Cập nhật: 11:36 GMT - chủ nhật, 9 tháng 2, 2014
Trung Quốc đã cáo buộc Hoa Kỳ gây nguy hại tới hòa bình và phát triển trong khu vực châu Á -Thái Bình Dương sau khi một thứ trưởng ngoại giao chuyên trách khu vực Đông Á nói Washington ngày càng quan ngại thái độ của Trung Quốc đối với việc tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.
"Những hành động này không mang tính xây dựng", ông Hồng Lỗi, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết trong một tuyên bố đưa ra vào cuối ngày thứ Bảy.
Chủ đề liên quan
"Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ giữ một thái độ hợp lý và công bằng, sao để có một vai trò xây dựng cho hòa bình và phát triển của khu vực, và không phải là ngược lại", ông Hồng Lỗi nói.
"Chúng tôi thúc giục Hoa Kỳ giữ một thái độ hợp lý và công bằng, sao để có một vai trò xây dựng cho hòa bình và phát triển của khu vực, và không phải là ngược lại"
Hồng Lỗi, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao TQ
Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ đặc trách Đông Á và Thái Bình Dương, ông Danny Russel nói trong phiên điều trần trước Quốc hội Hoa Kỳ hôm 05/02 rằng Hoa Kỳ "đang gia tăng quan ngại" đối với việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hàng hải như một nỗ lực nhằm lấn dần việc kiểm soát vùng biển tại trong khu vực.
Tuyên bố của Trung Quốc đã "tạo ra sự bất chắc, bất an và bất ổn", ông Russel nói.
"Bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc không gắn với các đặc điểm địa lý đã được xác định đều là trái với luật pháp quốc tế."
Ông Russel khi đó nói thêm: "Trung Quốc có thể chứng tỏ mình tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách giải thích yêu sách chủ quyền thể theo luật biển quốc tế".
Cho tới trước lời phát biểu kể trên của thứ trưởng ngoại giao chuyên trách khu vực Đông Á, chính phủ Hoa Kỳ nhiều lần tuyên bố không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền ở Á châu.
'Mỹ ủng hộ Philippines'
Thế nhưng ông Russel nói ông ủng hộ quyết định của Philippines đưa tranh chấp với Trung Quốc ra Tòa Trọng tài Quốc tế của LHQ về Luật biển nhằm tìm giải pháp hòa bình.
Tổng thống Aquino của Phillipines mới đây kêu gọi lãnh đạo các nước trên thế giới không để sai lầm lần nữa xảy ra.
Trong phỏng vấn với báo New York Times đăng hôm 5/2, ông Aquino nhắc tới việc năm 1938, Anh và Pháp đã đồng ý nhượng vùng Sudetenland lúc đó thuộc Czechoslovakia cho Đức quốc xã nhưng rồi chiến tranh thế giới vẫn nổ ra.
Philippines nhiều lần tố cáo Trung Quốc đơn phương khẳng định chủ quyền Biển Đông và ông tổng thống cũng nhiều lần cảnh báo Manila không thể một mình đương đầu với người láng giềng hùng mạnh này.
"Bất cứ tuyên bố chủ quyền biển nào của Trung Quốc không gắn với các đặc điểm địa lý đã được xác định đều là trái với luật pháp quốc tế... TQ có thể chứng tỏ mình tôn trọng luật pháp quốc tế bằng cách giải thích yêu sách chủ quyền thể theo luật biển quốc tế"
Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Danny Russel
Phát biểu của ông Aquino nhanh chóng bị truyền thông Trung Quốc phản bác và chỉ trích rằng nhà lãnh đạo Phillipines là "thiếu hiểu biết" và "thật đáng xấu hổ" khi so sánh tham vọng chủ quyền của nước này với chính sách Đức quốc xã.
Cho tới nay Trung Quốc muốn đàm phán song phương hay riêng rẽ với từng nước có tranh chấp chủ quyền thay vì đàm phán với ASEAN.
Phó Thủ tướng Việt Nam Phạm Bình Minh cũng nói “Nếu tranh chấp là giữa Việt Nam và Trung Quốc thì việc đàm phán là song phương.”
“Tuy nhiên tranh chấp tại Trường Sa thì có nhiều hơn một nước tuyên bố chủ quyền. Do đó ASEAN sẽ mạnh hơn nếu đàm phán như một khối,” ông Minh nói tại một cuộc thảo luận ở Davos, Thụy Sỹ.
Đường yêu sách chín đoạn, hay còn gọi là đường "lưỡi bò" của Trung Quốc, kéo dài hàng trăm hải lý và chiếm phần lớn Biển Đông.
Tháng 1/2014, giới chức Trung Quốc đòi tàu thuyền nước ngoài vào bên trong đường "lưỡi bò" phải xin phép tỉnh Hải Nam ở một khu vực được lượng định là rộng hơn 2/3 tổng diện tích Biển Đông.
No comments:
Post a Comment