Mục lục nỗi đau dan tôi

Wednesday, March 27, 2013

Bỏ trống mọi trận địa cho quân bành trướng!


Ngày 20.3.2013, một tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đã bị tàu Trung Quốc (TQ) truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin tại khu vực thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam (VN).
Sau mấy ngày im lìm, chỉ có một vài tờ báo đưa tin rồi lại phải rút bài xuống vì chưa được lệnh, cuối cùng báo chí đã được phép lên tiếng. Cùng lúc, người phát ngôn Bộ Ngoại Giao VN Lương Thanh Nghị cũng được phép mở mồm phản đối. Rằng “Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của VN đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân VN”. Rằng “VN kiên quyết phản đối, yêu cầu phía TQ điều tra, xử lý nghiêm hạnh động sai trái và vô nhân đạo nói trên, bồi thường thiệt hại cho ngư dân VN”. Đồng thời cho biết, ngày 25.3, đại diện Bộ Ngoại giao VN đã gặp đại diện Đại Sứ quán TQ tại Hà Nội trao công hàm phản đối việc làm nói trên của phía TQ (theo TTXVN).

Cũng như nhiều lần trước, cũng vẫn chỉ là người phát ngôn Bộ Ngoại giao chứ không hề có bất cứ lãnh đạo nào của VN dám ra mặt, và TQ sai trái nhưng VN chỉ dám cử người đại diện thân hành đến Đại Sứ quán TQ để “trao công hàm phản đối”, tuyệt không hề dám “triệu” đại sứ TQ như nhiều nước khác sẽ làm trong hoàn cảnh tương tự, hoặc chắc chắn TQ sẽ hành động như vậy nếu cần “mắng mỏ” VN bất cứ điều gì. Nhưng dù sao, cho phép báo chí lên tiếng có nghĩa là phía TQ hết sức quá đáng, và nhà cầm quyền VN sợ người dân không chịu được nữa sự hèn nhát của họ trước TQ.
Từ nhiều năm nay, đứng trước nhà cầm quyền TQ, người dân trong nước cũng như quốc tế nhận thấy nhà cầm quyền VN chỉ có hai thái độ: hèn nhát và buông xuôi.
Hèn nhát, khiếp nhược, nhắm mắt làm ngơ trước hàng loạt sự khiêu khích, gây hấn, xâm phạm chủ quyền của TQ trên biển Đông, lâu lâu mới cho người phát ngôn Bộ Ngoại giao VN, trước kia là bà Nguyễn Phương Nga, nay là ông Lương Thanh Nghị lên tiếng phản đối yếu ớt, với những từ ngữ, nội dung quen thuộc, như cuộn băng cũ phát đi phát lại.
Các lãnh đạo VN cho đến tướng, tá, lúc nào cũng nhắc đi nhắc lại tầm quan trọng của mối quan hệ tình nghĩa keo sơn gắn bó giữa hai đảng, hai nhà nước anh em VN-TQ, đến món nợ vật chất lẫn tình nghĩa mà đảng, nhà nước cộng sản và nhân dân TQ đã chi viện cho VN trong suốt thời kỳ đánh Mỹ, nhưng lại làm lơ không dám nhắc đến những món nợ khác. Đó là quần đảo Hoàng Sa, một phần Trường Sa, hàng trăm kilomet đất đai dọc biên giới bao gồm cả ải Nam Quan, một phần thác Bản Giốc…, hàng trăm dặm hải lý lãnh hải của VN… đã bị TQ chiếm mất qua các trận hải chiến Hoàng Sa năm 1974, hải chiến Trường Sa năm 1988, cuộc chiến tranh biên giới ngắn ngủi và khốc liệt năm 1979, các hiệp định, hiệp ước trên bộ, trên biển; bao nhiêu xương máu và oan hồn người VN đã ngã xuống trong những trận chiến trên và còn bao nhiêu xương máu, mất mát, thiệt thòi khác từ cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam kéo dài hơn 10 năm mà nguyên nhân sâu xa cũng do bàn tay TQ phía sau Khơ me Đỏ.
Những sự kiện lịch sử như mất Hoàng Sa, Trường Sa, chiến tranh biên giới phía Bắc và chiến tranh biên giới phía Tây Nam cho đến nay vẫn chưa được đưa vào sách giáo khoa một cách đầy đủ các chi tiết, hàng năm nhà nước VN vẫn không dám công khai tưởng niệm những sự kiện này, thậm chí còn tìm cách ngăn cấm nếu người dân muốn tự tổ chức tưởng niệm.
