Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, February 10, 2013

Cành mai, chậu quất, cây nêu đón Tết



2013-02-08
“Hoa tươi tiền triệu một bó”, “Hàng độc ở hội hoa Xuân lớn nhất TP.HCM”, “Hà Nội: Đào, hoa đều giảm giá”, đó là tựa bài của các trang mạng VnExpress, Tiền Phong Online và Tuổi Trẻ Online ghi nhận những hoạt động tất bật khi người dân chuẩn bị cho ngày Tết Nguyên Đán Quý Tỵ.
RFA
Cô bé vui chơi ở chợ Hoa đường Nguyễn Huệ
 

 Tải xuống - download

Tết và Hoa
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái hiện cư ngụ ở Saigon cho biết gia đình ông sẽ có một cái Tết ấm cúng và tiết kiệm. Những ngày giáp Tết sinh hoạt ở thành phố 8 triệu dân vốn đã huyên náo lại dường như có thêm sự vội vã. Ông Nguyễn Quốc Thái mô tả:

“ Tất cả các chợ hoa ở Saigon theo truyền thống vẫn là hoa mai, những năm gần đây thì có những cây quất miền Bắc mang vào, các chợ hoa tràn ngập hoa mai và quất. Cây quất của miền Nam và miền Bắc đứng xen kẽ nhau. Quất Nam sắp xếp theo hình tháp nhọn còn quất Bắc đem vào thì để tự nhiên hơn không bó gọn. Hai nét văn hóa mỗi nơi có sắc thái riêng đặc thù của nó.
Cái Tết dù những người cùng khổ nhất cũng cố gắng mua một cành mai, mua một chậu hoa, một chậu quất về cho gia đình mặc dù giá cả năm nay tôi thấy khá đắt đỏ, đời sống của dân chúng cũng không được cao lắm. Nhưng tôi thấy những người chung quanh nơi tôi ở, họ vẫn cố gắng mua về những thứ trưng bầy trong dịp Tết, nhà thì chậu mai chậu quất, hay các sắc hoa mà hoa thì rất phong phú trong các chợ Xuân Saigon năm nay.”
Cái Tết dù những người cùng khổ nhất cũng cố gắng mua một cành mai, mua một chậu hoa, một chậu quất về cho gia đình mặc dù giá cả năm nay tôi thấy khá đắt đỏ, đời sống của dân chúng cũng không được cao lắm
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
Cây nêu, ảnh Phạm Xuân Nguyên , wikimedia
Cây nêu, ảnh Phạm Xuân Nguyên , wikimedia
VnExpress mô tả điều gọi là ‘hàng độc’ ở hội hoa Xuân lớn nhất Saigon tổ chức ở Công viên Tao Đàn. Nhà báo ghi nhanh, Mai cổ thụ 20 cánh, cây vú sữa 80 tuổi trĩu quả ngọt, xương rồng nanh heo, cây ra nhiều loại quả, bonsai Indonesia…
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nói với chúng tôi về cây mai đón Tết của gia đình ông được hai vợ chồng người bạn thân tặng:
“Cây mai của tôi có một cành hoành và cành tà mai vàng 5 cánh đẹp lắm, thế mai rất đẹp. Chậu mai nếu để từ mặt đất thì cao ngang vai thôi nhưng chiều rộng tầm ngang khá rộng, tôi tính là hoa nở từ hôm nay tới mùng ba Tết vẫn còn hoa, nhiều nụ lắm nụ mập xanh biếc thích lắm.”
