Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, February 8, 2013

Thường thức cơ bản về Hiến pháp



Nguyễn Nghĩa650 (Danlambao) - Hiến pháp là khung luật cao nhất của nhà nước dân chủ nhân dân. Nhà nước đã là của dân, do dân làm chủ thì không cần đến bạo lực để trấn áp nhân dân. Một nhà nước cần đến "bạo lực cách mạng" để trấn áp "bạo lực phản cách mạng" là nhà nước là của riêng một giai cấp, giai cấp vô sản. Trường hợp này, nhà nước cộng sản Việt Nam không cần hiến pháp!...
*

Hiến pháp là khung luật cao nhất, qui định những nguyên tắc cơ bản nhất về quyền làm chủ của người dân đối với bộ máy nhà nước, đối với các lực lượng vũ trang... Hiến pháp cũng qui định phương thức quản lý quốc gia của chính phủ, nhà nước. Hiến pháp còn đề cao các quyền của con người đã đạt được trong cuộc đấu tranh của loài người cho những giá trị tự do, bình đẳng, bác ái. 

Bản hiến pháp đầu tiên của nhân loại là Hiến pháp Hoa Kỳ, xuất hiện hơn 200 năm về trước. 

Từ một thuộc địa của đế quốc Anh, với một xã hội mà quan hệ nô lệ còn nặng nề, với một tập hợp ô hợp các dân tộc khác nhau, không có lịch sử dài, Hiến pháp Hiệp chủng quốc Hoa Kỳ đã là nền tảng vững chắc để nhân dân Mỹ xây dựng một quốc gia riêng của mình, và sau hơn 200 năm trở thành cường quốc số 1 của thế giới về tất các lĩnh vực. 

Cũng từ một quốc gia phong kiến, thuộc địa của Thực dân pháp, nhưng là một quốc gia văn hiến 4000 năm, Hiến pháp dân chủ đầu tiên của Việt Nam 1946, đã không được các chính quyền cộng sản tôn trọng. 

Trong Hiến pháp 1946, ta thấy: 

- cũng tam quyền phân lập như Hiến pháp Hoa Kỳ, 
- cũng nguyên thủ quốc gia được phép tập trung quyền lực trong tay, cũng nhân dân làm chủ, 
- cũng nhân dân có quyền bình đẳng và được phép mưu cầu hạnh phúc cho mình... 

như trong Hiến pháp Hoa Kỳ. 

Nhưng rồi, do ham muốn độc quyền lãnh đạo, ĐCS VN đã phản bội tư tưởng dân chủ ban đầu của HP 1946. Họ đã làm ra những Hiến pháp phản dân chủ theo tinh thần: Dân chủ trên giấy, mà nô lệ trên thực tế.  Điều 4 của các hiến pháp và điều 88 của bộ luật hình sự, hay điều luật QH qui định cho ĐCS VN chiếm 90% số đại biểu QH... là những chứng minh cho nhận định này. 

Các Hiến pháp 1959, 1980, 1992 là những văn bản mang nặng nề dấu ấn của học thuyết cộng sản. Hậu quả là Việt Nam đã trở thành một quốc gia tồi tệ về nhân quyền, tồi tệ về tự do báo chí, tồi tệ về quyền phản biện xã hội, tồi tệ về quyền làm chủ nhà nước... và tồi tệ về phát triển kinh tế. 

Vì vậy thường thức cơ bản về hiến pháp là một điều rất cần thiết. Bài này sẽ dùng kiến thức phổ thông, để tiệm cận bạn đọc tới ý nghĩa chính của một hiến pháp. 

1. Những mâu thuẫn cơ bản trong các chế độ phong kiến, nô lệ. 

Chế độ phong kiến là chế độ văn minh đầu tiên do con người sáng tạo ra, với ý niệm rõ ràng về cương thổ, biên giới, văn hóa, phong tục... Tuy nhiên, ở Châu Âu cũng như ở Châu Á, chế độ phong kiến đã kéo quá dài (hàng nghìn năm). Đặc biệt, ở giai đoạn cuối, chế độ phong kiến đã cản trở tiến bộ của xã hội loài người trên con đường tiến hóa, khi nhà vua và tầng lớp quí tộc phong kiến hoàn toàn sa đọa, hưởng thụ mà không chăm lo cho hoạt động sản xuất của nhà nước. 

