Đề Thám rút lên gần Tam Đảo giữa Vĩnh Yên và Thái Nguyên. Một trận đụng độ lớn xảy ra ngày 5-10-1909 tại núi Lang, gần Tam Đảo. Quân Pháp chết 7 người, bị thương 21 người. Quân Lê Hoan thiệt mạng 9 người, bị thương 10 người. Đề Thám chỉ còn khoảng 20 quân. Cả Rinh và Đội Sơn, hai thủ hạ thân cận của Đề Thám đầu hàng Lê Hoan.
Tối 30-11 rạng sáng 1-12-1909, bà Ba Nhu, tức bà vợ thứ ba của Đề Thám, cùng con gái là Hoàng Thị Thế, bị bắt. Quân Pháp tiếp tục đeo bám Đề Thám hết sức gắt gao, nhưng vẫn không bắt được Hùm Thiêng Yên Thế. Ông ẩn hiện khắp nơi vùng Yên Thế thượng và Yên Thế hạ, giữa Thái Nguyên, Nhã Nam và Phủ Lạng Thương. Pháp không biết cách nào bắt cho được Đề Thám, liền nhờ đến Lương Tam Kỳ.
Lương Tam Kỳ là một dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc ở Trung Hoa, tràn sang nước ta làm thổ phỉ. Sau hòa ước Thiên Tân lần thứ hai ngày 9-6-1885 giữa Pháp và Trung Hoa về vấn đề Việt Nam, quân Trung Hoa rút về nước, Lương Tam Kỳ ở lại hoạt động vùng Chợ Chu (bắc Thái Nguyên), xuống tới Tam Đảo (giữa Thái Nguyên và Phúc Yên). Năm 1889, Pháp đem quân tấn công. Lương Tam Kỳ xin hàng với điều kiện được chia đất cai trị và được trả lương. Phủ toàn quyền Pháp đồng ý, giao cho Lương Tam Kỳ cai quản 4 tổng gần Chợ Chu và 42,000 đồng Đông Dương một năm. Lương Tam Kỳ ở yên trong 4 tổng đó và quân Pháp cũng không được vào 4 tổng đó. Lương Tam Kỳ giữ đúng lời hứa cho đến khi chết già.
Được Pháp thuyết phục, Lương Tam Kỳ gởi ba “khách trú” (chỉ người Trung Hoa), giả làm người của tướng Liên bên Quảng Tây (Trung Hoa), đến liên lạc với Đề Thám ở Yên Thế thượng vào ngày 10-1-1913. Tuy đang cần sự giúp đỡ từ bên ngoài, nhưng Đề Thám cũng rất cẩn thận đề phòng, nên mãi đến một tháng sau, ngày 9-2-1913, ba người nầy mới ra tay, hạ thủ được Đề Thám trong lúc ông đang ngủ. (Paul Chack, Hoang-Tham Pirate, Paris: Les Éditions de France, 1933, tt. 261-263.) Lúc đó, Đề Thám 52 tuổi (tuổi ta). Thế là Hùm Thiêng Yên Thế bị sa cơ, chấm dứt một cuộc đời oanh liệt, và chấm dứt luôn cuộc kháng chiến chống Pháp dai dẳng nhất từ khi Pháp chiếm nước ta năm 1884.
Về phần bà Ba Nhu, trước đây, các tài liệu đều ghi rằng bà tên là Đặng Thị Nhu, vợ thứ ba của Hoàng Hoa Thám và là một tướng lãnh giỏi của nghĩa quân Yên Thế, giúp chồng rất đắc lực. Theo tài liệu của một ký giả đã lên Yên Thế, và gặp cháu của Hoàng Hoa Thám là bà Hoàng Thị Hải, con của ông Cả Phồn, thì bà Ba Nhu có tên là Nguyễn Thị Nho, còn được gọi là bà Ba Cẩn. (Lê Xuân Sơn, “Con gái ông Đề Thám”, Tuổi Trẻ Chủ Nhật, số 50-94, TpHCM: ngày 18-12-1994.) Sau khi bị bắt, bà Ba Nhu bị giam ở Hỏa Lò, Hà Nội và bị kết án đày đi Guyanne thuộc Pháp ở Trung Mỹ. Trên đường đi, bà nhảy xuống biển tự tử ngày 25-12-1910.
