Mục lục nỗi đau dan tôi

Monday, April 8, 2013

Rơi tự do có phải là giải pháp?



Mặc Lâm, biên tập viên RFA
2013-04-07
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
bat-dong-san-305.jpg
Một công trình xây dựng dở dang ở Hà Nội.
Photo: RFA

Mặc Lâm phỏng vấn nguyên thứ trưởng Bộ Xây dựng là TS Phạm Sỹ Liêm để biết thêm một ý kiến khác.

Nhà nước nên giúp can thiệp

Mặc Lâm: Thưa TS mới đây chính phủ dự tính sẽ dùng gói hỗ trợ 30 nghìn tỷ để giải quyết vấn đề bất động sản, ông nghĩ thế nào về động thái này?
TS Phạm Sỹ Liêm: Tôi nghĩ rằng 30 nghìn tỷ này thực ra để làm cái việc đáng lẽ chính phủ phải nên làm sớm từ lúc có luật nhà ở và kinh doanh bất động sản, đó là phát triển phân khúc nhà ở cho thuê giá vừa phải và loại nhà giúp đỡ cho người thu nhập thấp tăng được khả năng thanh toán mà tôi gọi là loại nhà ở phổ cập, loại nhà mà chi phí cho nó không chiếm quá 30-35% tổng thu nhập một hộ gia đình.

Đáng lẽ chính phủ phải làm từ lâu rồi nhưng lại không có mấy hành động. Theo tôi hiểu dự tính này chẳng có gì mới mẻ. Nếu 30 nghìn tỷ này giúp được việc đó thì tất nhiên nó sẽ có tác động đến thị trường bất động sản do đó cũng tác động đến nhiều thị trường khác, và đặc biệt tôi quan tâm là thị trường xây dựng và vật liệu xây dựng.
Mặc Lâm: Thưa TS hiện nay thuật ngữ bất động sản tồn kho ám chỉ đến phân khúc nhà trung và cao cấp đã được đầu tư quá nhiều, và đây là nguyên nhân chính gây ra đóng băng bất động sản. Theo ông chính phủ nên làm gì để có thể kiểm soát vấn đề này một cách hiệu quả?
TS Phạm Sỹ Liêm: Theo ý tôi dần dần thị trường cũng tìm cách để mà giải quyết thôi chứ nhà nước làm sao mà giúp được? Đấy là việc kinh doanh và hiện nay Bộ Xây dựng khuyến khích và tạo điều kiện với những loại nhà như vậy. Nếu đang xây dựng dở dang xem thử có chuyển đổi được thành những căn hộ nhỏ hơn hay không. Nó nhỏ hơn thì dĩ nhiên tiền cũng thấp hơn, hay dùng những vật liệu đơn giản hơn để mà hoàn thiện. Đấy là cách để khuyến khích. Nếu nhà nước muốn mua những căn hộ đó chẳng lẽ nhà nước lại muốn cái tồn kho của xã hội lại thành tồn kho của nhà nước?
Nhà nước nên tạo điều kiện phát triển quỹ đầu tư bất động sản, dùng quỹ này để mua, phát triển phân khúc nhà cho thuê.
TS Phạm Sỹ Liêm
Mặc Lâm: Thưa mới đây TS Alan Phan đã thẳng thắn nói rằng nhà nước nên để cho bất động sản rơi tự do, có nghĩa là không hỗ trợ nó mà hãy để tự nó điều chỉnh giá bán cho phù hợp với người mua. Ông có nhận định gì về ý kiến khá mạnh mẽ này?
TS Phạm Sỹ Liêm: Ông Alan Phan ông ấy trả lời theo tôi hiểu là ông ấy theo quan điểm của trường phái Adam Smith tức là để cho thị trường vận hành chứ không nên can thiệp vào làm gì, đấy cũng là một loại quan điểm. Thế nhưng có lẽ ông ấy nói chưa được rõ.
Thay vì như thế này: Tôi cũng tán thành như ông ấy là các nhà kinh doanh bất động sản phải tự chịu trách nhiệm, họ phải chấp nhận rủi ro của mình chứ không đợi vào ai. Thế bây giờ giả thử, mà điều này xã hội cũng nghi ngại, nếu bây giờ anh đi cứu thì anh đưa tiền cho ai? Biết đâu anh lại đưa cho những người nào đó cùng nhóm lợi ích với anh thì rất nguy hiểm. Thế cho nên việc ấy không nên làm.
Nhưng còn giúp để can thiệp cho thị trường bất động sản bớt khó khăn đi, không đến mức trầm trọng quá thì tôi nghĩ rằng nên làm, chứ không phải như ông Alan Phan bảo để mặc kệ. Nhưng phải phân biệt rõ nhà nước can thiệp để mà vào thị trường bất động sản khác với nhà nước can thiệp với thị trường kinh doanh của từng nhà kinh doanh bất động sản. Nhà nước nên tạo điều kiện phát triển quỹ đầu tư bất động sản, dùng quỹ này để mua, phát triển phân khúc nhà cho thuê.

Ảnh hưởng dây chuyền

Mặc Lâm: Theo ông khi bất động sản vỡ vì không được trợ giúp thì mức ảnh hưởng của nó đối với nền kinh tới đâu, và liệu có nguy hiểm lắm không như một số nhận xét của hiệp hội bất động sản đưa ra?
TS Phạm Sỹ Liêm: Hiện nay nó đang tác động trầm trọng đến nền kinh tế, là vì nợ xấu ngân hàng, sự trì trệ như thế khiến vật liệu xây dựng không bán được, ứ đọng sắt thép xi măng rất trầm trọng, công nhân xây dựng thì thiếu việc làm cho nên nó đang ảnh hưởng rất là nghiêm trọng. Không chỉ bất động sản của nước mình mà bất cứ nước nào cũng vậy, cũng là một bộ phận nhất định chiếm khoản 6-7 % tổng GDP cho nên nó nhất định tác động thôi nhưng có điều tìm cách giải quyết nào thì phải cân nhắc xem hiệu quả nó có tác động ra sao…
Cho nên ý kiến ông Alan Phan để cho rơi tự do là ý ông ấy nói nhà kinh doanh nào gặp khó khăn thì anh tự giải quyết lấy chứ nhà nước nào mà cứu? Ý kiến ấy của ông Phan là đúng nhưng khi ông ấy nói để cho thị trường rơi tự do thì dư luận phản đối vì cái thị trường ấy rơi tự do đâu phải ảnh hưởng chỉ bản thân nó mà còn kéo theo bao việc khác nữa.
Mặc Lâm: Xin cảm ơn TS Phạm Sỹ Liêm đã giúp chúng tôi thực hiện cuộc phỏng vấn.

No comments:

Post a Comment