Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, February 14, 2014

Phan Khôi và Những Người Trong Phong Trào Nhân Văn – Giai Phẩm Đã Bị Đàn Áp Như Thế Nào?


 
February 11, 2014
0 Bình Luận
Kính thưa quý bà con tộc PHAN làng Bảo An,
Kính thưa quý khách,
2 vợ chồng cụ Phan Khôi

Trong buổi tọa đàm về quyển sách NẮNG ĐƯỢC THÌ CỨ NẮNG của anh Phan An Sa hôm nay,[18-8-2013] tôi sẽ không bàn về tài năng, đạo đức và nhân cách của cụ Phan Khôi trong lĩnh vực báo chí và văn chương. Việc ầy để nhường cho những nhà học thuật, những nhà phê bình văn học nghệ thuật uyên bác. Ở đây tôi chỉ xin nêu ra một số hành động đàn áp và đối xử của chính quyền C/S đối với những người tham gia vào phong trào NHÂN VĂN – GIAI PHẨM nói chung và với cụ Phan Khôi nói riêng.


BỐI CẢNH LỊCH SỬ NHỮNG NĂM 1955—1959. Những năm cuối đời của cụ Phan Khôi: Những năm từ 1955 đến 1959, một nửa đât nước Việt Nam từ vỹ tuyến17 trở ra với ba sự kiện “long trời lở đất” xảy ra vô cùng đau thương, tang tóc:
1. Cải Cách Ruộng Đất 
2. Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm 
3. Cải tạo Tư Bản
Cải Cách Ruộng Đất với hàng trăm ngàn người bị đấu tố, bị tù đày và bị giết oan. Hậu quả là lực lượng sản xuất nông nghiệp hùng hậu và năng động ở nông thôn bị tiêu diệt hoàn toàn. Nền đạo lý,đạo đức ngàn đời của dân tộc bị phá vỡ tận gốc: vợ tố chồng, con tố cha, anh em tố nhau… hệ lụy đến ngày nay vẫn chưa khôi phuc đươc mà càng ngày càng trầm trọng hơn.
Vụ án Nhân Văn–Giai Phẩm là phong trào những văn nghệ sỹ, trí thức trụ cột trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, rất trung thành với chế độ. Có thể do tác động từ sai lầm trong trong Cải Cách Ruộng Đất ; họ đứng lên đòi hỏi dân chủ và tự do trong sáng tác văn hoc nghệ thuật mà bị đàn áp, tù đày đến thân tàn ma dại!
Vụ cải tạo Tư Sản đã triệt tiêu hết nguồn tài sản và nhân lực của guồng máy sản xuất công nghiệp ở Thủ Đô Hà Nội và các thành phố ở miền Bắc Việt Nam. Bao nhiêu gia đình tan nát, ly tán, con cái không đươc học hành.
Những sai lầm đó đã đưa đất nước và nhân dân đến cảnh nghèo đói triền miến suốt 30 năm. Đến nay, đảng và chế độ đã cho người dân thấy sự sai lầm qua “ đổi mới”: Khôi phục lại chế độ Tư bản! Riêng vụ Nhân Văn- Giai Phẩm tôi sẽ nói rõ về một số người mà tôi quen biết và hiểu biết qua tư liệu văn hoc, báo chí…đã bị chính quyền C/S dàn áp, vu khống, bôi nhọ nhân phẩm, tù đày một cách dã man:
1. Nguyễn hữu Đang: Người được cử làm trưởng ban tổ chức ngày lễ tuyên ngôn độc lập tại Ba Đình 2 tháng 9 năm 1945. Sau vụ Nhân Văn Giai Phẩm bị đàn áp, tháng 4/1958 Nguyễn Hữu Đang bị bắt trên đường tìm vào Nam. Ngày 19 – 1- 1960 ông bị đưa ra tòa, bị kết án 15 năm tù và 5 năm quản chế. Ông đã trải qua các nhà tù từ Hỏa Lò chuyển lên Yên Bái rồi đày qua trại giam Hà Giang. Năm 1973 ông được thả theo diện “đại xá chính trị phạm trong hiệp định Paris” và bị quản chế tại Thái Bình.Những ngày ở Thái Bình ông sồng trong nhà kho của một hợp tác xã, đấy là những ngày đói rách, cơ cực nhất của một nhà văn hóa, môt trí thức lớn của đất nước: Hằng ngày ông đi sưu tầm bao thuốc lá để đổi cho bọn trẻ con cóc nhái về làm thức ăn! Năm 1989 “được phục hồi”. Năm 1990 được trả lương hưu. Năm 1993 về sống ở Nghĩa Đô, ngoại thành Hà Nội cho đến khi mất năm 2007.
