GS. Nguyễn Ngọc Bích
June 24, 20140 Bình Luận
June 24, 20140 Bình Luận
Ủy-Ban Lãnh-Đạo Lâm-Thời VNCH
6433 Northanna Drive, Springfield, VA 22150, U.S.A.
Tel: 703-971-9178 – E-mail: RVNleadcom@gmail.com
PHẢN-BIỆN TÀI-LIỆU CỦA TRUNG-QUỐC VỀ SỰ HIỆN-DIỆN CỦA GIÀN KHOAN HYSY 981 TRONG VÙNG BIỂN VIỆT-NAM
1. Vị-trí Giàn khoan HYSY 981 của Tổng-công-ty Dầu khí Hải-dương TQ trong vùng biển Việt-nam
“Vào ngày 2 tháng Năm 2014, giàn khoan HYSY 981 của một công ty Trung Quốc bắt đầu hoạt động khoan” ở một vị-trí nơi Biển Đông nằm ở những tọa-độ rõ ràng ở bên trong thềm lục-địa của Việt-nam: ở 15o29 vĩ-độ Bắc và 110o12 kinh-tuyến Đông, tương-đương với Lô khai thác 143 trong vùng đặc-quyền kinh tế của Việt-nam. Vị-trí này chỉ cách đảo Lý Sơn (Cù lao Ré) của Việt-nam có 119 hải-lý ở ngoài khơi Đà Nẵng.
Đây là một sự vi-phạm trắng trợn vùng đặc-quyền kinh tế của Việt-nam, một vùng được định nghĩa là kéo dài 200 hải-lý từ một đường cơ-sở dọc theo bờ biển Việt-nam và dựa vào thềm lục-địa được định nghĩa như là “một phần đất thuộc một lục-địa, thường là nông và phẳng nằm dưới nước và kéo dài đến một điểm đổ mạnh xuống sàn đại-dương.” Đây rõ ràng không phải là trường-hợp của vùng đặc-quyền kinh tế của Trung Quốc dẫn ra tới giàn khoan.
2. Hành-động khiêu khích của Trung Quốc
Bằng cách hạ đặt giàn khoan HYSY 981 trong vùng đặc-quyền kinh tế của Việt-nam, Trung Quốc đã làm một hành-động được mô-tả là “khiêu khích” không phải chỉ bởi Việt-nam mà còn bởi nhiều quốc gia trên thế-giới. Trung Quốc cho rằng “Việt Nam đã đưa một lượng lớn các tàu thuyền, bao gồm tàu vũ trang đến khu vực và phá rối mạnh mẽ và phi pháp hoạt động của Trung Quốc.” Họ đưa ra con số “63 tàu thuyền Việt Nam trong khu vực vào thời điểm cao độ nhất”: ngay dù như con số này là có thật thì nó vẫn không bằng một nửa lượng tàu thuyền Trung Quốc, được ước-lượng là 130 chiếc với một số lớn hơn hẳn các tàu thuyền Việt Nam được gởi ra để bao vây giàn khoan mà còn ngăn chặn không cho các thẩm-quyền Việt Nam đến gần để yêu-cầu một cách chính-đáng là giàn khoan hãy được đưa ra khỏi vùng biển của Việt Nam. Một sự hiện-diện lớn như vậy của phía Trung Quốc không thể nào mà thoát khỏi sự kiểm-soát từ trên không và việc chụp hình bởi hàng trăm nếu không muốn nói là hàng ngàn các quan-sát-viên quốc-tế.
Trung Quốc còn tố Việt Nam là “dung dưỡng những cuộc biểu tình chống Trung Quốc” nhắm vào các “công ty Trung Quốc” nhưng rồi lại mâu thuẫn khi nói là những cuộc biểu tình kia cũng làm thiệt hại cho một số công-ty thuộc “một số quốc gia khác.”
