Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, June 27, 2014

Chệch hướng & Ngược hướng


"Không thể cải cách giáo dục nếu chỉ nghĩ đến sự tồn vong của chế độ" Huy Đức

S.T.T.D Tưởng Năng Tiến (Danlambao) – Năm 1882 – khi bước chân đến Mỹ – Oscar Wildenói với nhân viên hải quan ở New York rằng: “Ngoài thiên tài ra, ông không có gì để khai báo cả.” (I have nothing to declare except my genius).

Một trăm năm sau, tại phi trường San Francisco, tôi cũng nghe một câu hỏi tương tự (Do you have anything to declare?) nhưngchỉ buồn bã lắc đầu thay cho câu trả lời vì tôi hoàn toàn không có tài sản hay tài ba gì ráo (để khai báo) ngoài khả năng... chịu đói.

Cái khả năng “đặc biệt” này, chắc chắn, cũng được tập thành bởi rất nhiều người Việt. Xứ sở của chúng tôi là nơi mà nghèo đói hiển hiện ở mọi thời, và hầu như ở khắp cả mọi nơi. 
Hồi tháng Giêng năm nay, báo chí trong nước ái ngại đi tin: “Mười một tỉnh (Lai Châu, Lào Cai, Cao Bằng, Yên Bái, Ninh Bình, Nghệ An, Quảng Bình, Ninh Thuận, Bình Thuận, Phú Yên, Kom Tum) đồng loại xin cứu đói.”

Hai tháng sau, cái đói lan tới tuốt Hậu Giang: “Bốn Mươi Bốn Công Nhân Nhập Viện Vì Quá Đói.” Dù đói tới cỡ đó nhưng nhờ khả năng nhịn đói triền miên nên giới công nhân (thỉnh thoảng) vẫn bị Nhà Nước “cấu” bớt một hai ngày lương để giúp đỡ đồng bào vùng lũ lụt, để xây trường mầm non cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, để cất nhà tình nghĩa cho gia đình nghèo khó, để tặng quà cho qúi bà mẹ Việt Nam anh hùng, để làm cầu cho đồng bào sắc tộc (ở vùng xa, vùng sâu vùng căn cứ cách mạng) hay để ủng hộ (thêm một ngày lương nữa) cho chương trình “Nghĩa tình Hoàng Sa, Trường Sa” tri ân liệt sĩ (của ta) và những người lính Việt Nam Cộng Hoà – như lời của ông Đặng Ngọc Tùng – Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng, Chủ Tịch Tổng Liên Đoàn Lao Động Việt Nam (trên báo Lao Động) vào hôm 12 tháng 3 năm 2014.

Tuy cuộc chiến Bắc/Nam đã qua gần bốn mươi năm nhưng (có lẽ) đây là lần đầu tiên “đám lính Sài Gòn”– hay còn bị gọi một cách xách mé hơn là “bọn ngụy quân” – được một quan chức cao cấp của Nhà Nước nhắc đến với đôi chút trọng thị và tình nghĩa: “Máu của những người con đất Việt dù trong các hoàn cảnh lịch sử khác nhau đã đổ xuống để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam yêu dấu.”

Sự tử tế khó ngờ (và đột ngột) của nhà đương cuộc Hà Nội khiến cho nhiều độc giả ngỡ ngàng, và không ít kẻ vô cùng ... thất vọng:

21 năm chiến đấu trong mưa bom bão đạn, hàng triệu người Việt Nam đã ngã xuống mới có ngày 30.4.1975. Hôm nay tại sao ông Tùng và báo Lao Động lại kêu gọi ủng hộ tri ân những người lính của chế độ VNCH? 

Mới mấy chục năm đã vội quên quá khứ rồi sao? Hay mọi sự qua rồi, thì chúng ta nên thực hiện “hoà hợp”, phải cào bằng giá trị lịch sử? Các vị đang đánh đồng xương máu của những người chiến đấu cho chính nghĩa, cho dân tộc và xương máu của những kẻ chiến đấu cho bọn phản quốc. Trắng - đen, phải - trái, chính- tà cần được khẳng định rõ ràng, chứ không được lập lờ và bẻ cong lịch sử! - © An Nam ( Nghệ An)

Ngôn ngữ sắt thép của ông An Nam khiến tôi nhớ đến không khí sắt máu trong phong trào “phóng tay phát động quần chúng để thực hiện chính sách cải cách ruộng đất” (cũng ở Nghệ An) vào năm 1953, theo như ghi nhận của một nhà văn:

“Một lũ ngồi lúc nhúc ở giữa vòng vây người nung nấu căm thù, nóng rực như vòng lửa. Người xem đông quá là đông. Sóng người xô dồn lên, rồi dạt ra phía sau, rồi lại cuộn xoáy, ôm nhau, níu áo nhau. Không thể nào nghe được dân quân đang tra khảo tội nhân điều gì? Chỉ nghe nhứng tiếng quát lớn;’Mi có khai không? Mi có khai không?’ trộn lẫn với tiếng đấm đá huỳnh huỵch...”