Con gái của bà Ba Nhu với Hoàng Hoa Thám là Hoàng Thị Thế, được người Pháp gởi qua Pháp nuôi ăn học. Bà Thế trở về Việt Nam năm 1923, và qua Pháp trở lại vào đầu năm 1927. (Charles P. Keith, “The Curious Case of Hoàng Thị Thế”, đăng trên tập san Journal of the Vietnamese Studies, số 8, hè 2013, University of California, Berkeley, tr. 91.)
Theo bài báo nầy, vào đầu năm 1929, khi làm giấy tờ xin đi Việt Nam, bà Hoàng Thị Thế khai với nhân viên phụ trách rằng vào tháng 3-1928, Nguyễn Ái Quốc gởi một phái viên đến gặp bà ta và thuyết phục bà ta thành hôn với Nguyễn Ái Quốc. Bà Thế cũng cho biết rằng lúc đó Nguyễn Ái Quốc đã cưới một phụ nữ Nga và Quốc đã đến thành phố Lille trong hai năm 1927 và 1928. Từ đó Quốc thường đến Lille bằng một bí danh. (Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 99.) Lille là một thành phố kỹ nghệ nằm ở phía bắc nước Pháp, gần sát biên giới với nước Bỉ (Belgium)
Bà Thế còn thêm rằng đây không phải là lần đầu tiên bà là mục tiêu bị Nguyễn Ái Quốc theo dõi. Bà nói rằng khi còn ở Đông Dương, năm 1927 “bốn người bản xứ đến tìm bà ở Sài Gòn để ép bà đừng lên tàu thủy. Họ sẽ đưa bà qua Xiêm La [Thái Lan] bằng xe hơi và kết hôn với Nguyễn Ái Quốc...” (Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 100.)
Trong thời gian nầy, Nguyễn Ái Quốc, ủy viên Đông phương bộ của Đệ tam Quốc tế Cộng sản (ĐTQTCS), qua Trung Hoa tháng 10-1924, hoạt động tình báo cho Liên Xô với bí danh mới là Lý Thụy. Tại Quảng Châu, Lý Thụy hợp tác với Lâm Đức Thụ bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu khi Phan Bội Châu từ Hàng Châu đến ga Thượng Hải ngày 1-7-1925. (Hoàng Văn Chí, Từ thực dân đến cộng sản, nguyên bản bằng tiếng Anh (From colonianism to communism), Mạc Địch dịch, Paris, 1962, tr. 38. Tưởng Vĩnh Kính, Nhất cá Việt Nam dân tộc chủ nghĩa đích ngụy trang giả, Đài Bắc: Nxb. Truyện Ký Văn Học, 1972, bản dịch của Thượng Huyền, Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, California: Nxb. Văn Nghệ, 1999, tt. 84-85.) Lý Thụy bán tin cho Pháp bắt Phan Bội Châu nhắm mục đích vừa để lãnh thưởng, vừa để loại bỏ nhà lãnh đạo cách mạng dân tộc uy tín nhất ở hải ngoại và giành lấy tổ chức của ông.
Sau vụ nầy, có thể nhờ có tiền lãnh thưởng, Lý Thụy tức Nguyễn Ái Quốc tổ chức lễ kết hôn với một nữ đảng viên cộng sản Trung Hoa là Tăng Tuyết Minh (1905-1991) vào tháng 10-1926. Lễ kết hôn diễn ra tại nhà hàng Thái Bình, thành phố Quảng Châu, có mặt các bà Đặng Dĩnh Siêu (vợ Châu Ân Lai), Bào La Đình, Thái Sướng. Lý Thụy và Tăng Tuyết Minh chia tay khi chiến tranh Quốc Cộng Trung Hoa bùng nổ ngày 12-4-1927. (Hoàng Tranh (Huang Zheng), “Hồ Chí Minh với bà vợ Trung Quốc Tăng Tuyết Minh”, tạp chí Đông Nam Á Tung Hoành tháng 11-2001. Báo Diễn Đàn, Paris, số 121, tháng 9-2002 dịch đăng lại, tt. 17-20.)
