Chuyến đi lịch sử
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến Moscow hôm thứ sáu, mở đầu chuyến công du để cúng cố mối quan hệ ngoại giao mà Tổng thống Putin gọi là đang trong giai đoạn tốt đẹp nhất trong lịch sử mấy chục thế kỷ của cả hai nước.
Chủ tịch họ Tập tuyên bố tại Moscow rằng sự kiện ông chính thức công du Liên Bang Nga ngay sau ngày nhậm chức lãnh đạo tối cao của Trung Quốc chứng tỏ tầm quan trọng của mối bang giao này.
Tầm quan trọng đó được chứng tỏ không phải vì đây là chuyến xuất ngoại đầu tiên của ông Tập với cương vị chủ tịch Trung Quốc, mà qua sự ký kết trên 30 hiệp ước và sự đáp ứng nồng nhiệt của nhà lãnh đạo nước Nga, Tổng thống Vladimir Putin.
Không phải chỉ có chủ tịch Tập Cận Bình mới đi Moscow trước tiên sau khi nhậm chức. Người tiền nhiệm là ông Hồ Cẩm Đào cũng đã hành động y hệt sau khi vừa trở thành nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc.
Trung Quốc và Liên Bang Nga đã ký kết những hiệp ước kinh tế thương mại, năng lượng có vai trò chiến lược đối với cả hai nước Nga-Hoa, trong đó có cả hiệp ước về mua bán và sản xuất vũ khí.
Đáp số cho bài toán sinh tử
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc mở được cửa kho nhiên liệu phong phú của Liên Bang Nga, ký được những hợp đồng về cung cấp dầu khí và khai thác dầu khí với những con số khổng lồ.
Tập đoàn ROSNEFT sẽ cung cấp cho Trung Quốc mỗi năm từ 45-50 triệu tấn dầu trong vòng 25 năm. Số lượng thường niên này được tính là gấp ba lẩn những năm về trước. Công ty GAZPROM cũng ký bản ghi nhớ về việc cung cấp cho Trung Quốc ít nhất 38 triệu mét khối khí đốt kể từ 2018, nhiều hơn lượng cung cấp cho Đức.
Trong danh mục nhiên liệu còn có than đá. Trung Quốc ký hiệp ước 2 tỉ đô la để khai thác than của Nga ở miền Viễn Đông.
Những hợp đồng về nhiên liệu, năng lượng này chiếm vai trò chiến lược là vì đó là đáp số của bài toán năng lượng mang tính cách sinh tử đối với Trung Quốc.
Con đường huyết mạch về nhiên liệu của Trung Quốc. Nhật Bản, Hàn quốc xuất phát từ Trung đông chạy về Ấn Độ Dương, đi qua eo biển Malacca, rồi qua hải phận biển Đông của Việt Nam, vùng thủy lộ mà Trung Quốc luôn luôn kêu gào là bị Hoa Kỳ khống chế, và bằng mọi cách nhất quyết dành lấy chủ quyền 80% diện tích hành lang sinh tử này.
Trung Quốc đang đẩy mạnh sản xuất phát triển kinh tế nên vốn là nước khát dầu nhất thế giới. Một khi tình hình lên tới mức căng thẳng tối đa vì nhiều nguyên do khả dĩ trong tình trạng Đông Á ngày nay, thì Bắc Kinh phải dự trù việc Hoa Kỳ và Nhật Bản khóa cửa thủy lộ này, đồng nghĩa với hành động cắt mạch máu của Trung Quốc.
Vì thế nguồn cung nhiên liệu từ Nga là lời giải cho bài toán chiến lược ấy. Ít nhất trong trưởng hợp khẩn cấp Bắc Kinh cũng không phải lệ thuộc hoàn toàn vào con đường huyết mạch này.
Đối với nước Nga, cuộc “cách mạng năng lượng” hiện nay của thế giới, với khuynh hướng tìm những nguồn nhiên liệu khác thay thế cho xăng dầu đang đe dọa những thị trường và lơi nhuận khổng lồ của Nga hiện nay về dầu khí. Năng lượng chính là tài nguyên kinh tế chiến lược hàng đầu của Moscow. Sự hợp tác với Trung Quốc đã thỏa mãn nhu cầu chiến lược của cả hai cường quốc vừa hợp tác vừa đương đầu với Hoa Kỳ.
