Một hội thảo quốc tế về tranh chấp biển Đông do Trung tâm châu Á và toàn cầu hóa phối tổ chức với trường đại học Lý Quang Diệu, vừa diễn ra vào ngày 14 tháng 3 tại New York. Đây là một hội thảo kéo dài hai ngày, quy tụ nhiều học giả quốc tế từ Mỹ, Việt Nam, Trung Quốc, Singapore với chủ đề chính được bàn thảo bao gồm nguồn gốc tranh chấp trên biển Đông, vấn đề pháp lý trong trách chấp này, và quan hệ Mỹ Trung trong mối quan hệ với tranh chấp ở biển Đông.
Đảm bảo tự do hàng hải
Ngày đầu tiên của hội thảo biển Đông diễn ra tại Asia Society, New York phần nào cho thấy sức nóng của những căng thẳng do tranh chấp lãnh hải giữa các nước có liên quan tại khu vực này.
Ngay bài phát biểu mở đầu hội thảo, cựu Thứ trưởng ngoại giao Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương, Christopher Hill khẳng định lập trường của Mỹ không đứng về bên nào trong tranh chấp biển Đông và mong muốn duy trì tự do hàng hải tại khu vực này:
“Nước Mỹ không đứng về bất cứ bên nào trong tranh chấp chủ quyền tại biển Đông. Đây không phải là do chúng tôi thấy vấn đề phức tạp mà không tham gia, mà do lập trường đã có từ lâu và chính sách của Mỹ, tức là không can thiệp vào tranh chấp chủ quyền nếu nó không lien quan đến chủ quyền của Mỹ. Hoa Kỳ cũng duy trì quan điểm đảm bảo tự do hàng hải, đây là điều Ngoại trưởng Hillary Clinton đã nói về biển Đông và cũng là chính sách có từ lâu của Mỹ. Chúng tôi cũng muốn thấy một giải pháp hòa bình ở khu vực này. Nhưng liệu có được một giải pháp hòa bình không thì là một vấn đề khác.”
Chúng tôi cũng muốn thấy một giải pháp hòa bình ở khu vực này. Nhưng liệu có được một giải pháp hòa bình không thì là một vấn đề khác.
Ô. Christopher Hill
Ông cũng thừa nhận việc giải quyết tranh chấp này giữa các nước không dễ dàng, nhất là đối với thái độ từ Trung Quốc, nước lớn nhất trong tranh chấp, ông nói tiếp:
“Không có một quốc gia nào phức tạp như Trung Quốc với hơn 1 tỷ dân và có thể có đến 2 tỷ quan điểm khác nhau về một vấn đề, chúng ta không thể nghĩ đến một giải quyết dễ dàng, hoặc tiếp cận dễ dàng khi đụng đến vấn đề thái độ của Trung Quốc trong vấn đề biển Đông hay bất cứ vấn đề nào khác.”
Ông Christopher Hill cũng chỉ trích Trung Quốc trong cách tiếp cận vấn đề tranh chấp biển Đông bằng song phương và kêu gọi nước này nên cân nhắc lại cách tiếp cận này.
Tôn trọng lợi ích cốt lõi
Bài phát biểu có lẽ gây nhiều ý kiến tranh cãi sôi nổi nhất vào buổi sáng đầu tiên của hội thảo có lẽ đến từ trung tướng Zhu Chenghu, thuộc học viện quốc phòng Trung Quốc. Ông Zhu nói đến mối quan hệ tốt đẹp về nhiều mặt giữa Trung Quốc và Mỹ, nhưng thừa nhận có những khác biệt đối với các vấn đề an ninh và quân sự, dẫn đến mất lòng tin từ hai phía.
Ông Zhu cho rằng cả Mỹ và Trung Quốc cần hợp tác vì cả hai đều có những quyền lợi chung. Tuy nhiên ông cũng cảnh báo hợp tác mà không có sự tôn trọng lợi ích cốt lõi của bên kia sẽ không thể giải quyết được khủng hoảng:
“Theo tôi thì cả Mỹ và Trung Quốc đều cần từ bỏ cách suy nghĩ theo thời chiến tranh lạnh, đừng tìm kiếm một kết quả không có lợi cho cả hai bên, sẽ không có điều đó trong tương lai quan hệ hai nước. Chúng ta cần ý tưởng mới, ý kiến mới, và thái độ mới. Theo tôi cả Mỹ và Trung Quốc phải tôn trọng lợi ích cốt lõi của hai bên trong khi xem xét đến các quan ngại về an ninh của mỗi nước. Theo tôi mỗi nước chỉ có thể đạt được quyền lợi của mình qua hợp tác. Nếu anh lờ đi lợi ích cốt lõi của bên kia, thì bên kia sẽ không tôn trọng lợi ích cốt lõi và quan ngại an ninh của anh.”
