Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, February 22, 2014

Quyền thờ tự trên Tháp Chăm của Tín đồ Chăm Bàlamôn


Glang Anak (Danlambao) - Sau bài viết “Nhân UPR, đặt vấn đề trả lại Tháp cho người Chăm thờ tự và quản lý” được đăng trên trang mạng Dân Làm Báo vào ngày 6.2 và hàng loạt bài sau đó của nhiều trang mạng khác đồng tình ủng hộ việc trao trả lại Tháp Chăm cho người Chăm thờ tự, thực hiện các nghi lễ thờ cúng theo tín ngưỡng của người Chăm và tự do đến viếng Tháp mà không phải mua vé.

Sức mạnh của truyền thông internet đã làm thay đổi nhận thức của người dân và gây nên xôn xao trong dự luận cộng đồng Chăm về những bức xúc lâu nay trong việc quản lý Tháp của chính quyền và công ty du lịch đã tước đoạt quyền tự do tín ngưỡng của họ.

Trước hiện tượng này, đội quân “DLV” lập tức xuất hiện, nào email, nào vận động tuyên truyền trong làng, xã… Họ cho là: "Không nên tin vào những trang mạng phản động, lôi kéo kích động người dân mà chia rẽ đoàn kết dân tộc, phải tin vào Đảng và chính quyền…."

Lập luận họ đưa ra là Đảng và Nhà nước đã rất quan tâm đến người Chăm, công nhận các tháp Chăm là di sản Văn hóa, bỏ tiền ra trùng tu, nâng cấp nên Nhà nước phải quản lý… Nếu không có Nhà nước thì các Tháp Chăm bầy giờ đổ nát hết, không còn gì, do đó không nên nghe theo bọn phản động mà thiệt thân; An ninh mà thắt chặt, kiểm duyệt gắt gao ai theo bọn phản động mà đòi tháp là bị bắt hết….

Trước sự việc trên, chúng tôi đã cố gắng trao đổi và tìm hiểu thêm thông tin về Luật bảo tồn di sản với một số chuyên gia về lịch sử, văn hóa để thông tin thêm cho bà con được biết, nhất là đối với cộng đồng Chăm, hiện đang bị bọn DLV tung hỏa mù nhằm đánh lạc hướng và lung lạc ý chí đấu tranh đòi lại quyền lợi chính đáng và hợp pháp của mình.

Sau đây xin giới thiệu nội dung trao đổi với Pgs. Ts. Po Dharma, tốt nghiệp tiến sĩ tại trường Đại học Sorbonne (Paris) là một chuyên gia về Lịch sử và nền văn minh Champa, hiện đang sống tại Pháp.

HỏiXin ông cho biết sơ lược về khái niệm di sản lịch sử văn hóa và quyền quản lý các di sản theo Luật quốc tế.

Trả lời

Di sản lịch sử (monument historique) là khái niệm pháp lý ra đời lần đầu tiên tại Công Hòa Pháp vào năm 1830 liên quan đến công trình kiến trúc trong quá khứ mang yếu tố lịch sử và có giá trị về mặt nghệ thuật, cần được bảo tồn và chăm sóc. Khái niệm pháp lý này đã lan tràn trên thế giới và được công nhận trong hiến chương Unesco của Liên Hiệp Quốc. 

Luật "di sản lịch sử" có nội dung nhằm phân tích rằng tất cả các công trình kiến trúc thuộc quyền sở hữu của cá nhân, tập thể hay cộng đồng tôn giáo như đền đài, dinh thự, nhà thờ, nhà cửa cứ trú, v.v. có thể trở thành "di sản lịch sử" của quốc gia, nếu công trình kiến trúc này gắn liền với yếu tố lịch sử hay có giá trị cao về mặt nghệ thuật.

Một khi đã trở thành "di sản lịch sử" của quốc gia, các chủ nhân có quyền sử dụng và thụ hưởng những hoa lợi trên đền đài, dinh thự, nhà thờ hay nhà cửa thuộc sở hữu của mình, nhưng không có quyền bán nhượng hay tu sửa di sản này mà không có sự đồng ý của chính quyền. Kể từ đó nhà nước phải chịu trách nhiệm hoàn toàn về ngân sách trùng tu và chính sách bảo tồn công trình kiến trúc được xếp vào danh sách "di sản lịch sử" của quốc gia, nhưng nhà nước không có quyền quản lý niềm tin tín ngưỡng hay những sinh hoạt nằm bên trong của di sản này.

Hỏi: Liên hệ với trường hợp Tháp Chăm ở Việt Nam, hiện nay các Tháp đã được công nhận di sản lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và quốc tế (Thánh địa Mỹ Sơn), xin ông cho biết thêm về quyền của người Chăm trong việc thờ cúng Tháp theo tín ngưỡng Bàlamôn giáo cũng như quyền tự do tín ngưỡng như Hiến pháp Việt nam đã quy định.