3. Trung Quốc thú nhận
Trong văn-thư bày tỏ lập-trường của mình, Trung Quốc thú nhận rằng “các vùng biển giữa Quần đảo Tây Sa của Trung Quốc [tức Hoàng Sa của VN] và vùng biển thuộc đất liền của Việt Nam vẫn chưa được phân định. Hai bên vẫn chưa tiến hành xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa trong vùng biển này. Cả hai bên đều có quyền tuyên bố đặc quyền kinh tế và thềm lục địa theo quy định của UNCLOS.” (Chúng tôi nhấn mạnh.) Một khi đã nói như vậy thì không hiểu tại sao câu sau lại rất khẳng-định: “Tuy nhiên, các vùng nước này sẽ không bao giờ trở thành đặc khu kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam dù áp dụng bất kỳ nguyên tắc nào vào việc phân định.” (sic) Thật là một sự mâu thuẫn không thể hiểu nổi, đi gần đến sự phi lý!
4. Hoàng Sa (tức Tây Sa theo TQ) CHƯA BAO GIỜ là lãnh-thổ Trung Quốc
Văn-thư lập-trường của Trung Quốc khẳng-định khơi khơi là “Quần đảo Tây Sa là một phần vốn có của lãnh thổ Trung Quốc, không gì bác bỏ được.” Vậy thì thử hỏi đoạn ngay trên đây có nghĩa làm sao khi nó cũng được viết ra bởi cùng tác-giả của văn-thư lập-trường?
Trung Quốc gian-trá khi cho rằng “Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đã khám phá, phát triển, khai thác và thực hiện thẩm quyền đối với quần đảo Tây Sa,” tức Hoàng Sa của Việt Nam. Không có gì có thể xa sự thật hơn thế, nhất là khi ngay ở câu tiếp theo, văn-thư kia nói là đến “năm 1909, Đề đốc Lý Chuẩn của hải-quân [Trung Quốc] đã dẫn đầu chuyến thanh sát quân sự trên quần đảo Tây Sa và tái khẳng định chủ quyền của Trung Quốc bằng cách kéo cờ và bắn một loạt đạn trên đảo Vĩnh Hưng.” (Chúng tôi nhấn mạnh) Thật là nực cười! Vì rõ ràng không thể đòi chủ-quyền đối với quốc-tế kiểu đó được, nhất là khi vào lúc bấy giờ đảo Vĩnh Hưng gần như không ai ở trên đảo!
5. Lịch-sử cận-hiện-đại
Khi “Nhật Bản xâm lược và chiếm đóng quần đảo Tây Sa” trong Thế-chiến thứ hai (1939), chỉ có Pháp phản-đối nhân danh Việt Nam là nước được Pháp bảo hộ. Trước đó, Pháp đã tuyên-bố chủ-quyền trên quần-đảo này dựa trên những lần đòi chủ-quyền của nhà Nguyễn dưới thời các vua Gia Long (1802-1820) và Minh Mạng (1820-1840), và đến năm 1932 thì Pháp chiếm-đoạt các đảo ở đây, sau đó đã xây một hải-đăng và đài khí-tượng ở đảo Hoàng Sa (Pattle Island) vào năm 1937. Sau khi Nhật đầu hàng vào năm 1945, chính-phủ Trung Hoa Dân Quốc đã tìm cách đòi một số đảo (tháng Mười Một 1946) nhưng Hòa-hội San Francisco (tháng Chín 1951) đã thông qua bằng 46 phiếu trên 51 lời khẳng-định chủ-quyền của Việt Nam trên hai quần-đảo Paracel (Hoàng Sa/Tây Sa) và Spratly (Trường Sa/Nam Sa).