Đặc trưng cơ bản của chế độ phong kiến là: 

1.1 Nhà vua là chủ nhân của cả 1 quốc gia (chế độ phong kiến còn gọi là chế độ quân chủ). 

1.2 Tất cả mọi người dân, kể cả tầng lớp quí tộc phong kiến, mặc dù tầng lớp này được hưởng những đặc quyền, đặc lợi nhất định, cũng vẫn là nô lệ của nhà vua. 

Từ 2 mối quan hệ đặc trưng này, người dân lao động, những người thực sự làm ra của cải vật chất cho xã hội lại là những người được hưởng thành quả lao động ít nhất. Mâu thuẫn của người dân nô lệ với nhà vua, với tầng lớp quí tộc phong kiến là mâu thuẫn đối kháng của chủ nô với nô lệ, của kẻ bóc lột với người nô lệ bị bóc lột... Mâu thuẫn đối kháng này, trong xã hội phong kiến được kiềm chế bởi bạo lực đàn áp của nhà vua và những hình luật khắc nghiệt như điều luật cho phép nhà vua xử án tội âm mưu lật đổ bằng chu di cửu tộc ở Châu Á... 

Nhưng mâu thuẫn này luôn tồn tại cùng chế độ phong kiến như một lời nguyền độc địa không sao hóa giải được. Cứ mỗi khi sự bất bình trong xã hội dâng cao, cứ mỗi khi sự đàn áp của chính quyền trung ương bị lơi lỏng, cứ mỗi khi chính quyền trung ương bị suy yếu do tham nhũng... thì lúc đó lại nổ ra khởi nghĩa, lại nổ ra nội chiến... 

Vì không có những lý giải lý thuyết về một nhà nước kiểu mới, kết cục của mọi cuộc khởi nghĩa của nhân dân lao động hay các cuộc đảo chính cung đình trong chế độ phong kiến, cũng chỉ lại là một triều đại phong kiến mới, với một nhà vua mới xuất hiện. Một vài ban thưởng mị dân về thuế. Bình công, thưởng công cho lớp người đóng góp cho thành công lật đổ dòng họ vua trước. 

Chế độ phong kiến cứ như vậy tồn tại hàng trăm năm. 

2. Sự ra đời của hiến pháp. 

Nhưng lịch sử loài người đã sang trang khi Tuyên ngôn độc lập Mỹ ra đời năm 1779 "khẳng định một chân lý hiển nhiên rằng mọi người sinh ra đều bình đẳng, rằng tạo hóa đã ban cho họ những quyền tất yếu và bất khả xâm phạm, trong đó có quyền sống, quyền được tự do và mưu cầu hạnh phúc - Rằng để đảm bảo cho những quyền lợi này, các chính phủ được lập ra trong nhân dân và có được những quyền lực chính đáng trên cơ sở sự nhất trí của nhân dân, rằng bất cứ khi nào một thể chế chính quyền nào đó phá vỡ những mục tiêu này, thì nhân dân có quyền thay đổi hoặc loại bỏ chính quyền đó và lập nên một chính quyền mới, đặt trên nền tảng những nguyên tắc cũng như tổ chức thực thi quyền hành theo một thể chế sao cho có hiệu quả tốt nhất đối với an ninh và hạnh phúc của họ." 