Ý nghĩa đối với Mỹ, Nhật và phương Tây
Kinh tế, thương mại, năng lượng chỉ chiếm một phần quan trọng trong công cuộc hợp tác chiến lược về mọi mặt giữa hai nước Nga-Hoa. Chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc còn làm nổi bật những dữ kiện về quân sự và chiến lược trong mối liên kết này, dù người Nga vẫn chinh thức nói không phải là liên minh chống Mỹ.
Chủ tịch Trung Quốc tuyên bố tại Viện quan hệ quốc tế ở Moscow rằng mối quan hệ song phương vững mạnh giữa Trung Quốc với Nga không những đáp ứng quyền lợi chung mà còn bảo đảm cho tình trạng cân bằng chiến lược quốc tế và nền hoà bình thế giới.
Ông Tập Cận Bình không nhắc đến Hoa Kỳ, nhưng không quên nói thêm rằng không một quốc gia nào hay một khối quốc gia nào có quyền “đơn phương xử lý mọi công việc của thế giới.”
Điều mà cả Nga lẫn Trung Quốc vẫn lên án từ lâu là vị thế chủ đạo của Hoa Kỳ trên bàn cờ quốc tế; vì vậy Hoa Kỳ chính là nước bị coi là “đơn phương xử lý mọi công việc của thế giới.”
Hai nhà lãnh đạo Nga-Hoa còn ra tuyên bố chung nói rằng họ phản đối bất kỳ quốc gia nào hay một khối nào đơn phương củng cố khả năng phòng thủ chống hỏa tiễn, gây hại cho sự ổn định chiến lược và nền an ninh quốc tế.
Cuối năm ngoái Trung Quốc đặt hàng 4 chiếc tàu ngầm tối tân kiểu Amur-1650 và 24 máy bay SU-35 tấn công tầm xa tối tân nhất của Nga. Đây là lần đầu tiên Nga chấp thuận bán loại máy bay này cùng với bản quyền chế tạo cho Trung Quốc.
Báo chí Nga và một phần dư luận phương Tây cho rằng Nga muốn tăng cường sức mạnh quân sự để Trung Quốc đủ khả năng để đối đầu với Hoa Kỳ ở Đông Á và Đông Nam Á, nơi mục tiêu của chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á của người Mỹ.
Một sự kiện mang tính cách biểu tượng về công cuộc hợp tác vững bền về quân sự, không còn gì nghi ngại lẫn nhau, là việc chủ tịch Trung Quốc được mời thăm Trung tâm chỉ huy quân sự của Liên Bang Nga tại Moscow. Truyền thông Trung Quốc được phép vào thu hình cảnh chủ tịch Tập Cận Bình dự khán buổi thuyết trình của Trung tâm, mặt hướng vào chiếc màn hình khổng lồ đang làm công tác theo dõi những mục tiêu tình báo quân sự.
Hai nhà lãnh đạo họp báo chung cón nhấn mạnh rằng những nghị quyết và án lệnh của những quốc gia thắng trận chống lại những nước thất trận trong thế chiến thứ hai, nhắm vào Nhật và Đức, sẽ giữ nguyên giá trị. Điều này có nghĩa là Nhật Bản không thể đòi lại cả 4 hòn đảo tranh chấp với Nga. Hai lãnh đạo Nga Hoa còn tuyên bố ủng hộ chủ quyền hợp pháp của nhau theo thực tế lịch sử. Như vậy là Đài Loan và Điếu ngư phải thuộc về Trung Quốc.
Vào tháng 6 sắp tới Nga và Trung Quốc sẽ mở cuộc tập trận chung rất lớn ở Đông Bắc Á. Một hạm đội Trung Quốc, có thể là hạm đội Đông Hải, hay thành phần chủ lực của hạm đội, sẽ chia làm hai lực lượng, vượt eo biển Tsushima, ở giữa Nhật và đông nam Nam Hàn, và eo biển La Perousse giữa cực nam bán đảo Sakhalin của Nga với Hokkaido của Nhật, để hội quân với hạm đội của Nga trên biển Nhật Bản.
