Việt-Long, RFA
2013-02-14
Trong ba ngày tết âm lịch của Việt Nam đã xảy ra sự kiện làm rúng động cả thế giới: lần đầu tiên từ 600 năm nay, trong lịch sử Giáo hội Công giáo toàn cầu, vị Giáo Hoàng đương nhiệm tuyên bố thoái vị.
Bắc Hàn có đường lối riêng?
Nhưng để tiếp nội dung kỳ trước, đầu tiên xin nói chuyện hôm mùng ba tết Bắc Hàn đã công bố thử nghiệm thành công vũ khí hạt nhân.
Từng có hy vọng Bắc Hàn sẽ nghe lời Trung Quốc mà ngưng thử nghiệm bom hạt nhân, nay vì sao Bắc Hàn vẫn tiến hành thí nghiệm?
Có ý kiến cho rằng Bắc Hàn tuy tùy thuộc vào Trung Quốc trong nhiều lãnh vực, từ quốc phòng đến kinh tế, thương mại, nhưng vẫn có đường lối độc lập của họ, không nhất thiết theo lời Trung Quốc. Đại sứ Hoa Kỳ Chritopher Hill từng phát biểu về điều này. Ông nói không nên nghĩ Bình Nhưỡng nhất nhất đều tuân lời Bắc Kinh, mà đã nhiều lần làm trái ý nước đàn anh.
Nay khi việc đã xảy ra, người ta nói đến một giả thuyết khác.
Nổ hạt nhân thật sự?
Trước hết, tới nay vẫn chỉ có những dữ kiện sơ khởi chưa đầy đủ của hành động khiêu khích của Bắc Hàn. Các chuyên gia về thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã cho biết không thể nào xác minh được một vụ nổ nguyên tử với một vụ nổ bằng chất nổ thông thường cực mạnh dưới lòng đất. Trong khi đó tình báo quốc gia Hoa Kỳ ước lượng đó là một vụ nổ chừng mấy kilotones. Bắc Hàn thì khoe đó là vụ nổ thí nghiệm một vũ khí được thiết kế cỡ nhỏ, ý nói có thể đem gắn vào đầu hỏa tiễn đạn đạo liên lục địa để đe dọa Hoa Kỳ, và cũng để đáp trả nhận xét của giới chuyên gia là chế tạo một đầu đạn hạt nhân cho hỏa tiễn là con đường rất xa cả về kỹ thuật lẫn thời gian.
Với chừng đó yếu tố, người ta không chắc chắn được rằng đây là vụ nổ một trái bom hạt nhân thật hay chỉ là vụ nổ thông thường cực mạnh, cho đến khi có thể kiểm chứng về phóng xạ phát tán. Điều đó có nghĩa đây có thể chỉ là một cú nổ giả, làm bằng chất nổ thông thường cực mạnh với số lượng cực lớn. Đó là thủ đoạn mà những nước quỷ quyệt như Bắc Hàn rất có thể thi hành.
Thêm vào đó, Bắc Hàn còn tuyên bố đã thử nghiệm thành công một vũ khí cỡ nhỏ mà không làm phát tán phóng xạ vào khí quyển, giữ được an toàn tuyệt đối cho môi trường. Tới nay dường như chưa có tin tức nào về độ phóng xạ mà các nước láng giềng như Nhật Bản, Hàn quốc thu nhận được. Vì vậy nhiều người nghĩ đến giả thuyết về một vụ nổ giả như vừa nói.
Nếu áp lực của Trung Quốc có ít nhiều ảnh hưởng nào đó, thì sự kiện Bắc vẫn tiến hành nổ thử nghiệm sau áp lực từ Bắc Kinh có thể làm rõ thêm giả thuyết một vụ nổ mạnh thông thường, không phải nổ hạt nhân. Không ai rõ nội dung cuộc trao đổi giữa viên chức cao cấp của Trung Quốc với giới lãnh đạo Bắc Hàn, nhưng có giả thuyết rằng Bình Nhưỡng có thể đã trấn an Bắc Kinh cách nào đó về vụ nổ này, nên nước đàn anh đã lẳng lặng để cho đàn em tiến hành, rồi cũng lên tiếng phản đối chiếu lệ, nhưng không dọa trừng phạt bằng cách cắt giảm viện trợ.
Ngược lại, nếu như vậy tại sao giới quan sát và chuyên gia trên thế giới chưa có ai nêu lên giả thuyết về một vụ nổ giả mà gây độ địa chấn 4,9 độ Richter như lần này, trong khi cả Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu và Hội đồng Bảo An đều phản ứng với Bắc Hàn về một vụ nổ hạt nhân thật?