Vào năm 2011, một lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc, ông Đới Bỉnh Quốc, đã lên tiếng nói rằng biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Tuyên bố này đã đặt ra nhiều thắc mắc về chính sách và hành xử của Trung Quốc tại khu vực này có giống như cách Trung Quốc đã làm với Tây Tạng và Đài Loan là hai lợi ích cốt lõi khác của Trung quốc.
Các học giả đã chất vấn Trung tướng Zhu về định nghĩa và phạm vi của lợi ích cốt lõi là gì? Liệu biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc hay không? Trung tướng Zhu Chenghu giải thích:
“Ở Trung Quốc có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này. Có người đã hỏi ông Đới Bỉnh Quốc là biển Đông có phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc không. Còn nhiều tranh cãi về vấn đề này vì có nhiều người tin biển Đông là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc vì nó thuộc với yếu tố toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc. Một số người cho rằng biển Đông không giống như Đài Loan hay Tây Tạng. Vào lúc này chúng tôi vẫn chưa có một định nghĩa thống nhất về vấn đề này.”
Trung tướng Zhu cho biết có yếu tố thuộc về lợi ích cốt lõi của Trung Quốc: thứ nhất là toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền, thứ hai là môi trường cho phát triển hòa bình, thứ 3 là sự tiếp tục của hệ thống chính trị hiện tại ở Trung Quốc.
Trung Quốc không gây hấn?
Điểm đáng chú ý thứ hai trong bài phát biểu của ông Zhu khiến những người dự hội thảo thắc mắc đó là khi ông nói đến việc Trung Quốc muốn duy trì hiện trạng tại biển Đông.
TQ không phải là nước thích phá vỡ hiện trạng tại Điếu ngư hay biển Đông. Tôi tin là các hành động của TQ luôn là phản ứng chứ không phải gây hấn.
Trung tướng Zhu Chenghu
“Trung Quốc không phải là nước thích phá vỡ hiện trạng tại Điếu ngư hay biển Đông. Tôi tin là các hành động của Trung Quốc luôn là phản ứng chứ không phải gây hấn với bất cứ bên nào duy trì hiện trạng lúc này tại biển Đông có nghĩa là Trung Quốc không muốn chiếm tất cả các đảo đã được các nước khác chiếm đóng, và chúng ta vẫn tiếp tục các hoạt động khai thác bình thường từ trước. Không một nước nào được tăng số đảo chiếm đóng hiện tại lên.”
Trả lời câu hỏi chất vấn của một người dự hội thảo về hành động cưỡng chiếm Hoàng Sa của Trung Quốc hồi năm 1974 có phù hợp với chính sách duy trì hiện trạng của Trung Quốc, ông Zhu cho rằng Hoàng Sa thuộc Trung Quốc theo công hàm của Thủ tướng Phạm Văn Đồng viết cho Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai vào năm 1958, công nhận Hoàng Sa thuộc Trung Quốc.
Liên quan đến vấn đề tự do hàng hải, Trung tướng Zhu Chenghu khẳng định Trung Quốc chưa bao giờ là người gây hấn, và trong vòng 3 năm qua chưa có một sự kiện nào cho thấy Trung Quốc đã gây ảnh hưởng đến tự do hàng hải tại khu vực này, hay ngăn chặn tàu của Mỹ.
Cựu thứ trưởng ngoại giao Mỹ Christopher Hill thì cho rằng nếu nói về tự do hàng hải tại biển Đông, những ngư dân Việt Nam có lẽ là những người hiểu rõ nhất về vấn đề này:
“Chắc chắn nếu bạn là một ngư dân Việt Nam vào lúc này, bạn sẽ không cảm thấy mình có tự do hàng hải.”
Từ nhiều năm nay, các ngư dân Việt Nam đi đánh bắt cá tại ngư trường truyền thống là khu vực quần đảo Hoàng Sa hoặc lánh bão tại đây đã bị lực lượng có vũ trang của Trung Quốc đánh đập, bắt giữ và đòi tiền chuộc.
Trong phần trả lời câu hỏi về cách tiếp cận đa phương trong giải quyết tranh chấp biển Đông, người đại diện từ Trung Quốc cho biết Trung Quốc không chống lại đa phương và sẵn sàng hợp tác nếu Singapore là nước đứng ra trung gian dàn xếp với các nước ASEAN trước khi tiếp cận với Trung Quốc.
Quý vị vừa theo dõi phần 1 tường thuật hội thảo biển Đông tại Asia Society ngày 14 tháng 3. Mời quý vị đón xem phần 2 tường thuật hội thảo ngày 15 tháng 3, phần 2 có chủ đề về vụ kiện của Philippines và đề xuất giải pháp.
No comments:
Post a Comment