Cuộc hội quân trên biển này giống như cuộc thao dượt để hình thành một đại hạm đội tương đương Đệ thất Hạm đội Hoa Kỳ, nhằm tấn công vào trung bộ nước Nhật,. Tuyến xuất phát của cuộc tấn công này là từ giữa vùng biển ngăn cách bán đảo Triều Tiên với quần đảo Nhật Bản, hay nhìn cách khác, giữa một quốc gia thuộc khối đồng minh Nga- Hoa với đồng minh Nhật Bản của Hoa Kỳ.
Với tất cả những dữ kiện ấy, phải chăng Nga và Trung Quốc vừa bắt đầu công khai liên kết để tìm phương sách ngăn chống ảnh hưởng của Hoa Kỳ, sau một thời gian dài gây trở ngại cho Mỹ và phương Tây trong mọi chính sách nhằm đối phó với những nước chống Mỹ như Iran, Syria, Bắc Hàn?
Không nhìn nhận chống Mỹ
Đại diện đại sứ Liên bang Nga Evgeny Tomikhine ở Bắc Kinh bác bỏ luận điểm nói rằng Trung Quốc và Nga lập liên minh chống Hoa Kỳ.
Ông nói nước dịp này Nga chỉ phát triển hợp tác đối tác chiến lược, không hề lập một liên minh nào với Trung Quốc .
Trong tuần qua Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết kim ngạch thương mại song phương đã tăng gấp hơn hai lần trong năm năm nay, đạt mức kỷ lục 88 tỉ đô la trong năm 2012.
Nhưng đại diện toàn quyền Evgeny Tomikhine cho biết con số đó chỉ bằng một phần năm kim ngạch thương mại giữa Nga với châu Âu. So với Hoa Kỳ, mức trao đổi thương mại giữa Trung Quốc với Nga càng kém xa giữa Bắc Kinh với Washington. Thêm vào đó, đại diện toàn quyền của nước Nga tại Bắc Kinh cũng cho biết nguồn đầu tư của Trung Quốc vào Liên Bang Nga so với đầu tư vào châu Âu cũng còn khá hạn chế, và hầu hết mối đầu tư của Trung Quốc là từ các công ty, tập đoàn quốc doanh của họ.
Báo chí Anh ngữ của Trung Quốc, như tờ Global Times và một số báo phổ thông khác cũng nhất loạt bác bỏ quan điểm gọi là “Nga Hoa liên minh chống Mỹ.”
Trong khi đó thì điều đáng ghi nhận là đông đảo công luận Hoa Kỳ ít đề cập sâu rộng và nhất là ít có lời bình luận tiêu cực về chuyến công du của chủ tịch Trung Quốc sang Nga.
Thực ra gọi đó là liên minh chống Mỹ có thể không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế hai nước Nga Hoa đang lập một khối đối trọng chiến lược để lấy lại sự cân bằng trên cán cân quốc tế với Hoa Kỳ và phương Tây cũng những đồng minh của họ như Nhật Bản, Úc, kể cả một số nước Đông Nam Á và Trung Đông.
Đại diện toàn quyền Evgeny Tomikhine của Liên Bang Nga nói mối hợp tác Nga-Hoa không phải liên minh, nhưng mức độ hợp tác có thể còn cao hơn nhiều so với mức độ hợp tác giữa những đồng minh. Điều đó có nghĩa là gì, nếu không phải là một “liên minh không chính thức”, nhằm tạo đối trọng với Hoa Kỳ?
Báo chí Trung Quốc thì tất nhiên không bao giờ từ bỏ luận điểm về ý hướng hòa bình của Bắc Kinh, nên họ nói gì cũng không có giá trị.
Việt Nam ra sao?
Nhìn qua có thể cho rằng Việt Nam sẽ bị khó khăn nhiều trước sự hợp tác chiến lược của hai nước đàn anh cũ.
Tuy nhiên mới hôm thứ ba phó giám đốc Trung tâm phân tích chiến lược và công nghệ Nga Konstantine Makiyenko đã khuyên Việt Nam mua các máy bay tiêm kích Sukhoi 35.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga, Sergei Shoigu vừa thăm chính thức Việt Nam từ ngày 4 đến ngày 5 tháng 3. Nhân chuyến thăm này, Bộ trưởng Quốc phòng Nga cũng đến thăm cảng Cam Ranh, vốn là căn cứ hải quân của Nga trước kia
Tháng 12 năm ngoái Thủ tướng Medvedev thăm Việt Nam, họp báo tại Hà Nội, tuyên bố rằng Nga và Việt Nam có thể hợp tác khai thác dầu khí ở biển Đông. Trước đó nhiều giới chức cao cấp người Nga tuyên bố rằng các công ty Nga có toàn quyền hợp tác và khai thác biển Đông, không thể bị ngăn cấm.
