Thưa quý bạn , Bạc Liêu là một tỉnh nhỏ ở vùng đồng bằng sông Cửu Long nhưng có nhiều chuyện nổi tiếng như về lúa gạo , về muối , về nhãn , về .... Công tử Bạc Liêu { 1900 - 1973 } trong thời Pháp thuộc và về ngôi nhà thờ họ Tắc Sậy với sự linh ứng của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bửu Diệp , mà gần đây cả trong nước lẫn ngoài nước ai cũng biết .
Tôi không phải là người Công Giáo , hơn nữa lại là một giáo viên { ngày trước gọi là giáo sư trung học } có đầu óc khoa học và ưa chuộng thực tế hơn là những sự tin tưởng mang tính siêu hình . Tôi đã từng dạy học tại Bạc Liêu suốt 6 năm trời { 1965 - 1971 } và học trò của tôi tại các huyện Vĩnh Lợi , Vĩnh Châu , Phước Long , Giá Rai v.v..
. đông lắm , chúng tôi thường xuống dưới đó chơi . Tôi rất quen thuộc với cái huyện Giá Rai có ngôi nhà thờ nhỏ tí Tắc Sậy lợp tôn , nằm bên cạnh lộ sau khi đi qua ngôi chợ cũng nhỏ như vậy của thị trấn Hộ Phòng - thị trấn của huyện Giá Rai - khoảng một cây số .
Bây giờ , nhà thờ Tắc Sậy tự nhiên nổi tiếng do sự linh thiêng " ai đến khấn nguyện điều gì đều được " của Cha Diệp . Có điều tôi muốn thưa với quý bạn rằng : nhà thờ Tắc Sậy huyện Giá Rai thuộc tỉnh Bạc Liêu chứ không phải thuộc tỉnh Cả Mau . Tất cả các tài liệu đều ghi Bạc Liêu nhưng dân chúng thường nói Cà Mau bởi vì sau năm 1975 , khi Cha Trương Bửu Diệp bắt đầu nổi tiếng thì Bạc Liêu thuộc về Cà Mau , kết hợp với tỉnh Cà Mau thành tỉnh Minh Hải , người ta quen gọi là Cà Mau chứ ít khi gọi là Minh Hải . Ngoài ra , Nhà thờ Tắc Sậy nằm trên đường Bạc Liêu đi Cà Mau , cách Bạc Liêu 37 cây số trong khi chỉ cách Cà Mau có 20 cây số nên mọi người dể bį lầm .
Quý bạn hỏi , vậy thì đối với những chuyện đồn đại , bản thân Đoàn Dự tin hay không tin ? Tôi Xin trả lời rằng tôi không dám nói tin hay không tin , nhưng theo tôi nghĩ , Nhà thờ Tắc Sậy là một ngôi nhà thờ rất nhỏ - nhỏ không thể nào nhỏ hơn được nữa - lại nằm trong một thị trấn cũng nhỏ , đồng không mông quạnh , ở phần gần như cuối cùng đất nước , cách Sài Gòn tới hơn 300 cây số , vậy mà nay được xây dựng thành một cơ ngơi to lớn , hiện đại , nguyên tiền xây cất đã hơn 59 tỷ đồng , tức gần 3 triệu đô la , ấy là chưa kể các pho tượng 12 vị thánh tông đồ lớn gấp 2 hay 3 lần người thật , toàn bằng gõ đỏ tức loại gổ quý hiện nay không còn có ở Việt Nam { nhưng còn có ở Campuchia và Lào } mà theo tôi biết , giá mỗi pho tượng tới vải trăm triệu đồng , vậy thì tiền { nội thất } cũng tới hàng triệu đô la . Toàn là do khách thập phương , lương cũng như giáo , nhất là Việt Kiều tại các nước gửi tới tạ ơn cả . Phải có cái gì đó thiêng liêng và đầy tin tưởng người ta mới dâng hiến lên Cha như thế ! Mặt khác tôi cũng nghĩ , khi bị bắt cùng với 70 người vừa chức sắc vừa giáo dân trong họ đạo , Linh mục Phanxicô Trương Bửu Diệp đã hy sinh tính mạng của mình để cứu họ . Sau khi qua đời , Ngài hiển linh ban ơn cho người nầy người kia , " ai xin thì cũng đều được " . Rồi Bây giờ mọi người dâng lễ tạ ơn Ngài , biến ngôi nhà thờ nhỏ xíu của Ngài thành nơi khang Trang , hiện đại . Tất cả những việc đó đều là tình người . Đối với tôi , bất cứ cái gì thuộc về tình người đều đáng ca ngợi .