Năm Nhâm Thìn tháng Chạp thiếu, kết thúc ngày 29 là qua mùng một Tết Quý Tỵ. Giao thừa sẽ là nửa đêm 29 tức 9/2 dương lịch. Những năm trước nhiều người dân Saigon muốn mua hoa đại hạ giá đã chờ tới phiên chợ cuối cùng. Theo nhà báo Nguyễn Quốc Thái một số loại hoa bình dân như vạn thọ, mồng gà thì lúc đó bán như cho vì người bán không thể chở về, còn những thứ có đẳng cấp hơn thì chưa chắc. Ông nói:
“ Đây là một canh bạc 5 ăn 5 thua, người bán hoa biết có một số người cứ đợi trưa 30 Tết mới đi mua nên họ ghìm giá, họ hét giá rất cao bởi vì đến lúc đó là kẹt rồi. Nếu anh không mua được chậu hoa để trong nhà trong dịp Tết thì có thể anh nghĩ năm tới làm ăn không được may mắn lắm. Vì thế đây là cuộc đấu trí giữa người mua và người bán hoa. Đừng nghĩ là cứ trưa ba mươi Tết là hoa giá rẻ, có năm tôi từng hỏi thử họ hét giá gấp rưỡi so với trước đó.”
Góc bán các loại quất cho ngày Tết tại chợ Hoa Hà Hội. AFP
Góc bán các loại quất cho ngày Tết tại chợ Hoa Hà Hội. AFP
Chiều 27 Tết ở Saigon và Đà Nẵng cùng khai mạc Đường Hoa với sự đầu tư tốn kém và kỹ lưỡng. VnExpress mô tả Đường Hoa Bạch Đằng rực rỡ sắc màu bên bờ Sông Hàn. Đà Nẵng đã đầu tư 17 tỷ đồng cho công trình đón xuân này. Đặc biệt có khu vực nấu 5.000 bánh chưng dành tặng cho người nghèo.
Đây là một canh bạc 5 ăn 5 thua, người bán hoa biết có một số người cứ đợi trưa 30 Tết mới đi mua nên họ ghìm giá, họ hét giá rất cao bởi vì đến lúc đó là kẹt rồi...Vì thế đây là cuộc đấu trí giữa người mua và người bán hoa
nhà báo Nguyễn Quốc Thái
Đường Hoa Nguyễn Huệ
Tại Saigon, Đường Hoa Nguyễn Huệ mở cửa đón khách từ tối 27 tháng Chạp. Theo mô tả của báo chí, ngoài 120.000 chậu hoa cây cảnh được trưng bày, điều đáng chú ý là không gian biển đảo quê hương, một chủ đề mang tính thời sự.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái phát biểu:
“Năm nào từ ngã tư Lê Lợi Nguyễn Huệ cho tới bờ sông cũng đều trang trí Đường hoa với đầy đủ màu sắc của quê hương, của từng vùng miền. Năm nay là năm con Rắn họ cũng làm một đôi rắn đẹp chứ không  sợ hãi như khi mình tiếp xúc với chúng. Năm nay những người thiết kế Đường hoa đã thực hiện chủ đề biển đảo quê hương, họ làm một chiếc tàu rất lớn chở đầy hoa, ý nói họ tưởng nhớ và hướng về Trường Sa, Hoàng Sa những vùng đất quê hương.”
Khu vực trồng hoa phục vụ cho chợ Hoa ngày Tết ở ngoại ô Saigon. RFA
Một khu vực trồng hoa phục vụ cho chợ Hoa ngày Tết ở ngoại ô Saigon. RFA
Theo SGGP Online, dựa trên chủ đề tư tưởng “Lòng dân và Thế nước” các tác giả thiết kế đường hoa đã thể hiện sự toàn vẹn lãnh thổ với các phân đoạn cách điệu của 3 vùng miền đất nước là núi rừng, đồng bằng và biển đảo.
Hai ngày trước Tết, theo Tiền Phong Online ‘Hoa tươi tiền triệu một bó” giá hoa ở chợ hoa  Quảng Bá và Mai Dịch Hà Nội tăng gấp đôi gấp ba so với mấy ngày trước. Một bó hoa ly vàng 10 cành từ 500.000 đồng đã leo lên 900.000 đồng, các loại hoa hồng, hoa cúc, loa kèn, lai-ơn cũng đều tăng chóng mặt, người mua vẫn bóp bụng mua.