2. HỮU LOAN (Tác giả bài thơ “Màu Tím Hoa Sim” bất tử) Sau năm 1954 Hữu Loan về lại Hà Nội, làm việc trong tòa soạn báo Văn Nghệ. Cuộc đời ông chuyển biến trong giai đoạn 1955 –1956 khi xảy ra phong trào Nhân Văn- Giai Phẩm. Chính bài thơ bất tử “Màu Tím Hoa Sim” mà chính quyền đã buộc tội ông là phản động, ông bị “đánh” tơi bời. Vào năm 1956 ông bỏ Đảng về quê đi cày, đi thồ đá để nuôi con. Theo lời ông kể: “ Tôi bỏ tôi về, tôi phải đi cày đi bừa, đi đốn củi, đi xe thồ đá để bán. Bọn họ bắt giữ xe tôi, đến nỗi tôi phải đẩy xe cut-kit, loại xe đóng bằng gỗ, có một bánh cũng bằng gỗ ở phía trước, có hai cái càng ở phía sau để đùn hay kéo. Xe cut-kit họ cũng không cho, tôi phải gánh bộ. Gánh bằng vai tôi, tôi cũng cứ gánh, không bao giờ tôi bị khuất phục. Họ theo dõi, ngăn cản, đi đến đâu cũng có công an theo dõi tôi, cho người rình rập sát hại tôi. .Nhưng luc nào cũng có người cứu tôi.” Những gì đã diển ra trong cuôc đời ông như là huyền thoại. Thi sỹ Hữu Loan đúng là một đấng trượng phu!
3. HOÀNG CẦM: Sau vụ đàn áp nhóm Nhân Văn –Giai Phẩm, Hoàng Cầm tuy không bi đi tù nhưng ông bị khai trừ ra khỏi Đảng, khai trừ ra khỏi Hội nhà văn Việt Nam.Tât cả các tác phẩm văn học của Hoàng Cầm bị cấm xuât bản.Trong các bài “đánh” Hoàng Cầm bọn bồi bút luôn luôn dùng hai chữ “đồi trụy” nhằm vào đời tư của ông: Vì ông nghiện thuốc phiện và có nhiều vợ, vi ông là một thi sỹ lãng mạn, đa tình. Sau khi bị kỹ luật, ông về sống với bà Lê Hoàng Yến, một cựu hoa khôi đất Hà thành ở 43 Lý Quốc Sư Hà Nội. Những năm sống bị quản chế, ông làm đủ mọi “ nghề”: Đẩy xe ba gác chở vật liêu. Nhưng, một nhà thơ chuyên cầm bút nhẹ nhàng đôi tay làm sao mà đẩy xe ba gác được! Ông bỏ“nghề”. Sau đó chuyển sang viết thuê. Ông viết thuyết minh cho flim đèn chiếu của Xưởng flim Đèn Chiếu thuộc bộ Văn Hóa, một loại flim từng ảnh một bất động và đọc lời thuyết minh.
Tuy ông không bị đi tù vì tham gia Nhân Văn-Giai Phẩm, nhưng lại đi tù vì một vụ án khác: Từ năm 1959 đến năm 1960 ông sáng tác tập thơ VỀ KINH BĂC, một kiệt tác của đời thơ ông. Những năm 60-61 tôi được vinh hạnh gặp và quen thân ông. Ông xem tôi như một người em, một người bạn thơ vong niên [ông hơn tôi 15 tuổi] Những đêm thứ Bảy Chủ nhật ông hay rủ tôi ra thị xã Phủ Lạng Thương, Bắc Giang [những năm đó tôi công tác tại nhà máy Phân đạm Bắc Giang] hay ra ga Hàng Cỏ Hà nội, đi lang thang suốt đêm, uống chè chén ở những quán cóc vỉa hè và ngâm cho tôi nghe những bài thơ trong tập thơ Về Kinh Bắc. Trong đời, tôi chưa bao giờ nghe một giọng ngâm thơ nào hay như giọng ngâm thơ của Hoàng Cầm Cho nên ông dược mệnh danh là “Con Oanh Vàng Kinh Bắc”.