Quý bạn cũng hỏi những chuyện về Cha Diệp thì ai cũng biết , tại sao tôi còn thuật lại ? Xin thưa , tính tôi vẫn thế , không kể thì thôi , đã kể lả rất chi tiết . Tôi sợ quý bạn tuy biết nhưng biết từng mảng , không thành hệ thống . Bây giờ tôi xin tường thuật từ đầu đến cuối thật rõ để quý bạn hiểu , xin mời quý bạn xem xét ........
**********
TIỂU SỬ LINH MỤC TRƯƠNG BỬU DIỆP .
Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp sinh ngày 01/01/1897 , một tháng sau được Cha Giuse Sớm rửa tội ngày 02/02/1897 tại họ đạo Cồn Phước , nay thuộc ấp Mỹ Lợi , xã Mỹ Luông , huyện Chợ Mới , tỉnh An Giang .
Cha Ngài là Micae Trương Văn Đặng . Mę Ngài là Lucia Lê Thị Thanh . Gia đình sống tại họ đạo Cồn Phước tỉnh An Giang .
Năm 1904 , lúc Ngài 7 tuổi thì mę mất . Cha Ngài đời gia đình lên Battambang bên Campuchia , sinh sống bằng nghề thợ mộc . Tại đây , thân phụ Ngài tục huyền với bà Maria Nguyễn Thị Phước , sinh năm 1890 , quê gốc tại Mỹ Luông , Chợ Mới , An Giang . Kế mẫu đã sinh cho Ngài người em gái tên là Trương Thị Thìn { 1913 } , hiện còn sống tại họ đạo Bến Dinh , xã Tân Hòa , huyện Thanh Bình , tỉnh Đồng Tháp .
Năm 1909 , Cha Phêrô Lê Huỳnh Tiền gửi Ngài vào Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng , xã Tấn Mỹ , Chợ Mới , An Giang . Học xong tại Tiểu Chủng Viện , Ngài lên Đại Chủng Viện Nam Vang , Campuchia , { lúc đó các họ đạo An Giang , Châu Đốc , Hà Tiên trực thuộc giáo phận Pnom Penh , Campuchia } .
Năm 1924 , sau thời gian tu học , Ngài được thụ phong Linh Mục tại Nam Vang dưới thời Đức Cha Chabalier người Pháp . Lễ Vinh Quy và Mở Tay được tổ chức tại nhà cô ruột là bà Sáu Nhiều tại họ đạo Cồn Phước .
Từ năm 1924 - 1927 , Ngài được bề trên bổ nhiệm làm Cha phó họ đạo Hố Trư , một họ đạo của người Việt sinh sống tại tỉnh Kandal , Campuchia . Từ năm 1927 - 1929 , Ngài về làm giáo sư tại Tiểu Chủng Viện Cù Lao Giêng , tỉnh An Giang .
Tháng 03/1930 , Ngài về trông nom họ đạo Tắc Sậy , quận Giá Rai , tỉnh Bạc Liêu . Trong những năm làm Cha sở , Ngài quan hệ , giúp đỡ , thành lập nhiều họ đạo khác tại các vùng phụ Cận như : Bà Đốc , Cam Bô , An Hải , Đầu Sấu , Chủ Chí , Khúc Tréo , Đồng Gò , Rạch Rắn .
Hoàn cảnh xã hội nhiễu nhương những năm 1945 - 1946 , chiến tranh loạn lạc , bà con nhân dân di tản , Cha Bề Trên đįa phận Bạc Liêu là Phêrô Trần Minh Ký và cả các Cha người Pháp cũng khuyên Ngài lên Bạc Liêu lánh mặt , khi nào tình hình yên ổn thì sẽ trở lại họ đạo Tắc Sậy , nhưng Ngài trả lời : " Tôi sống giữa đàn chiên và nếu có chết cũng chết giữa đàn chiên , không đi đâu cả " .