Trong cuộc Cách mạng Cộng hòa Pháp, dưới ngọn cờ Bình đẳng-Tự do-Bác ái, ngày 4 tháng 8 năm 1789, Quốc hội lập hiến Cộng hòa Pháp đã bãi bỏ chế độ phong kiến, dẹp bỏ cả các quyền của lãnh chúa của Đẳng cấp thứ hai và các loại thuế thập phân của Đẳng cấp thứ nhất. Trong vòng vài giờ, các quý tộc, tăng lữ, các thị trấn, tỉnh lỵ, các công ty và các thành thị mất đi quyền ưu tiên ưu đãi của mình.(xem [1]) 

Nhân dân Mỹ đã xóa bỏ một nhà nước thuộc địa, chủ nô. 

Nhân dân Pháp đã xóa bỏ một nhà nước phong kiến. 

Những người lãnh đạo các cuộc cách mạng tại Mỹ và Pháp đều nhận thấy rằng: Chính tất cả những người nhân dân lao động mới là những người làm ra của cải vất chất cho xã hội. Thế nhưng họ lại là những người không có tự do, bị bóc lột thậm tệ và bị làm nô lệ. 

Giải phóng những người dân nô lệ, trả cho họ quyền làm chủ đất nước là thông điệp cao cả của các cuộc các mạng Pháp, Mỹ. Một nhà nước dân chủ mới đã ra đời ở Mỹ, và dần dần ở Pháp. Nhu cầu có một bộ luật mới, bộ luật của nhà nước dân chủ nhân dân là cấp bách. 

Hiến pháp đã ra đời trong khung cảnh như vậy. 

3. Nhà nước dân chủ. 

Khác với nhà nước phong kiến, nhà nước dân chủ là nhà nước do nhân dân lao động làm chủ, thông qua những đại diện của mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội. Những đại biểu quốc hội này được bầu qua một cuộc bầu cử tự do, phổ thông. Vì nhân dân lao động lúc này trở thành những chủ nhân ông của nhà nước, mâu thuẫn chủ nô (nhà vua và tầng lớp quí tộc phong kiến) và người dân nô lệ của chế độ phong kiến bị hóa giải. 

Trong xã hội dân chủ không còn mâu thuẫn đối kháng. Toàn thể nhân dân tình nguyện tuân thủ những bộ luật chi tiết, được hình thành trên cơ sở Hiến pháp. Như vậy trong nhà nước dân chủ nhân dân, nguồn gốc bất bình đẳng, nguồn gốc tạo nên căng thẳng xã hội do phân chia của cải không công bằng (người nô lệ làm ra của cải lại không được hưởng của cải ấy)... đã bị loại bỏ. Hệ quả là những căn nguyên dẫn đến khởi nghĩa, nội chiến bị hóa giải. Đất nước dân chủ sẽ dành tất cả nghị lực và trí thông minh xây dựng một chế độ xã hội sung túc và ngày càng bình đẳng hơn. Những mâu thuẫn về lợi ích kinh tế, lợi ích chính trị... sẽ được giải quyết thông qua các bộ luật hình sự... 

Ở đây ta có thể phê phán CNCS của C.Mác. 

Mác đã sai lầm khi cho rằng trong xã hội tư bản, mâu thuẫn giữa Chủ nhà máy và Người công nhân làm thuê là mâu thuẫn đối kháng. Mâu thuẫn này chỉ là đối kháng trong chế độ phong kiến hay lúc giao thời giữa chế độ tư bản và phong kiến, nghĩa là nó chỉ là mâu thuẫn đối kháng khi Người làm thuê là nô lệ, là một đồ vật biết đi thuộc sở hữu của Ông chủ. Mác đã không hiểu rằng, chế độ tư bản luôn tiến hóa và đã trở thành chế độ dân chủ. 

Tại chế độ dân chủ nhân dân, Người làm thuê khi nhận ra mình bị bóc lột nặng nề, họ có thể từ chối ký tiếp hợp động lao động và chuyển sang những cơ sở sản xuất khác theo ý muốn của mình. Lúc này mâu thuẫn của Ông chủ- Người làm thuê là có thể hóa giải được bằng thương lượng, hay từ chối ký tiếp tục hợp đồng lao động. 

