc lập cho Việt Nam, dù với nhân vật chính trị nào.
Ít lâu sau, một số nhà trí thức bất hợp tác với Pháp, vừa từ vùng Việt Minh trốn về đến gặp tôi như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà, Vũ Văn Hiền, Nguyễn Dương Đôn v.v… Họ là những người không có một lập trường hay một thái độ nào rõ rệt, dứt khoát.
Họ còn được gọi, đôi khi tự gọi là những nhà trí thức hay chính trị trùm chăn. Họ không chịu hợp tác với Việt Minh, có lẽ vì họ thuộc thành phần trí thức tiểu tư sản, không chấp nhận được chủ nghĩa cộng sản và những thủ đoạn đàn áp tôn giáo, trí thức, địa chủ của Việt Minh. Nhưng họ cũng không muốn hợp tác với Pháp. Nếu hỏi họ muốn làm gì, định làm gì, thì họ không thể nào trả lời được, ngoài câu chờ xem.
Trong thời gian này tôi có gặp Nguyễn Thế Truyền. Thật là một điều đáng buồn cho tôi và cho cụ. Trước đây tôi từng nghe danh cụ Truyền, biết cụ viết bài tựa cho cuốn sách nhỏ của cụ Hồ: Le Procès de la colonisation Francaise. Lúc ở Pháp tôi nghe tiếng cụ khá lớn, nghe nhiều người ca tụng cụ. Tôi tưởng khi gặp cụ sẽ tìm được một cái gì mà tôi chờ đợi không gặp. Tôi gặp, nói chuyện với cụ một cách hết sức kính cẩn. Nhưng câu chuyện càng kéo dài, tôi không thấy được gì, ngoài một thời quá khứ đấu tranh của cụ.
Sau vài câu hỏi tôi nêu lên không được trả lời, tôi xoay qua một câu chuyện phiếm. Sau đó tôi không có ý mà cũng không còn tìm cách gặp lại cụ, dù hai người vẫn ở Hà Nội.
Khoảng cuối năm 1947, hai tháng sau khi tôi về Hà Nội thì nghe tin ông Trần Văn Lý ra Hà Nội. Bấy giờ ông Trần Văn Lý ở trong hội đồng chấp chánh, và quyền thủ hiến Trung Phần. Ông Trần Văn Lý đến gặp tôi mời tôi và cha Bồng cùng về Huế với ông. Tôi nhận lời. Ông Lý trong câu chuyện có cho tôi thoáng thấy rằng sở dĩ ông ra làm việc với Pháp là vì một cái thế bắt buộc.
Ông suy luận rằng không thể nào để cho miền Trung hỗn loạn mãi được, hay hoàn toàn đặt dưới quyền cai trị hành chánh trực tiếp của người Pháp. Người Pháp chẳng thành thực gì, nhưng chúng ta yếu, chẳng có cách gì, theo Việt Minh thì không được, vậy thì phải tạm thời hợp tác với người Pháp trước rồi từ từ sẽ tính. Ông Lý có nhắc đến tên Ngô Đình Diệm.
Hình như chủ ý của ông Lý, du ông không nói cho tôi hay là chuẩn bị thời cơ để đưa ông Ngô Đình Diệm giữ một chức vụ lãnh đạo quan trọng nào đó, trong một thứ chính quyền mà người Pháp đang tính lập ra.
Tôi có nói chuyện hứa về Huế với các người quen như Hoàng Xuân Hãn, Nguyễn Mạnh Hà. Họ đều khuyên tôi chẳng nên về Huế mà làm gì, mà cũng chẳng nên hợp tác với những người đang hợp tác với Pháp như ông Lý.
Tôi nói mấy câu bênh vực sơ cho ông Lý, đại ý là không nên kết án ai vội, phải chờ xem hành động rồi xét đoán sau cũng không muộn. Tôi cho họ biết là tôi đã hứa về Huế, vậy thì dù sao tôi cũng vào Huế rồi liệu sau. Tôi muốn vào Huế chẳng phải muốn làm việc gì với ông Lý mà chỉ muốn tìm cách trở về địa phận Vinh qua ngã Quãng Trị, Quảng Bình, vì lúc bấy giờ tôi nghe quân Pháp đã đổ bộ lên cửa sông Gianh, đã tiến ra sát đèo Ngang và đang dự định vượt đèo Ngang tiến ra Hà Tĩnh, Nghệ An.
Có người trong bọn Hoàng Xuân hãn, Nguyễn Mạnh Hà bày cho tôi cái kế là cứ giữ chỗ máy bay (lúc đó Pháp mới mở một đường bay đặc biệt dành cho quan khách, nhân vật quan trọng, dùng loại máy bay 1 và 2 động cơ), lên xe, rồi giả vờ cho xảy ra một tai nạn xe hơi, và tôi vào nằm nhà thương, thế là lỡ luôn chuyện về Huế với ông Lý. Tôi thấy chẳng cần phải bày trò này làm chi. Về Huế thì đã sao?
