Đông Nam Á là một thị trường vũ khí rất “mở” so với những nơi khác trên thế giới, như Trung Đông, không thiếu người bán, mà cũng đầy người mua. Đó là nhận định của ông Richard Bitzinger, một nhà nghiên cứu cao cấp tại Trường Quan hệ Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, được nhật báo Hồng Kông South China Moring Post trích dẫn trong số báo ra ngày hôm nay, 09/02/2013. Các nước Đông Nam Á hiện đang gia tăng trang bị vũ khí để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc.
Tờ báo Hồng Kông South China Moring Post nhắc lại là hai chiếc tàu ngầm hạng Kilo do Nga xây dựng đã sẵn sàng để được giao cho Việt Nam vào cuối năm nay và các kỹ thuật viên Ấn Độ hiện đang huấn luyện cho các thủy thủ đoàn Việt Nam để điều khiển hai tàu ngầm đó.
Philippines thì cũng đang chuẩn bị ký hợp đồng mua chiến đấu cơ phản lực từ Hàn Quốc và sẽ tiếp nhận ba chiếc trực thăng từ Ý để tăng cường lực lượng Hải quân.
Nhưng các nước Đông Nam Á không muốn chỉ phụ thuộc vào một nguồn cung cấp vũ khí duy nhất, mà nước nào cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn cung cấp, như trường hợp của Việt Nam.
Hà Nội đã quay sang Matxcơva, đồng minh của thời chiến tranh lạnh, để đặt mua những vũ khí “cao cấp”, như các hộ tống hạm, chiến đấu cơ phản lực Sukhoi, cũng như tàu ngầm hạng Kilo. Nhưng Việt Nam cũng trang bị các tên lửa đối hạm của Ấn Độ, đồng thời đang nhắm đến nhiều nước châu Âu, đặc biệt là Pháp, để tìm mua chiến hạm và rađa. Theo tờ South China Morning Post, Hà Nội cũng đang cố vận động Washington bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí của Mỹ.
Đại diện của một công ty vũ khí lớn của Hoa Kỳ cho biết họ rất quan tâm đến thị trường Việt Nam, nhưng các giới chức Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng, cần phải có những cải thiện về nhân quyền ở Việt Nam, thì Washington mới có thể bãi bỏ lệnh cấm vận vũ khí đối với Hà Nội.
Về phần Philippines, mặc dù là đồng minh thân cận của Washington và đã ký hiệp ước an ninh với Mỹ từ cách đây nhiều thập niên, nhưng trong thời gian dài, các lãnh đạo Manila đã không quan tâm đến viện hiện đại hóa quân đội, chỉ trông chờ vào nguồn thiết bị quân sự dư thừa của Hoa Kỳ. Nhưng nay, trong bối cảnh tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung Quốc ngày càng gay gắt, tổng thống Benigno Aquino nhất quyết tăng cường khả năng phòng thủ cho Philippines.
Hợp đồng 443 triệu đôla mua các chiến đấu cơ phản lực FA-50 sẽ giúp cho Philippines lần đầu tiên thật sự có một khả năng tấn công trên không. Các chiến đấu cơ này cũng sẽ là phương tiện tập luyện lý tưởng cho những phi công sẽ lái các chiến đấu cơ tối tân hơn F-16 của Mỹ, mà Philippines cũng sẽ mua.
Ngoài những thiết bị nói trên, Philippines cũng sẽ mua 10 tàu tuần duyên của Nhật Bản trong khuôn khổ một hiệp định viện trợ và cũng đang đàm phán với nhiều nước khác. Các nhà phân tích quân sự còn đặc biệt chú ý đến sự kiện một đoàn chiến hạm của Nga đến thăm Vịnh Manila vào năm ngoái, lần đầu tiên trong 96 năm.
Quốc gia lớn nhất Đông Nam Á là Indonesia cũng đang nỗ lực hiện đại hóa quân đội : Mua tàu ngầm của Hàn Quốc, chiến đấu cơ Sukhoi của Nga, chiến đấu cơ F-16 của Mỹ và tên lửa đối hạm của … Trung Quốc.
Nhà nghiên cứu Bitzinger dự đoán là Indonesia, Việt Nam và có thể là quốc gia dầu hỏa giàu có Brunei sẽ tăng đáng kể ngân sách quốc phòng và Indonesia sẽ qua mặt Singapore, cho tới nay vẫn là đối thủ nặng ký nhất về quân sự trong khu vực.
Tuy về mặt chính thức, các nước Đông Nam Á vẫn khẳng định rằng việc tăng cường trang bị vũ khí không phải là nhằm đối phó với Trung Quốc, nhưng khi nói chuyện riêng, các lãnh đạo quân sự, cũng như các chiến lược gia trong khu vực đều nêu lên mối đe doạ từ Bắc Kinh, nhất là đối với Việt Nam và Philippines, hai nước trực tiếp đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông.
Theo tờ báo South China Morning Post, trong bối cảnh đó, các nhà sản xuất vũ khí lớn trên thế giới, cũng như các nhà xuất khẩu đang hoạt động ráo riết ở Đông Nam Á, tranh thủ những hội nghị như Đối thoại Shangri-La ở Singapore, nơi quy tụ các bộ trưởng Quốc phòng, lãnh đạo quân và các nhà nghiên cứu, để vận động hậu trường.
Thanh Phương
No comments:
Post a Comment