Như vậy Mác đã sai lầm khi coi thường chế độ dân chủ do người Mỹ đang đề xướng ở bên kia bờ đại dương (Tuyên ngôn độc lập Mỹ 1776). Từ nhận xét sai lầm về mâu thuẫn Ông chủ- Người công nhân là đối kháng, Mác đưa ra lý thuyết cách mạng vô sản mà thực tế là một cuộc khởi nghĩa có tính toàn cầu. Sau này Lê Nin còn kèm thêm chuyên chính vô sản để đè bẹp phản kháng của nhân dân. Như vậy CNCS do Mác và Lê Nin đề nghị, thực chất chính là sự nối dài, hay còn được gọi là "Sự trở lại chế độ phong kiến dưới những tên gọi khác". Ta sẽ thấy trong chế độ cộng sản, chu kỳ khởi nghĩa, chu kỳ nội chiến lại sẽ xảy ra như trong chế độ phong kiến. 

Một trong những giá trị cơ bản của con người trong chế độ dân chủ nhân dân là quyền được tư hữu. 

Hàng nghìn năm, từ chế độ nô lệ đến chế độ phong kiến, người nô lệ làm ra của cải vật chất lại không được làm chủ những thành phẩm của mình. Những ông chủ của họ và nhà vua mới là những người có quyền tích lũy tài sản, mới là những người có quyền tư hữu. Con người trải qua hàng triệu năm tiến hóa, luôn có quyền tìm mồi và sở hữu mồi vừa tìm được. Đây là qui luật sinh tồn, không ai có thể tước đi của họ. 

Nhưng chế độ nô lệ, phong kiến đã tước đi của người dân lao động quyền tư hữu thiêng liêng này. 

Những lãnh tụ của nước Mỹ độc lập đã, đầu tiên, trả lại cho công dân Mỹ quyền tư hữu thiêng liêng. Nhờ nó, chỉ hơn 200 năm sau, từ một đất nước nghèo về lịch sử, ô hợp về chủng tộc, bất bình đẳng với quan hệ phân biệt chủng tộc nặng nề trong xã hội,... Hoa Kỳ đã trở thành quốc gia giàu có và văn minh nhất hoàn cầu. 

4. Những giá trị cơ bản mà hiến pháp phải có. 

Một bản hiến pháp của nhà nước dân chủ nhân dân trước hết phải công nhận những nhân quyền, mà loài người đã đạt được, cho công dân của nước mình. Đấy là quyền tự do, quyền bình đẳng, quyền bác ái, quyền tư hữu, quyền mưu cầu hạnh phúc... do Cách mạng Hoa Kỳ, Cách mạng Pháp... đem lại. Đấy là Nhân quyền, Quyền con người đã được LHQ phổ cập trong Tuyên ngôn của mình 1953. 

Những quyền này chỉ có thể chi tiết thêm trong hoàn cảnh của quốc gia, chứ không thể bị loại bỏ bớt bất cứ một điểm nào. Thí dụ nội dung quyền tự do hôm nay là phải có Tự do internet, tự do hoàn toàn, không kiểm duyệt. 

Quyền làm chủ của nhân dân lao động phải thể hiện trên tất cả mọi lĩnh vực trong hiến pháp. Một điểm trong quyền làm chủ là quyền được phép thành lập các đảng phái chính trị để tham gia điều hành nhà nước. 

Yêu cầu duy nhất đòi hỏi các đảng phái chính trị là tuân thủ nguyên tắc bất bạo lực, phải tôn trọng không điều kiện các kết quả của bầu cử phổ thông. 

Do là bộ luật khung, hiến pháp phải có tính logic, chặt chẽ. Thí dụ, trong Hiến pháp 1992, Điều 2: "Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức."  là một điều luật không logic, không hợp lý. 