Việt Nam có vẻ như sẽ không để cho một nước nào sử dụng cảng Cam Ranh làm căn cứ hải ngoại, và đã tuyên bố nơi này trở thành một địa điểm thuận lợi cho tàu bè tất cả các nước ghé vào sửa chữa, bảo trì. Nhưng các quan chức Việt nam từng nói rằng khi đàm phán với Nga về việc giúp Việt Nam nâng cấp các cơ sở hải quân, Việt Nam sẽ cho Nga những đối xử đặc biệt (lúc đó thì hai nước chưa thành đối tác chiến lược) bởi Nga phải gửi tàu vào đây để đưa các thiết bị, và kỹ thuật viên và kỹ sư cho mục đích này. Dù chính sách ra sao, Việt Nam vẫn có thể sẽ dành cho hải quân Nga những ưu quyền đặc biệt trong những tình huống đặc biệt.
Từ những yếu tố ấy, có thể nói Việt Nam trong cương vị hiện nay cũng còn nhiều chỗ xoay sở, dù công cuộc hợp tác Nga Hoa đã tiến tới giai đoạn gọi là “lịch sử”.
Lời giải: sự liên lập quốc tế
Trở lại vấn đề ảnh hưởng đối với Hoa Kỳ, tưởng cần nhắc lại rằng từ tháng 11 năm 2010 Tổng thống Nga Medvedev đã cùng Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia-Bảo ký kết thỏa hiệp dùng tiền tệ của mỗi nước cho việc thương mại song phương. Công luận đã cho rằng vị trí của đồng đô la Mỹ sẽ sớm lung lay. Nhưng đến nay, sau gần ba năm, sách lược tiền tệ của Nga và Trung Quốc chưa thể hiện ảnh hưởng đáng kể đối với đô la Mỹ, trong khi trữ lượng ngoại tệ đô la cao nhất thế giới vẫn thuộc về Trung Quốc. Trung Quốc cũng bị ràng buộc vào giá trị của đồng đô la.
Quan hệ thương mại, đầu tư giữa Mỹ và Trung Quốc rất lớn mạnh, trong khi Nga cũng cần hợp tác hoà bình với Mỹ vì quyền lợi của chính mình. Do đó dù có tạo đối trọng với Hoa Kỳ ở châu Á, Trung Quốc và Liên Bang Nga không thể nào gạt Hoa Kỳ ra ngoài lề hợp tác quốc tế và cũng không có khả năng hành động như vậy.
Nhìn rộng ra, sự liên lập kinh tế, sự hiện hữu của lực lượng quốc phòng, với một lực lượng hạt nhân ngăn đe cùng với công sức của Hoa Kỳ đóng góp vào việc duy trì nền thịnh vượng và trật tự chung của toàn thế giới mà Trung Quốc hay Liên Bang Nga cũng phải nhìn nhận, sẽ khiến Bắc Kinh và Moscow phải chấp nhận không để Hoa Kỳ lâm vào tình cảnh sa sút vì bất cứ lý do gì, chỉ vì sự thịnh vượng của chính họ cũng “liên lập” với Hoa Kỳ. Trung Quốc ngày nay so với Trung Quốc thời Mao đã là một minh chứng hùng hồn nhất.
Tuy nhiên, dù đến nay khối đối trọng mới là Trung Quốc- Liên Bang Nga chưa gây một chướng ngại nào cho Hoa Kỳ và đồng minh, người ta không thể “ngủ quên” và yên chí rằng chiều hướng đó sẽ mãi mãi diễn tiến như vậy. Hoa Kỳ vẫn phải đề phòng và ngăn ngừa khuynh hướng đó dần dần lớn mạnh trong những quốc gia đối tác ít thân thiện hơn, như Trung Quốc và Liên Bang Nga.
No comments:
Post a Comment