Năm 1982, do ông sơ suất, bị chính quyền C/S phát hiện ra tập thơ Về Kinh Bắc. Họ gép tội ông phán động, chống lại chế độ, bỏ tù ông 18 tháng. Trong vụ án nầy co nhiều người liên lụy. Sau khi được thả về, ông bị bệnh tâm thần. Vợ con ông cũng bị vạ lây: gia đình sống trong cảnh đói nghèo, túng quẩn. Hằng tháng ông phải lên trình diện chính quyền để được cấp 12 cân gạo. Vợ ông, bà Lê Hoàng Yên mất năm 1985. Năm 1988 ông “được phục hồi”.Tập thơ Về Kinh Bắc được xuất bản. Ông mất năm 2010, để lại cho đời môt khối lương thơ văn đồ sộ, rât có giá trị.
4. TRẦN DẦN - Nguyên nhân xuất phát phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm bắt nguồn từ quân đội. Những người chủ xướng trong đó có Trần Dần.
Trong trường ca “NHẤT ĐỊNH THẮNG” có mấy câu:
“Tôi bước đi
Không thấy phố
Không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
Trên màu cờ đỏ
Vì những câu thơ trên, kết hợp với cuốn nhật ký ghi chép lại những cảnh đấu tố hãi hùng trong Cải Cách Ruộng Đất, kết hợp với việc ngày 16-5-1955 ông làm đơn xin ra khỏi Đảng, xin ra khỏi quân đội. kết hợp với việc ông tham gia tất cả các báo Nhân Văn và Giai Phẩm, cho nên ông bị ghép vào tội phản động, làm gián điệp, chống Đảng, chống chế độ. Tháng 2 năm 1956 ông bi bắt cùng với Tử Phát ở Bắc Ninh, bị giam trong hầm kín. Sau đó, ông và một số ít người nữa, làm bản tự kiêm điểm, nhận tội, xin Đảng khoan hồng để được an thân. Nhưng, với một người lãnh đạo văn nghệ và cầm đầu cuộc đàn áp Nhân Văn – Giai Phẩm một cách tàn bạo, chỉ biết: “… Thương cha, thương mẹ, thương chồng – Thương mình thương một, thương ông [Stalin] thương mười“ thì làm sao có thể thương được Trần Dần và những người chống Đảng, chống chế độ. Rốt cuộc lại, ông vẫn phải sống bĩ cực đến mãn đời. Ông mất ngày 7 tháng 1 năm 1997.
Trên đây là bốn nhân vật trong phong trào Nhân Văn-Giai Phẩm tôi nêu ra sơ lược làm điển hình, làm nền. Còn nhiều người nữa như: Lê Đạt, Phùng Cung, Phùng Quán,Tử Phát, Trương Tửu, ThụyAn, Trần Đức Thảo v. v… đều bị kỹ luật hoặc bị đi tù nhiều năm. Vì khuôn khổ bài viết nên không nêu hết được. Trọng tâm trong bài phát biểu hôm nay là nói rõ hơn về sự đàn áp của chính quyền và cách hành xử của mọi người đối với cụ Phan Khôi:
PHAN KHÔI: Đối với cụ Phan Khôi thì Tố Hữu cầm đầu một “ đạo quân bồi bút ” hùng hậu, không những “ đánh ” như những người trong Phong trào Nhân Văn – Giai Phẩm mà còn mở một chiến dịch bão táp, quyết chôn vùi tài năng, thanh danh, đạo đức và lòng yêu nước vô bờ của cụ:
Trước tiên, nhà văn Nguyễn Công Hoan [Tác giả tiểu thuyết Đống Rác Cũ] “ đánh” cụ bằng một bài thơ Đường luât vừa dở, vừa tục tiểu, vừa hỗn láo, nhân ngày sinh lần thứ 70 của cụ [ 6 -10 – 1957] Bài thơ như sau:
Nhắn bảo Phan Khôi khốn kiếp ơi!
