Gia Minh, biên tập viên
Không giới hạn thời gian góp ý
Tương tự kiến nghị đáng chú ý của nhóm 72 nhân sĩ, trí thức đóng góp bảy điểm chính cho bản hiến pháp sửa đổi lần này của Việt Nam, bản kiến nghị mới được đưa ra lấy chữ ký của các sinh viên và cựu sinh viên luật tại Việt Nam cũng nêu ra hai điểm. Thứ nhất là bãi bỏ thời hạn góp ý sửa đổi Hiến pháp.
Lý do được nêu ra là với thời hạn chỉ kéo dài từ đầu tháng giêng cho đến cuối tháng ba năm nay để đóng góp cho một vấn đề hệ trọng là sửa đổi hiến pháp như thế là bất hợp lý. Nếu có những ý kiến được đưa ra ngoài thời hạn nói trên trở nên không có giá trị; tức cơ hội của người dân bị hạn chế. Theo những người soạn thảo kiến nghị thì quyền lập hiến là quyền tự nhiên của người dân; họ có quyền góp ý sửa đổi cho đến khi hiến pháp được thông qua trên cơ sở phản ánh được ý chí và nguyện vọng của nhân dân.
ĐCSVN chọn thời điểm lấy ý kiến của người dân là không thích hợp. Vì điều đó nên các bạn sinh viên luật đã có kiến nghị phải hủy bỏ thời gian đó hay cần phải kéo dài ra.LS Nguyễn Văn Đài
Một lý do nữa để bãi bỏ thời hạn ba tháng góp ý sửa đổi hiến pháp vừa qua là vì trong thời gian qua có những ngày lễ Tết, mọi người rất bận rộn nên khó có thể dành thời gian và toàn tâm toàn ý cho việc góp ý sửa đổi hiến pháp.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, một người lên tiếng ủng hộ bản kiến nghị của các sinh viên, cựu sinh viên luật bày tỏ quan điểm của ông về điểm này như sau:
“Đảng Cộng sản Việt Nam chọn thời điểm lấy ý kiến của người dân là không thích hợp. Họ chọn một thời điểm là Tết cổ truyền mà người dân Việt Nam trước và sau Tết rất bận rộn vì họ cần thời gian để chuẩn bị và thăm hỏi gia đình, đi lễ đầu năm nên người dân rất ‘xao nhãng’ với những vấn đề chính trị, xã hội của đất nước. Điều đó sẽ không đem lại kết quả tốt đẹp cho một bản hiến pháp. Vì điều đó nên các bạn sinh viên luật đã có kiến nghị phải hủy bỏ thời gian đó hay cần phải kéo dài ra. Đó là một kiến nghị rất tốt.”
Hiến pháp phải được trưng cầu dân ý
Giải thích về thông lệ này của nhiều nước trên thế giới, luật sư Nguyễn Văn Đài cho biết:
“Theo nguyên tắc của các nước dân chủ trên thế giới thì khi các vấn đề hệ trọng của đất nước như các vấn đề về chính trị, kinh tế, ngoại giao… quan trọng thì họ đều trưng cầu dân ý để lấy ý kiến của đa số người dân. Nếu đa số người dân biểu quyết thì chính phủ hay quốc hội nước đó mới thông qua cuối cùng; còn nếu như đa số phản đối họ phải từ bỏ những chính sách hay đường lối như vậy.
Còn ở Việt Nam, ngay từ trong hiến pháp năm 1946 cũng đã quy định người dân có quyền phúc quyết hiến pháp hay những vấn đề hệ trọng của đất nước; nhưng cho mãi đến tận sau này, trong suốt gần 70 năm cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, chưa bao giờ được hưởng quyền phúc quyết. Tất cả mọi vấn đề đều do Đảng Cộng sản Việt Nam quyết định, người dân chỉ phải thực hiện mọi quyết định của họ. Điều đó trái ngược với hiến pháp Việt Nam vì Hiến pháp Việt Nam quy định ‘chính quyền là của dân, do dân và vì dân; mọi quyền lực Nhà nước đều thuộc về nhân dân’.
Cho nên khi xây dựng một Nhà nước dân chủ thì người dân là người quyết định mọi vấn đề và đảng cầm quyền hay chính phủ có nghĩa vụ phải thi hành mọi quyết định của người dân. Nhưng điều đáng tiếc là ở Việt Nam, người dân mang tiếng có quyền lực lớn nhất nhưng cuối cùng chẳng có quyền gì cả mà lại phải thực hiện những đường lối, chính sách hết sức sai trái do Đảng Cộng sản đưa ra trong suốt nhiều thập niên vừa qua.”