Chưa nêu ý kiến nhưng sau này vấn đề thật giả có thể được nói đến khi người ta ghi nhận được phóng xạ phát tán, hay sau một thời gian không thấy dấu vết phóng xạ phát tán dù ít hay nhiều.
Đầu nổ thu nhỏ: không phải dễ!
Tổng thống Obama đã có phản ứng lập tức, nhưng có chừng mực và cũng không khác gì những lần trước, khi ông tuyên bố rằng mối nguy hiểm từ sự đe dọa của Bắc Hàn càng khiến cộng đồng quốc tế phải gia tăng phản ứng và hành động nhanh chóng,cùng lúc Hoa Kỳ sẽ thi hành ngay những biện pháp cần thiết để tự vệ và bảo vệ đồng minh. Ý ông Obama nói đến việc tăng cường và phát triển hệ thống lá chắn hỏa tiễn. Tổng thống Mỹ cũng chỉ nhắc lại rằng chế độ Bắc Hàn phải hiểu là họ chỉ được an ninh và thịnh vượng khi chịu hoàn toàn tuân thủ luật lệ quốc tế. Tức là không có gì mới hơn những lời tuyên bố trước đây.
Giới chuyên gia cũng nhắc lại là phải nhiều năm nữa Bắc Hàn mới có thể chế tạo được đầu đạn hạt nhân để gắn vào đầu hỏa tiễn, và từ nay tới đó còn đủ thời gian để buộc Bắc Hàn quay về đường ngay lối phải.
Như vậy phải chăng lúc này Bắc Hàn chỉ tạo cơ hội cho Hoa Kỳ củng cố phát triển hệ thống lá chắn hỏa tiễn, và giúp Trung Quốc có được lá bài để thương lượng, tạo áp lực với Hoa Kỳ để đòi Mỹ nhượng bộ ở nơi khác?
Gây sửng sốt trên toàn thế giới
Rời Bắc Hàn để nói về sự kiện lớn hơn trong ba ngày tết vừa qua, là việc Đức Giáo Hoàng Benedictô 16 đột nhiên tuyên bố thoái vị vào hôm thứ hai ngày 11, mùng hai tết.
Tuy năm ngoái Đức Giáo Hoàng có nói có thể sẽ thoái vị nếu sức khỏe không tăng tiến, lời tuyên bố hôm 11 tháng 2 vẫn gây “sốc” cho hầu hết giáo dân và giáo hội Công giáo, theo lời các giáo dân và giáo sĩ trả lời giới truyền thông.
Từ xưa tới nay hầu hết các vị Giáo Hoàng của tòa thánh La Mã đều làm nhiệm vụ lãnh đạo giáo hội, dẫn dắt hằng trăm triệu con chiên trên toàn thế giới cho tới mãi khi nằm xuống và tắt nghỉ, dù điều kiện sức khỏe ra sao chăng nữa. Lý do có thể được hiểu là vì quan niệm chung của người Công giáo tin rằng vị Giáo Hoàng là người được Thiên Chúa chọn ra để chăn dắt con chiên, và thi hành nhiệm vụ đó theo ý Chúa, theo sự dẫn dắt của Chúa, và chỉ được ngưng nghỉ khi Chúa gọi về.
Các nhà lãnh đạo tôn giáo và các nguyên thủ quốc gia trên thế giới đều tỏ ra ngạc nhiên nhưng bày tỏ lòng tôn kính đối với quyết định của Đức Giáo Hoàng ki Ngài từ chức vì lý do sức khỏe. Trong số những người phát biểu điều này có Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David
Cameron, Giáo chủ Do Thái giáo Yona Metzger... cũng nhiều nhân vật lãnh đạo chính trị và tôn giáo.Di sản cho giáo hội
Đức Giáo Hoàng Benedic 16 đã để lại di sản lớn lao cho Giáo hội. Ngài đi tới nhiều nước vì vấn đề một số tu sĩ phạm tội sách nhiễu tình dục trẻ nam giới. Ngài gặp gỡ cả những người khi xưa là nạn nhân bị sách nhiễu cùng gia đình của họ để trò chuyện an ủi và cầu nguyện cho họ. Việc làm này cứu gỡ được nhiều tiếng tăm cho giáo hội Công Giáo toàn cầu.
Khó khăn trở ngại của Giáo Hội cũng còn nhiều, nhưng công luận nhận xét rằng Đức Giáo Hoàng Benedict thứ 16 sẽ dành lại cho vị Giáo hoàng kế nhiệm một Giáo hội vững bền hơn trước, để Giáo hội Công giáo toàn cầu vững bước tiến tới trong những điều tốt đẹp, trong một thế giới đang tiến hóa vô cùng nhanh chóng.
No comments:
Post a Comment