Thọ mi xin chúc chớ hòng ai
Văn chương đù mẹ thằng cha bạc
Tiêt tháo tiên sư cái mẻ ngoài
Lô- đích, trước cam làm kiêp chó
Nhân văn, nay đã hit gì voi?
Sống dai thêm tuổi cho thêm nhục
Thêm nhục cơm trời chẳng thấy gai!
Nguyễn Công Hoan
[Tư liệu của Nguyễn Vạn An]
Trong bài TƯỞNG NIỆM VỀ PHAN KHÔI của TRÂN DUY có một đoạn miêu tả lại ngày gia đình cụ bị đuổi nhà tại 51 Trần Hưng Đạo, Hà Hội như sau: Một buổi chiều tôi đến 51 Trần Hưng Đạo thì gặp cảnh một quan chức có quyền lực quát đuổi vợ chồng ông ra khỏi nhà 51 Trần Hưng Đạo.
Người nầy quát lớn: “tống cổ thằng già khốn nạn nầy ra khỏi đây!
Vợ ông, bà Huệ ôm chăn màn sách vở; ông Phan Khôi lảo đảo theo sau. Ra cổng gặp tôi, ông chào nói: “thôi, anh về đi… buồn không cần thiết. Đến buồn mà cũng không cần thiết, kể cả khi bát nước hắt đi vẫn không hớt lại được.
Hôm sau tôi gặp lai vị quan chức hôm qua, nguyên là bạn học cùng tôi thời tiểu học ở Quy Nhơn, Bình Định ; tôi hỏi: “ Ăn ở, đói xư với nhau như vậy có quá lắm không? Nhất là tầm tuổi ông Phan cũng ngang hàng cha chú chúng mình”. Ông bạn tôi cười nói: “ Cậu có biết chuyện lên đồng không? Người lên đồng nói những điều không do họ chịu trách nhiệm, họ nói những điều từ thế giới khác”.
Người bạn của họa sỹ Trần Duy thời tiểu học ở Quy Nhơn mà ai cũng biết đich danh là nhà thơ tài hoa Chế Lan Viên, người gỏi ca ngợi bác Hồ, ca ngợi Đảng, ca ngợi cảnh sống ở nông thôn miền Bắc VN tươi đep mà xã viên mỗi người mỗi tháng được chia 4 – 5 cân thóc. Có lẻ, trong lòng người thi sỹ ấy còn một chút lương tri, nên ông đã sám hối. Trong thơ di cảo, ông ân hận là mình đã làm thơ cổ võ những người lính chết năm Mậu Thân:
“Mậu Thân, 2000 người xuống đồng bằng
Sau một đêm chỉ con lại có 30” [Ai? – Tôi!]
Cũng trong bài Tưởng niệm về Phan Khôi này, cụ Phan Khôi kể cho Trần Duy nghe một mẫu chuyện: Đó là chuyện một nhân vật lão thành cách mạng viết một số bài báo quy cho Phan Khôi cái tội làm tay sai cho bọn mật thám Pháp: Bon Pháp nhét ông dưới gầm bàn của một tiệm ăn ở Sài Gòn- Chợ Lớn để ông Phan theo dõi môt cuộc họp giả trang của tổ chức Đảng. . “Tôi kể chuyện ấy không nhằm minh oan, nhưng là để chứng minh sự ngu dốt của người đã bịa ra câu chuyện ấy”
Năm 1958, tôi có đọc trên báo Nhân Dân, nhà nghiên cứu tuồng cổ Hoàng Châu Ký và trên tạp chí Văn Nghệ, nhà văn Đào Vũ bịa đặt, vu cáo cụ Phan Khôi rằng: Mỗi lần ở Sài Gòn về quê, Phan Khôi ra bãi bồi triền sông Thu Bồn, hể đầu cây ba ton của Phan Khôi cắm ở đâu là đất đó của Phan Khôi. Những người dân làng Bảo An tập kết ở Hà Nôi ai cũng biết đó là bịa đặt, vu cáo, nhưng không ai dám phản đối.