Trả lời

Sau 8 thế kỷ chiến tranh tương tàn, vương quốc Champa đã để lại cho hậu thế hàng loạt đền đài nằm ngỗn ngang ở miền trung Việt Nam. Các đền đài Champa chia thành hai thể loại.

• Đền đài hoang phế là những di tích lịch sử không còn người Chăm đến đó để thờ tự, như thánh địa Mĩ Sơn (Quảng Nam), tháp Đôi (Bình Định), tháp Po Nagar (Nha Trang), tháp Nhạn (Phú Yên), v.v...

• Đền đài thờ tự là công trình kiến trúc được người Chăm sử dụng như trung tâm tín ngưỡng để làm nơi thờ cúng và thi hành những nghi lễ hàng năm của dân tộc này.

Dựa vào khái niệm về "di sản lịch sử" của UNESCO, tất cả các đền đài Champa ở miền trung không có người Chăm thờ phượng là di sản chung của quốc gia Việt Nam. Kể từ đó, nhà nước có quyền quyết định mọi chính sách trên di sản vật thể này mà không cần hỏi ý kiến của dân tộc Chăm. Ngược lại, những đền tháp ở hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, như tháp Po Klaong Garai, Po Rome, Po Ina Nagar (Hữ Đức), Po Ina Nagar (Phan Hiệp), Po Dam, Po Sah Anaih (mũi né), v.v... Là nơi thờ phượng của dân tộc Chăm hôm nay, nhưng được công nhận là "di sản văn hóa" của Việt Nam. Chính vì nguyên nhân đó, những đền tháp mà người Chăm đang thờ tự, có hai chủ nhân rõ rệt: 

• Việt Nam: Chủ nhân trên "di sản vật thể"

Di sản vật thể là các chất liệu dùng để xây cất và phong cách kiến trúc. Vì có mối liên hệ với yếu tố lịch sử và giá trị về nghệ thuật kiến trúc, nhà nước Việt Nam đã đưa những đền tháp mà người Chăm đang thờ phượng tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận vào danh sách "di sản văn hóa" của quốc gia. Kể từ đó, nhà nước Việt Nam là chủ nhân trên "di sản vật thể" này, tức là chịu trách nhiệm hoàn toàn về ngân sách bảo tồn và trùng tu những đền tháp đó qua sự đồng ý của dân tộc Chăm hầu né tránh những chi tiết sai lầm có thể xảy ra không phù hợp với truyền thống kiến trúc và điêu khắc của dân tộc này.

Tháp Po Klaong Garai, Ninh Thuận
• Dân tộc Chăm: Chủ nhân trên "di sản phi vật thể"

Di sản phi vật thể là những lễ tục tín ngưỡng và niềm tin liên quan đến đền tháp. Kể từ đó, chủ nhân trên "di sản phi vật thể" của đền tháp này phải thuộc về dân tộc Chăm và do người Chăm quản lý theo truyền thống tín ngưỡng của họ. 

Nhân danh chính quyền có trách nhiệm đối với "di sản lịch sử" của quốc gia, nhà nước Việt Nam có quyền đưa ra chính sách nhằm bảo tồn "di sản vật thể" của đền tháp mà người Chăm đang thờ tự, nhưng không có quyền làm chủ trên "di sản phi vật thể" của đền tháp bằng cách thay đổi luật tục, nghi lễ và lòng tin của người Chăm đối với đền tháp của họ. 

Hỏi: Ông có nhận xét gì về cách đối xử của Chính quyền đối đến Tháp Chăm hiện nay cũng như quyền tự do tín ngưỡng của người Chăm?

Trả lời:

Dân tộc Chăm là tập thể có quốc tịch Việt Nam nhưng xếp vào thể loại công dân ngoại lệ, không hưởng quyền tự do tín ngưỡng như những người theo Phật Giáo hay Thiên Chúa Giáo. Bằng chứng cụ thể, nhà nước Việt Nam đã tước đoạt quyền quản lý trên các đền tháp nơi mà người Chăm đang thờ phượng qua các chính sách sâu đây:

• Quyết định tu sửa đền tháp Chăm nhưng không cần hỏi ý kiến của người Chăm về phong cách kiến trúc có mối liên hệ với tín ngưỡng của dân tộc này

• Xây dựng các khu dân cư hay Chùa chiềng chung quanh đền tháp Chăm đã làm phá vở không gian tín ngưỡng và phong cảnh trang nghiêm của đền tháp, nhưng không bao giờ xin quan điểm của bà con Chăm. 

• Không cần hỏi ý kiến người Chăm, nhà nước Việt Nam biến đền tháp Chăm thành trung tâm du lịch bằng cách xây dựng hàng rào chung quanh có cổng ra vào để thu tiền khách du lịch, trong khi đó người Chăm phải trả tiền để vào đền tháp của họ và phải đóng góp từng gia đình để có ngân sách hầu tổ chức các nghi lễ hàng năm rất tốn kém trên đền tháp. Chính đó mà người Chăm đã từng than phiền: Việt Nam buộc "thần linh Chăm" làm thuê không lương cho khách du lịch.