Khẳng định "là nhà nước của nhân dân", do không có tính từ kèm theo, được hiểu: là nhà nước của toàn bộ nhân dân Việt Nam. Thế nhưng câu tiếp theo: "Tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và tầng lớp trí thức." Câu này có nghĩa là: Tất cả quyền lực của Nhà nước chỉ thuộc về một bộ phận nhân dân, những người công nhận liên minh công nông làm nền tảng chính trị. Như vậy, bộ phận nhân dân không coi liên minh công nông làm nền tảng đã bị loại trừ. 

Đây là phá bỏ tính logic của điều luật. 

Tương tự như phân tích trên, Điều 4 trong Hiến pháp 1992 đã phá bỏ Điều 2 của chính bản hiến pháp, điều khẳng định quyền làm chủ của nhân dân. Lý do là quyền làm chủ thể hiện ở quyền có quyền lựa chọn. Khi tước đi của nhân dân quyền lựa chọn để bầu cho chương trình điều hành nhà nước của các chính đảng không cộng sản, người dân đã bị ĐCS VN tước đi quyền làm chủ. 

3. Các mẫu hình nhà nước. 

3.1 Mẫu hình kinh tế 

Hiện nay, thế giới, tựu trung lại, có 2 mẫu hình nhà nước: 

1. Nhà nước trực tiếp làm kinh tế thông qua điều hành trực tiếp các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia. 

2. Nhà nước gián tiếp điều kiển các công ty tư nhân nắm các ngành kinh tế quan trọng của quốc gia, thông qua số lượng cổ phiếu. 

Việt Nam đang theo mẫu hình 1 và đang thất bại thảm hại. Các nước dân chủ tiên tiến như Hoa Kỳ ở mẫu hình 2. 

3.2 Mẫu hình điều hành. 

Trong nhà nước dân chủ nhân dân, các đảng chính trị sẽ thay nhau điểu khiển nhà nước khi thắng cử. Do đó, mỗi cơ quan nhà nước phải có 2 bộ phận: 

- Bộ phận cứng. 

- Bộ phận mềm. 

Bộ phận cứng gồm các chuyên viên không đảng phái, nắm vững luật điều hành của cơ quan mình. Về nguyên tắc, bộ phận này không thay đổi khi các đảng nắm quyền điều hành nhà nước thay đổi. 

Bộ phận mềm là bộ phận cao cấp, là những đảng viên của đảng cầm quyền trực tiếp chỉ đạo cơ quan theo cương lĩnh chính trị của đảng cầm quyền. Bộ phận này sẽ bị thay đổi, khi đảng đương quyền thất bại trong bầu cử. 

Kết luận. 

Hiến pháp là khung luật cao nhất của nhà nước dân chủ nhân dân. Nhà nước đã là của dân, do dân làm chủ thì không cần đến bạo lực để trấn áp nhân dân. Một nhà nước cần đến "bạo lực cách mạng" để trấn áp "bạo lực phản cách mạng" là nhà nước là của riêng một giai cấp, giai cấp vô sản. Trường hợp này, nhà nước cộng sản Việt Nam không cần hiến pháp. 

Nhà nước chuyên chính vô sản là nhà nước phong kiến trá hình, khoác áo dân chủ. Nhà nước này chỉ cần các "chế", các "dụ" của TBT, của BCT, của TW Đảng, của ĐCSVN. Việc ĐCS VN sửa đổi hiến pháp chỉ là những việc làm dối trá. Họ không tôn trọng hiến pháp. Hiến pháp chỉ là để đối ngoại, để mị dân. Các điều khoản làm chủ của nhân dân chỉ có trên giấy trắng. 

Thực tế là ĐCSVN liên tục tước đoạt quyền làm chủ của nhân dân Việt Nam một cách có hệ thống, có kế hoạch. Trường hợp này thảo luận về hiến pháp là dân chủ trá hình. Tuy nhiên, sự hiểu biết về hiến pháp chính là dân trí. Góp ý phê phán bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng là một việc cần làm, tuy biết rằng lại là vô ích. 



_____________________________

Tham khảo:
[1]. Wikipedia. Cách mạng Pháp. 
Chia sẻ bài viết:

No comments:

Post a Comment