Bưng bít, giấu nhẹm mọi thông tin về mối quan hệ bất xứng giữa hai đảng, hai nhà nước cũng như sự lấn lướt ngày càng gia tăng của phía TQ trên biển Đông, nhà cầm quyền VN còn tìm mọi cách để làm giảm nhẹ sự căng thẳng của tình hình. Họ không dám lên tiếng sợ TQ mất lòng đã đành, họ cũng không để cho người dân được lên tiếng. Những trận đàn áp, những vụ bắt giữ, sách nhiễu, làm khó dễ đủ chuyện đối với những người dám xuống đường đi biểu tình hoặc lên tiếng phản đối TQ là bằng chứng cho thái độ này của nhà cầm quyền VN.
Không chỉ hèn nhát, bạc nhược, càng ngày thái độ của nhà cầm quyền VN càng khiến cho người dân có cảm giác như họ đã thật sự buông xuôi, đầu hàng trước TQ.
Trên biển Đông, VN không chỉ buông xuôi đối với những vùng biển, đảo đã mất, mà cũng không mong gì giữ được nguyên trạng trước quyết tâm lấn lướt và khẳng định chủ quyền bằng những hành động thực tế ngày càng mạnh mẽ, ngang nhiên từ phía TQ.
Trong lúc tàu cá, tàu ngư chính, tàu hải giám các loại của TQ xâm phạm vùng biển thuộc lãnh hải của VN ngày càng nhiều thì ngược lại, biển Đông cũng ngày càng trở nên chật hẹp với ngư dân VN. Số vụ tàu cá của ngư dân VN bị tàu TQ rượt đuổi, đánh chìm, cướp hải sản, ngư cụ, bắt giữ đòi tiền chuộc…xảy ra như cơm bữa, và cuối cùng bây giờ là nổ súng thật sự! Thế nhưng nhà cầm quyền vẫn chẳng có biện pháp mạnh mẽ nào để hỗ trợ ngư dân ngoài việc kêu gọi lòng yêu nước bám biển suông, còn chính quyền địa phương thì chỉ có thể hỗ trợ ngư dân một phần rất nhỏ khi bị đánh chìm tàu, sa vào nợ nần.
Nhà cầm quyền cũng buông xuôi luôn trước TQ trong các lĩnh vực khác. Từ tình trạng lệ thuộc nặng nề vào kinh tế kéo dài, để cho TQ thâm nhập, lũng đoạn quá sâu vào nền kinh tế VN bằng nhiều cách khác nhau. Ở đâu cũng thấy sự có mặt của TQ. Từ các khu rừng đầu nguồn cho người TQ thuê dài hạn, các bè cá của người TQ cách khu vực vịnh Cam Ranh không xa, hàng trăm ngàn lao động TQ theo sau những công trình xây dựng, thủy điện, khai thác bauxite…do người TQ trúng thầu, làm việc, ăn ở lâu dài trên khắp mảnh đất VN. Từ các sản phẩm hàng hóa đủ loại mang nhãn hiệu Made in China tràn qua VN theo con đường chính ngạch lẫn buôn lậu, trong đó không hiếm những loại sản phẩm mà người VN hoàn toàn có thể sản xuất được, nhưng cũng nhập từ TQ để kiếm lời một cách dễ dàng. Từ sự có mặt của các thương lái TQ sục sạo xuống tận bãi cá, làng chài, vùng quê VN để thu mua đủ thứ nguyên vật liệu, sản phẩm.
Và bây giờ ngay cả lĩnh vực văn hóa, xã hội cũng bị bỏ ngỏ cho người TQ. Bắt đầu từ giáo dục. Việc thiếu một chính sách giáo dục, tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ về những sự kiện lịch sử cũng như mối quan hệ phức tạp giữa hai nước cộng sản VN-TQ, về Hoàng Sa Trường Sa, chủ quyền đất nước cũng như tình hình biển Đông, tham vọng của TQ và thế cờ, cục diện thế giới trong thời điểm hiện tại…dẫn đến một thực tế là rất nhiều học sinh, sinh viên, người dân thường cho tới cán bộ, không hiểu, không nắm được đầy đủ tình hình, không có ý thức cảnh giác về chủ quyền.
Nên mới có những sự cẩu thả như panô kỷ niệm ngày Quân đội nhân dân Việt Nam lại lấy hình lính Trung Quốc; trang phục mới thay đổi sau ngày 22.12.2009 của một số quân, binh chủng trong quân đội Việt Nam rất giống với quân phục của lính Trung Quốc; phim lịch sử Việt Nam lại để cho người Trung Quốc thực hiện (như bộ phim “Lý Công Uẩn-đường tới thành Thăng Long”) trong lúc màn ảnh nhỏ VN từ thành thị đến nông thôn tràn ngập phim TQ; ở một số thành phố, tỉnh lỵ VN vào ngày lễ, Tết, đèn lồng TQ tràn ngập phố xá; một số sản phẩm, ấn phẩm quảng bá du lịch của một số công ty du lịch VN lại ghi tên biển Đà Nẵng là China Beach…