Năm nào từ ngã tư Lê Lợi Nguyễn Huệ cho tới bờ sông cũng đều trang trí Đường hoa với đầy đủ màu sắc của quê hương, của từng vùng miền. Năm nay là năm con Rắn họ cũng làm một đôi rắn đẹp chứ không sợ hãi như khi mình tiếp xúc với chúng.
Nhà báo Nguyễn Quốc Thái
Tuy vậy, theo Tuổi Trẻ Online cành đào và các loại hoa đều giảm giá rất nhiều so với năm ngoái. Đặc biệt đào Nhật Tân nguyên gốc giảm giá một phần ba, trung bình 250 ngàn một gốc.
Tiến sĩ Sử học Nguyễn Nhã ở Saigon, nhà ông hồng đào, hoàng mai, địa lan đều có đủ, nhưng điều ông trân trọng và tự tay sắp xếp là cây nêu truyền thống. Ông nói:
“Hôm nay tôi đã dựng nêu rồi, tôi thích cây nêu nó thể hiện truyền thống Việt. Ăn Tết mình có cây nêu tre thể hiện tính Việt của nó, tre vừa là nhu vừa là cương. Ông Trịnh Hoài Đức trong Gia Định Thành Thông Chí nói ở miền Nam có cây nêu đặc biệt có cái giỏ đựng vàng mã. Cây nêu của tôi thể hiện cây nêu Nam bộ, ngoài cây tre ra có khánh có chuông rồi có cờ ngũ sắc tua ngũ sắc, ngày xưa người ta tin tưởng bị quỷ quấy rối phải trồng cây nêu lên. Có thể có hình phật bà quan âm hay là có cung tên tượng trưng để quỷ thần không tới. Nhưng theo tôi tục dựng nêu nói lên ước vọng của người dân muốn sống yên bình, bắt đầu trước Tết dựng nêu đến mùng bảy thì hạ nêu.”
Ngoài học vị Tiến Sĩ sử học, ông Nguyễn Nhã còn là chuyên gia trưởng Đề án Bếp Việt. Được hỏi về sự chọn lựa thực phẩm ngày Tết của gia đình mình, TS Nguyễn Nhã cho biết:
“ Theo truyền thống ăn Tết những món để được lâu, năm nào nhà  tôi cũng có giò nem, ninh, mọc. Năm nào tôi cũng có giò thủ, tôi làm nem Ninh Bình làm lấy, rồi các món ninh, ninh măng lưỡi lợn, mọc thì mua sẵn…có bánh chưng dưa hành, củ kiệu và cả dưa món của miền Trung, ở Saigon phong phú lắm… thịt đông da heo, trong Nam cũng có thịt kho tàu. Nhiều năm nay Saigon Tourist đem khách tây đến nhà tôi ăn Tết.”
Thanh Niên Online ngày 27 Tết đưa lên mạng bài Ẩm thực ngày tết. Tờ báo trích lời  chuyên gia ẩm thực Võ Quốc nói rằng, những món ăn truyền thống trong ngày Tết của người Việt Nam đều là những món ăn quen thuộc đối với mỗi nhà như thịt kho, thịt đông…những gia đình dù khó khăn đến mấy thì ngày tết cũng cố gắng có thịt, có cá, gạo đầy hũ, nước đầy lu thể hiện mong muốn sung túc.
Chắc hẳn quí thính giả của Đài Á Châu Tự Do cũng đã sắp đặt xong chậu hoa cây kiểng ưa thích của mình, mâm cỗ đầu năm đã đầy đủ bánh chưng, bánh tét, giò chả, thịt kho, dưa hành và cả bia rượu. Kính chúc quí vị những ngày Tết trọn vẹn.

Theo dòng thời sự:

No comments:

Post a Comment