Mục lục nỗi đau dan tôi

Monday, April 8, 2013


ÔI THƯƠNG QUÁ CUỘC ĐỜI BẠC MỆNH MỘT TÀI HOA!

Lời Tác Giả: Không hiểu sao, đúng 2 giờ 30 sáng nay, ngày 23/3/2013, tôi chợt thức dậy. Vì sợ ngủ quên giờ ra ô tô để đi thăm Thiền Viện Trúc Lâm và Tây Thiên Thiền Tự tại Vĩnh Phúc nên tôi không ngủ lại được nữa mà thức luôn đến sáng. Tôi bỗng giật mình nhận ra, đó là giờ nhập Cõi của Đinh Vũ Hoàng Nguyên vừa tròn một năm. Khi đến Thiền Viện Trúc Lâm, tôi vừa leo các bậc tam cấp vừa nghĩ đến Nguyên thì như thấy một chàng trai trẻ quần áo dính đầy màu vẽ đang kéo tay tôi bước lên các bậc tam cấp của Thiền Viện và tôi đã xúc động nhận ra, tôi đã gặp chàng trai này đâu đó trong tiềm thức.


Khi bước theo các bậc đá lên tới Tây Thiên Thiền Tự, tôi chợt nhớ lại, là đã gặp người không tên này vào cuối thập niên 90 của Thế Kỷ trước, khi tôi đã có ba năm sống ở xóm bụi Thành Công để ăn chay và ngồi thiền với các đồng tu của mình. Dạo ấy, vào những lúc rỗi, tôi đã vào một xưởng vẽ ngay gần đó và bất ngờ gặp những bức tranh lạ, hễ đứng trước những bức tranh đó là mình nhập định rất dễ dàng, nhưng tôi đã chưa bao giờ biết người vẽ ra những bức tranh đó tên gì. Giờ đây, khi lục xem lại một số bức tranh của Nguyên tôi mới nhận ra, ngày đó tôi đã nhiều lần được xem Nguyên ngồi vẽ một cách say mê như đang ngồi thiền và có lẽ tôi và Nguyên đã có một cái gì đó đồng điệu về tâm hồn cách đây đã tới mười mấy năm. Và bài viết này vì thế đã được ra đời ngay trước Phật Đường Tây Thiên Thiền Tự. Do viết vội nên chắc chắn bài viết còn nhiều sơ sót, nên tôi rất kính mong được quí vị độc giả gần xa lượng thứ.

Nhân một năm ngày cố nhân mãi mãi đi xa, tôi xin gửi đăng bài viết này để kính tặng ba mẹ, vợ và con trai của Lão Thầy Bói Già Đinh Vũ Hoàng Nguyên, một tài hoa bạc mệnh.

ÔI THƯƠNG QUÁ CUỘC ĐỜI BẠC MỆNH MỘT TÀI HOA!

(Viết tặng ba mẹ và vợ con của Bói Già Đinh Vũ Hoàng Nguyên)

Biết nói gì Nguyên ơi
Khi Nguyên không phải là người đời
Mà là Thiên Sứ từ Trời cao lai vãng
Chỉ ghé qua trái đất này tròn 444 tháng
Rồi nhếch mép tủm tỉm cười
Nhằm ngày sinh nhật ra đi!

Thông điệp mang đến cho quê hương
Thiên Sứ định nói gì?

Tình Yêu ư?
Khi xúc cảm khẽ chạm vào con tim mách bảo
Phải yêu đến tận cùng ruột gan
Yêu bầm tim, tím máu
Yêu không những chỉ thốt nên lời
Mà vang vọng tiếng kêu van
Của em thơ
Của mẹ già
Quằn quại giữa trái ngang!
Yêu cả lời hiệu triệu
Của lương tri đang kêu cứu
Đòi quyền tự do để được sống cho nhau
Quyền mưu cầu hạnh phúc
Của người lao động cần lao
Quyền được chọn lựa của toàn dân
Ai sẽ là người lãnh đạo
Không thể chịu mãi lũ lưu manh bát nháo
Vừa khoác áo nhân dân vừa dày xéo đồng bào!

Tuổi trẻ hôm nay
Lẽ ra phải được sống sang giàu
Người tài năng như Nguyên sống trong đời
Sao lại phải lo lắng cả những điều nhỏ nhặt?
Chưa từng được dạy ở trong các trường đại học:
Mồn tụng niệm “Nam Mô” bụng khát vọng đồng tiền
Vi phạm lệ, luật giao thông
Kẹp cụ Hồ dưới bằng lái hồn nhiên
Bệnh viện “không nhận phong bì”  
Mà chỉ thích cầm tiền mặt
Xin vào cơ quan công quyền
Phải tiền tươi, thóc thật
Phong tặng các danh hiệu thi đua
Không có “bác” dẫn đường thì hãy kiếm “ô” che
Các danh hiệu ưu tú, nhân dân
Không nhiều tiền thì nghỉ khỏe con nghe
Đảng kêu gọi góp ý kiến Hiến Pháp 92
Để tỏ ra đảng ta rất “dân chủ”!
Làm trí thức khát tự do bỗng hóa thành “trí ngủ”
Giữa một vương quốc thừa lãnh tụ, thiếu vua hiền!

