Mục lục nỗi đau dan tôi

Tuesday, April 23, 2013

Việt Nam tuần qua



Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho ngư dân Lý Sơn
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tặng quà cho ngư dân Lý Sơn
Thanhnienonline
Chủ tịch Việt Nam ra thăm đảo Lý Sơn; Hoa Kỳ và Nhật Bản cùng lúc thông báo gia tăng hợp tác hải quân với Việt Nam; trong khi Trung Quốc vẫn tiếp tục âm thầm thực hiện ý đồ thôn tính chủ quyền tại Biển Đông là những đề tài nóng tại Việt Nam trong tuần này.

Chủ tịch nước thăm ngư dân

Tiếp sau chuyến công tác Lý Sơn của Bộ trưởng ngoại giao Phạm Bình Minh, đầu tuần này Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã vào thăm ngư dân các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi, nơi ngư dân Việt Nam thường xuyên bị tàu cảnh sát biển Trung Quốc đe dọa, sách nhiễu, tấn công, đánh đập, xua đuổi, thậm chí còn nổ súng gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản và đe dọa tính mạng ngư dân.

Phát biểu trong cuộc gặp với ngư dân ở cả hai nơi, ông Trương Tấn Sang một mặt kêu gọi ngư dân tiếp tục bám biển, đoàn kết khi ra khơi đánh bắt hải sản, một mặt khẳng định nhà nước sẽ có chính sách bảo vệ cho ngư dân trước những đe dọa của tàu nước ngoài.
Bảo vệ gì đâu! Ra đó làm sao mà đụng được với Trung Quốc mà bảo vệ? Chỗ đó đâu có ra được, chỉ có dân ra chứ bên quân sự đâu có ra được.
Ngư dân Nguyễn Chí Thạnh
Ngư dân Bùi Văn Phải – chủ tàu mới bị phía Trung Quốc bắn cháy cabin hồi tháng trước, cho biết đã đến gặp và được nói chuyện với chủ tịch Trương Tấn Sang để bày tỏ nguyện vọng của mình.
Trong khi đó, cũng lên tiếng với đài Á Châu Tự Do, ngư dân Nguyễn Chí Thạnh - người từng bị Trung Quốc bắt và tàu bị phá, cho biết trên thực tế ngư dân Việt Nam khi gặp khó khăn với tàu Trung Quốc vẫn không được can thiệp, bảo vệ. Anh nói:
“Bảo vệ gì đâu! Ra đó làm sao mà đụng được với Trung Quốc mà bảo vệ? Chỗ đó đâu có ra được, chỉ có dân ra chứ bên quân sự đâu có ra được. Khu vực đó thằng Trung Quốc nó quản lý hết làm sao mà ra. Đánh cá thì đánh chui ở Hoàng Sa chớ cảnh sát biển không tới mép nước nữa.”

Tàu Hải quân Mỹ thăm VN

Cũng liên quan đến tình hình Biển Đông, hôm thứ Hai, Tòa đại sứ Hoa Kỳ tại Hà Nội cho biết 2 chiến hạm Mỹ sẽ viếng thăm Việt Nam để bắt đầu các hoạt động trao đổi giao lưu với hải quân Việt Nam.
Theo thông cáo báo chí của Tòa đại sứ Mỹ, tàu khu trực mang tên lửa dẫn đường USS Chung-Hoon, và tàu cứu hộ USNS Salvor thuộc Hạm đội 7 của hải quân Hoa Kỳ sẽ cập cảng Đà Nẵng vào Chủ nhật 21 tháng 4 này trong chuyến thăm kéo dài 5 ngày.
Theo chương trình, hai bên sẽ trao đổi các hoạt động chung, tập trung vào các sự kiện phi tác chiến và chuyên môn thuộc các lĩnh vực điều khiển và bảo trì.
Ngoài ra còn có các hoạt động giao hữu như thi đấu thể thao, biểu diễn hòa nhạc.

Mỗi người dân gánh hơn 800 đôla

Theo con số được công bố trên biểu bảng nợ công toàn cầu của tạp chí The Economist phát hành tại Anh, hiện mỗi người Việt Nam phải gánh đến hơn 800 đôla nợ công.
Theo đó, tổng số nợ công hiện tại của Việt Nam là hơn 72 tỷ đô la, chiếm đến 49,2% tổng sản phẩm quốc nội GDP.
Số liệu thống kê của bộ Tài chính gần đây cũng cho biết, tổng số nợ công của Việt Nam tăng dần trong những năm qua, năm sau cao hơn năm trước. Tỷ lệ nợ công trên GDP của Việt Nam năm 2011 là 54,6%, tăng lên hơn 58% vào năm 2012, và đến năm 2015 sẽ vào khoảng từ 60 đến 65%.
Vụ tham nhũng nghiêm trọng của Vinalines lên đến hàng ngàn tỷ đồng. RFA file
Vụ tham nhũng nghiêm trọng của Vinalines lên đến hàng ngàn tỷ đồng. RFA file
Cùng lúc đó, tình trạng tham nhũng tại Việt Nam cũng tiếp tục gia tăng, bất chấp các tuyên bố cứng rắn của lãnh đạo Việt Nam về nỗ lực chống tham nhũng.
Sau nhiều năm chính phủ không đối phó hữu hiệu với nạn tham nhũng, công tác này được chuyển sang cho Trung ương đảng với các nỗ lực tái lập ban nội chính trung ương, Tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng đồng thời cũng là là trưởng ban chống tham nhũng, v.v… tình trạng tham nhũng tại Việt Nam không những không thuyên giảm mà lại còn tiếp tục gia tăng.
Theo công bố của thanh tra chính phủ, trong ba tháng đầu năm nay, tham nhũng đã bòn rút công quỹ quốc gia tới 99 tỷ đồng.
Thêm vào đó, thanh tra chính phủ cũng cho biết, từ đầu năm đến nay, tình hình khiếu nại tố cáo của công dân cũng tăng cao so với cùng kỳ năm ngoái về cả số lượt, số đoàn đông người và số vụ việc. Nội dung khiếu nại tố cáo chủ yếu là về đất đai.