‘Tổ cha cái đồ phản động cái đồ Việt gian’ – có tiếng người hét to như muốn vỡ ngực vỡ họng. Chính cái người hét to ấy đang ôm một gốc cây phi lao sần sùi mấu lao từ trên bức tường xuống như con mạnh thú vồ mồi, giơ cao gốc cây phang một cú vào ngực người bị treo ngược. Người bị treo rú lên một tiếng thất thanh và hai tay run rẩy như con nhái trước lúc chết. Thịch! Sợi dây đứt. Người bị treo ngược rơi xuống, sọ đập trên đất lổn nhổn cứt sắt... Người bị treo ngược bây giờ thành cái xác nằm sõng xoài trên đất ....” (Võ Văn Trực. Chuyện Làng Ngày Ấy. California: Tạp Chí Văn Học, 2006).

Ông An Nam, tất nhiên, không phải là một nhân vật từ trên trời (vừa) rơi xuống nước Việt. Ông là thành quả hiển nhiên của nỗ lực và quan niệm trồng người (thụ nhân chi kế) đã được Chủ Tịch Hồ Chí Minh du nhập vào Việt Nam từ giữa thế kỷ trước: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa."

Những con người (mới) xã hội chủ nghĩa hôm nay, theo giáo sư Đỗ Mạnh Tri, chính là di sản của Mác –xít tại Việt Nam. Di sản này hiển hiện khắp nơi, kể cả nghị trường.  

Nguyễn Bắc Việt, đai biểu Quốc Hội tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: Anh Ninh Thủ Đô

Sau việc Trung Cộng Quốc ngang nhiên đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, ông Nguyễn Bắc Việt – đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận – đã “tham gia một số ý kiến” như sau:

Một, phải xác định cho rõ nguyên nhân, phải biết đau lòng với tình hình hiện nay của phong trào cộng sản, công nhân quốc tế. Hai nước xã hội chủ nghĩa lình xình với nhau như thế này, ai có lợi?

Hai, phải tiên định mục tiêu lý tưởng "dĩ bất biến, ứng vạn biến" như Bác đã căn dặn. Đó là phải làm sao giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Đó là sợi chỉ đỏ xuyên suốt cho cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng đến nay. Xem nhẹ chúng ta sẽ chệch hướng.

Khi nói đến nạn nhân của Chủ Nghĩa Cộng Sản tại Việt Nam, thiên hạ hay nghĩ đến những người bị đấu tố trong C.C.R.Đ, những kẻ bị vùi dập trong Vụ Án Nhân Văn Giai Phẩm hay Xét Lại, những xác người vùi lấp dưới lòng biển cả và giữa rừng sâu hoặc cạnh những trại tù heo hút (rải rác) khắp nước... nhưng không mấy ai quan tâm đến đến hàng chục triệu nạn nhân đáng thương khác – những kẻ bị giam cầm suốt đời trong thù hận, tăm tối, và dốt nát – như qúi ông An Nam hoặc Nguyễn Bắc Việt. 

Nỗi lo Đảng đang “chệch hướng” của ông đại biểu quốc hội tỉnh Ninh Thuận cũng dễ khiến người ta nghĩ đến sự băn khoăn của giáo sư Hoàng Tụy về hiện tượng “lạc hướng” của nền giáo dục hiện nay:

"Giáo dục đang đi lạc hướng, nếu không có bài thuốc nào chữa thì có hết cải tiến rồi lại lùi, đổi mới liên tục nhưng vụn vặt, chắp vá, đổi đi đổi lại chỉ thêm tốn kém tiền của, công sức của dân mà rốt cục lại quay về điểm xuất phát...

“Trong thế giới hiện đại, với xu thế toàn cầu hóa không thể đảo ngược được cái lý trên, nước nào không hội nhập, không thích nghi được tất sẽ bị cô lập, bị bỏ rơi, chết lâm sàng rồi từ từ bị đào thải, nếu không sớm tỉnh ngộ.” 


