Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, June 27, 2014

Iraq: ánh sáng cuối đường hầm?


Việt-Long - RFA
2014-06-26
 
Email
Ý kiến của Bạn
Chia sẻ
In trang này
iraqi-army-600
Một đơn vị quân đội chính quy Iraq
Courtesy of veteranstoday.com

Cầm cự

Đến nay quân đội Iraq vẫn cầm cự được ở mặt trận phía bắc Baghdad. Phiến quân ISIL, tức "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria", có vẻ như chỉ đánh cầm chừng, hay lực lượng bị phân tán nơi khác, không dứt điểm được một số mục tiêu quan trọng, như trung tâm lọc dầu Baiji, thành phố Samarah, thành phố Baquba.

Qua ngày thứ năm lại có tin phiến quân chiếm được thành phố Mansouriyat Al Jabal cách Baghdad gần 100 km, nơi có 4 giếng dầu và cơ sở của một số công ty ngoại quốc.Tuy vây chiến sự ở mặt bắc được mô tả như không mấy ác liệt như hai tuần đầu tiên từ khi Mosul thất thủ. Nhưng ở phía Tây, trong tuần này phiến quân đã tiến chiếm một loạt mục tiêu quan trọng.
iraq-situation-map
Tình hình Iraq - ô đỏ: thuộc về ISIL - ô đỏ viền đen: ISIL mới chiếm giữ - ô đen: đang có chiến sự - ô vàng: thuộc về chính phủ - Courtesy of Columbia University
Trong tuần trước nữa quân ISIL đã đánh chiếm thành phố Tal Afar ở gần Mosul, thuộc miền bắc, đối diện một vùng đất của người Kurd. Tuần này phiến quân chiếm được Rawa và Ana nằm gần cửa khẩu Qaim ở biên giới Syria, trong tỉnh Anbar, là lãnh thổ phía tây Baghdad. Trước đó phiến quân đã chiếm cửa khẩu Trebil ở biên giới với Jordan, rồi Al Waleed, ở hướng bắc Trebil trên đường biên giới với Syria.
Tóm lại toàn thể các cửa khẩu đi qua Syria đều đã do ISIL kiểm soát. Hôm thứ tư có tin quân chính phủ đã tái chiếm Al-Waleed, nhưng không rõ tin ày có chính xác không, vì ít được nói tới.

Giai đoạn chiến lược?

Diễn biến quân sự ở Iraq như vậy cho thấy dường như quân ISIL tung ra chiến dịch mới ở hướng tây, nhắm vào khu vực biên giới Iraq-Syria để thông đường tiếp vận từ Syria qua.
Quân ISIL có thể đang đi vào giai đoạn thứ nhì của chiến lược quân sự nhằm chiếm giữ toàn bộ lãnh thổ miền bắc Iraq bao gồm cả thủ đô Baghdad. Kiểm soát được biên giới với Syria, lực lượng ISIL toàn quyền tự do trong hoạt động tiếp vận từ Syria qua Iraq, có thể chuyến quân, chuyển vũ khí, đạn dược, tiếp liệu, đến tận Ramadi và Falluja là những địa bàn hoạt động mạnh của các bộ tộc Hồi giáo Sunni, mà một số đã ngả theo chiều tiếp tay quân nổi dậy.
Chiếm được miền tây, quân ISIL hình thành được thế trận của một cuộc chiến tranh nổi dậy y như tại Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, hay một số nước Á Phi hồi thế kỷ trước.
Đó là chiến lược của quân Hồi giáo Sunni cực đoan, nhưng có đạt được mục đích ấy hay không còn tùy thuộc nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là yếu tố chính trị nội bộ.

Đoàn kết: thang thuốc đắng?

Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã yêu cầu Thủ tướng Nuri al-Maliki thay đổi chính sách độc tôn giáo phái để kết hợp người Hồi giáo Sunni và người Kurd vào chính phủ, hầu huy động sức mạnh đoàn kết và sự cộng tác của những thành phần không thể vắng mặt trong cuộc chiến toàn diện chống lại chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
Nhưng Thủ tướng Maliki chỉ có thể làm được như vậy nếu chính ông và phe phái tôn giáo của ông thực tâm muốn làm. Ngày thứ tư Thủ tướng Maliki đã lên tiếng từ chối thành lập một chính phủ cứu quốc theo lời ngoại trưởng Kerry đề nghị, trong đó bao gồm những thành phần Hồi giáo Sunni và người Kurd cùng những thành phần thiểu số khác.
Trong khi đó thì Iran cảnh cáo Hoa Kỳ đừng gạt bỏ Thủ tướng Nuri al-Maliki của người Hồi giáo Shiites. Nhưng nếu giữ Maliki ở vị trí lãnh đạo và ông này loại trừ những người Hồi giáo Sunni khỏi chính quyền và quân đội, e rằng những vùng đông dân Hồi giáo Sunni ở gần khắp miền bắc sẽ rơi trọn vào tay quân Hồi giáo cực đoan.