Còn rất nhiều người: những bạn bè chí thân của cụ như: Tú Mỡ – nhà thơ trào phúng, nhà thơ Thế Lữ, người mà trước năm 1945 dẫn cả một đoàn kịch nói ăn ở nhà cụ cả tháng trời để diển kịch ở sân đình làng Bảo An tuy nhà cụ rất nghèo. Đặt biệt là Hồng Quang, một cán bộ cao cấp không dám ký tên thật, cùng với Phùng Bảo Thạch, Nguyễn Đổng Chi…đồng loạt viết bài bịa đặt, vu khống, nhục mạ cụ một cách hèn hạ!
Cách đây mấy năm, tôi có nghe dư luận nói rằng: Cụ Nguyễn Đổng Chi [Thân phụ của giáo sư Nguyễn Huệ Chi] khi còn công tác ở Ban Văn – Sử -Địa, cụ bị dảng ủy cơ quan ép buộc cụ phải viết một bài “đánh” Phan Khôi.
Nhưng cụ Nguyễn Đỗng Chi là nhà văn hóa lớn, có đạo đức, có nhân cách, sau đó cụ ân hận, lương tâm rây rứt, cụ thừơng tâm sự với mọi người: Vì không cưỡng lại đươc sức ép của Đảng ủy, của chính quyền, cụ đã viết bài toàn bịa đặt, vu khống một học giả tài giỏi, yêu nước, cương trực, đức độ như cụ Phan Khôi! Những ngày trước khi qua đời, cụ có dặn dò lại với con trai là giáo sư Nguyễn Huệ Chi, sau này phải giải oan cho cu, đế linh hồn cụ được thanh thản nơi suối vàng! [ Viêc nầy đúng sai đến đâu, mong giáo sư Nguyễn Huệ Chi là người trong cuộc, chỉ giáo cho ]
Trên đây là cách hành xử của những người ngoài xã hội. Còn những việc xảy ra trong gia đình cụ mới là đau thương, bi đát: Trong thời gian này, người con trai trưởng của cụ Phan Khôi là anh Phan Thao, [ Đại biểu quốc hội đầu tiên của nước VNDCCH ] đang công tác tại báo Nhân Dân ; hằng ngày anh phải đọc, biên tập, duyệt và cho in những bài báo cố tình suy diển, bịa đặt, vu khống, bôi nhọ nhân cách cha mình. Thổi bùng lên ngon lửa căm thù đối vơi một người cương trực, yêu nước như cha mình, lòng anh đau như dao cắt. Anh đọc những bài báo đó mà “tối sầm mặt mũi”. Nhưng, với cái Vòng – Kim – cô – Đảng siết chặt trên đầu, anh không thể nào không cho đăng những bài như thế. Anh biết cha mình đúng hoàn toàn bị oan sai, bị đối xử bất công, nhưng anh không đủ can đảm để đứng về phía chân lý mà bênh vực cha mình! Vô hình trung, anh đã đứng về phía cái ác, cái vô luân, đồng lõa với chính quyền, bôi nhọ thanh danh cha mình. Thật đau thương! Giống như những gì xảy ra trong Cải Cách Ruộng Đất!
Sau đây tôi xin trích một vài đoạn trong sách Nắng Được Thì Cứ Nắng của anh Phan An Sa, người con trai út của cụ Phan Khôi, để thấy rằng, những xung đột trong gia đình cụ Phan Khôi là rất nặng nề:
Sau khi Giai Phẩm Mùa Thu –Tập 1 phát hành, trong đó có bài Phê Bình Lãnh đạo Văn Nghệ, các con trai, con gái cụ đọc, giật mình kinh hãi anh Phan Thao đến thăm cha, anh nói:
- “ Dạ thưa thầy, con biết trong bài Phê Bình lãnh đạo Văn Nghệ, thầy nói toàn sự thật và ai cũng hiểu là thầy mong muốn sự việc tốt lên. Sự ngay thẳng của thầy con làm sao lại không biết ạ? Nhưng con vẫn lo lắm, lúc nầy nhiều chuyện rất không ổn …
Thật ra là trước ông, anh không dám nói hết được những gì anh định nói. Ông nhìn con, tỏ ý không hài lòng. Ông nói:
- Anh hiểu như thế là được! Con lo, thì có cái chi mà lo? nhiều việc không ổn thì phải bình tỉnh mà gỡ từng việc một. Muốn gỡ những việc đó thì trước hết phải sửa chữa các khuyết điểm. Muốn sửa chữa khuyết điểm thì phải có người chỉ ra các khuyết điểm để mà sửa chữa. Thầy của anh đây là người chỉ ra các khuyết điểm ấy đấy. Chỉ ra khuyết điểm mà là làm khó cho các anh sao? Anh Phan Cừ, em kề Phan Thao, sỹ quan cục Quân Báo, Bộ Tổng Tham Mưu, đến thăm cha, bằng ngôn ngữ cuả một quân nhân, anh nói:
- Ở Bộ Tổng tham Mưu, con làm việc ở cục 2, không biêt nhiều về các anh làm bên văn nghệ quân đội. Nhưng thưa thầy, đọc Gai Phẩm Mùa Xuân hồi đầu năm, con thấy có nhiều bài của anh em văn nghệ sỹ quân đội viết là rất không có lợi cho công cuộc đấu tranh đòi hiệp thương thống nhất đất nước. Chưa chắc thầy đồng ý với con, nhưng con cũng xin nói rõ với thầy như thế.