Không riêng gì giáo sư Hoàng Tụy, nhiều vị thức giả khác cũng đã có lúc bầy tỏ sự quan tâm về hiện tượng “lạc hướng” đáng lo này. Và (chắc) vì vậy nên Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký quyết định thành lập Ủy Ban Quốc Gia Đổi Mới Giáo Dục và Đào Tạo. Theo đó, chính ông là Chủ Tịch Ủy Ban, Trưởng Ban Ban Tuyên Giáo Trung Ương Đinh Thế Huynh và Phó Thủ Tướng Chính Phủ Vũ Đức Đam làm Phó Chủ Tịch Ủy ban – theo như tin loan của Vietnam.net, đọc được vào hôm 27 tháng 5 năm 2014 vừa qua.

Thiệt là... trao duyên lầm tướng cướp!

Ông Nguyễn Tấn Dũng là quan chức đã ký chỉ thị 37 CP cấm tư nhân hoá báo chí. Còn ông Đinh Thế Huynh chính là người làm cho cả dân tộc này “mát mặt” sau khi tuyên bố (trước thềm đại hội ĐCSVN toàn quốc lần thứ 11) rằng: Việt Nam không có nhu cầu đa nguyên, đa đảng và dứt khoát không đa nguyên đa đảng.”

Với cái tâm và cái tầm của Chủ Tịch Uỷ Ban (Nguyễn Tấn Dũng) và Phó Ủy Ban (Đinh Thế Huynh) thì nền giáo dục Việt Nam – phen này – kể như là đi đứt. Nỗi lo “chệch hướng” hay “quay về điểm xuất phát”

(đương nhiên) cũng chấm dứt luôn vì ông Dũng và ông Huynh, chắc chắn, sẽ đi... ngược hướng!

Những thế nào là một nền giáo dục đúng hướng? 

Xin mượn lời của ông Nguyễn Trân Sâm – người tự giới thiệu mình là một thường dân – để trả lời cho câu hỏi (không) khó khăn này: 

Xin thưa, đó là nền giáo dục đáp ứng được những yêu cầu hết sức bình thường. Nói ngắn gọn là nó đào tạo được những con người tử tế, tức là có những phẩm chất cơ bản sau: có lòng tự trọng và biết tôn trọng người khác (riêng với cha mẹ, thầy cô và những người cao tuổi còn phải biết lễ phép, nhưng không tuân theo những đòi hỏi phi lý và phi pháp), có năng lực lao động để đem lại lợi ích vật chất hoặc tinh thần cho chính mình và xã hội (có kiến thức và kỹ năng tốt hoặc đạt yêu cầu về nghề nghiệp), có ý thức tôn trọng pháp luật (nhưng không tuân theo vô điều kiện những luật lệ phản động, lạc hậu). 

Trong lịch sử các dân tộc phương Đông như Việt Nam, Trung Hoa… người ta đã diễn đạt những yêu cầu đó bằng những khái niệm “nhân, nghĩa, lễ, trí, tín”. Chỉ thế là đủ. Chỉ có điều ở thời đại ngày nay, đừng lồng vào những khái niệm đó những nội dung như trung thành tuyệt đối với một cá nhân hay nhóm người nào.

Người tử tế không thể xoen xoét nói những điều nhân nghĩa nhưng trong hành động thì chỉ làm và sẵn sàng làm mọi việc vì quyền lợi bản thân, kể cả chà đạp lên quyền lợi người khác, kể cả lợi dụng quyền lực để đàn áp dân lành. Người tử tế không thể là kẻ bợ đỡ, liếm gót những kẻ có quyền lực, đem tiền đi mua bằng cấp, chức tước, dùng chức tước bòn rút tiền bạc và thành quả lao động của người khác. Người tử tế không thể bắt hàng triệu người phải theo mình, phục vụ mình, tôn thờ mình như thánh. Người tử tế không tự nhận mình là người thông thái nhất, là đỉnh cao trí tuệ.

Quan điểm giáo dục nhân bản bình dị đến vậy cớ sao Đảng và Nhà Nước ta (nói chung) hoặc hai ông Nguyễn Tấn Dũng (nói riêng) lại cứ nhất định dẫn dắt toàn dân đi chệch hướng hay lạc hướng? Vì tự bản chất họ không phải là những người tử tế nên không thể thực hiện được bất cứ điều gì đàng hoàng hay tử tế, chớ sao.

No comments:

Post a Comment