Lúc đó, Tưởng Giới Thạch (Quốc Dân Đảng Trung Hoa) chẳng những tấn công đảng Cộng Sản Trung Hoa, mà cả những nhóm cộng sản các nước khác. Nguyễn Ái Quốc bỏ trốn đi Vũ Hán, đến Thượng Hải, theo đường biển lên Vladivostok, qua Moscow khoảng giữa tháng 6 năm 1927. (Chính Đạo, Hồ Chí Minh, con người và huyền thoại 1892-1924, tập 2: 1825-1945, Houston: Nxb. Văn Hóa, 1993, tr. 85.)
Tháng 11-1927, Nguyễn Ái Quốc được ĐTQTCS gởi từ Moscow qua Berlin (Đức), và xâm nhập Pháp. Theo tin tình báo Pháp, Quốc rời Paris ngày 15-12-1927, qua Berlin, rồi qua Bruxelles (Bỉ) đầu năm 1928, tham dự Hội nghị Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc. Sau Hội nghị, Nguyễn Ái Quốc qua Đức, chờ quyết định của ĐTQTCS. Cuối tháng 5-1928, ông đến Ý, và xuống tàu Nhật ở hải cảng Naples, qua Viễn Đông (Chính Đạo, sđd. tt. 93-94.) Nguyễn Ái Quốc đến Xiêm La tháng 8-1928, lập tỉnh uỷ U-đon, thống nhất việc lãnh đạo Việt Nam Cách Mạng Thanh Niên Hội ở Xiêm La. (Hoàng Văn Hoan,Giọt nước trong biển cả, Portland, OR, U.S.A.: Nhóm Tìm Hiểu Lịch Sử, 1991, tr. 43.)
So sánh lời khai của bà Hoàng Thị Thế với lịch sinh hoạt của Nguyễn Ái Quốc hay Lý Thụy trong thời gian nầy, hai bên có nhiều điểm gần nhau tuy không khít khao với nhau. Lúc đó, nhân viên C.A.I. (Contrat d'acceuil et d'intégration) không mấy tin vào lời khai nầy, và cả tiến sĩ Charles P. Keith, giáo sư Sử học tại Michigan State University trích dẫn nguồn tin trên đây trong bài báo đã dẫn, cũng cho rằng lời khai của bà Thế thiếu xác thực. Lời khai của bà Thế với nhà chức trách Pháp được lưu trữ theo hồ sơ C.A.I. về Hoàng Thị Thế, thuộc L'Office français de l'immigration et de l'intégration (OFII), là cơ quan đảm trách việc di dân mới đến đất Pháp cần được hướng dẫn về đời sống tại Pháp.
Dầu nhà chức trách Pháp lúc đó và cả giáo sư Charles P. Keith đều nghi ngờ mức xác tín trong lời khai của bà Hoàng Thị Thế, nhưng có vài câu hỏi cần được đặt ra là:
Tại sao lúc đó bà Thế biết được, dầu không chính xác, hành trình sinh hoạt của Nguyễn Ái Quốc? Ví dụ bà Thế nói rằng vào đầu năm1927, trước khi bà xuống tàu thủy rời Sài Gòn đi Pháp, thì có bốn người đến gặp bà và yêu cầu bà bỏ chuyến đi Pháp để họ đưa bà sang Xiêm La và kết hôn với Nguyễn Ái Quốc. Thực tế cho thấy sau khi cưới bà Tăng Tuyết Minh tháng 10-1926, Nguyễn Ái Quốc còn ở lại Trung Hoa cho đến tháng 6-1927 mới bị truy nã và bỏ trốn qua Liên Xô, tức trong thời gian đầu năm 1927, Quốc có mặt ở Trung Hoa và có thể liên lạc với Việt Nam.