Ngày 12/03/1946 , Ngài bį bắt cùng với trên 70 chức sắc và giáo dân tại họ đạo Tắc Sậy , bị lùa đi và nhốt tại lẫm lúa nhà ông giáo Sự ở Cây Dừa . Người ta định giết hết tất cả nhưng Ngài nói chính Ngài là chủ chăn các con chiên đó , vậy xin chết thay cho các con chiên của Ngài . Họ chấp nhận . Mọi người được thả còn Ngài thì bị đem đi thủ tiêu .
Những người trong họ đạo kể rằng đêm hôm ấy Ngài về báo mộng cho các vị chức sắc trong họ đạo biết chổ họ ném xác Ngài , trong cái ao nhà ông giáo Sự . Các vị đến nơi được báo mộng thì vớt được xác Ngài đã bị chặt đầu với một vết chém ngang cổ chổ gần mang tai , có ba vết chém khác trên mình . Thân xác Ngài không hiểu sao bị lột hết quần áo , trần trụi như Chúa Giêsu trên thập giá , nhưng hai tay vẫn chắp trước ngực như đang cầu nguyện và nét mặt Ngài vẫn bình thản , không có vẻ gì sợ hãi .
Các bị chức sắc lén đưa xác Ngài về chôn bí mật trong phòng thánh nhà thờ Khúc Tréo { nhà ông giáo Sự thuộc họ đạo Khúc Tréo , làm thế kín đáo hơn đưa về Tắc Sậy } . Như vậy Ngài đã tử vì đạo ngày12/03/1946 , nhằm ngày mồng 09/02/ năm Bính Tuất .
Hăm ba năm sau , tức năm 1969 , hài cốt Ngài được cải táng , di dời về nhà thờ Tắc Sậy , nơi Ngài đã làm chủ chăn trong 16 năm và là Cha sở thứ nhì của họ đạo Tắc Sậy .
Hai mươi năm sau nữa , tức năm 1989 , ngôi mộ của Ngài được trùng tu thành một ngôi nhà mộ nho nhỏ lợp tôn ở phía sau nhà thờ Tắc Sậy cũng nhỏ như vậy và khánh thành vào ngày 04/06/1989 .
Đầu năm nay { 2010 } , một ngôi nhà mồ cực kỳ khang trang và hiện đại đã xây dựng xong , hài cốt Ngài được di chuyển vảo đó với cái lễ cải táng rất long trọng do đức Giám Mục địa phận Cần Thơ chứng kiến . Ngày nào cũng có các tín hữu ở khắp mọi nơi trong nước cũng như ngoài nước , bên lương cũng như bên giáo , tới thăm viếng , khấn nguyện và tin tưởng vào sự linh ứng của Ngài .
CHUYỆN MỘT SỐ PHÉP LẠ CỦA CHA BỬU DIỆP .
Hiện nay , tuy Giáo Hội Công Giáo chưa xét phong Thánh cho Cha Bửu Diệp , nhưng trong lòng nhiều tín hữu Công Giáo , kể cả một số người thuộc các tôn giáo khác , đã coi Cha như một vị Thánh , vì rất nhiều người khấn xin với Ngài và được Ngài ban cho như ý . Tại các nhà thờ Công Giáo trong nước , rất nhiều giáo dân xin lễ tạ ơn Ngài . Đặc biệt , nhiều người không phải tín đồ Thiên Chúa Giáo cũng rất kính mến , tin tưởng ở Ngài . Những tấm bảng tạ ơn Cha Phanxicô Trương Bửu Diệp được gặn trên tường trong căn phòng nguyện tại nhà thờ Tắc Sậy nhiều không biết bao nhiêu mà kể .
Theo chúng tôi được biết , ở bên Mỹ , cụ Joan Baotixita Võ Hữu Hạnh , một nhà văn lớn tuổi , đã sáng lập " Hội những người con của Cha Trương Bữu Diệp " . Theo cụ , Cha Trương Bữu Diệp đã ban phép lạ cho nhiều người , cả lương cũng như giáo . Sau đây là một số chuyện về các phép lạ đó , bởi vậy tiếng tăm về Ngài ngày càng lừng lẫy .