Năm 1959, Bắc Kinh “thiết lập Văn phòng Quản lý các Quần đảo Tây Sa, Trung Sa và Nam Sa.” Nhưng từ năm 1933, Vua Bảo Đại của Việt Nam đã có Dụ số 10 đặt Hoàng Sa (Paracel Islands/Tây Sa) thuộc vào tỉnh Thừa Thiên và ngày 13 tháng Bảy 1961, Tổng-thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm đã ký sắc-lệnh giao lại việc quản-lý quần-đảo này cho tỉnh Quảng Ngãi ở miền Trung Việt Nam. Hải-quân Việt Nam Cộng Hòa đã đều đặn đi tuần-tra các đảo và Nha Khí-tượng VNCH lo vận-hành đài khí-tượng trên đảo Hoàng Sa (Pattle) đều đặn mà không bị nước nào can-thiệp mãi cho đến tận tháng Giêng năm 1974 khi hải-quân Trung Quốc đánh chiếm toàn-bộ quần-đảo vào những ngày cuối của cuộc chiến Việt Nam sau một trận chiến bất cân xứng với hải-quân của Việt Nam Cộng Hòa được gửi ra để trấn giữ quần-đảo.
6. Chỗ đứng của Hà Nội trong cuộc tranh-chấp trên các quần-đảo
Từ những điều trên, ta có thể thấy là không có gì sai sự thật bằng câu khẳng-định của phía Trung Quốc rằng “từ cổ xưa, Việt Nam đã chính thức công nhận quần đảo Tây Sa là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.” Việc đi trích dẫn lời của một hai quan-chức thân Trung Quốc cho rằng “Tây Sa và Nam Sa trong lịch sử là một phần của lãnh thổ Trung Quốc” là một điều vô nghĩa bởi họ không đại diện trong bất cứ tư-cách nào lập-trường chính-thức của chính-quyền Việt Nam, không cả của Hà Nội, và cũng bởi những lời khẳng-định như thế đơn-giản là không chính-xác, không có văn-kiện nào trong các nguồn tài-liệu Việt Nam ủng-hộ cho một lập-trường như thế.
Nghiêm-trọng hơn là sự-kiện “Ngày 4 tháng Chín năm 1958, chính phủ Trung Quốc đã ban hành một bản tuyên bố, trong đó nói rằng bề rộng phạm vi lãnh hải của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là 12 hải lý và nói rõ rằng ‘quy định này áp dụng cho tất cả các vùng lãnh thổ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, bao gồm cả Quần đảo Tây Sa…’” Ngày 14 tháng Chín, Thủ-tướng Phạm Văn Đồng của chính-phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã gửi một công-hàm ngoại-giao đến Thủ-tướng Chu Ân-lai của Hội-đồng Nhà nước Trung Quốc, tuyên bố rằng “chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công nhận và hỗ trợ tuyên bố của chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về quyết định liên quan đến lãnh hải của Trung Quốc đưa ra ngày 04 tháng Chín năm 1958″ và “chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tôn trọng quyết định này.”
Tuy-nhiên, cần chú ý là theo như những điều khoản của Hiệp-định Ngưng chiến Geneva ký ngày 20 tháng Bảy 1954 chia đôi Việt Nam ra thành hai miền thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (tức Miền Bắc) không có chủ-quyền trên Quần-đảo Hoàng Sa, bởi quần-đảo này nằm ở dưới vĩ-tuyến 17 nên thuộc quyền cai quản của Miền Nam (mà sau này chính-thức là Việt Nam Cộng Hòa). Do vậy nên ta có thể nói là công-hàm Phạm Văn Đồng là “hoàn toàn vô giá trị.”
Ngoài ra, văn-thư của Trung Quốc còn nêu ra hai bằng-chứng khác nữa song chúng không thể xem được là khả tín. Một là một cuốn địa-lý lớp 9 in vào năm 1974, một cuốn sách rõ ràng là không thể tin được khi bên cạnh việc mô-tả Tây Sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam Sa (Trường Sa của Việt Nam) là nằm trong một vòng cung các đảo bảo-vệ Trung Quốc thì cuốn sách còn ghi cả một quần-đảo không có ở ngoài đời (“Hoành Bồ”) là thuộc trong cùng vòng cung đó. Còn về tập Bản đồ Thế giới in vào tháng Năm năm 1972 thì rất có thể đó đã là một sản-phẩm của Trung Quốc in cho một nhà xuất bản Việt Nam–một hiện-tượng khá phổ-biến vào thời bấy giờ.