Bà Thế cũng nói rằng tháng 3-1928 Nguyễn Ái Quốc gởi người đến gặp bà tại Pháp và lập lại lời cầu hôn. Thực tế cho thấy sau khi Nguyễn Ái Quốc trốn từ Trung Hoa qua Liên Xô tháng 6-1927, thì Quốc được ĐTQTCS gởi qua Đức, rồi qua Pháp tháng 11-1927. Sau đó, Quốc qua Bỉ (Belgium) tham dự Hội nghị Quốc tế Liên đoàn chống đế quốc. Nước Bỉ nằm ở vùng biên giới phía bắc nước Pháp. Chắc chắn Quốc đi lại hoạt động ở vùng giáp ranh Pháp-Bỉ vào đầu năm 1928, giữa Paris (thủ đô Pháp) và Bruxelles (thủ đô Bỉ) cho đến khi qua Ý và xuống tàu thủy từ thành phố Naples (Ý) vào cuối tháng 5-1928 qua Viễn đông.
Bà Thế còn nói rằng Nguyễn Ái Quốc đã đến thành phố Lille trong hai năm 1927 và 1928. Từ đó Quốc thường đến Lille bằng một bí danh. (Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 99.) Lille là một thành phố kỹ nghệ nằm ở phía bắc nước Pháp, gần sát biên giới với nước Bỉ, giữa vùng Paris và Bruxelles.
Như thế phải chăng lúc đó nếu Nguyễn Ái Quốc không gởi người tới đề nghị cưới bà Hoàng Thị Thế, thì bà Thế cũng có một mối liên lạc nào đó với Nguyễn Ái Quốc mới biết được hành trình của Nguyễn Ái Quốc?
Câu hỏi thứ hai là tại sao bà Hoàng Thị Thế không khai cho người khác đã theo dõi và xin kết hôn với bà, mà lại khai cho Nguyễn Ái Quốc? Tại Việt Nam và trên thế giới, có biết bao nhiêu là đàn ông, kể cả những đàn ông nổi tiếng mà bà Thế không khai, lại đi khi cho Nguyễn Ái Quốc, lúc đó đang là đối tượng truy nã của mật thám Pháp, trong khi bà Thế muốn xin đi Việt Nam. Bà khai như vậy thì có lợi gì cho bà?
Vậy phải chăng giữa Hoàng Thị Thế và Nguyễn Ái Quốc (tức Hồ Chí Minh tương lai) thực sự có mối liên hệ gì chăng? Phải chăng để thu hút quần chúng, Nguyễn Ái Quốc muốn kết hôn với bà Hoàng Thị Thế nhằm giúp Nguyễn Ái Quốc thêm uy tín từ ảnh hưởng của Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám. Đó là câu hỏi xin đặt ra để những nhà nghiên cứu lưu tâm tìm hiểu thêm.
Ở trong nước hiện nay cũng có báo đề cập đến mối liên lạc giữa bà Hoàng Thị Thế và Nguyễn Ái Quốc, nhưng không đề cập gì đến chuyện Nguyễn Ái Quốc xin kết hôn với bà Hoàng Thị Thế. Ví dụ bài “Gặp con gái cụ Đề Thám ở Hà Nội” của Phạm Quang Đẩu đăng trên báo Quân Đội Nhân Dân, đưa lên Internet ngày Thứ Bảy 26-01-2013.
Khi nhà báo đặt câu hỏi là bà Thế đã gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc lần nào chưa, thì theo bài báo nầy bà Thế trả lời như sau: “Có một lần đến giờ bà vẫn chưa quên- bà Thế nói. Đó là vào mùa xuân năm 1920. Bà lúc đó chưa đến hai mươi, vừa đóng được một bộ phim ở Pháp, vai phụ thôi...”
