Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, April 6, 2013

ĐẨY ĐÔNG BẮC Á ĐẾN BỜ VỰC CHIẾN TRANH TRUNG CỘNG MƯU ĐỊNH NUỐT TRỌN BIỂN ĐÔNG


ĐẨY ĐÔNG BẮC Á ĐẾN BỜ VỰC CHIẾN TRANH TRUNG CỘNG MƯU ĐỊNH NUỐT TRỌN BIỂN ĐÔNG

Bất chấp những cảnh cáo nghiêm khắc của Bắc kinh, ngày 12/02/2013, đúng lúc người dân Trung Hoa nghỉ Tết Nguyên Đán, Bình Nhưỡng vẫn tiến hành thành công cuộc thử nguyên tử lần thứ 3. Lập tức Trung cộng thỏa thuận với Hoa kỳ về nguyên tắc đối với Nghị Quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp, mở rộng các biện pháp trừng phạt hiện có với Bình Nhưỡng.

Hành động trắng trợn của đàn anh Trung cộng hợp tác với Hoa kỳ để cho Hội Đồng Bảo An trừng phạt Bắc Hàn Cộng Sản, đã khiến cho Kim Jong Un nổi điên ráo riết chuẩn bị chiến tranh với Nam Hàn và  nhắm thẳng vào Hoa kỳ. Bắc Hàn, chấm dứt thỏa hiệp ngừng chiến giữa 2 miền Nam, Bắc. Hôm thứ Bảy 30/03/13, Bắc Hàn tuyên bố: “Đang trong tình trạng chiến tranh với Nam Hàn”. Ngày 01/04/13, Nữ tổng thống Nam Hàn, Park Geun-hye ra lệnh cho quân đội: “Đánh trả mau chóng và quyết tâm chống lại bất cứ cuộc tấn công nào của Bắc Triều Tiên”. Bà nói: “Nếu có bất cứ sự khiêu khích nào nhắm vào đất nước và người dân Nam Hàn thì sự khiêu khích này sẽ bị đáp trả mạnh mẽ bằng chiến đấu, mà không cần cân nhắc chính trị gì cả”.
Ngày 02/04/13, Bình Nhưỡng loan báo kế hoạch tái khởi động nhà máy hạt nhân Yongbyon, đã bị đóng cửa từ năm 2007. Một việc làm mà ông John Kerry cho là khiêu khích nghiêm trọng.  Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: “Hoa kỳ  sẽ phòng vệ cho mình và bảo vệ đồng minh Nam Hàn trước đe dọa của Bình Nhưỡng”. Hải quân Hoa kỳ đã dùng vũ khí tối tân để vây Triều Tiên. Khu trục hạm USS Fitzgerald ngày 01/04/13, và một căn cứ radar giống như giàn khoan dầu SBX-1 đã tới gần bờ biển Triều Tiên, nhằm giám sát mọi động thái quân sự của nước này, kẻ cả những vụ phóng tên lửa có thể xẩy ra. Lần đầu tiên Mỹ đưa pháo đài bay B52 và máy bay tàng hình B-2, và cả phi đoàn máy bay tiêm kích tàng hình F-22 cực kỳ hiện đại tới Hàn Quốc tham gia tập trận Đại Bàng Non kéo dài đến cuối tháng 4/2013. Ngũ Giác Đài cho biết đã gửi thêm 2 chiến hạm mang hoả tiễn là USS Decatur và USS McCain đến khu vực.
Trong khi đó  Bắc Hàn bỗng chuyển đề mục chiến tranh sang phát triển kinh tế và nguyên tử. Tái bổ nhiệm ông Pak Pong Ju vào chức thủ tướng, người từng bị bãi chức này vào năm 2007, do Pak Pong Ju muốn thúc đẩy cải cách kinh tế, lên thay ông Choe Yong Rim. Xem vậy cậu trẻ Kim Jong Un và ban cố vấn Bắc Hàn, muốn qua mặt đàn anh Trung cộng, định dùng “lá bài nguyên tử” để đổi lấy sự trợ giúp phát triển kinh tế với “kẻ thù” hay sao đây? Cũng có thể người Hàn đã từng hàng ngàn năm sống dưới ách đô hộ của người Hán, biết rõ thủ đoạn chính trị thâm hiểm của các triều đại Trung Hoa thường dùng ngón đòn “Dương Đông, Kích Tây”. Như việc Bắc kinh đang đẩy đàn em Bình Nhưỡng tạo chiến tranh với Mỹ, buộc Mỹ phải lo đối phó với vấn đề Bắc Á nóng bỏng, để Trung cộng mặc sức bành trướng khắp Biển Đông. Lần đầu tiên tàu Trung cộng nổ súng bắn tàu của ngư dân Việt nam ngày 20/03/13. Đội tàu chiến của Trung cộng chở theo thủy quân lục chiến đã không ngần ngại kéo xuống tận vùng cực Nam của Biển Đông, để khẳng định chủ quyền trên bãi san hô James Shoal, mà Kuala Lumpur tuyên bố chủ quyền, chỉ cách bờ biển Malaysia 50 hải lý.  Nhân đó, Bắc Hàn kéo chiến hạm Mỹ vào sát nách nước Tầu, cho máy bay tàng hình B-2 bay ngay trên đầu Bắc kinh cho bõ ghét. Rồi sau đó nói truyện phải trái với Mỹ về vấn đề nguyên tử, mà không sợ Trung cộng lên án. Đúng là “kẻ cắp gặp bà già” rồi.