Chuyện Gia Đình Ông Lâm Ở Lâm Đồng , Đà Lạt .
Ông bà Lâm không phải tín đồ Thiên Chúa Giáo và chuyện này đã diễn ra năm 1977 , do chính ông Lâm kể cho ông Ngọc Quang nghe , ông Ngọc Quang ghi lại trên tập san Đức Mẹ Hằng Cứu Giúp , do cụ Võ Hữu Hạnh chủ trương .
" Bà Lâm bị bệnh viêm ruột và đau dạ dày từ lâu , bệnh đã trở thành vô phương cứu chữa . Bác sĩ tại các bệnh viện ở Sài Gòn đều bó tay . Ông Lâm đành đưa vợ từ Sài Gòn về Lâm Đồng để bà sống những ngày cuối cùng của mình .
Giữa lúc gia đình vừa đưa bà Lâm về tới nhà thì có một vị khách đi đường xa , xe bị hư , trong khi chờ tài xế sửa , ghé vào thăm . Khách là một người cao lớn , khỏe mạnh , gương mặt chử điền , hàm râu cánh én , vẻ người phúc hậu với bộ áo dài đen của Linh Mục .
Ông Lâm vốn tính tình hiền lành , thường rất tôn trọng các vị tu hành , dù lương hay giáo . Mặc dù nhà đang bận rộn vì vợ bệnh nặng nhưng ông cũng lịch sự tiếp đón khách . Vị Linh Mục tinh ý hỏi tại sao nét mặt gia chủ có vẻ buồn rầu . Ông Lâm nói thật là vợ bị bệnh nặng , mới đưa từ Sài Gòn về nhà chờ chết . Vị Linh Mục nói rằng lúc trước mình cũng bị bệnh nặng như vậy , nhờ một ông bác sĩ tên Hữu cho uống loại thuốc này khỏi bệnh , bây giờ còn dư lại mấy viên . Cha lấy trong túi áo ra 3 viên thuốc trao cho ông Lâm và dặn chiều cho bà uống 1 viên , tối lúc 10 giờ 1 viên và sáng hôm sau 1 viên nữa , thế nào cũng khỏi . Ông Lâm tuy không tin lắm nhưng trong lúc tuyệt vọng , ai bảo sao cũng đành nghe vậy . Giữa lúc ấy người tài xế vào thưa xe đã sửa xong , vị Linh Mục bèn từ giã chủ nhà ra đi . Chủ nhà cảm ơn Cha và hỏi cho biết Cha ở đâu , vị Linh Mục nói mình trông coi xứ đạo Tắc Sậy , tỉnh Bạc Liêu .
Sau khi uống viên thuốc thứ nhất vài giờ , bà Lâm cảm thấy bớt đau , trong mình dễ chịu , biết đói , thèm ăn và ngủ ngon . Buổi tối , khoảng chừng 10 giờ , tự nhiên bà thức giấc và nhớ lời Cha dặn , bèn uống thêm viên thuốc thứ hai . Sáng hôm sau thức dậy , bà thấy trong người khỏe khoắn , không còn mệt mỏi và đau đớn như trước . Bà sung sướng báo tin cho chồng hay . Ông Lâm mừng quá bèn đem viên thuốc còn lại đến các tiệm để làm mẫu , mua thêm cho chắc ăn . Nhưng ông đi khắp nơi , kể cả các tiệm thuốc Tây lẫn thuốc Bắc , song chẳng ai biết đó là thuốc gì . Ông đành trở về , cho bà uống nốt viên còn lại và định có dịp sẽ xuống Minh Hải { năm 1977 , hai tỉnh Bạc Liêu và Cà Mau sát nhập lại với nhau thành tỉnh Minh Hải } thăm Cha và nhờ Cha nói với ông " bác sĩ Hữu " bán thêm giúp .
Muốn đi từ Lâm Đồng xuống Cà Mau thì phải về Sài Gòn , xuống Cần Thơ , qua Sóc Trăng rồi mới tới Bạc Liêu , và Hộ Phòng là thị trấn của huyện Giá Rai , tỉnh Bạc Liêu , cách thị xã Bạc Liêu 37 cây số , nơi có nhà thờ Tắc Sậy . Việc giao thông lúc ấy rất khó khăn , phải xếp hàng từ khuya ở Bến Xe Miền Tây để mua vé xe , có khi xếp hàng cũng không mua được vé , đường đi lại lồi lõm , hết sức cực khổ . Bà Lâm mới khỏi bệnh , khó chịu đựng nổi với những chiếc xe cà rịch cà tàng , cổ lỗ đó . Đang lúc ông Lâm lo âu thì có người cháu làm trong cơ quan nhà nước đến chơi , cho biết anh ta sắp đi công tác tại Minh Hải để giao dịch mua lương thực cho tỉnh . Ông Lâm mừng quá , bèn nói với cháu cho đi nhờ xe xuống Tắc Sậy , tiền xăng ông chịu . Người cháu nhận lời vì nhà thờ Tắc Sậy nằm ngay trên đường Bạc Liêu đi Cà Mau và cách thị xã Cà Mau khoảng 20 cây số , anh ta chở Chú , Thím tới Tắc Sậy rồi xuống Cà Mau không có gì khó .
Khi qua Bạc Liêu , xuống tới thị trấn Hộ Phòng . Nhà thờ Tắc Sậy nằm cách chợ Hộ Phònh khoảng 1 cây số , ở phía bên trái . Ông bà Lâm không thể ngờ được nơi ở của vị Cha sứ ân nhân lại nhỏ như vậy . Đó là ngôi nhà thờ mái lợp tôn , vách ván , xiêu vẹo trông rất tiêu điều . Đất nhà thờ rộng mênh mông nhưng chung quanh toàn đồng ruộng , dân cư thưa thớt .
Chiếc sân đất của nhà thờ không có cổng . Vợ chồng ông Lâm xuống xe , đi vô . Một ông lão bộc { thường gọi là ông Từ } đang quét trên sân . Trông thấy khách lạ , ông Từ có vẻ ngạc nhiên vì ít khi có khách phương xa đến thăm ngôi nhà thờ này . Ông Lâm nói muốn gặp Cha sở , ông Từ mời vào bên trong rồi mời Cha .
Một lát sau , vị Linh Mục ra , Ngài cho biết Ngài là Linh Mục Phêrô Nguyễn Ngọc Tỏ , Cha sở họ đạo Tắc Sậy . Ông bà Lâm rất ngạc nhiên , vị Linh Mục này trông không giống vị Linh Mục đã cho thuốc một chút nào hết , mà sao 2 vị đều tự nhận mình là Cha sở họ đạo Tắc Sậy ? . Ông Lâm bày tỏ sự tình và kể mình đã gặp 1 vị Linh Mục cao lớn , tóc ngắn , gương mặt chữ điền , hàm râu cá chốt . Cha Tỏ mĩm cười , không lấy gì làm lạ , bèn dẫn vợ chồng ông Lâm qua phía bên hông nhà thờ , tới ngôi mộ của Cha Diệp . Vừa nhìn thấy tấm hình trên bia mộ , tự nhiên ông Lâm quỳ phục xuống và quả quyết đây chính là vị ân nhân đã cho thuốc , cứu bà Lâm khỏi bệnh . Bà Lâm cũng quỳ xuống tạ ơn Ngài . Ông bà là người bên lương , không biết lảm dấu Thánh Giá .
Lúc ra về , ông bà Lâm gửi Cha sở 1 số tiền nho nhỏ để giúp nhà thờ , vì lúc ấy si cũng nghèo , ông bà không có nhiều . Có lẽ ông bà Lâm là những người đầu tiên đã giúp nhà thờ từ năm 1977 " .
Chuyện Bức Ảnh Đẫm Máu .
Sau đây là nguyên văn bức thư của GS Trần Anh Linh gửi cho cụ Võ Hữu Hạnh , nói về bức ảnh đẫm máu . Xin ghi chú thêm rằng chuyện này xảy ra khoảng 2 năm { 2008 } và hiện nay Linh Mục Gioan Minh vẫn còn ở tại nhà thờ Hiển Linh đường Ngô Tất Tố thuộc giáo phận Thị Nghè . Ngài nổi tiếng về việc khấn nguyện Đức Mẹ giùm những người bệnh tật kết quả rất tốt .
Sau đây là bức thư của GS Trần Anh Linh :
" Anh Hạnh thân mến .
Tôi xin gửi tặng anh món quà quý giá mà Cha Diệp đã ban cho tôi qua Cha Gioan Minh : Cha Diệp đã thực hiện 1 phép lạ nhãn tiền là dùng chính tấm ảnh mà chúng ta đã cho họa sĩ Đại Hàn ở khu Phúc Lộc Thọ vẽ rồi in ra nhiều ấn bản , vừa làm thành sách , vừa in thành ảnh gởi tặng và bán khắp nơi .
Tấm ảnh đó đã đổ máu đào lênh láng từ vết chém bằng đao kiếm đứt cổ , máu Cha đã đổ ra thấm ướt làm mờ hàng chữ Trương Bửu Diệp bên dưới .
Câu chuyện xảy ra như sau : Một hôm Cha Gioan Minh vào nhà sách Đức Mę Hằng Cứu Giúp ở đường Kỳ Đồng và chọn mua 1 tấm ảnh của Cha Diệp mà Cha đã nghe có nhiều phép lạ . Cô bán hàng dùng giấy báo gói bức ảnh có đóng khung sẵn trao cho Cha Minh , Cha Minh về đến nhà , tính mở ra để treo lên tường thì 1 ơn lạ đã xảy ra là máu tươi từ cổ bức ảnh tuôn trào ra thấm ướt cả tờ báo gói bức tranh .
Cha Minh kinh ngạc bèn cho đó là 1 dấu chỉ quan trọng , nên đã gói lại cẩn thận và lặng lẽ đem lên Tòa Tổng Giám Mục Sài Gòn trình với Đức Cha Phạm Minh Mẫn . Theo Cha Minh cho biết thì tấm ảnh thấm máu này đã được gửi qua để Tòa Thánh xét nghiệm , hy vọng rằng đã đến lúc Tòa Thánh cho lập Ban Điều Tra , tìm hiểu về các ơn lành Cha Diệp đã làm , mà việc lạ lùng làm cho máu đào từ vết cổ đổ ra sẽ là 1 trong những chứng cớ để Tòa Thánh có thể tôn phong Chân Phước cho Cha .
Tôi là bạn thân của Cha Minh , nên Cha đã tặng tôi 1 tấm . Tôi sao lại và gởi tặng anh , đây là tài liệu mới nhất về Cha Diệp , anh nên ghi chú vào tập sách Các Ơn Lành Của Cha " .
Trần Anh Linh
Chuyện Ông Chủ Thầu Vật Liệu Xây Dựng .
Từ những năm thuộc thập niên 1980 trở về sau , hằng năm cứ vào các ngày 11 - 12/03 dương lịch , dòng người lương , giáo từ các nơi lại đổ về Tắc Sậy . Trên những chiếc xe đò chở khách , người ta có thể thấy hình một vị Linh Mục mặt vuông chữ điền rất dễ mến . Họ xuống đễ dự lễ giỗ của Cha Phanxicô Xaviê Trương Bữu Diệp .
Ông Phước , người trông coi phần mộ của Cha Diệp tại nhà thờ Tắc Sậy , kể lại câu chuyện sau đây vào 1 buổi trưa tháng 04/2010 như sau :
" Vào khoảng những năm đầu thập niên 1980 , bờ kinh cạnh khu nhà thờ này còn là 1 bãi đất trống , làm nơi ghe và xe cộ dừng lại đổ hàng . Nửa đêm , có 1 ông chủ ghe chở đầy vật liệu xây dựng như gạch , cát , xi măng .... đậu bên bờ kinh . Ông bỗng trông thấy vị khách mặc áo dài đen theo kiểu nhà dòng từ trên bờ bước xuống . Vị khách tự xưng mình là Cha xứ nhà thờ Tắc Sậy , muốn mua hết các vật liệu trên ghe để xây lại nhà thờ . Giá cả xong xuôi , chủ ghe đồng ý bán và hẹn hôm sau sẽ cho công nhân đem hàng lên xong ông sẽ nhận tiền .
Sáng hôm sau , trước khi giao hàng , chủ ghe lên nhà thờ định gặp Cha xứ để biết chỗ cho công nhân xếp hàng . Đến khi gặp Linh Mục Phêrô Nguyễn Ngọc Tỏ , ông rất ngạc nhiên , từ giọng nói cho đến gương mặt , thân hình vị Linh Mục này không giống với vị khách có ria mép hôm trước 1 chút nào cả . Cha Tỏ nói : " Tôi hiểu , đó chính là linh hồn Cha sở Phanxicô Trương Bữu Diệp đấy . Ý Ngài muốn xây lại nhà thờ nên hiện ra như vậy " . Cha kể cho ông chủ thầu nghe các chuyện linh ứng của Cha Bữu Diệp rồi nói : " Ý tôi cũng muốn xây lại ngôi nhà thờ cho đàng hoàng nhưng họ đạo nghèo , chưa đủ tiền . Thôi thì đành cáo lỗi với ông và hēn khi khác " . Ông chủ thầu nói : " Cha Diệp đã linh ứng như vậy thì con không dám lấy tiền . Mặc dầu con là người bên lương nhưng con xin hiến tất cả các vật liệu trên ghe để nhà thờ xây sửa lại , không nhận 1 đồng nào cả " . Ông chủ thầu lập tức cho người khuân gạch , cát , xi măng từ dưới ghe lên rồi đi , ngay cả tiền công bốc xếp của các công nhân ông cũng tự trả , không để nhà thờ phải trả .
Không ngờ từ lúc đấy ông chủ ghe buôn bán ngày càng phát đạt . Ông cho rằng mình được Cha Diệp phò hộ nên mỗi lần đi qua Hộ Phòng ông thường quay lại nhà thờ Tắc Sậy để tạ ơn Cha " .
Cũng theo ông Phước , những chuyện linh ứng của Cha Diệp ngày một lan rộng . Từ đó về sau , khách thập phương kéo về nườm nượp để cầu xin Cha ban ơn lành . Nhất là các nghệ sĩ cải lương nổi tiếng , rất nhiều người xuống , họ cầu xin Cha chuyện này chuyện khác và ai cũng được toại nguyện . Lời nguyện đắc thành , họ đến đền ơn Cha , người thì ghế đá , người thì vật dụng dùng cho nhà thờ , người thĩ tiền bạc ........... , nhiều không sao kể xiết . Cứ thế , vào những ngày cuối tuần hoặc trong dịp lễ giỗ Cha { 12/03 dương lịch } , khách thập phương kể cả trong nước cũng như ngòai nước về kính viếng Cha đông như trẩy hội . Có nhiều người đem theo cả những chai nước La Vie đến để bên cạnh mộ , cầu nguyện trước khi mang về cho người trong gia đình . Nhưng cũng có những người tin tưởng đến độ cầu nguyện trong nhà thờ , trước mộ Cha chưa đủ , họ còn hỏi thăm , tìm đến chiếc ao nhỏ của gia đình ông giáo Sự ngày xưa để chiêm ngưỡng nơi Cha đã bị sát hại .
Điều lạ lùng hơn nữa là theo như lời của vị Cha xứ hiện nay là Linh Mục Phaolô Nguyễn Thanh Bình , thì có tới 70% khách thäp phương cuộng Giá Rai kính ngưỡng Cha Diệp là người ngoại đạo hoặc Việt Kiều từ nước ngoài về . Có những người chưa về nhưng đã " nghe nói " tới sự linh ứng của Cha nên đã gởi tiền về giúp nhà thờ xây dựng được 1 cơ ngơi lớn lao như ngày nay , khả dĩ có thể đón tiếp bất cứ nhóm hành hương nào dù đông bao nhiêu , họ đều có chổ nghỉ ngơi đàng hoàng mà không cần phải đóng góp gì cả .
Để kết luận bài này , tôi xin thưa với quý độc giả thân mến rằng tôi không phải là người Công Giáo , nhưng tôi biết trong Thánh Kinh Công Giáo có câu nói của Đức Chúa Giêsu : " PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN " . Vậy nay tôi xin dùng câu nói này để cầu Chúa và Cha Diệp ban ơn cho quý vị . Amen .
Đoàn Dự ghi chép .
Trích trong Thời Báo Houston .
Ngày Thứ Sáu , 17/09/2010 .
No comments:
Post a Comment