Lịch sử cận đại vì lý do chính trị nên sự kiện ghi lại cũng không trung thực và theo cách nhìn của người Viết . Trang nhà http://ww.vietquoc.org nhận thấy cuốn Bên Giòng Lịch Sử 1940-1965 của Linh Mục Cao Văn Luận , Viện Trưởng Viện Đại Học Huế, mang được tính khách quan và trung thực, vậy xin đưa lên để độc giả thưởng thức. Sau đây là Chương
Chương 22
Bảo Đại: Con người chán chường và thấm mệt
Hôm sau tôi được Bửu Lộc cho người đến mời đi yết kiến hoàng đế Bảo Đại.
Biệt điện II của Bảo Đại ở Đà Lạt nằm trên ngọn đồi thông. Phong cảnh thật đẹp, và dinh thự hết sức sang trọng. Lúc tôi được dẫn vào phòng khách, thì chỉ có một thư ký riêng ra tiếp, mời ngồi rồi vào trong trình lại với hoàng đế Bảo Đại. Lát sau, Bảo Đại ra, bước chậm chạp, dáng mệt nhọc. Ông bận âu phục xám, bước thẳng đến chỗ tôi đứng, bắt tay mời ngồi, lấy thuốc mời hút. Tôi nói mấy câu chúc mừng theo phép lịch sự, Bảo Đại chậm rãi nói, có vẻ phân trần:
- Sở dĩ tôi chấp nhận về nước làm việc cho quốc gia là vì thấy rằng nước Pháp đã chịu nhượng bộ khá nhiều. Thoả ước vịnh Hạ Long tuy không đem lại cho chúng ta tất cả những gì chúng ta đòi hỏi, nhưng chúng ta có thể dựa lên đó để tranh đấu thêm, đòi hỏi thêm. Tôi nghĩ rằng điều quan trọng bây giờ là tạo ra cái cớ, cái nơi, cái cơ hội để những người quốc gia chân chính qui tụ lại với nhau mà làm việc. Nhưng thật là khó khăn, người quốc gia thì ngờ vực nhiều quá, mà Pháp thì chỗ nào cũng chỉ muốn dùng những tay chân thân tín của họ mà thôi.
Tôi đoán chừng ý của Bảo Đại là muốn tôi nhắc đến tên một vài nhân vật quốc gia, chẳng hạn Ngô Đình Diệm. Tôi cũng đoán chừng rằng ông đã biết tôi vừa gặp ông Diệm hôm trước, và tôi quen biết những cộng sự viên thân tín của ông Diệm. Nhưng tôi thì không muốn nói đến tên ông Diệm trước. Tôi muốn chính Bảo Đại phải dứt khoát và nói ra ý nghĩ thành thật nhất của ông.
Nhưng câu chuyện vẫn trôi trên những đề tài chung, không nhắc đến tên tuổi một người nào. Có lúc Bảo Đại than phiền:
- Lúc mới về nước tôi đặt nhiều hy vọng vào sự hợp tác của các nhân vật quốc gia chân chính. Tôi có ngỏ ý mời họ nhưng phần đông đều từ chối hoặc đòi hỏi những điều kiện quá lý tưởng không thể nào tạo ra được trong hoàn cảnh này.
Câu chuyện kéo dài được vài phút thì Bảo Đại có vẻ mệt nhọc lắm, nằm chuôi dài người ra trên chiếc ghế bành. Tôi thấy kéo dài thêm chẳng ích lợi, đứng lên kiếu từ:
- Tôi xin cầu chúc Ngài thành công. Tôi là một tu sĩ, không biết làm gì để giúp, nhưng nếu có thể làm được việc hữu ích thì tôi xin sẵn lòng.
Chương 23
Cha Houssa, người đưa ông Diệm vào chính trường Mỹ
Trong những ngày lưu tại Đà Lạt, tôi gặp thêm ông Diệm và ông Nhu mấy lần. Phan Xứng dành cho tôi một chiếc xe để đi lại. Và chiếc xe này một hôm đã gây ra một tai nạn tưởng đâu tôi thoát chết thì cũng bị thương nặng. Trời mưa lớn, chiếc xe đang xuống dốc thì gặp một xe ngựa đi lên nghênh ngang giữa đường. Tài xế vì tránh xe ngựa, lao xuống dốc. Tôi không biết gì nữa ngất xỉu đi. Lúc tỉnh lại thì thấy mình nằm trên đám cỏ chỉ bị ê ẩm mình mẩy, trầy trụa sơ sơ, phải vào nhà thương băng bó.
Tôi về Huế ở lại ít lâu, đến thăm ông Cẩn vài lần rồi cảm thấy tình thế không có nhiều biến chuyển, tôi ra lại Hướng Phương (Quảng Bình) giữ nhiệm vụ đi giảng tại các xứ đạo. Cũng như lần trước, tôi nhận thấy cái lối rào làng, dựa vào vài khẩu súng cũ kỹ của Pháp cho mà chống lại Việt Minh không thể thành công được. Quanh Hướng Phương, các làng lân cận đều theo Việt Minh, như Pháp Kệ, Trung Thuần. Người Pháp lại không thực tâm giúp đỡ dân chúng chống cộng.
