Mục lục nỗi đau dan tôi

Monday, March 11, 2013

Indonesia: độc lập, đa đảng và tham nhũng



Cập nhật: 11:40 GMT - thứ hai, 11 tháng 3, 2013
Tượng các tác giả của tuyên ngôn độc lập Indonesia 1945
Trong căn bếp ở tòa nhà của một sỹ quan Nhật, nay là Bảo tàng Tuyên ngôn Độc lập giữa thủ đô Jakarta có ba người đàn ông ngồi chăm chú ghi chép trong yên lặng.

Tượng bằng người thật của các ông Sukarno, Hatta và Soebardjo trong tư thế soạn thảo ra bản tuyên ngôn độc lập cho Indonesia vẫn nguyên như thế hôm tôi đến xem, hòa cùng các du khách và học sinh tỉnh xa về thăm bảo tàng Proklamasi.
Giữa tháng 8/1945, khi quân Nhật đã đầu hàng đồng minh, một số sỹ quan Nhật đã có ý định trợ giúp phong trào ái quốc của người Indonesia.
Trong nhiều ngày trước, Đề đốc trẻ tuổi Maeda Tadashi cho ông Sukarno và cộng sự vào dùng biệt thự của mình làm nơi hội họp.
Nhưng sau khi kiến nghị đòi độc lập của họ không được Bộ tư lệnh quân đội Nhật chấp nhận, với lý do sau khi đầu hàng ngày 15/8/1945, Tokyo không thể thỏa thuận riêng với người Indonesia mà không có sự đồng ý của Đồng Minh.
Các lãnh đạo phái đòi độc lập của Indonesia đã quyết định tự công bố tuyên ngôn của họ, bất kể các đại cường có đồng ý hay không.
Họ soạn bản tuyên ngôn (Proklamasi) trong căn bếp mà tôi đã vào xem, cho một cộng sự ngồi gần gầm cầu thang đánh máy trong khi Đề đốc Tadashi tế nhị không tham gia và lên nhà trên nghỉ.
Sáng ngày 17/8, ông Sukarno, người đã du học ở Hà Lan và hoạt động lâu năm cho độc lập của Indonesia, và cũng từng bị Nhật quản chế tại Sài Gòn, đã đọc bản tuyên ngôn ngắn cho các cộng sự nghe, chính thức nói quốc gia Indonesia ‘độc lập’.
Tất nhiên chuyện chỉ tuyên bố một văn bản, tự đọc với nhau và có 27 người ký tên không đem ngay lại nền độc lập cho Indonesia.
Phải sau mấy năm vừa kháng chiến vừa đàm phán với Hà Lan, tới năm 1949 người Indonesia mới thắng lợi và nền cộng hòa ra đời chính thức từ 1950.