Ông nhìn thẳng vào người con trai thứ hai của mình, nói:
- Anh nói không có lợi, là không có lợi ở chỗ nào? Chăc anh cũng đã đọc bài Phê Bình Lãnh Đạo Văn nghệ của thầy rồi và anh cũng thấy không có lợi phải không? Không có lợi là sợ bên địch nó xuyên tạc, nó lợi dụng, phải không? Chuyện nầy thì tôi đã nói luôn ở trong đó rồi, anh còn nói làm chi nữa?
Cách đây mấy năm, chị Phan Thị Kỹ Khanh [Phan Thị Miều] có viết tập hồi ký NHỚ CHA TÔI PHAN KHÔI trong đó có đoạn chị viết:
“ Những ngày vui vẻ của cái gia đình mới được sum họp ấy đã qua nhanh, khi cuối năm 1957, cha tôi bị liên can vụ Nhân Văn – Giai Phẩm, đăng nhiều bài bộc lộ những sai trái, làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân với cách mạng. Sau vụ nầy, ông bị đình chỉ công tác, chuyển đổi chỗ ở rồi nghỉ viêc luôn”.
Qua đoạn văn trên cho ta thấy: Người con gái của cụ Phan Khôi, khác với hai người anh ruột, không thấy cha mình hoàn toàn đúng, bị oan uổn, bị đối xử bất công mà nhận định là cha mình sai trái, đứng hẳn về phía nhà cầm quyền, gay gắt lên án cha mình. Không biết vi thật lòng hay vi bị sức ép nào mà Phan Thị Mỹ Khanh viết đoạn văn trên? hay viết như thế để được cho in sách? Nhiều bạn đọc ngưỡng mộ tài năng và kính trọng nhân cách cụ Phan Khôi đã phê phán chị Phan Thị Mỹ Khanh.
Nghĩa tử là nghĩa tận! Ngày ông mất, ngoài hai bà vợ, con cháu, dâu rể trong nhà; không một ai trong bạn bè, đồng nghiệp, bà con thân tộc, đủ can đảm đến phúng viếng, tiễn đưa Phan Khôi về nơi an nghỉ cuối cùng: Họ sợ bị liên lụy! Nhà thơ Trần Dần nhờ người mang một vòng hoa đến phúng viếng, bị Phan Thao từ chối. Họa sỹ Trần Duy lấm la lấm lét, mắt trước mắt sau đến nhìn mặt ông Phan Khôi lần cuối cùng được mấy phút rồi lặng lẽ… chuồng! không dám ngồi lâu, sợ người ta nhìn thấy.
Một cổ quan tài gỗ mộc, trên chiếc xe tang màu đen cũ kỹ, có hai con ngựa… còm lọc cọc kéo đi, qua mấy phố phường Hà Nội, ra nghĩa trang Hợp Thiện. Không kèn, không trống, không có một vành khăn trắng nào chít trên đầu vợ con. Người con trưởng cũng chẳng đội rế, chống gậy. Đó là ngày 17 tháng 1 năm 1959. Ông nhắm mắt, xuôi tay vào ngày 16 tháng 1 năm 1959.