Biến chuyển mới?

Tuy nhiên qua ngày thứ năm, Thủ tướng Maliki lên tiếng nhìn nhận rằng biện pháp chính trị là cần thiết, bên cạnh hoạt động quân sự, để đẩy lùi cuộc tấn công của phiến quân đang gây nguy cơ chia tách quốc gia Iraq.
Nói chuyện với Ngoại trưởng Anh William Hague đến thăm Iraq bất ngờ, Thủ tướng Maliki nói chính quyền Iraq phải tiến hành hai chính sách song song. Về chính trị, phải tiếp tục tiến trình và triệu tập phiên họp quốc hội đúng thời gian, bầu ra một chủ tịch quốc hội, Tổng thống và lập chính phủ.
Cùng lúc, các chiến sĩ biệt kích Iraq được trực thăng vận đổ bộ bất ngờ vào một sân vận động trong thành phố Tikrit để lập đầu cầu tái chiếm thành phố. Trận đánh đang tiếp diễn ác liệt, tính đến chiều thứ năm.
Nhiều bộ tộc Hồi giáo Sunni trước đây đã đồng loạt quay súng đánh đuổi thành phần Al-Qaeda hoạt động cùng họ để chống chính quyền Baghdad. Một số bộ tộc Sunni cũng được CIA chiêu dụ để ngưng chống lại Baghdad. Những bộ tộc này là những thành phần Sunni mà có thể không ủng hộ, tiếp tay cho lực lượng phiến quân "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria" chủ trương một chế độ cai trị bằng luật Hồi giáo Sharia.
Nhưng ngày nay đang có nhiều bộ tộc Hồi giáo Sunni lại ủng hộ và đang cùng chiến đấu yểm trợ lực lượng ISIL. Nguyên ủy là do chính sách "độc tôn giáophái" của chính quyền Maliki mà ra.
Chủ tịch Quốc hội Iraq Usama al-Nujayfi là một nhân vật Hồi giáo Sunni. Trong chính quyền và quân đội hẳn nhiên cũng có nhiều tướng lãnh, sĩ quan, binh sĩ thuộc Hồi giáo Sunni. Chủ tịch Quốc hội chưa phát biểu điều gì đáng chú ý với Ngoại trưởng Mỹ sau cuộc hội kiến riêng, nhưng hầu chắc là ông này phải muốn có một chính phủ liên hiệp với tỉ lệ những người Hồi giáo Sunni cao hơn hiện
nay. Trong quân đội cũng cần tỉ leệ như vậy. Nhưng trước ngày thứ năm thủ tướng Maliki đã từ chối và nói rằng phải theo hiến pháp để lập chính phủ và các cơ chế chính quyền sắp tới.

Điều kiện của người Mỹ

Ngoại trưởng Kerry đã cam kết có điều kiện. Ông tuyên bố "Hoa Kỳ sẽ yểm trợ liên tục và mạnh mẽ", với điều kiện ở chữ NẾU, khi ông nói tiếp "công cuộc viện trợ này sẽ đem lại hiệu quả NẾU giới lãnh đạo Iraq thực hiện được khối đoàn kết quốc gia."
Như vậy, không ai bảo đảm được là các tướng lãnh, sĩ quan theo phái Sunni trong quân đội Iraq sẽ hết lòng chiến đấu chống quân nổi dậy của "Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria".
Chí có một chính sách thực tâm đoàn kết, loại bỏ hẳn đường lối "độc tôn giáo phái" thì mới huy động được sự ủng hộ của người Hồi giáo Sunni, trong cũng như ngoài chính quyền và quân đội.
Người ta cần nhớ rằng người Hồi giáo Sunni của Iraq từng chống lại Al-Qaeda vì lý tưởng tôn giáo cực đoan của Al-Qaeda. Và nay chính Al-Qaeda cũng phải phủ nhận lực lượng ISIL, nói rằng họ không liên quan, vì hành động giết người của ISIL tàn độc hơn cả AL-Qaeda và lý tưởng cũng cực đoan hơn!
Ngược lại ISIL tố cáo Al-Qaeda đi chệch hướng lý tưởng của Bin Laden, và nói  chính họ mới thể hiện lý tưởng đó, là một "Quốc gia Hồi giáo Iraq và Syria mở rộng" như Bin Laden từng quảng bá trong lúc sinh thời.
Vì thế không hẳn những người Hồi giáo Sunni của Iraq đã hết lòng ủng hộ ISIL, khi một phần lớn đồng đạo của họ đã chống lại Al-Qaeda vì những kẻ khủng bố này mang lý tưởng cực đoan. Nếu Thủ tướng Maliki không thực hiện đoàn kết giáo phái và dân tộc, những người Sunni còn trong quân đội khi đối đầu với phiến quân ISIL họ có thể sẽ buông súng rã ngũ về quê, chưa chắc đã nhảy qua phía Hồi giáo cực đoan Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria. 
shiites-volunteers
Hằng trăm ngàn thanh niên Hồi giáo Shiites tình nguyện chiến đấu chống quân nổi dậy cực đoan - Courtesy of PressTV, Iran
Nhưng nay Thủ tướng Maliki cũng như đại giáo chủ Ali Al-Sistani của Hồi giáo Shiites ở  Iraq đều hiểu rõ đoàn kết thì sống, chia rẽ là chết.