Vả lại thâm tâm tôi cũng muốn được đi nhiều nơi, nhìn thấy nhiều điều, gặp gỡ nhiều người. Những nhà trí thức và chính trị trùm chăn làm cho tôi thất vọng khá nhiều. Họ chẳng đưa ra một giải pháp hay một kế hoạch nào rõ rệt. Họ chỉ ngồi chờ, gọi là trùm chăn mà chờ. Chờ ai chờ cái gì chính họ cũng chẳng biết. Khi thì họ chờ ông Ngô Đình Diệm, khi thì họ chờ ông Bảo Đại, khi thì họ mơ Cường Để trở về.
Tôi có gặp một người tên là Nguyễn Khuê. Đúng hơn Khuê nhờ Hoàng Bá Vinh dẫn đến gặp tôi. Vinh cho tôi biết Khuê làm thư ký riêng cho ông Ngô Đình Diệm. Lần đầu vào gặp tôi, Khuê có vẻ lúng túng, khép nép. Tôi hỏi thăm mấy câu anh ta trả lời ấp úng. Lúc Khuê về, Hoàng Bá Vinh nói chuyện với tôi là Khuê thấy tôi nghiêm nghị, chẳng dám thưa chuyện gì. Tôi ngạc nhiên, đâu có biết mình nghiêm nghị làm cho kẻ khác phải sợ.
Hôm sau, Vinh lại đưa Khuê đến và lần này thì anh ta dạn dĩ hơn. Dĩ nhiên là Khuê ca tụng ông Diệm, khoe rằng lực lượng của ông Diệm khá lắm, và ông Diệm thì có sẵn một giải pháp cho Việt Nam, một chủ nghĩa đương đầu được với chủ nghĩa cộng sản. Khuê trao cho tôi một tập giấy viết tay, chữ của ông Diệm, đoạn thì viết bằng tiếng Pháp, đoạn thì bằng tiếng Việt trong đó ông Diệm trình bày cái giải pháp và cái chủ nghĩa của ông.
Trên phương diện một người khảo sát văn chương hay triết lý thì tôi không thể nào phục cái gọi là chủ nghĩa xã hội quốc gia gì đó của ông Diệm được. Lập luận đôi khi lúng túng vấp váp chẳng có gì khúc chiết vững chắc. Đại để thì tôi hiểu là ông Diệm chủ trương xây dựng một lực lượng quốc gia thuần tuý, không phải cộng sản, mà cũng không theo Pháp, nhưng cũng lại không chủ trương đánh Pháp, mà hình như là chủ trương một sự thương thuyết nào đó với Pháp, trên căn bản Pháp phải công nhận đương nhiên và trước hết nền độc lập, thống nhất, chủ quyền của Việt Nam từ Cà Mau đến Nam Quan.
Lý thuyết thì không làm cho tôi phục được, nhưng cái tâm huyết của một người muốn tìm một đường đi cho quốc gia Việt Nam trong hoàn cảnh đặc biệt này thì làm cho tôi thấy thương mến, kính trọng ông.
Cái lực lượng của ông Diệm mà Khuê đem ra khoe với tôi là khá mạnh, thì tôi có nghe nói đến.
Nó vốn là nhóm thanh niên Nghệ Tĩnh Bình do cha Huê thành lập từ năm 1941, với chủ trương ôn hoà, không đổ máu để dành lại độc lập từ tay người Pháp. Phong trào này định chọn Cường Để làm Minh Chủ và lúc thế lực Nhật mạnh thì muốn mượn thế Nhất diệt Pháp. Về sau thời cuộc biến chuyển, giải pháp Cường Để xem ra không thích hợp, nhóm cha Huê chọn ông Diệm, quyên tiền giúp ông Diệm mở rộng tổ chức, mở những khoá huấn luyện bí mật cho một số cán bộ phần lớn người công giáo trong vùng Nghệ Tĩnh Bình. Năm 1945, cha Huê trốn vùng Việt Minh vào Nam để liên lạc với ông Diệm. Rồi vào đầu năm 1945, lúc trên đường từ Sài Gòn đi miền tây, không hiểu do một sứ mạng nào đó, xe cha Huê bị phục kích, và cha Huê tử nạn. Trong nhóm này có anh Hồ Hán Sơn, người Hà Tĩnh, nhỏ bé, nhưng hoạt động, có tài thu hút người đối thoại rất mau.
Sơn còn có biệt tài vận động và xách động quần chúng, nhất là thanh niên. Những hoạt động của Sơn có lúc bị mật thám Pháp chú ý nên Sơn đổi tên, lánh mặt, tạm thời dạy học ở một trường nhà xứ ở Quảng Bình. Lúc này Sơn cũng ra Hà Nội, có đến gặp tôi vài lần. Sơn và Vinh là hai người mà tôi mến có thể nói là yêu quý và tin tưởng khá nhiều. Họ đều có nhiệt tình, hăng say và trung thành.
(đón đọc chương tới trong website này)
No comments:
Post a Comment