Nam Dương và Đông Dương

'Vệ quốc đoàn' Indonesia trong cuộc chiến chống thực dân Hà Lan
Tương đồng lịch sử giữa Indonesia và các nước Đông Dương chắc chỉ đến đó là hết, nhưng cách tìm đường của Jakarta và Hà Nội hóa ra luôn có các điểm xuyên chiếu với các kết quả đôi khi khá giống nhau, nhiều khi hoàn toàn khác nhau, dễ khiến người ta ngạc nhiên về tính cách và tầm nhìn giới cầm quyền có tham vọng khu vực ở cả hai nước.
Sau thời kỳ giành độc lập, Indonesia giằng co giữa phái thiên tả và cộng sản cùng phe dân tộc chủ nghĩa, đưa tới cuộc thảm sát cả triệu đảng viên cộng sản giữa thập niên 1960.
Giai đoạn của Sukarno, còn gọi là ‘dân chủ có định hướng’ (guided democracy: 1957 -1965), và liên minh của ông với Đảng Cộng sản đã đưa đến sự đổ vỡ của cả hai, và chấm dứt bằng nền độc tài quân sự thiên hữu của Tướng Suharto từ 1966 đến 1998.
Ngược lại, ở Việt Nam, lá cờ độc lập dân tộc được gương cao tiếp tục hàng chục năm chiến tranh tính từ 1945 và phe cộng sản (một thời thân với ông Sukarto) cuối cùng đã thống nhất đất nước.
"Thời Suharto, Indonesia có nền độc tài chống cộng, bài Hoa"
Thời Suharto, Indonesia có nền độc tài chống cộng, bài Hoa, một phần vì Hoa kiều theo cộng sản nhiều.
Chỉ sau khi Suharto sụp đổ, sách báo chữ Hán mới được phép lưu hành và tiếng Trung ngày nay với giọng Bắc Kinh vang lên ở khắp, từ sân bay đến nhà hàng, khách sạn vì số du khách từ Trung Quốc đến rất nhiều.
Việt Nam thì quanh co hơn, thân Trung Quốc cộng sản thời Mao, bài Hoa thời 1979 để rồi ngày nay cũng đón nhiều du khách tiếng Trung như Indonesia.
Nhưng dưới thời Suharto tự do của người Indonesia cũng bị hạn chế còn quân đội thả phanh làm kinh tế.
Càng về cuối đời, ông Sukarto, người tích lũy cho bản thân và gia quyến tới 35 tỷ USD, càng trở nên mê tín.
Bất công, tham nhũng cuối thập niên 1990 vừa khiến phong trào đòi dân chủ lên cao, vừa giúp các phái Hồi giáo đòi bình đẳng xã hội có thêm ủng hộ trong dân nghèo, nhất là ở nông thôn.
Di sản này tạo đà cho một trào lưu phục hồi Islam mà tôi thấy khá rõ ngay trên đường phố Indonesia hiện nay: nhiều phụ nữ trung tuổi mặc Âu phục nhưng các cô gái trẻ lại choàng khăn che kín hết tóc.
Trong một nhóm bạn trẻ mà tôi gặp, Ari Rochim, chỉ mới 22 tuổi, đã không bắt tay phụ nữ dù người ta đã chìa tay ra mà chỉ chắp tay và cúi đầu chào như niệm Phật.
Hỏi ra thì có người nói cậu ta ‘theo mốt’ bây giờ là nhiều thanh niên nam chỉ chạm vào người phụ nữ đã là vợ, chứ không tiếp xúc với người lạ.
Ở Việt Nam hiện nay trong giới trẻ cũng có xu hướng hoài cổ và tìm lại các giá trị truyền thống nhưng so với Indonesia thì chắc không sâu nặng bằng, vì các đạo Hồi giáo, Thiên Chúa, Phật, Ấn giáo ở Indonesia đều có gốc rễ sâu xa và chưa từng bị tàn phá hoặc lũng đoạn.

Ổn định và tham nhũng

Jakarta to rộng nhưng kẹt xe và ô nhiễm không khí cũng nghiêm trọng
Thời kỳ lãnh đạo của tướng Suharto từng có tên là giai đoạn ‘Trật tự mới’ (New Order), nghe thật giống với mọi nền cai trị độc đoán khác trên thế giới vốn đều viện ra nhu cầu duy trì ổn định, trật tự để từ chối thay đổi.
Arti Elawati, một nữ nhà báo tự do ở Jakarta giải thích với tôi rằng so sánh mỗi giai đoạn sẽ thấy vì sao tham nhũng mỗi lúc lại có nguyên do riêng.
Chế độ kinh tế bất bình đẳng thời thực dân Hà Lan là để duy trì quyền lợi của Công ty Đông Ấn Hà Lan, khai thác lợi nhuận đem về châu Âu và để các lãnh chúa bản xứ hưởng lợi cục bộ mà không liên kết với nhau chống lại người Âu.
Còn theo Arti, sang thời Suharto, tham nhũng mang tính ‘gia đình trị’, phục vụ cho chính thân quyến tổng thống, các tướng lĩnh, các đại gia nắm độc quyền giấy phép.
Loại tham nhũng thời kỳ Cải cách (Reformasi: 1998 đến nay), theo Arti, mang tính đảng phái, vì mình nhưng cũng vì đảng của mình để tranh cử và tiếp tục cầm quyền.
Tại Jakarta, một đô thị đông dân, kẹt xe hàng giờ vì xe máy và ô tô chật cứng đường xá, câu chuyện của giới nhà báo là cuộc tranh cử tổng thống năm 2014 có giúp Indonesia chống được tham nhũng hay không.
"Tham nhũng thời kỳ Suharto là kiểu gia đình trị, thời Reformasi lại mang tính đảng phái"
Một nhà báo Indonesia
Với xếp hạng tồi tệ, thứ 110 trên thế giới về tham nhũng, theo Minh Bạch Quốc tế năm 2012, Indonesia chưa giải quyết được nhiều vấn đề dân sinh sát sườn như phòng chống lụt, lọc nước sạch, giao thông đình trệ.
Thật khó nói tham nhũng gây ra trì trệ hay trì trệ trong vận hành của bộ máy quan chức là mô trường cho tham nhũng.
Đông dân, Indonesia có nguồn tài nguyên đất, biển, rừng, cá, dầu khí và khoáng sản bậc nhất khu vực nên nguồn tiền nước ngoài vẫn đổ vào khai thác thế mạnh của nền kinh tế còn đang phát triển với bình quân đầu dân hiện có tham vọng đạt 6000 USD vào năm 2016.
David, một luật sư Anh làm việc lâu năm ở Indonesia nói với tôi rằng bất cứ một vấn đề gì ở đây cũng có năm ba cơ quan, bộ ngành cùng ra luật và nghị định để kiểm soát, vào như thế tạo ra nhiều lỗ hổng cho tham nhũng.
Nhưng một trong những thành quả của phong trào dân chủ sau khi lật đổ ông Suharto là báo chí rất tự do.
Tại một hội thảo về truyền thông do BBC Indonesia tổ chức ở đại học Denpasar mà tôi có dịp tham dự, các bạn trẻ tuổi từ 18 đến 23, 25 cả nam và nữ đã chứng tỏ ra đầy tự tin, hiểu biết về các vấn đề trong cộng động của họ.
Họ cũng trả lời phỏng vấn BBC và các đài báo địa phương rất tự nhiên, không hề bị thầy cô kiểm soát.
Nhưng sự bùng nổ báo chí hóa ra cũng có hai mặt của nó.
Một thế hệ thanh thiếu niên Indonesia trưởng thành trong tự do
Báo chí tự do cạnh tranh vạch ra ‘sâu tham nhũng' đã dẫn đến vụ mất chức của Bộ trưởng Thể thao Andi Mallarangeng cuối năm ngoái, hay vụ bắt chủ tịch đảng Công lý - Thịnh vượng (PKS), Luthfi Hasan Ishaaq tháng 2 năm nay.
Ngược lại, báo chí cũng tự do liên kết thành các tập đoàn kinh doanh, hoặc để cho các triệu phú, tỷ phú đầu tư, thương mại hóa, làm mất đi tính độc lập.
Trong môi trường rất năng động này, việc một chương trình truyền hình, hay truyền thanh FM ra đời rồi lăn ra chết sau vài tháng là chuyện chẳng ai lạ.
Các đảng phái trong năm trước khi tranh cử cũng tung tiền ra quảng cáo ồn ào và nhiều màu sắc trên đường phố.

