Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, February 24, 2013

Bên Giòng Lịch Sử 1940 – 1965 Hồi Ký Lm. Cao Văn Luận: Chương 13 & 14


Lịch sử cận đại vì lý do chính trị nên sự kiện ghi lại cũng không trung thực và theo cách nhìn của người Viết . Trang nhà http://ww.vietquoc.org nhận thấy cuốn Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965 của Linh Mục Cao Văn Luận , Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang được tính khách quan và trung thực, vậy xin đưa lên để độc giả thưởng thức. Sau đây là Chương 13 & 14-
Chương 13: Lần thứ ba, cụ Hồ nói rõ phải đánh Tây nếu…

Linh Mục Cao Văn Luận
Từ ngày 11 tháng 9, gần như suốt ngày, có lúc lẫn sang đêm, cụ Hồ đã đến gặp ông Marius Moutet, bộ trưởng bộ Thuộc Địa Pháp. Trong những ngày cuối cùng ở Pháp này cụ Hồ lúc nào mặt cĩng có vẻ buồn rầu, đau khổ, trầm ngâm. Những Việt kiều thỉnh thoảng gặp cụ không mấy lúc thấy cụ cười nữa. Trong khoảng thời gian này, chúng tôi và một số Việt kiều khá đông nhận được thiếp mời của cụ Hồ, mời dự một buổi tiếp tân ở nhà ông Raymond Aubrac. Hầu hết những Việt kiều tôi quen biết đều được giấy mời. Những người trong nhóm quen biết với tôi không mấy ai giàu, cho nên cùng hẹn chung nhau đi chuyến xe buýt. Lúc chúng tôi đến khoảng 4 giờ chiều, thì số Việt kiều có mặt rồi khá đông, có khoảng vài trăm người. Tôi cứ ngại là sau hai lần gặp gỡ cụ Hồ, lần nào tôi cũng lên tiếng cãi lại cụ, lần này có thể cụ sẽ bực mình với tôi. Nhưng điều tôi không ngờ, là cụ Hồ niềm nở với tôi như trước. Cụ đón chúng tôi ngay gần cổng vào vườn. Buổi tiếp tân tính tổ chức trong vườn, cho nên tôi đã thấy bàn ghế kê sẵn, đèn mắc sẵn, trên các nhành cây, bụi hoa. Cụ Hồ bắt tay tôi, rồi khoác vai tôi kéo vào một chiếc ghế đôi trong vườn. Tay cụ vẫn bá vào vai tôi, có lúc cụ vòng tay lại trước ngực tôi, mân mê những nút áo, và bàn tay gầy guộc của cụ đã đụng vào má, vào cằm tôi. Cử chỉ thân mật này, nếu ở bất cứ một người nào khác, chắc là tôi không chịu, nhưng ở cụ Hồ thì tôi thấy nó tự nhiên quá, và không có lý do gì để tôi từ chối cả. Anh em vây quanh cụ Hồ, phần nhiều là những thành phần trí thức trong đó có những người quen nhiều với tôi hỏi han tình hình, kết quả hội nghị Fontainebleau. Tôi thấy mặt cụ Hồ thoáng sậm lại, vừa buồn, vừa chua chát, vừa căm hận. Nhưng rồi cụ mỉm cười liền được. Cụ trả lời bông đùa, mập mờ, đại ý rằng thành công hay thất bại chẳng quan trọng gì cho lắm, thua keo này ta bày keo khác. Lúc đó khoảng 5 giờ chiều. Vài giọt mưa bắt đầu rơi xuống. Mọi người kéo nhau vào trong nhà. Cụ Hồ vẫn đặt tay trên vai tôi, kéo tôi vào phòng khách. Phòng khách tuy rộng nhưng cũng khó chứa hết vài trăm người, nếu mỗi người đều phải có ghế ngồi. Cụ Hồ lên tiếng yêu cầu mọi người dẹp ghế vào sát tường rồi ngồi bệt xuống nền nhà cho tiện. Cụ kéo tôi ngồi