Cập nhật: 06:40 GMT - thứ hai, 11 tháng 3, 2013
Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng vẫn khẳng định triển khai các dự án bauxite Tây Nguyên là 'hết sức cần thiết" trong khi có kêu gọi đình chỉ các dự án này.
Ông bộ trưởng đã có phát biểu trên chương trình Dân hỏi, Bộ trưởng Trả lời của Truyền hình Nhà nước Việt Nam hôm Chủ nhật 10/3.
Chủ đề liên quan
Theo ông Hoàng, mỗi năm Việt Nam phải chi trên 1 tỷ đôla để nhập khẩu khoảng nửa triệu tấn nhôm, bởi vậy cần triển khai các dự án khai thác bauxite và chế biến alumin, tiền chất của nhôm.
"Trữ lượng bauxite ở Việt Nam là 10-11 tỷ tấn," ông nói - "Bauxite là nguồn tài nguyên lớn, là cơ sở để hình thành ngành công nghiệp luyện nhôm phát triển lâu dài, là một nguồn lực quan trọng góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước".
Ông khẳng định: "Việc phát triển ngành công nghiệp khai thác và chế biến Bauxite là chủ trương đúng đắn, cần thiết và phù hợp, đã được Đảng, Nhà nước xem xét thận trọng, giao cho Vinacomin tổ chức triển khai".
Lĩnh vực mới mẻ
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng vì "đây là một lĩnh vực công nghiệp mới mẻ, chúng ta chưa có kinh nghiệm", nên quan điểm chỉ đạo của chính phủ là làm tốt quy hoạch và điều chỉnh bổ sung khi có "phát sinh bất cập".
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã quyết định ngừng đầu tư xây dựng cảng Kê Gà, được cho là "lối ra" của bauxite Tây Nguyên.
"Hãy để dự án vận hành một thời gian rồi sẽ có cơ sở hơn trong xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án."
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng
Ông Hoàng nói điều chỉnh như vậy là phù hợp, vì "trong thực tế hầu như chưa có sự đầu tư đáng kể nào cho dự án này".
Giới chức chính phủ và chủ đầu tư Vinacomin nhiều lần nói dự án Kê Gà mới chỉ đang trong giai đoạn giải phóng mặt bằng nên dừng là "hợp lý".
Về tiến độ hai dự án bauxite ở Tân Rai (Lâm Đồng) và Nhân Cơ (Đăk Nông), ông Vũ Huy Hoàng cho hay Vinacomin đã hoàn thành cơ bản việc đầu tư dự án tại Tân Rai, cuối tháng 12/2012 đã sản xuất thử thành công sản phẩm alumin đầu tiên.
"Đối với dự án Nhân Cơ, do rút được kinh nghiệm từ Dự án Tân Rai, tiến độ có được cải thiện hơn, hiện đã thực hiện được hơn 50% khối lượng xây lắp và dự kiến nửa đầu năm 2014 sẽ đưa vào vận hành."
Ông thừa nhận giá alumin hiện nay thấp hơn giá tính toán tại thời điểm phê duyệt các dự án khoảng 10%.
Tuy nhiên ông Vũ Huy Hoàng nói: “Không ai bảo đảm rằng mức giá này sẽ cố định như thế trong vòng năm hoặc mười năm tới”.
“Hãy để dự án vận hành một thời gian rồi sẽ có cơ sở hơn trong xem xét và đánh giá hiệu quả của dự án."
Trong khi đó, đang có ngày càng nhiều tiếng nói kêu gọi ngừng hai dự án bauxite mà một số chuyên gia cho là không hiệu quả về kinh tế và gây tác hại cho môi trường.
Tiến sỹ Lê Đăng Doanh nói: “Chấp nhận loại bỏ dự án bauxite ra khỏi Tây Nguyên là việc cần làm và càng sớm càng tốt".
Tiến sỹ Kinh tế Nguyễn Thành Sơn được báo Pháp luật TPHCM dẫn lời nói: "Hiệu quả kinh tế của dự án bauxite rất thấp, hiệu quả sử dụng tài nguyên không cao".
"Nguy cơ thua lỗ tài chính nặng nề ở các dự án này đang hiện hữu và sẽ là gánh nặng lớn cho ngân sách quốc gia về sau này."
No comments:
Post a Comment