Bài báo không nói gì đến chuyện Nguyễn Ái Quốc xin cưới bà Hoàng Thị Thế, nhưng cũng xác nhận là bà Hoàng Thị Thế đã gặp Nguyễn Ái Quốc, đồng thời có một điểm sai căn bản. Đó là bà Thế đóng phim lần đầu vào năm 1930 là phim La lettre chứ không phải năm 1920. Tài liệu về phim nầy hiện còn ở Pháp và niên đại ghi rõ ràng là 1930.
Như thế có thể xảy ra hai trường hợp: 1) Hoặc bà Thế nhớ lầm từ 1930 thành 1920. 2) Hoặc chính cán bộ Phạm Quang Đẩu cố tình đổi từ 1930 thành 1920 cho phù hợp với tuyên truyền của cộng sản về những hoạt động của Nguyễn Ái Quốc ở Paris. Sửa đổi lịch sử cho phù hợp với đường lối của đảng Cộng Sản là việc làm bình thường của cán bộ cộng sản từ trước cho đến nay.
Vào năm 1920, Nguyễn Tất Thành đang ở Paris, cộng tác với các ông Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường, Nguyễn Thế Truyền. Cả bốn ông (Trinh, Trường, Truyền, Thành) cùng dùng một bút hiệu chung là Nguyễn Ái Quốc (Daniel Hémery,Ho Chi Minh, de l ' Indochine au Vietnam, Paris: Nxb. Gallimard, 1990, tt. 44-45), đồng ký tên vào bản “Revendications du peuple annamite” [Thỉnh nguyện thư của dân tộc Việt], bằng Pháp văn, do Phan Văn Trường viết (Trần Dân Tiên [tức Hồ Chí Minh], Những mẩu chuyện về đời hoạt động của Hồ chủ tịch, Hà Nội: Nxb. Sự Thật, 1976, tr. 32). Bản thỉnh nguyện thư nầy gởi cho các cường quốc trên thế giới, đang họp Hội nghị Versailles sau thế chiến thứ nhất, bắt đầu từ 18-1-1919. Thỉnh nguyện thư của các ông xuất hiện lần đầu trên báo L'Humanité [Nhân Đạo] ngày 18-6-1919. Về sau, Nguyễn Tất Thành chiếm dụng danh xưng Nguyễn Ái Quốc làm tên riêng của Nguyễn Tất Thành.
Hồ Chí Minh (tức Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc…) và những người cộng sản luôn luôn đề cao rằng Hồ Chí Minh suốt đời sống độc thân, không lập gia đình để có thể toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân. Vì vậy báo chí trong nước tránh né không bao giờ nói đến chuyện phụ nữ trong đời sống của Hồ Chí Minh, nên không đả động gì đến mối liên lạc tình cảm giữa bà Hoàng Thị Thế và Nguyễn Ái Quốc. Trong khi đó, dù Nguyễn Ái Quốc tức Hồ Chí Minh, đi đâu, ở nơi nào, đều có bóng dáng một người đàn bà trong suốt cuộc đời hoạt động của ông. Đây là chuyện bình thường của một người đàn ông, nhưng Hồ Chí Minh và cộng sản luôn luôn che giấu. Vì vậy, chuyện bà Hoàng Thị Thế kể về việc Nguyễn Ái Quốc xin kết hôn với bà cũng có thể xảy ra, nhưng cộng sản cố tình dập bỏ đi.
Riêng bà Hoàng Thị Thế, tại Pháp, bà trở thành diễn viên điện ảnh và có mặt trong ba phim là La lettre (1930), La donna Bianca (1931) và Le secret de l'éméraude (1935). Vào đầu thập niên 30 thế kỷ trước, nền điện ảnh Pháp bắt đầu chuyển từ phim câm qua phim có tiếng nói, và lúc đó chính phủ Pháp muốn tuyên truyền về sự thành công của Pháp ở các nước thuộc địa Pháp. Vì vậy người ta mời những người bản xứ đóng phim, trình chiếu quang cảnh thuộc địa cho dân chúng Pháp xem. Phim La lettre do Mercanton thực hiện, phỏng theo phim The Letter của Hoa Kỳ dựa trên câu chuyện của Somerset Maugham (1874-1965) viết về một đồn điền cao su ở Mã Lai Á.