xuống trước nhất. Tôi thấy không có gì để nói. Các anh em Việt kiều liên tiếp hỏi cụ, bây giờ hội nghị Fontainebleau kể như thất bại rồi, cụ tính sao? Cụ Hồ trả lời nước đôi, cố tình giấu diếm điều gì đó: – Hội nghị vẫn tiếp tục. Chúng ta có tục ngữ: còn nước còn tát mà. Nhưng nếu hội nghị thất bại, chúng ta sẽ liệu đối phó. Một anh em Việt kiều hỏi. – Thưa cụ chủ tịch, nước Pháp có binh hùng tướng mạnh, vũ khí tối tân, chúng ta lấy gì để đánh Pháp, và đánh như vậy thì hy vọng gì mà đánh? Cụ Hồ nhìn thẳng mọi người, giọng cương quyết: – Chúng ta có nhân dân, nếu nhân dân quyết tâm đánh, thì dù Pháp mạnh đến mấy cũng phải thua. Tất nhiên là không ai muốn chịu cảnh chiến tranh, vì thắng hay bại thì cũng phải thiệt hại nhiều. Nhưng một khi thương thuyết không kết quả, thì chúng ta không còn cách gì khác. Cụ Hồ có lẽ để tránh những câu hỏi lắc léo, hoặc vì một lý do nào đó tôi không được biết, cụ đứng lên đi vào nhà trong. Vài phút sau, cụ trở ra và vẫn ngồi xuống cạnh tôi. Một gia nhân đi theo đến trước mặt tôi: – Thưa cha, bà chủ mời cha vào có chuyện muốn thưa với cha. Tôi theo gia nhân vào một phòng khách nhỏ, lối phòng khách phụ nữ, bà Lucie Aubrac đứng lên bắt tay tôi, tươi cười mời tôi ngồi: – Hôm nay tôi rất sung sướng thấy các linh mục, những nhà trí thức Việt Nam như các ông Trần Đức Thảo, Phạm Huy Thông cùng đến dự cuộc tiếp tân của cụ Hồ. Tôi thấy đây là một triệu chứng tốt tỏ rõ dân tộc Việt Nam không phân biệt tôn giáo, giai cấp đã đoàn kết sau cụ Hồ. Sau vài câu chuyện phiếm, bà Aubrac xin chụp hình tôi làm kỷ niệm. Tôi nhận thấy bà có một dụng ý nào đó, nên ngần ngại. – Thưa bà, hình một thầy tu như tôi thì có ra gì đâu, xin bà khỏi phải chụp làm gì. Bà Aubrac có vẻ muốn chụp cho được hình tôi. – Thưa cha, ít khi chúng ta có dịp gặp gỡ như thế này, tôi chỉ muốn xin chụp hình cha làm kỷ niệm. Tôi đã thấy hai chiếc máy hình, loại máy hình lớn, có chân lớn ba càng trên phủ tấm vải đen của các thợ chụp hình chuyên môn thời đó. Tôi vẫn từ chối: – Nếu bà chụp hình để làm kỷ niệm, bỏ vào Album gia đình thì dù không thích tôi cũng không dám từ chối, nhưng nếu bà chụp hình để ngày mai hình tôi lên báo L’humanité kèm theo một bài bình luận đại khái nói rằng linh mục Luận ủng hộ lập trường cụ Hồ hết mình, thì tôi xin bà cho phép tôi từ chối. Bà Aubrac vẫn tươi cười: – Nếu cha đã không bằng lòng cho lên báo, thì chúng tôi sẽ giữ làm kỷ niệm trong gia đình vậy. Thợ chụp hình ngắm nghía, chụp riêng tôi vài bô, chụp tôi đứng chung với bà Aubrac vài bô. Tôi ra phòng ngoài, đứng ở một góc hơi xa cụ Hồ. Hình như cụ vẫn chờ tôi ra nên vừa thấy tôi, cụ đã bước lại gần, kéo tôi ngồi xuống bên cạnh như trước. Cụ có vẻ thân mật, tha thiết hơn: – Tôi sắp về nước, nhân tiện chú nên viết một bức thư gửi các giám mục, các giáo sĩ bên nước nhà, các vị sẽ mừng vì thấy các vị linh mục trẻ bên Pháp đã hiểu và ủng hộ lập trường của chính phủ ta.