Mười mấy năm sau, nghĩa trang Hợp Thiện bị giải tỏa. Ngày di dời lên nghĩa trang Bất Bạt, Sơn Tây, vợ con ông Phan Khôi ly tán mỗi người một nơi, không ai biêt có thông báo di dời, ngôi mộ đất của ông bị thât lac. Người con út của ông là anh Phan An Sa bỏ ra bao nhiêu công sức truy tìm. Nhưng vẫn không tìm thấy hài cốt cuả cha mình. Phần mộ của ông ở Bạc Hà khang trang là ngôi mộ gió. Ngày thanh minh, bà con tộc phan lang Bảo đi tảo mộ vẫn đến thắp hương vái ông, để tỏ lòng ngưỡng mộ.
Vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm đã lùi sâu vào quá khứ gần 60 mươi năm. Nhũng người tham gia phong trào Nhân Văn – Giai Phâm và những người “ đánh” Nhân Văn – Giai Phẩm hầu hết đã ra người thiên cổ! nhưng chắc chắn rằng, dưới Suối vàng, không có một người nào được thanh thản tâm hồn. Lịch sử và dư luân đã khẳn định: Nhà cầm quyền, những người lãnh đạo văn nghệ, những bồi bút ăn theo đàn áp những người trong phong trào Nhân Văn – Giai Phâm nói chung và Phan Khôi nói riêng là sai lầm, là tàn bạo.Triệt phá hết lực lượng sáng tác văn học, nghệ thuật của đất nước.
Mấy chuc năm sau nền văn học rơi vào bế tắt: Chế Lan Viên sau này sám hối bằng 2 tập thơ di cảo, cho rằng thơ mình là Bánh vẽ. Nguyễn Khải, một cây bút tiêu biểu của Hội Nhà Văn Việt Nam, trong bài “Đi Tìm Cái Tôi Đã Mất” xem giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật Hồ Chí Minh là “Tấm bia mộ sang trọng cắm lên một đời văn đã tới hồi phải kết thúc.” Và mai sau những tác phẩm văn học của ông chỉ để cho con cháu ông bán cho ve chai!
Suốt một thời gian dài diển ra cảnh đàn áp những văn nghệ sỹ, trí thức yêu nước trong vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm cho ta và đời sau thấy rằng:
Chính quyền C/S, lãnh đạo văn nghệ là những kẻ lấy oán mà trả ân! Giống như trong Cải Cách Ruộng Đât và Cải Tạo Tư Sản.
Lịch sử đã từng xảy ra những vụ án oan sai. Triều đại nhà hậu Lê, đời vua Lê Thái Tông xảy ra vụ án oan khuất Lệ Chi Viên, đại thi hào Nguyễn Trãi – Thị Lộ cùng với 3 họ bị tru di. Thế nhưng, chỉ 20 năm sau, đời vua Lê Thánh Tông lên ngôi, biết vụ án oan sai, đã ra chiếu chỉ minh oan cho Nguyễn Trãi – Thị Lộ. Thế mà nay, chính quyền C/S sau gần 60 năm, vẫn chưa có một văn bản nào giải oan cho vụ án Nhân Văn – Giai Phẩm, nói chung và Phan Khôi nói riêng, chỉ âm thầm “ Sửa sai ” bằng cách trao giải thưởng nầy, giải thưởng nọ, cho xuất bản tác phẩm văn học, ra cái vẽ ta đây vẫn đúng đắng ; độ lượng khoan hồng cho những kẻ lầm đường lạc lối.
Tôi với cụ Phan Khôi là bà con trong tộc PHAN làng Bảo An, tôi vai em, cùng đời thứ 13. Sinh sau cụ những 50 năm. Tôi là người rất kính trọng, ngưỡng mộ tài năng và đức độ của cụ. Cụ Phan Khôi là niềm tự hào của tộc Phan làng Bảo An và là niềm tự hòa chung của dân tọc Việt Nam!
[Ý kiến phát biểu nhân cuộc tọa đàm về quyển sách NẮNG ĐƯỢC THÌ CỨ NẮNG của PHAN AN SA, Sài Gòn, ngày 18 tháng 8 năm 2013]

PHAN ĐĂC LỮ

No comments:

Post a Comment