Đình công

Việt Nam tuần qua ghi nhận cuộc đình công kéo dài của hàng ngàn công nhân tại Biên Hòa – Đồng Nai.
Cuộc đình công của hơn 3 ngàn công nhân công ty giày DONA Biti's kéo dài từ hôm 13 tháng 4, đã gây tắc nghẽn giao thông trên con đường huyết mạch nối thành phố Biên Hòa với các khu công nghiệp trong khu vực.
Cuộc đình công khởi đầu với vài trăm công nhân đòi tăng lương, giảm tăng ca, tăng tiền ăn… nhưng sau đó tập trung lên đến hàng ngàn người sau khi bảo vệ dùng gậy đánh một công nhân vào đầu, chảy máu và gục ngay tại chỗ.
Theo báo cáo mới đây của Tổng Liên đoàn Lao động Việt nam, kể từ khi Bộ luật Lao động có hiệu lực thi hành từ năm 1995 đến năm 2012, cả nước đã xảy ra gần 5000 cuộc đình công, trong đó hơn 3,500 vụ xảy ra tại các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Đình công chủ yếu xảy ra ở các tỉnh, thành phố miền Nam nơi tập trung nhiều khu công nghiệp, bao gồm Sài Gòn, Bình Dương và Đồng Nai. Các nguyên nhân dẫn đến đình công là tiền lương, điều kiện lao động và chất lượng bữa ăn của công nhân.

14 cô gái tại Nga được giải thoát

000_Par2578864-250.jpg
Ảnh minh họa nạn mãi dâm. AFP photo.
Cũng trong lĩnh vực xã hội, sau nhiều nỗ lực vận động, cuối cùng các cô gái Việt Nam sang Nga theo diện lao động xuất khẩu nhưng lại bị buộc làm gái mãi dâm đã được giải thoát.
Theo thông báo của Liên Minh Bài Trừ Nô Lệ Mới tại Á Châu tức CAMSA thì đầu tuần này đã có tổng cộng 14 trong số 15 nạn nhân đã được cứu giúp và đưa về Việt Nam.
Chia sẻ tin này với Đài Á Châu Tự Do, cô Trần Trang Khanh, GĐ phát triển chi nhánh của BPSOS cho biết:
“Đây cũng là một tin vui cho rất nhiều người. Kế hoạch của chúng tôi là có thể vào cuối tháng 4, 15 cô sẽ được cứu hết; nhưng mà chỉ có mới nửa tháng thôi thì mình đã cứu hết 14 cô trong số 15 cô rồi; chỉ còn 1 cô còn có những vấn đề trục trặc còn kẹt lại bên đó. Nhưng theo dự tính thì trong tuần sau cô đó cũng sẽ về Việt Nam để đoàn tụ với gia đình thôi.”

VN thừa hotgirls

“Việt Nam đang khủng hoảng thừa hotgirls”; đó là một tựa bài trên báo Lao Động số ra ngày 12 tháng 4 vừa qua.
Theo đó, chỉ cần vào trang web tìm kiếm Google, đánh vào cụm từ “hotgirl Việt Nam”, sẽ ngay lập tức cho ra gần 20 triệu kết quả.
Theo tờ báo thì để lọt vào danh sách này, một cô gái chỉ cần có chút ít nhan sắc, và chịu khó “hở” một tý là được thành hotgirl Việt Nam!
Cùng với việc nêu tên một số hotgirl đang thu hút sự chú ý của giới trẻ trong nước như Midu, Elly Trần, Mychiyo Phạm Ngà, v.v… tờ Lao Động cho rằng thực chất ngoài đời họ là những cô bé xinh xắn, lý lắc; nhưng xem trên mạng internet lại thấy đăng nhiều hình các cô trong trang phục khá “thoáng” với điệu bộ một “hotgirl” chính hiệu. Và tờ báo đặt câu hỏi: Phải chăng, chính một số phương tiện truyền thông đã đẩy họ lên thành “hotgirl” (?!).
Đi xa hơn, tác giả bài báo nhận xét: “Nếu ở nước ngoài, người ta không gắn nhãn hotgirl cho những cô gái sexy thuộc giới showbiz, mà hotgirl để chỉ những thần tượng đủ cả tài, sắc cho giới trẻ tôn vinh. Còn ở ta, hotgirl thường gắn liền với những cô gái trẻ xinh đẹp thích chơi bời, thích khoe da thịt”.
Và tờ Lao động kết luận: “Có lẽ không ở đâu lạm phát hotgirl như ở ta! Và phàm cái gì nhiều quá hóa nhàm, hóa rẻ; hotgirl đáng ra là một từ đẹp bỗng chốc trở nên rẻ rúng ở Việt Nam”.








No comments:

Post a Comment