Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, February 14, 2014

Tại sao Tổng Thống Pháp được đón tiếp nồng hậu tại Washington DC ?

Tại sao Tổng Thống Pháp được đón tiếp nồng hậu tại Washington DC ?

Lê Thanh Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
Sau một đợt báo chí Pháp nói về đời tư Tổng Thống Pháp François Hollande cùng một người cận vệ lái xe gắn máy đến thăm nữ diễn viên Julie Gayet. Tạp chí Closer tiết lộ câu chuyện tình ái như  trong một phim trinh thám với tựa đề “Mối tình bí mật của Tổng thống”, tờ báo viết : “Vào ngày đầu năm, vị nguyên thủ đội chiếc nón bảo hiểm, đi xe gắn máy đến gặp nữ diễn viên tại địa chỉ mà Tổng thống thường qua đêm. Những tấm ảnh đáng kinh ngạc còn đặt ra vấn đề về an ninh của Tổng thống. Người đứng đầu Nhà nước chỉ có một cận vệ đi cùng, nhằm bảo vệ bí mật cho cuộc hẹn với nữ nghệ sĩ, và còn mang bánh croissant cho họ”
Rồi tin đồn loan ra, cũng một tình nhân khác đang ở với TT François Hollande trong điện Élysée đóng vai “Đệ Nhất Phu Nhân”, nữ ký giả Valérie Trierweiler bị cú xóc nên có ý định uống thuốc tự tử (she took one pill too many) được  khẩn cấp đưa vào bệnh viện, gây thêm sự chú ý của dân Pháp làm uy tín TT Hollande bị tuột dốc…