Không có một sự phối hợp nào giữa quân Pháp và các làng tự vệ hay giữa các làng tự vệ với nhau. Nhìn tương lai, tôi thấy thật là đen tối. Trong một lần được cử đi gặp đại tá Pháp chỉ huy vùng Quảng Bình, tôi được ông nói thẳng là toàn tỉnh Quảng Bình Pháp chỉ có thể tuyển mộ và võ trang cho 2.000 lính bảo vệ. Tôi về trình bày với cha chính xứ là cha Khẩn. Vào khoảng mùa hè năm 1949, Hướng Phương lại gặp nạn đói, và bệnh dịch bắt đầu phát xuất.
Lúc này tôi cũng nhận được nhiều lá thư mời đi họp đầy những lời đe doạ, ký tên chủ tịch huyện Tuyên Hoá là Nguyễn Dần.
Tôi nghĩ rằng mình không thể bó tay ngồi chờ được nên xin với cha Khẩn cho vào Huế dạy học, ít ra tôi có thể kiếm được ít tiền bạc mua thuốc men giúp đỡ dân chúng hoặc là trình bày tình trạng vùng Quảng Bình với những người có trách nhiệm ở Huế. Tôi rời Hướng Phương vào Huế đầu niên học 1949 tức là khoảng tháng 9 hay tháng 10. Lớp triết đầu tiên vừa được mở tại trường Quốc học Huế.
Tôi phụ trách dạy Triết, và tôi còn nhớ người học trò chăm nhất là Âu Ngọc Hồ.
Ngoài việc tìm cách giúp đỡ giáo dân Hướng Phương tôi viết sách, và liên lạc với Emmanuel Jacques Houssa người Bỉ, từng sống ở Phát Diệm từ 1939 đến 1945, tổ chức cho sinh viên Việt Nam du học nước ngoài. Sở dĩ tôi phải nhắc đến cha Houssa là vì hai lý do: thứ nhất ông là ân nhân của nhiều nhân tài Việt Nam, giúp đỡ cho nhiều sinh viên du học nên người, thứ hai chính ông đã giúp đỡ ông Diệm, và những sinh viên mà ông giúp học hành đỗ đạt về sau trở thành cán bộ của ông Diệm. Có thể nói rằng nếu không có cha Houssa thì số phận Việt Nam không chừng đã khác.
Tôi gặp cha Houssa ở Ba-Lê vào năm 1946. Ông bàn với tôi rằng vấn đề quan trọng nhất của Việt Nam là vấn đề cán bộ. Cán bộ hiểu theo nghĩa rộng là lớp người có trách nhiệm làm cho xã hội tiến bộ. Việt Nam trong hoàn cảnh chiến tranh, xâu xé, nghèo đói chậm tiến, không thể đào tạo cán bộ ngay trong nước, vậy phải tìm cách gửi những thanh niên ưu tú đi du học.
Tôi hoàn toàn đồng ý và bàn với cha Houssa là khi về nước tôi sẽ tìm cách để đưa thanh niên Việt Nam ra khỏi nước, còn cha Houssa thì lo cho thanh niên Việt Nam ở ngoại quốc có thể ăn học. Cha Houssa cũng nói rằng nước Bỉ, quê hương của cha nhỏ bé, không tạo được ảnh hưởng gì lớn trên quốc tế, và dù có Hoa Kỳ là đủ sức giúp đỡ Việt Nam. Cha Houssa đã cho tôi biết ý định sang Mỹ của ông từ năm 1946.
Lúc tôi vào Huế dạy ở trường Quốc Học, năm 1949, tôi gửi thư liên lạc lại thường xuyên với cha Houssa lúc bấy giờ ở Mỹ. Ông cho tôi biết ông đã vận động để xin cho các thanh niên Việt Nam một số học bổng ở các đại học công giáo. Ngay năm 1950, nghĩa là khi lớp triết đầu tiên của trường Quốc Học thi xong, tôi chọn một vài thanh niên ưu tú như Âu Ngọc Hồ, Nguyễn Văn Mừng, Nguyễn Thị Quýt, Võ Thị Hồng Phúc, Phạm Đăng Tải, Phùng Viết Xuân gửi sang Mỹ gặp cha Houssa.
Ở Việt Nam thì nhờ bác sĩ Hồ Quang Phước giúp đỡ công việc xin thông hành xuất ngoại. Bên Mỹ thì tại Nữu Ước có ông Bùi Công Văn đón tiếp, hướng dẫn còn nếu sang ngã Thái Bình Dương, đến Saint Francisco thì có ông bác sĩ Nguyễn Thành Nguyên giúp đỡ.
Cũng trong năm đó, ông Diệm lấy cớ đi dự năm Thánh để xuất ngoại.
Nhờ sự giới thiệu của cha Houssa, ông Diệm được tiếp đón tại dòng tu Maryknoll thuộc tiểu bang Maryland. Cũng qua sự giới thiệu của cha Houssa và các sinh viên Việt Nam đã sang Mỹ từ trước, ông Diệm lần lượt đi diễn thuyết tại các Đại Học lớn ở Mỹ, như đại học Cornell.
Tiếng tăm ông Diệm bắt đầu đước chính giới người đế ý cũng nhờ đó, bào chí Mỹ thỉnh thoảng cũng phỏng vấn ông Diệm. Trong thời gian này, hai người giúp đỡ ông Diệm đắc lực nhất là ông Đỗ Vạn Lý, làm bộ Quốc phòng Mỹ tại Hoa Thịnh Đốn và ông Bùi Công Văn làm cho đài tiếng nói Hoa Kỳ ở Nữu Ước.
(Đón đọc chương kế tiếp)
No comments:
Post a Comment