Cân bằng trong năng động

Sự nhộn nhịp này khiến Indonesia sôi động cả về chính trị và truyền thông nhưng cũng khiến người dân và chính giới trở nên bận bịu với các chuyện nội bộ mà lơ là vai trò đàn anh ở ASEAN.
Một số nhà báo Phương Tây ở Indonesia tin rằng nếu Jakarta hướng ra bên ngoài hơn một chút nữa thì có thể dễ dàng tăng sức mạnh cho chính họ và cho cả Đông Nam Á.
Vì theo các chuyên gia khu vực, Indonesia đã có một định hướng đúng là chọn cách ứng xử ‘cân bằng trong năng động’ để tăng ảnh hưởng cho các nước tầm trung, nhằm hóa giải mâu thuẫn, tránh cho khu vực bị kéo vào thế đối đầu Mỹ – Trung.
Là nước lớn nhất ASEAN, Indonesia cổ vũ mạnh cho liên kết vùng
Chính giới Indonesia không đồng ý rằng nước họ thụ động và chỉ ra rằng Jakarta đã vận động mạnh cho Myanmar cải tổ nhưng phàn nàn rằng nay thì Phương Tây nhận hết lời khen.
Mô hình dân chủ đa dạng và bao dung của Indonesia thực ra nếu biết quảng cáo thì cũng hấp dẫn với các nước trên bán đảo Đông Dương.
Vì ở Indonesia bạn có thể tìm thấy tất cả các nét quen thuộc ‘bản lai diện mục’ của gốc nhân chủng và văn hóa Đông Nam Á với Việt Nam, Lào, Campuchia,,, từ vóc dáng con người, cách ăn uống, gọt ống tre, gói nắm cơm cho tới các trào lưu quốc – cộng gần đây và các vấn đề như hiện đại hóa, làn sóng tiêu thụ, tham nhũng, môi sinh.
Nhưng xem ra từ nay đến sau kỳ bầu cử tổng thống 2014, Indonesia sẽ còn tiếp tục lo việc riêng hơn là chú ý đến bên ngoài và phần năng động quốc tế của họ sẽ còn nhường chỗ cho những ồn ào trước mắt của chính trường nội bộ.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment