Tiến sĩ Phạm Chí Dũng (BBC) - Không khí buổi điều trần nhân quyền Việt Nam tại Geneva ngày 5/2/2014 thật kỳ lạ: phái đoàn Hà Nội đã ghi dấu như một trong những tưởng niệm đáng hổ thẹn nhất trong lịch sử Hội đồng nhân quyền LHQ khi bị giới quan sát độc lập nhún vai lắc đầu: “Nói như vẹt!”.
Nhưng chính xác hơn, diễn ngôn của nhóm “luôn tôn trọng và bảo vệ quyền con người” đã được diễn đạt bằng hình thức đọc báo cáo thuần túy, với thời lượng chiếm đến gần 1/6 tổng quỹ thời gian cuộc điều trần.
Não trạng được thể hiện qua cung cách, và bản lĩnh cũng bộc lộ qua hình thức phát ngôn. Rất thường là giới quan chức lãnh đạo Việt Nam đã không có nổi một bài diễn từ ứng khẩu trước công chúng quốc tế. Rất thường là trong tay họ luôn và phải là một tờ giấy với những nội dung bằng tiếng Việt đã được dàn thư ký soạn thảo theo một trình tự không thể lẫn lộn về bố cục và giữa các đoạn văn đọc với nhau.
Đó cũng là cung cách và bản lĩnh của phái đoàn Việt Nam tại UPR Geneva.
'Thủ lợi khôn lỏi'
Tác giả thất vọng về trình bày của đoàn Việt Nam |
Tương lai của Hiệp định đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) càng trở nên xa vời trước tư thế cúi đầu đọc báo cáo không thể kiên định hơn của phái đoàn Việt Nam trong phòng điều trần Geneva. Chưa bao giờ số câu hỏi của các quốc gia thành viên lại chất đầy đến thế, nhưng cũng hiếm khi nào quốc gia trả bài lại trở thành thí sinh học thuộc lòng một cách trái khoáy đến như vậy.
Ai hỏi cứ hỏi, nhưng người trả lời luôn tuân thủ quy định “Cương lĩnh đảng quan trọng hơn hiến pháp”. Những cái đầu bóng mượt trồi lên trên bộ complê đắt tiền như tô điểm đáng mặt đồng tiền cho một bộ phận không nhỏ thuộc giới tinh hoa cầm quyền đang bị xác quyết là “thụt lùi sâu sắc về nhân quyền”.
Nhưng nếu quan sát sâu lắng hơn, thái độ bất chấp kỳ lạ đến mức bất chấp sỉ nhục như thế lại như toát lên phần nào quang cảnh nội tình trong nội bộ. Khái niệm nội bộ như vậy lại luôn trở thành tiêu điểm quốc gia kể từ hội nghị trung ương 6 vào tháng 9 năm 2012 kéo dài đến nay, và rất có triển vọng trở nên điểm nóng vào năm 2014 này và tiếp nối cho cả hai năm sau nữa.
Có thể nhận ra những điểm chói nội bộ nếu so sánh cuộc UPR lần này với UPR năm 2009. Vào cuộc kiểm điểm định kỳ phổ quát đầu tiên cách đây 4 năm, Nhà nước Việt Nam đã không nề hà thực thi một loạt “kỹ thuật vận động”, hoặc thủ pháp được coi là “quốc tế vận”. Những quốc gia thân cận về ý thức hệ như Cu Ba, Bắc Triều Tiên luôn chiếm diễn đàn trong một thời gian đủ dài để lớp câu hỏi còn lại của khối quốc gia phản biện là đủ ngắn.
Nhưng vào lần này, cho dù đã có dư luận định hướng về việc “hai trong ba quốc gia chủ trì phiên điều trần là “thân với Việt Nam””, nhóm “troika” gồm ba nước chủ tọa vẫn làm việc một cách công minh và công bằng. Không có bất kỳ thủ đoạn vận động nào qua mắt được ban tổ chức, và những người điều hành ở Hội đồng nhân quyền LHQ cũng không cho phép bất cứ một sự xâm phạm quyền con người nào ở chính nơi đây.
"Dường như tại cuộc UPR vừa qua, Hà Nội đã phải chịu thúc thủ bởi các ràng buộc nhân quyền chặt chẽ mà không còn “linh hoạt và uyển chuyển” theo tính toán của họ được nữa." |
Hiện hữu nghiêm khắc trên cho thấy dường như tại cuộc UPR vừa qua, Hà Nội đã phải chịu thúc thủ bởi các ràng buộc nhân quyền chặt chẽ mà không còn “linh hoạt và uyển chuyển” theo tính toán của họ được nữa.
Tuy nhiên, dấu hỏi nghi vấn cũng nên được đặt ra trong bối cảnh trước hàng trăm câu hỏi dồn dập và không thiếu câu hỏi nặng ký của các phái bộ quốc tế, hình thức “đọc bài” của phái đoàn Việt Nam vẫn bảo lưu từ đầu đến cuối buổi điều trần. Lẽ nào năng lực của phái đoàn này đúng nghĩa là “con vẹt” như giới quan sát mô phỏng? Hoặc còn hơn cả thế, phải chăng giới cầm quyền Việt Nam, sau khi lọt vào được Hội đồng nhân quyền, đã tố lên thái độ xem thường của họ trước mọi lời tố cáo về nhân quyền của phần lớn trong cộng đồng quốc tế? Hoặc còn nguyên do tiềm ẩn nào khác?
Trùng thời gian với buổi UPR Việt Nam tại Geneva, đã chính thức xuất hiện tin tức Tổng thống Hoa Kỳ Barak Obama sẽ có chuyến công du châu Á vào tháng 4/2014 tới. Cùng lúc, Thứ trưởng phụ trách khu vực Đông Á Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, ông Daniel Russel, đã họp báo với thông tin “Hoa Kỳ khẳng định cam kết tham gia và chiến lược tái cân bằng về khu vực châu Á - Thái Bình Dương”.
Sau một thời gian dài kín tiếng, đại sứ Việt Nam tại Mỹ cũng cùng lúc không giấu được thái độ sốt ruột “Việt Nam mong thông báo quan trọng về TPP khi ông Obama đến châu Á”.
Một lần nữa trong bài viết này, chúng ta quay trở lại chủ đề TPP với toàn bộ tâm trạng thèm khát của “quốc gia sẽ được hưởng lợi nhiều nhất”, cùng quan điểm “vô cảm” từ quốc gia phải chấp nhận nhập siêu gần 2 tỷ USD từ Việt Nam trong năm 2013.
Tại Phòng bầu dục cuối tháng Bảy năm ngoái, Obama đã hứa hẹn với Chủ tịch Trương Tấn Sang về khả năng “sớm nhất có thể” hoàn tất ký kết TPP vào thời điểm cuối năm đó. Ngay lập tức, hệ thống báo đảng ở Việt Nam đã “tự diễn biến”: người ta khẳng định với dân chúng và giới doanh nghiệp là chắc chắn cuối năm 2013 hiệp định TPP “sẽ được hoàn tất” đối với Việt Nam. Hàng loạt bài viết tô hồng theo dạng “dưới ánh sáng TPP…” cũng theo đó tràn ngập trên mặt báo chí.
Tuy thế, lòng can đảm và tinh thần kiên định không phải là tất cả. Quy trình thoát lầy luôn là một quy luật có độ trễ, và đáng buồn là độ trễ ấy lại không còn tùy thuộc vào chủ quan duy ý chí của kẻ đang sa lầy gần lút đầu.
“Vẫn còn nhiều việc phải làm” là thành ngữ ngày càng thường trực trên môi giới ngoại giao và thương mại Hoa Kỳ trong các cuộc tiếp xúc với những cặp mắt mang hình TPP của giới chức Việt. Dường như người Mỹ đã thấm thía và ngày càng vận dụng nhuần nhuyễn cách chơi vẫn bị miệt thị là “thủ lợi khôn lỏi” của giới lãnh đạo Việt Nam.
'Đường ai nấy đi'
Không một lời “càm ràm” bổ sung, Hội nghị UPR 2014 đã kết thúc mà không cần đến những lời chỉ trích quá gai góc về nhân quyền Hà Nội.
Tất nhiên với căn bệnh không cần thuốc chữa của mình, Hà Nội có thể xem UPR chỉ là một thủ tục không hơn không kém. Nhưng khác hẳn với kỳ UPR năm 2009 và khác nhiều hơn nữa với giai đooạn 2006 khi Việt Nam được tham gia vào Tổ chức Thương mại thế giới, giới quan sát quốc tế dường như cảm nhận rõ rệt về tình thế “bất động” cùng những khó khăn bi kịch của đoàn điều trần Việt Nam vào lần này.
Không còn phong phú tiếng vỗ tay “nhất trí cao” trong đảng như cách đây 7 năm, giới chức lãnh đạo Việt Nam có thể bước vào kỳ UPR năm 2014 với tâm thế “đường ai nấy đi”. Từ đầu năm mới, hàng loạt sự kiện và biến cố gay cấn xen thú vị đã diễn ra. Thông điệp “Nắm chắc ngọn cờ dân chủ” của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, lời khai chết người của bị cáo nhận án tử hình Dương Chí Dũng mà có thể làm thiệt hại nặng cho “phe lợi ích”, cuộc tưởng niệm bất thành về sự kiện Hoàng Sa, một cái Tết nguyên đán thảm hại chưa từng thấy trong đời sống dân chúng và doanh nghiệp… Tất cả đều dồn nén dưới đáy thùng như chực chờ bùng nổ.
Ở dưới đáy thùng ấy, làm sao các nhóm “đường ai nấy đi” ở Hà Nội còn đủ thời gian, minh mẫn và chuyên chính để chỉ đạo giữ thể diện tối thiểu trong cuộc đối chất tại UPR Geneva? Làm thế nào để những bộ complê nhân quyền ứng khẩu thay cho lối trình bày diễn văn cực kỳ phản cảm trên gương mặt ngoại giao?
Cách hành văn theo lối đọc bài của phái đoàn Việt Nam tại Geneva chính là một bằng chứng sống động phản ánh tình trạng ngõ cụt ấy.
Chưa kể đến những đòi hỏi từ Hoa Kỳ - quốc gia chiếm đến phân nửa thị trường xuất khẩu da giày, dệt may và hải sản của Việt Nam. UPR có thể không quá quan trọng và có thể bị coi thường, nhưng không phải ngẫu nhiên mà người Mỹ lại đặc tả đích danh bốn nhân vật Cù Huy Hà Vũ, Điếu Cày, Lê Quốc Quân và Trần Huỳnh Duy Thức “phải được trả tự do ngay lập tức”.
Cũng bởi thế, phiên xử phúc thẩm luật sư công giáo Lê Quốc Quân vào ngày 18/2/2014 sẽ là phép thử đầu tiên và đầy thách đố về một cuộc “kiểm điểm nhân quyền bất thường” tiếp nối.
Ai trong chính giới cao cấp sẽ lấy điểm nếu xử lý được tình huống thách đố đó?
* Bài viết phản ánh quan điểm riêng và lối hành văn của tác giả, một nhà báo tự do đang sống ở TP. Hồ Chí Minh.
No comments:
Post a Comment