Mới đây báo chí lại đưa tin hàng loạt sách giáo khoa, sách dạy học vần cho trẻ em có in cờ TQ, hỏi ra mới biết sách giáo khoa cũng in lại từ sách TQ; tại hội chợ du lịch lớn nhất thế giới diễn ra tại Berlin, CHLB Đức vào tháng 3.2013, gian hàng trưng bày, giới thiệu của Tổng cục Du lịch VN lại treo một bức ảnh giới thiệu một địa danh du lịch nổi tiếng của TQ là ảnh tượng Lạc Sơn Đại Phật ở núi Lăng Vân, nằm ở miền Nam tỉnh Tứ Xuyên của TQ; thậm chí tại siêu thị Big C, Hà Nội cũng vừa xảy ra chuyện trái cây VN nhưng lại dán cờ TQ!
Bao nhiêu sai sót toàn do người dân phát hiện, nhưng đến lúc mọi người phẫn nộ lên tiếng thì những người chịu trách nhiệm toàn ngụy biện, lấp liếm, cho đó là chuyện nhầm lẫn, tình cờ, không có gì đáng phải làm ầm ỹ, rồi cũng không thấy trừng phạt đúng mức. Có hai lý do giải thích: một, những người chịu trách nhiệm không ý thức được tính chất nhạy cảm của vấn đề. Thứ hai, khi vội vã xử lý trước sức ép của dư luận nghĩa là cũng ý thức được vấn đề nhưng vẫn không có biện pháp răn đe đủ để tránh sự tái phạm, vẫn không nghĩ đến một chiến lược tuyên truyền, giáo dục bài bản, hệ thống.
Tuy nhiên, nếu như tất cả những sự cố này có thể bào chữa là nhầm lẫn do…mù văn hóa, thì có những sự nhầm lẫn khó hiểu và khó bào chữa hơn nhiều, như lá cờ TQ có 6 ngôi sao, tức dư một ngôi sao, (mà có nhiều người suy luận rằng, nếu năm ngôi sao tượng trưng cho 5 dân tộc lớn ở Trung Quốc, ngôi sao lớn là Hán, 4 ngôi sao nhỏ là Hồi, Mông, Tạng, Mãn, thì phải chăng ngôi sao thứ 6 là…VN?) xuất hiện ngay trên đài truyền hình quốc gia VTV, cũng lá cờ 6 ngôi sao lại xuất hiện trong tay trẻ em VN khi đón tiếp ông Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm VN vào tháng 12.2011, hay việc những người lãnh đạo nhà nước Việt Nam cương quyết tổ chức kỷ niệm 1000 năm Thăng long-Hà Nội đúng vào ngày Quốc khánh nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa!
Những sự cố này chỉ có một cách hiểu, một cách giải thích duy nhất: ý thức nô lệ, nô dịch ngoại bang đã ăn vào máu, còn đứng về phía nhà nước VN, không thể trách người dân suy diễn là tận trong thâm tâm, nhà nước VN đã có ý muốn bán nước,tự nguyện dâng đất nước cho Trung Cộng, chấp nhận làm một tỉnh, khu tự trị của TQ để được yên thân, và giữ được chế độ.
Đừng trách học sinh, kể cả người lớn, nhiều người không hiểu rõ về những cuộc chiến tranh, sự mất mát của VN trước TQ, nhiều người khác vẫn thờ ơ bình chân như vại không quan tâm hoặc không biết cái gì đang xảy ra trên biển Đông.
Chính nhà nước này, hết ngày này qua ngày khác, đã tiêm vào đầu người dân một nỗi sợ vô hình đối với TQ. Đồng thời, lại không cung cấp, chuẩn bị đẩy đủ thông tin về lịch sử, chủ quyền cho người dân. Nếu ai có yêu nước cũng chỉ biết hô hào “Hoàng Sa Trường Sa là của VN” mà không được cung cấp đủ chứng cứ để mạnh miệng tranh luận khi gặp dịp, ngư dân ra khơi biết là vùng biển thuộc chủ quyển của VN nhưng cứ thấy tàu TQ là phải chạy vì không đủ sức đương đầu, khác nào thừa nhận biển đã thuộc về TQ.
Nhiều người hay tự hỏi khi nào thì TQ lại sẽ đánh VN? Nhưng cứ tình hình này thì TQ cũng chẳng cần đánh. Trên biển thì cứ lấn chiếm, khẳng định chủ quyền bằng những hành động thực tế, mặt khác, tiếp tục lũng đoạn về chính trị, kinh tế, buộc VN phải lệ thuộc ngày càng sâu vào TQ, mua chuộc các lãnh đạo VN, gài gián điệp vào hàng ngũ lãnh đạo, tướng tá…, về văn hóa xã hội thì cứ thâm nhập từ từ bằng mọi thủ đoạn tinh vi nhất, cộng với sự vô tình hay cố ý tiếp tay của nhà nước VN khi buông xuôi, bỏ trống trận địa tạo ra sự mù văn hóa, thiếu cảnh giác, sự thờ ơ vô cảm trong nhân dân từ đó dẫn đến vô số sự nhầm lẫn như tình cờ nhưng vô cùng tai hại. Lúc đầu thì sốc, sau thành quen, đến một lúc nào đó bí quá lãnh đạo VN có tuyên bố VN tự nguyện trở thành một khu tự trị của TQ thì người dân cũng không phải là quá ngạc nhiên!
Song Chi

No comments:

Post a Comment