Ánh sáng cuối đường hầm?

Và trong ngày thứ năm, Thủ tướng Maliki đã tuyên bố với Ngoại trưởng Anh William Hague rằng chính quyền Iraq phải tiến hành hai chính sách song song. Về chính trị, phải tiếp tục tiến trình chính trị và triệu tập phiên họp quốc hội đúng thời gian, bầu ra một chủ tịch quốc hội, Tổng thống và lập chính phủ mới. Vê quân sự, tạo đoàn kết, chỉnh bị lực lượng, chuẩn bị phản công.
Trong khi đó thì hai toán cố vấn Mỹ đã bắt đầu công tác lượng định khả năng chiến đấu của từng đại đơn vị quân đội Iraq, tìm hiểu nhu cầu của Iraq cùng phương cách yểm trợ của Hoa Kỳ.
Đêm thứ tư rạng ngày thứ năm có thêm 50 cố vấn nữa đến Baghdad, lập một "Bộ chỉ huy phối hợp các lực lượng bộ chiến" dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tướng Dana Pittard.  Khoảng gần 24 tiếng sau đó, biệt kích Iraq đổ bộ trực thăngvào Tikrit lập đầu cầu cho chiến dịch tái chiếm thành phố này.
Phát ngôn viên Ngũ Giác Đài, đại tá Steve Warren, cho biết một "Trung tâm phối hợp hành quân" khác sẽ được thiết lập ở miền Bắc Iraq, nhưng chưa tiết lộ thời gian. Cùng ngày, Israel hứa giúp đỡ bằng mọi phương tiện cho bất kỳ quốc gia Hồi giáo nào cần chống lại các lực lượng tôn giáo cực đoan chủ trương khủng bố.
Thủ tướng Iraq hoan nghênh hành động của Syria oanh kích lực lượng phiến quân ISIL hoạt động ở khu vực cửa khẩu Qaim dù Baghdad không yêu cầu. Tuy nhiên Washington đã lên tiếng rằng việc làm của Syria không giúp giải quyết khủng hoảng tại Iraq.
Ngày thứ sáu, Ngoại trưởng Mỹ hội đàm với Quốc vương Á Rập Xê-Út và sau đó gặp gỡ lãnh đạo lực lượng kháng chiến chống chính phủ Syria, lực lượng có khuynh hướng ôn hòa chống ISIL. Tòa Bạch ốc yêu cầu Quốc hội viện trợ cho lực lượng này nửa triệu đô la. Ngoại trưởng Kerry nói với người lãnh đạo Ahmad Jarba, rằng lực lượng kháng chiến của ông này sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc đẩy lui quân nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo Iraq và Syria. Hôm thứ sáu còn có tin Iran đã đưa một tướng lãnh chỉ huy Vệ Binh quốc gia Iran sang Baghdad để làm cố vấn chiến lược cho chính phủ và quân đội Iraq. Hoa Kỳ không bình luận tin này.
Có nhiều hy vọng Baghdad và Washington sẽ hợp tác tốt đẹp cho một xứ Iraq đồng minh của Mỹ không rơi vào tay quân khủng bố để xuất khẩu khủng bố sang Hoa Kỳ, Anh quốc và cả phương Tây.

No comments:

Post a Comment