7. Những hiệp-định quốc-tế và bổn-phận của Trung Quốc dựa trên những hiệp-định đó
Hãy tạm gác sang bên những bằng-chứng về chủ-quyền lịch-sử liên-tục của Việt Nam trên Quần-đảo Hoàng Sa, những bằng-chứng phong phú và có cơ-sở hơn những khẳng-định của Trung Quốc rất nhiều (cho đến tận đầu thế-kỷ 20, các bản-đồ của ngay chính Trung Hoa cũng chỉ ghi Hải Nam là lãnh-thổ cực-Nam của Trung Quốc, các thẩm-quyền Trung Quốc còn phủ-nhận cả trách-nhiệm khi có những tàu thuyền ngoại-quốc bị đắm ở Hoàng Sa). Ngoài ra, còn có tối-thiểu năm hiệp-ước quốc-tế mà Trung Quốc đã ký vào và như vậy là có bổn-phận hoặc thực-thi hoặc đứng bảo kê cho các hiệp-ước đó.
Trước tiên hết là Hiệp-ước Thiên Tân 1885 ký giữa Pháp và nhà Thanh bên Trung Quốc công-nhận chủ-quyền của Pháp trên đất nước Việt Nam (lúc bấy giờ còn gọi là An Nam). Theo hiệp-ước này, Pháp thừa kế hết cả những quyền lãnh-thổ thuộc về các vua An Nam mà đương-nhiên trong đó gồm cả chủ-quyền trên hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa, hai quần-đảo đã nằm trong sự cai quản của Việt Nam ít nhất cũng từ thế-kỷ 17, một sự-kiện được ghi lại trong nhiều bản-đồ do người Âu vẽ ra từ thế-kỷ thứ 17 đến thế-kỷ 20–kể cả những bản-đồ gần đây của công-ty National Geographic và Google maps. Pháp đã dựa vào Hiệp-ước Thiên Tân để đòi chủ-quyền trên Quần-đảo Hoàng Sa vào năm 1932 và sau đó, đã cho xây một cột hải-đăng và một đài khí-tượng trên đảo chính (Pattle Island) của quần-đảo này. Đài khí-tượng này đã hoạt-động liên-tục và không gián-đoạn bởi nhân-viên người Pháp rồi sau đó bởi nhân-viên người Việt cho đến tận tháng Giêng 1974 khi hải-quân Trung Quốc đến cưỡng-chiếm Quần-đảo Hoàng Sa bằng vũ-lực.
Thứ hai là việc trao trả hai quần-đảo Hoàng Sa và Trường Sa cho Việt Nam ở Hòa-hội San Francisco vào tháng Chín 1951. Lời đề nghị của Liên-Xô tại Hòa-hội đó nhằm chuyển những đảo đó về cho Trung Hoa đã bị dứt khoát bác bỏ nhưng khi Thủ-tướng Trần Văn Hữu của Quốc Gia Việt Nam đứng lên đòi chủ-quyền về cho Việt Nam thì đề nghị này đã được thông qua với 46 phiếu thuận trên 51 phiếu.