Tinh thần hợp hiến
Tác giả cho rằng những người kiến nghị về việc sửa đổi hiến pháp năm 1992 của Việt Nam, không phải là những người ngây thơ về chính trị vì lý do họ đều biết không dễ gì những người cầm quyền hiện nay sẽ tiếp thu tất cả những ý kiến góp ý để rồi thay đổi theo chiều hướng tôn trọng mọi quyền lợi của người dân trong bản hiến pháp mới. Nếu làm thế những người cầm quyền sẽ mất đi biết bao đặc quyền, đặc lợi mà họ đang có. Tuy nhiên, theo tác giả Nguyễn Anh Tuấn thì thông qua hoạt động bàn bạc góp ý cho một bản hiến pháp sẽ mang lại ‘tinh thần hợp hiến’. Tác giả cho rằng ‘tinh thần hợp hiến’ được đặc trưng bởi sự chế ước quyền lực Nhà nước bằng pháp luật, tập quán, và các giá trị xã hội.
Theo tác giả thì đó là cơ hội tốt. Khi người dân thảo luận, bàn bạc về hiến pháp từ đó sẽ giúp tinh thần hợp hiến lan tỏa trong xã hội. Đó là hướng tiến đến xây dựng một nền văn hóa chính trị hiện đại cho Việt Nam.
Để xây dựng một chế độ dân chủ, cần phải có những con người có hiểu biết về dân chủ, nhân quyền thì mới có thể xây dựng xã hội dân chủ. Nếu đa số người dân không hiểu biết gì cả, chỉ có một nhóm người thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước chúng ta.LS Nguyễn Văn Đài
Luật sư Nguyễn Văn Đài có ý kiến về điều này:
“Anh Tuấn là người tốt nghiệp Học viện Hành chính Quốc gia nên anh rất hiểu về cơ cấu hay thể chế của Việt Nam. Anh viết bài viết đưa ra những quan điểm rất phù hợp bởi vì đa phần người dân Việt Nam lâu nay không quan tâm đến chính trị không phải họ không muốn, nhưng bởi vì chính quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam khi lên nắm quyền Nhà nước họ luôn luôn gây áp lực hay cưỡng bức người dân đến mức độ họ không dám quan tâm đến chính trị.
Vấn đề chính trị tại Việt Nam dường như là vấn đề riêng của Đảng Cộng sản, không phải là vấn đề của người dân, của đất nước nữa; cho nên việc đưa ra kiến nghị của 72 nhân sĩ trí thức, hay kiến nghị của các bạn sinh viên và cựu sinh viên luật này sẽ tạo ra một sinh hoạt chính trị, tạo ra một tâm lý rằng đã đến lúc mọi người dân phải quan tâm đến vấn đề chính trị của đất nước, vì đó là quyền lợi của họ.
Để xây dựng một chế độ dân chủ, cần phải có những con người có hiểu biết về dân chủ, nhân quyền thì mới có thể xây dựng xã hội dân chủ. Nếu đa số người dân không hiểu biết gì cả, chỉ có một nhóm người thì điều đó sẽ không bao giờ xảy ra trên đất nước chúng ta. Cho nên những lời kêu gọi hay kiến nghị liên quan đến hiến pháp hay thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam rất quan trọng trong giai đoạn hiện nay, giúp cho người dân ngày một quan tâm hơn đến những quyền chính trị của họ trong đất nước này.”
Nhóm soạn thảo kiến nghị về việc sửa đổi hiến pháp năm 1992 để kêu gọi các sinh viên và cựu sinh viên luật ký tên trong thư ngỏ nêu rõ ‘tính thiêng liêng của Hiến Pháp không cho phép bất cứ một sự bất cẩn nào và đòi hỏi phải huy động trí tuệ của toàn xã hội’.
Cho đến lúc này đã có một số kiến nghị đáng chú ý như kiến nghị của nhóm 72 nhân sĩ, trí thức, nhóm ‘Cùng viết Hiến Pháp’ do giáo sư Ngô Bảo Châu khởi xướng, kiến nghị vừa nêu… cũng như một số góp ý của nhiều người trong và ngoài nước quan tâm.
No comments:
Post a Comment