Những khuôn mặt chính khách tây phương ngại nhất là đệ tứ quyền tức giới “truyền thông-báo chí”. TT Nixon phải từ chức cũng vì truyền thông-báo chí, TT Bill Clinton xém mất ghế Tổng Thống cũng vì truyền thông-báo chí… trường hợp TT Hollande cũng không ngoại lệ. May là bà  Trierweiler chỉ là tình nhân của Hollande chưa có giấy hôn thú nên ông không bị luật pháp truy tố về tội ngoại tình. Cuối cùng, ngày 25/01 ông đã dàn xếp và chính thức tuyên bố chia tay với người tình “Đệ Nhất Phu Nhân”. Bà Trierweiler rời điện Élysée và có ý định đi xa làm thiện nguyện tại Ấn Độ. Và TT Hollande thanh thản tuyên bố công du Hoa Kỳ một mình.
Ngày 11/02 vừa qua, TT Barack Obama trải thảm đỏ đón tiếp TT François Hollande rất trang trọng, thành phố Washington DC treo cờ Mỹ-Pháp rợp trời với 21 tiếng súng đại bác dàn chào thượng khách một cách uy nghi theo nghi lễ quốc khách, một buổi yến tiệc tiếp đón phái đoàn Pháp rất trang trọng với 300 thượng khách của nước Mỹ tham dự. Truyền thông thế giới đánh giá đây là cuộc đón tiếp tổng thống Pháp trịnh trọng nhất từ năm 1996.
Tại sao?
Gần đây khi quốc hội Anh bỏ phiếu không chấp nhận cho Thủ Tướng David Cameron dùng biện pháp quân sự để giúp quân nỗi dậy ở Syria đã làm cho Tổng Thống Hoa Kỳ hụt hẫng trong khi Tổng Thống Pháp lại ủng hộ giải pháp quân sự của TT Mỹ.
Hoa Kỳ sau hai cuộc chiến Iraq và Afghanistan chống khủng bố kéo dài, tốn kém và mệt mỏi, nay muốn rút quân, trong khi quân khủng bố al-Quaeda còn xuất hiện nhiều nơi, đặc biệt ở Mali và Trung Phi tại Phi Châu vừa qua, Hoa kỳ đang bối rối việc đưa quân đến Phi Châu thì Pháp nhảy vào với thái độ dứt khoát tiêu diệt quân khủng bố al-Queada, kẻ thù số một của Mỹ hiện nay. Mặt khác sự can thiệp của Pháp vào Mali và Trung Phi là một thế lực giới hạn sự bành trướng chủ nghĩa “Đại Hán” ở Phi Châu, nơi làng sóng di dân cực nhanh của người Hoa đến khai thác tài nguyên bừa bãi và thực hiện chính sách di cư bành trướng lấn đất. Washington đánh giá rất cao việc Pháp can thiệp vào Mali và Trung Phi hợp tác với Mỹ trước tiêu diệt quân khủng bố đang hoạt động, và dành vùng tài nguyên trù phú mà thực dân Trung Cộng đang quyết tâm xâm chiếm.
Tại Trung Đông, một địa bàn phức tạp mà Mỹ đang dấn thân tích cực đối với hai nước Syria và  Iran, Nước Pháp hiện nay ủng hộ lập trường của Mỹ trên nhiều vấn đề giải quyết chấm dứt tình trạng làm giàu hạt nhân ở Iran và cuộc chiến ở Syria. Việc chính phủ Pháp ủng hộ Hoa Kỳ để giải quyết những bế tắc tại hai quốc gia Trung Đông này còn hăng hơn cả đồng minh lâu đời của Hoa Kỳ là Anh Quốc. Đôi khi những lời phát biểu của những quan chức ngoại giao Pháp trên những vấn đề Trung Đông còn mang lập trường mạnh dạn hơn những lời tuyên bố của quan chức Hoa Kỳ. Nước Pháp của Tổng Thống François Hollande có lập trường đáng tin cậy đối với Hoa Kỳ so với những đời tổng thống trước, nhất là  TT Jacques Chirac đã thẳng thừng theo Nga và Trung Cộng bác bỏ cuộc chiến tấn công Iraq của Tổng Thống George Bush trước đây. Rồi đến thời TT Nicolas Sarkozy thì đứng vai trung dung thủ lợi, nay TT Hollande nghiêng hẳn về Hoa Kỳ.
Không những tại Phi Châu, Trung Đông mà ngay cả tại Liên Hiệp Châu Âu, nước Pháp dưới thời François Hollande, ngoại trưởng Pháp đã tuyên bố hồi tháng 11/2012, Paris cam kết thúc đẩy chính sách phòng thủ chung tại Châu Âu và quyết tâm hợp tác với Hoa Kỳ về an ninh trên thế giới.
Hai bên đều có lợi:
Trước mắt sự đón tiếp long trọng chưa từng thấy của Tổng Thống Siêu Cường Hoa Kỳ làm cho chuyện đời tư của của TT Hollande bị lu mờ như đi vào quên lãng nhờ uy tín đối ngoại của ông được nâng cao.
Song song với việc đón tiếp nồng hậu, khác với dự đoán của nhiều người cho rằng trong chuyến công du của TT Hollande đến Hoa Kỳ sẽ bị giới truyền thông sẽ phanh phui chuyện đời tư cá nhân của ông. Nhưng ngược lại, tờ Washington Post lại không đả động gì mà còn đề cao vai trò quân sự của Tổng Thống Pháp tại Phi Châu và kêu gọi TT Obama ủng hộ nước Pháp. Còn Wall Street Journal bình luận nước Pháp hiện nay được cánh hữu, phe tân bảo thủ và cả phe trung hữu tại Mỹ đánh giá cao…
Giới học giả như Tiến sĩ Keneth Weinstein, Giám đốc học viện Hudson, Hoa Kỳ, lão luyện trong ngành ngoại giao quốc tế nhận định: “Nước Pháp hiện nay ở vị thế ngược lại so với thời kỳ chiến tranh Iraq. Nước Pháp rất được tôn trọng với tư cách là một cường quốc quân sự biết cách đối phó với những phần tử Hồi giáo cực đoan. Nước Pháp là tiếng nói có trọng lượng nhất ở phương Tây trong cuộc chiến chống những phần tử cực đoan”.
Giới chính khách Hoa kỳ thuộc hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ đều nhiệt liệt hoan nghênh hành động của Tổng Thống Hollande trên chính trường quốc tế, đến đâu ông cũng nhận được những bắt tay thân thiện và lời hoan nghênh không ngớt tại khuôn viên toà Bạch Ốc.
Đặc biệt nhất là TT Obama mời ông Hollande lên máy bay riêng của TT Hoa Kỳ, Airforce One, nơi thâm cung bí sử, du ngoạn một vòng để chứng tỏ lòng tin cậy và thân thiện hợp tác. Ngoài ra TT Hollande còn tiếp xúc với các chủ nhân hàng đầu ngành tin học Hoa Kỳ như Google, Facebook, Twitter và Mozilla  để trình bày về việc cải tổ cơ cấu mà ông sẽ tiến hành để nâng cao giá trị cạnh tranh của nước Pháp, qua đó mời gọi đầu tư từ các doanh nghiệp Mỹ.
Cuộc gặp gỡ còn thể hiện sự nhớ ơn của nước Pháp đối với quân đội Hoa Kỳ đã giúp nước Pháp đánh quân xâm lược Hitler của Đức Quốc Xã trong đệ nhị thế chiến. TT Hollande lần đầu tiên đại diện nước Pháp trao huân chương Bắc đẩu Bội tinh cho một trong những chiến sĩ vô danh ở Nghĩa Trang Quốc Gia Arlington, đồng thời gắn huy chương cho sáu cựu chiến binh Đệ Nhị Thế Chiến ở Fort Meyer. 
Sau nhiều năm lục đục với Hoa Kỳ, nước Pháp nhận thấy mất quyền lợi vì bị Mỹ gạt ra ngoài nhiều đầu tư quan trọng trên thế giới…nay sự xoay chuyển trước một thế giới mà kinh tế nước Pháp đang gặp khó khăn trong khi nước Mỹ đang phục hồi sau cuộc khủng hoảng kinh tế từ năm 2008… nên sự thay đổi lập trường của Pháp đối với Mỹ là một hành động khôn ngoan và nhiều triển vọng cho nước Pháp.
Tháng 3 tới đây, trong chuyến công du của TT Obama đến Bruxelles để tham dự cuộc họp Thượng Đỉnh với Liên Hiệp Châu Âu chắc chắn sẽ gặp những khó khăn ngoại giao về vấn đề: Tình báo Hoa Kỳ nghe lén điện thoại, về tuyên bố của Phụ Tá Ngoại Giao đặc trách Châu Âu “Châu Âu đi chỗ khác chơi”,  về tự do mậu dịch giữa Hoa Kỳ-Liên Hiệp Châu Âu chưa thỏa đáng, về giải quyết vấn đề Ukraine… chắc chắn rằng TT Hollande sẽ gỡ rối cho TT Obama để đáp lễ sự đón tiếp nồng hậu ở Washington DC vừa rồi.
Một cuộc tiếp đón lịch sử, Hoa Kỳ có thêm một cường quốc đồng minh thân cận đầy hứa hẹn ở Châu Âu, hy vọng sẽ làm cho thế giới giải quyết những khó khăn đang đối diện, nhất là những bất ổn xung khắc từ các quốc gia độc tài cộng sản như Trung Quốc và bóng ma độc tài cộng sản sót lại như một Puttin của Nga Xô luôn luôn là trở ngại và tạo những xung đột trên thế giới.
Lê Thành Nhân (lethanhnhanh@vietquoc.org)
14/02/2014  

No comments:

Post a Comment