Thứ ba là Hiệp-định Geneva vào tháng Bảy 1954, một hội-nghị với sự đồng-chủ-tịch của Anh và Liên-Xô đã chia đôi Việt Nam thành hai miền ở vĩ-tuyến 17. Hoàng Sa và Trường Sa, vì là ở dưới vĩ-tuyến 17, nên thuộc về chính-quyền miền Nam, tức Việt Nam Cộng Hòa sau này. Chính dựa vào căn-bản pháp-lý đó mà Việt Nam Cộng Hòa đả cai quản hai quần-đảo đó, đặc-biệt là Quần-đảo Hoàng Sa đến tháng Giêng 1974 khi Trung Quốc dùng vũ-lực để cưỡng-chiếm, và Quần-đảo Trường Sa đến tận cuối Chiến-tranh Việt Nam (tháng Tư 1975). Trung Quốc là một nước có vai trò lớn ở hội-nghị Geneva và chính Trung Quốc đã buộc Hà Nội phải chấp nhận việc chia đôi Việt Nam, do vậy nên Trung Quốc bắt buộc phải biết rõ là Hoàng Sa và Trường Sa là thuộc về miền Nam.
Thứ tư là Hiệp-định Hòa-bình Paris ký kết vào tháng Giêng 1973 trong đó ngay từ Điều 1 đã ghi: “Hoa Kỳ và các nước khác tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam như Hiệp định Giơ-ne-vơ năm một nghìn chín trăm năm mươi tư về Việt Nam đã công nhận.” (Chúng tôi nhấn mạnh) Như vậy, ta không thể định nghĩa lại sự toàn vẹn lãnh-thổ của miền Nam Việt Nam, mà sau đó trở thành Việt Nam Cộng Hòa.
Thứ năm và cuối cùng là Định Ước của Hội Nghị Quốc Tế về Việt Nam (2 tháng Ba 1973), với chữ ký của 12 chính-phủ, trong đó có Trung Quốc, “với sự có mặt của ông Tổng Thư kí Liên hiệp quốc” (lúc bấy giờ là ông Kurt Waldheim). Định-ước này đảm bảo việc thực-thi đứng đắn Hiệp-định Hòa-bình Paris đã ký kết trước đó. Có ít ra ba điều trong Định-ước này nhắc lại công-thức “các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam” (nhấn mạnh trong nguyên-bản): Điều 2 nói rằng vì Hiệp-định Hòa-bình Paris “đáp ứng nguyện vọng tha thiết về hòa bình của tất cả các nước trên thế giới, Hiệp định là một cống hiến to lớn đối với hòa bình, quyền tự quyết, độc lập dân tộc và việc cải thiện quan hệ giữa các nước. Hiệp định và các Nghị định thư phải được tôn trọng triệt để và phải thi hành nghiêm chỉnh.” Điều 4 cam-kết: “Các bên kí kết Định ước này trịnh trọng công nhận và triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam… bằng cách không có hành động nào trái với các điều khoản của Hiệp định [Hòa bình Paris] và các Nghị định thư.” Và Điều 5 nói: “Vì sự nghiệp hòa bình lâu dài ở Việt Nam, các bên kí kết Định ước này kêu gọi tất cả các nước triệt để tôn trọng các quyền dân tộc cơ bản của nhân dân Việt Nam là độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Việt Nam, quyền tự quyết của nhân dân Miền Nam Việt Nam.”
Như vậy thành không thể phủ-nhận được là khi Trung Quốc dùng vũ-lực cưỡng-chiếm Hoàng Sa (Paracels, Tây Sa theo Trung Quốc) vào tháng Giêng 1974 là một sự vi-phạm ít nhất 5 hiệp-định quốc-tế mà trong đó Trung Quốc là một quốc gia ký kết hay/và một quốc gia bảo kê. Và việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HYSY 981 vào trong vùng đặc-quyền kinh tế và thềm lục-địa của Việt Nam lại là một vi-phạm nữa của Trung Quốc đối với sự toàn vẹn lãnh-thổ của Việt Nam, một điều mà Trung Quốc đã cam kết tôn trọng qua chữ ký của chính Ngoại-trưởng Cơ Bằng-phi của Trung Quốc trên Định-ước Quốc-tế ngày 2 tháng Ba 1973.
No comments:
Post a Comment