Trong những  ngày qua, dù tình thế ở vùng Bắc Á rất mong manh, vì chiến tranh có thể xẩy ra vào bất cứ giây phút nào. Nhưng hầu như dư luận không mấy quan tâm, vì cậu nhỏ Kim Jong Un nói năng quá hỗng, không đáng tin, trừ ra cả bộ tham mưu Bắc Hàn đều là những kẻ điên. Tất cả dư luận chỉ quan tâm tới hành vi của Trung Cộng ở Biển Đông. Dư luận đều nêu thắc mắc: “Phải chăng Trung cộng ngày càng lấn lướt Mỹ vì Mỹ thụ động?. Tờ báo Mỹ, USA Today số ghi ngày 27/03/2013 đã trích dẫn nhiều nhà phân tích cho rằng: “Sở dĩ Bắc kinh đã có  những động thái bạo dạn như trên, đó chính là vì Mỹ đã không phản ứng gì”. Ghi nhận của ông Michael Auslin, chuyên gia về Đông Nam Á thuộc viện American Enterprise thì: “Sự kiện hải quân Trung quốc dám kéo xuống vùng cực nam Biển Đông để thị uy, chứng tỏ là chính sách gọi là ‘xoay trục’ qua châu Á của chính quyền Obama đã không mang lại kết quả nào cho các nước trong vùng”. Ông Auslin phê phán thái độ thụ động của Hoa kỳ rằng: “Chúng ta đang mất uy tín trước đồng minh và bạn bè bằng thái độ đứng bên ngoài của minh. Trung quốc sẽ lý giải thái độ bất động của Mỹ như là một đèn xanh cho phép họ đi tiếp”.
Chẳng lẽ chiến lược toàn cầu của Hoa kỳ là xoay trực về châu Á lại yếu xìu thế hay sao? Thực ra, sự chuyển trục chiến lược của Mỹ về châu Á, nếu chỉ dựa vào sức mạnh quân sự của Mỹ, mà không đáp ứng đúng với nhu cầu của các nước Á châu, thì đó cũng  chỉ là sự áp đặt, đâu có khác gì việc làm của các Đế Quốc xưa nay? Vậy liệu các nước trong vùng có coi chiến lược mới này của Mỹ mang lại ích lợi cho họ hay không? Chính vì Trung cộng hung hăng phi pháp lấn chiếm khắp Biển Đông lại là cơ hội cho Mỹ chứng tỏ việc chuyển trục chiến lược về châu Á của Mỹ là cần thiết đối với các nước trong vùng.  Trong khuôn khổ chiến lược “xoay trục” hay “”tái cân bằng” lực lượng Mỹ từng được tổng thống Obama loan báo: “Hoa kỳ đang chuyển thêm lực lượng quân sự qua vùng châu Á – Thái Bình Dương vào lúc khu vực này lâm vào tình trạng căng thẳng do tranh chấp biển đảo giữa một nước Trung quốc đang vươn lên với nhiều nước láng giềng, từ Việt nam, Philippines cho đến Nhật bản”.
Ngày 01/04/13, thủ tướng Singapore, Lý Hiển Long công du Hoa kỳ đã gặp bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel. Ông Hagel đã xác nhận kế hoạch đẩy mạnh hợp tác quân sự với Singapore. Trong khuôn khổ chiến lược xoay trục này, Hoa kỳ quyết định triển khai 4 chiến hạm đời mới thuộc loại cận chiến gần bờ biển tại Singapore. Chiếc tàu đầu tiên là USS Freedom hiện đang trên đường tới Singapore. Bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel sẽ ghé Singapore để tham gia cuộc đối thoại Shangri – La tổ chức từ ngày 31/05 đến 02/06/13. Chương trình hội nghị, giới chức quốc phòng cao cấp, cùng các chuyên gia sẽ thảo luận chung quanh các chủ đề như sau: “Phương pháp tiếp cận an ninh khu vực của Mỹ”. “Hiện đại hóa quân sự và tính minh bạch chiến lược”. Ngăn ngừa sự cố trên biển”. “Ngoại giao quốc phòng và dự phòng xung đột”. “An ninh mạng tại châu Á”. Lẽ dĩ nhiên là nhắm đến “Trung quốc”. Ngoài ông Chuck Hagel, ngoại trưởng Mỹ, John Kerry cuối tháng tư này cũng có kế hoạch công du châu Á. Chờ xem, trận đấu “cân não” giữa Mỹ và Tầu sẽ diễn biến kỳ bí đến đâu!
LÝ ĐẠI NGUYÊN –
Little Saigon ngày 02/04/2013

No comments:

Post a Comment