Chương 14: Hồ Chí Minh yêu cầu tôi viết một lá thơ…
Từ sau lần gặp gỡ thứ hai, cụ Hồ đã quen gọi tôi là chú, khi thì gọi là linh mục. Vẫn theo thói quen, tay cụ vẫn mân mê những nút áo chùng thâm của tôi, những chiếc nút có bọc vải bên ngoài, và khá lớn. Tôi dè dặt: – Thưa cụ chủ tịch, bên nước nhà có đến 14, 15 vị giám mục, bây giờ tôi biết viết thư cho ai? Vả lại khi tôi rời nước nhà đi du học thì còn trẻ tuổi, không có hân hạnh thân thiết với các ngài cho lắm. Cụ Hồ có vẻ trầm ngâm, suy nghĩ, tìm tòi một lúc, rồi cụ làm ra vẻ mừng rỡ như đã khám phá được điều quan trọng: – Chú hãy viết thư cho Đức cha Lê Hữu Từ được rồi. Ngài là cố vấn tối cao của chính phủ ta, và cũng là bạn thân của tôi, tôi sẽ đưa tận tay ngài. Tôi đã hiểu cái dụng ý chính trị của cụ Hồ trong việc này, cho nên tôi muốn từ chối khéo léo: – Thưa chủ tịch, tôi được giấy mời đến đây dự tiệc tiễn đưa cụ chủ tịch, không có chuẩn bị chi cả, nên bây giờ cụ chủ tịch bảo viết thư, tôi chẳng biết viết thế nào cả. Vả lại tối nay sau khi từ biệt cụ chủ tịch tôi phải đáp xe hỏa đi Louvain ngay, thuyết trình tại một đại hội truyền giáo ở đó. Ở đây có ông Trương Công Cừu, Tổng thư ký hội Việt kiều công giáo Ba-Lê, để ông Cừu viết thư cũng được vậy. Cụ Hồ cau mày, có vẻ phật ý: – Linh mục, hay một linh mục nào khác viết thư thì mới có giá trị, chớ một giáo dân thì không ích lợi gì. Tôi hẹn lại: – Nếu vậy để tôi về thưa lại với các cha khác, và có thể họ sẽ viết thư về rồi trao cho cụ chủ tịch sau. Câu chuyện về lá thư tạm kết thúc ở đây, và cụ Hồ không nhắc lại nữa. Tôi đi Louvain nên không dự buổi tiếp tân đến cuối được. Tôi kiếu từ ra về sớm hơn các người khác. Cụ Hồ tiễn tôi đến cửa phòng khách, bắt tay, tươi cười, và mời tôi về nước. Những điều tôi viết ra về Hồ Chí Minh, một phần qua những lần tiếp xúc trực tiếp giữa tôi với cụ Hồ, một phần do những câu chuyện, những tin tức mà tôi được biết đến thời bấy giờ, và tôi không dám nói là tôi biết nhiều hơn các sử gia. Sau này tôi không còn gặp lại cụ Hồ một lần nào. Năm 1947 tôi về nước, có tìm cách trở vào địa phận Vinh, lúc bấy giờ thuộc kiểm soát của chính phủ kháng chiến Việt Minh, nhưng vì không thể bắt liên lạc với các bậc thẩm quyền địa phận Vinh cho nên tôi phải lưu lạc Hà Nội, rồi vào Huế và từ Huế tôi ra Hương Phương, Hòa Ninh ở lại mấy tháng. Tình hình lúc bấy giờ làm tôi thay đổi ý định, vì biết rằng dù có ra Xã Đoài, tôi cũng không giúp ích gì được. Lúc bấy giờ trong vùng Việt Minh kiểm soát, phong trào đàn áp công giáo tuy chưa lộ liễu, nhưng đã bắt đầu, và nhiều làng công giáo đã tách rời để thành lập những khu biệt lập, bên ngoài dựa theo Pháp, nhưng thực tâm không mong gì hơn là được sống yên lành.
(Còn tiếp tuần tới)

No comments:

Post a Comment