• Tự tiện mở cửa tháp cả ngày lẫn đêm để phục vụ cho khách du lịch, trong khi đó đền tháp Chăm phải đóng cửa lại sau ngày lễ tục, để thần linh Chăm có giấc ngũ êm đềm theo tín ngưỡng của dân tộc này. 

Đền tháp Chăm là trung tâm tín ngưỡng có tập tục riêng không liên hệ gì với chùa Phật Giáo và nhà thờ Thiên Chúa Giáo, nơi mà tín đồ có quyền vào để cầu nguyện hàng ngày. Là di sản của Ấn Độ Giáo, đền tháp Chăm chỉ mở cửa trong những ngày hành lễ có sự hiện diện của giai cấp tu sĩ. Đóng cửa tháp sau khi hành lễ không phải là tín ngưỡng riêng của người Chăm mà là qui luật chung của các đền Ấn Giáo ở Ấn Độ, Bali (Indonesia), v.v... Tiếc rằng, nhà nước Việt Nam xem tôn giáo của người Chăm chỉ là trò mua vui cho thiên hạ bằng cách mở cửa đền tháp ngày đêm cho khách du lịch vào xem để thu tiền. Đây là thái độ "vô văn hóa" đã làm đảo lộn thế giới tâm linh của dân tộc Chăm hôm nay. 

Hỏi: Trong một số bài viết có đặt vấn đề so sánh quyền tự do tín ngưỡng giữa người Việt và người Chăm cùng sống trên dãi đất Việt Nam. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này.

Trả lời: 

Tại Việt Nam hôm nay, nhà nước Việt Nam công nhận chủ nhân của các chùa Phật Giáo và nhà thờ Thiên Chúa Giáo thuộc về tín đồ theo hai tôn giáo này và không bao giờ nhúng tay vào những nghi lễ và quyền quản lý các nhà chùa và nhà thờ này. Tiếc rằng, các đền tháp Chăm trong hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận cũng là nơi thờ tự, nhưng không hưởng các qui chế pháp lý như các chùa Phật Giáo hay nhà thờ Thiên Chúa Giáo. 

Có chăng họ nghĩ dân tộc Chăm là tập thể người dân thua trận, không có quyền hưởng những qui chế tín ngưỡng mà nhà nước Việt Nam đã ban cho Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo mà đa số tín đồ là dân tộc Việt?

Tự do tín ngưỡng là quyền thiêng liêng ghi rõ trong hiến pháp Việt Nam. Chính vì thế, nhà nước công nhận rằng chủ nhân của chùa Phật Giáo hay nhà thờ Thiên Chúa Giáo hoàn toàn thuộc về tín đồ của hai tôn giáo này. Họ có quyền mở cửa ra vào lúc nào cũng được, không cần xin phép bất cứ ai. 

Ngược lại, đền tháp của dân tộc Chăm do chính quyền Việt Nam canh giữ. Mỗi lần lên đền tháp để tế tự, người Chăm phải viết đơn xin phép nhà nước, mặc dù đền tháp này do cha ông người Chăm để lại. Đây là chính sách chiếm đoạt đền tháp của dân tộc Chăm, một hiện tượng đàn áp tôn giáo chưa từng xảy ra trên thế giới. 

Xin chân thành cảm ơn ông!

Cổng vào tháp Po Klaong Garai để thu tiền khách du lịch và cả tín đồ Chăm
Như vậy, qua cuộc trao đổi này cho thấy, DLV đã tung hỏa mù trong dư luận, bất chấp luật pháp về bảo tồn di sản lịch sử văn hóa quốc tế và hiến pháp nhà nước Việt Nam nhằm ngăn chặn trào lưu người Chăm đòi lại quyền tự do tín ngưỡng trên Tháp của tổ tiên mình; đồng thời DLV cũng đã dùng luận điệu cho rằng người Chăm “bị bọn phản động lôi kéo, kích động” để chia rẽ đoàn kết dân tộc nhằm đe dọa người Chăm, làm họ dao động và lung lạc ý chí và từ bỏ cuộc đấu tranh.

Tuy nhiên với những nội dung như trao đổi trên đây thì quyền được tự do thờ cúng, tín ngưỡng của người Chăm trên Tháp là quyền hợp pháp mà Chính quyền Việt Nam đã tước đoạt vì cả hai mục đích chính trị và kinh tế.

Do đó bà con Chăm và nhất là Ban Phong tục và Hội đồng Chức sắc người Chăm cần tiếp tục lên tiếng để đòi lại quyền lợi chính đáng cho dân tộc mình, cho tín đồ của mình. Trước hết yêu cầu chính quyền phải bãi bỏ quy định người Chăm vào Tháp phải mua vé như khách du lịch và người Chăm phải được tự do thờ cúng Tháp theo tín ngưỡng. Đồng thời yêu cầu chính quyền và các công ty du lịch phải tôn trọng và chấp hành những nghi lễ đền tháp đã được quy định trong tín ngưỡng người Chăm.

22/2/2014



___________________________________________

Bài liên quan:






No comments:

Post a Comment