Cha mẹ đã hi sinh cả cuộc đời
Chỉ mong sao thế hệ trẻ được bình yên
Cố chịu khổ, chịu thương để cháu con 
Được sống cho ra sống
Được nói lên tâm nguyện của mình
Được ước ao hi vọng
Được yêu đất nước của Vua Hùng
Đã trải bốn ngàn năm
Được xuống đường hét thật to
“Đã đảo quân Trung Cộng xâm lăng!”
Mà không bị công an bắt lên xe
Đưa về trại Lộc Hà lần nữa
Khi kẻ tôn thờ Trung Nam Hải là quan tòa
Còn người yêu nước VN đứng trước vành móng ngựa
Xin Mẹ Âu Cơ hãy cho chúng con hay
Tổ Quốc liệu còn chăng?

Nay chợt nhận ra tôi đã gặp Nguyên
Nơi xóm bụi Thành Công(*)
Nguyên đam mê vẽ tranh còn tôi  
Thích được ngồi thiền định  
Thế giới muôn màu kia
Là chốn Bồng Lai
Hay làng quê yên tĩnh?
Hay phố sấu, đường me
Chen mái ngói thẫm mầu?
Là hồn gặp hồn
Tỉnh thức gặp tỉnh thức
Đang thiền định bên nhau
Chẳng hề biết tên mà tưởng từng quen
Đâu đó từ kiếp trước
Bởi tranh của Nguyên là thế giới tâm linh
Về sống giữa cõi người hòa hợp
Nay cố nhân đã đi xa mà ngỡ như  
Đang ngồi say sưa chém gió ở bờ sông
Ngay quán nước nhỏ bên cầu
Đầu xóm bụi Thành Công

Nguyên đã đi qua cuộc đời này
Vội vã dạo chơi, hay để nói:
“Mọi người hãy dẹp đi
“Thói hư danh trong thời đại chúng ta
“Thói tham lam tiền, quyền làm người dân
“Chịu thống khổ xót xa!”
Qua những Bài Thơ, những Trang Văn
Và những dòng Viết Ngắn
Những Bức Tranh ẩn hiện tâm linh
Thấp thoáng đời cay đắng
Phiêu lãng yêu vì thơ, cười ra nước mắt vì văn                                  
Đau viết ngắn lòng ta
Tôi đã gặp một Đinh Vũ Hoàng Nguyên 
Chân thực đến thiết tha!

Nhân ngày biệt ly Bói ơi, tôi đã khóc
Ôi thương quá cuộc đời bạc mệnh một tài hoa!

Tây Thiên Thiền Tự, 23/3/2013
Ts. Đặng Huy Văn

(*) Xóm bụi Thành Công, nơi Nguyên đã từng thuê một xưởng vẽ ở đây, thuộc phường Trung Liệt, quận Đống Đa gồm khoảng gần một ngàn hộ dân đã sống tại đây từ năm 1992, và là một cụm dân cư đặc biệt nhất của Thủ Đô Hà Nội vì cho đến nay, họ chưa hề có tổ dân phố, chưa được đăng kí hộ khẩu và vì thế đã 20 năm nay, gần một ngàn hộ dân tại xóm bụi này đã không có quyền công dân. Còn nhớ vào Tết Kỷ Dậu, năm 1789, nơi đây đã chôn vùi xác của gần một vạn quân Thanh đo Quang Trung Nguyễn Huệ đại phá tại Gò Đống Đa và có thể vì thế mà mảnh đất này thiêng lắm. Thực vậy, đã một số lần khác nhau của các đời lãnh đạo thành phố Hà Nội, kể cả một thời của TBT Nguyễn Phú Trọng, đã lập Dự Án Ma để giải tỏa gần một ngàn hộ dân ở đây nhằm lấy đất chia nhau mà đều thất bại. Lần cuối cùng là năm 2002-2003, một chủ Dự Án Ma ở đây tên là Lã Thị Kim Oanh, người được thủ tướng Phan Văn Khải lúc bấy giờ hậu thuẩn cũng đã phải ngậm ngùi nhận bản án tử hình khi ông Khải còn tại vị. Có lẽ do Phật Độ Người Có Duyên nên nhóm đồng tu thiền và ăn chay của chúng tôi đã tồn tại ở đây được 5 năm trời và đã có một vài người nhập định được (không phải tôi vì mới tu được 3 năm thì đã bỏ giữa chừng).

No comments:

Post a Comment