Sau phim đầu tiên năm 1930 (La lettre), bà Thế kết hôn vào mùa hè năm 1931 với Robert Bourgès, con một gia đình sản xuất rượu vang giàu có ở Bordeaux. Năm 1935, bà sinh một con trai, đặt tên là Jean-Marie Albert Arthur Bourgès. Năm sau (1936), do những bất đồng với bà mẹ chồng về việc chăm sóc đứa con, bà Thế ly dị Robert Bourgès, nhưng không được quyền nuôi con. (Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 107.)
Khi Việt Nam bị chia hai sau năm 1954, cả hai chế độ hai miền Bắc và Nam Việt Nam đều mời bà Thế về nước năm 1959. Về phần Việt Nam Cộng Hòa, nhân một chuyến công du sang Pháp năm 1959, bà Ngô Đình Nhu được tổng thống Ngô Đình Diệm uỷ nhiệm mời bà Thế hồi hương. (Charles P. Keith, báo đã dẫn, tr. 107.)
Cuối cùng, bà Hoàng Thị Thế chọn lựa trở về Bắc Việt Nam năm 1961 vì bà muốn về sống tại vùng kỷ niệm của song thân ở Yên Thế. Lúc đầu, bà ở Yên Thế, Bắc Giang (Hà Bắc). Tại đây, năm 1963 bà hoàn tất tập hồi ký bằng tiếng Pháp. Năm 1974, bà Thế 74 tuổi, chuyển về Hà Nội, sống ở Khu tập thể ngõ Văn Chương, quận Đống Đa. Cuối cùng bà từ trần ngày 9-12-1988, thọ 88 tuổi, an táng tại Yên Thế, Bắc Giang.
Tập hồi ký của bà Hoàng Thị Thế được Lê Kỳ Anh dịch qua tiếng Việt, nhan đề là Kỷ niệm thời thơ ấu, Nxb. Hà Bắc ấn hành năm 1975. Lúc đó bà Thế đã lớn tuổi và đã rời Hà Bắc về Hà Nội. Lê Kỳ Anh tức thi sĩ Hoàng Cầm, vì lúc đó Hoàng Cầm bị treo bút, không được ghi tên tác giả những sáng tác bằng bút danh chính của mình. Không có nguyên bản Pháp văn để so sánh bản dịch của Lê Kỳ Anh, nhưng dù dịch giả cố gắng dịch đúng theo nguyên bản của tác giả, nhưng chưa chắc bản dịch được trung thực theo ý tác giả và dịch giả vì còn phải qua cửa ải kiểm duyệt của nhà xuất bản nhà nước cộng sản. Ai cũng biết tất cả những nhà xuất bản cộng sản đều chỉ được ấn hành những sách theo đúng chủ trương chính sách đường lối chính trị của đảng Cộng sản mà thôi.
Hiện nay không ai biết số phận nguyên bản cũng như nội dung tập hồi ký bằng chữ Pháp của bà Hoàng Thị Thế như thế nào, nằm trong tay ai hay đã bị đốt cháy? Phải chăng tập hồi ký nầy có liên hệ đến việc Nguyễn Ái Quốc muốn xin kết hôn với bà Hoàng Thị Thế, nghĩa là xin làm rể Hùm Thiêng Yên Thế Hoàng Hoa Thám, nên đã bị cộng sản thủ tiêu mất tích? Nhân tài còn bị cộng sản giết hàng loạt, thì cộng sản sá gì tập hồi ký của một phụ nữ, chỉ nổi danh vì là con của Hùm Thiêng Yên Thế và bà Ba Nhu bất khuất..
(Toronto, 1-2-2014)
No comments:
Post a Comment