Tại khoá họp lần thứ 26, chiều ngày 20.6, Hội đồng Nhân quyền LHQ nghe Phái đoàn Hà Nội trình bày quan điểm Việt Nam đối với 227 khuyến nghị của các quốc gia thành viên đưa ra tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát đầu tháng 2 năm nay.
Kêu gọi VN tôn trọng nhân quyền
Ông Đại sứ Thường trực tại LHQ Nguyễn Trung Thành đã trình bày quan điểm “hoàn toàn tôn trọng và thăng tiến nhân quyền” của nhà nước. Trong số 227 khuyến nghị, Việt Nam chấp nhận 182 và bác bỏ 45. Ông nói:
“Có những khuyến nghị mà Việt Nam không thể hậu thuẫn là vì những khuyến nghị ấy không phù hợp với lịch sử, xã hội và văn hoá đặc thù của Việt Nam, hoặc những khuyến nghị này căn cứ trên các thông tin sai lạc.”
Khoảng mười mấy nước đa số thuộc khu vực Đông Nam Á như Lào, Miến Điện, Mã Lai Á, Thái Lanv.v… ngỏ lời ca tụng nhân quyền mà Phái đoàn Việt Nam trình bày. Chỉ có Hoa Kỳ là nước độc nhất thuộc khối Âu Mỹ nêu lên sự quan tâm về các vi phạm quyền thợ thuyền, không có Công đoàn tự do, vi phạm quyền tự do tôn giáo, rồi phát biểu rằng:
Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị về tự do tôn giáo, nhưng vẫn tiếp tục áp đặt một hệ thống hà khắc về đăng ký, mà thực tế là hình-sự-hoá mọi thực hành tôn giáo.
-Võ Văn Ái
“Chính phủ Hoa Kỳ rất lo âu cho sự kiện áp dụng những điều luật “an ninh quốc gia” để đàn áp những người bất đồng chính kiến. Chúng tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho những cá nhân bị bỏ tù vì thực hiện nhân quyền của họ.”
10 tổ chức Phi chính phủ được phát biểu như Human Rights Watch, Ân Xá Quốc tế, v.v… Phía Việt Nam có 4 tổ chức Phi chính phủ đến từ Hà Nội, như Hội những người đồng tính luyến ái. Chỉ có 2 tổ chức Phi chính phủ bất đồng chính kiến của ông Võ Văn Ái, và ông Đặng Xương Hùng.
Nhân danh Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam và Hành động Chung cho Nhân quyền, ông Võ Văn Ái, Chủ tịch Uỷ ban, đã mạnh mẽ tố cáo Việt Nam về sự kiện tiếp diễn những vi phạm phổ biến chống lại các nhà hoạt động thuộc các xã hội dân sự, bloggers, và các nhà bảo vệ nhân quyền trong những tháng vừa qua, kể cả việc công an hành hung, sách nhiễu và bắt giam tuỳ tiện. Ông Ái đưa ra trường hợp của các ký giả, bloggers Trương Duy Nhất, Phạm Viết Đào và Nguyễn Hữu Vinh (tức Anh Ba Sàm). Ông Ái cho biết:
“Việt Nam đã chấp nhận các khuyến nghị về tự do tôn giáo, nhưng vẫn tiếp tục áp đặt một hệ thống hà khắc về đăng ký, mà thực tế là hình-sự-hoá mọi thực hành tôn giáo đối với các tôn giáo không được Nhà nước công nhận. Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất vẫn tiếp tục bị quản chế sau 30 năm tù đày, và người lãnh đạo Gia Đình Phật tử Việt Nam, Huynh trưởng Lê Công Cầu, bị quản chế, canh gác từ tháng giêng cho đến nay, chỉ vì đã gửi một thông điệp thu băng tới cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát Việt Nam hồi tháng 2.”
Mập mờ và đánh tráo
Ông Đặng Xương Hùng phát biểu cho tổ chức UN Watch, tự giới thiệu là cựu Lãnh sự Việt Nam tại Genève, nhưng đã bỏ nhiệm sở tháng 10 năm 2013 để tố cáo các vi phạm nhân quyền tại Việt Nam. Ông Hùng tố cáo “Chẳng bao giờ có tự do chính trị tại Việt Nam”. Ông cho biết một trên 18 người tại Việt Nam làm việc cho công an với mục tiêu kiểm soát nhân dân và đàn áp nhân quyền. Ông kêu gọi “Hội đồng Nhân quyền LHQ bác bỏ phúc trình của Việt Nam hôm nay, vì chúng chỉ là những lời dốt gạt”.
Tiếp xúc riêng với chúng tôi, ông Đặng Xương Hùng cho biết:
“Tôi biết trước cái cách họ làm rồi. Bởi vì tôi là người trong cuộc. Do đó, cách của phía Việt Nam thì cũng rất dễ hiểu thôi. Tức là mập mờ và có thể đánh tráo, đánh lừa dư luận. Và nhất là họ đưa những vấn đề mà có tiến bộ. Thực ra ở Việt Nam cũng có những tiến bộ nhất định để họ có cơ sở nói những người đó.
Tuy nhiên thì quyền cơ bản con người ở Việt Nam thì luôn luôn bị vi phạm và muốn có một thể chế dân chủ thì phải có tư tưởng dân chủ, văn hoá dân chủ và một cái là những tổ chức dân chủ. Tuy nhiên ở Việt Nam thiếu cả hai cái đó. Thiếu cả tư tưởng, văn hoá dân chủ lẫn xây dựng một cái thể chế ủng hộ dân chủ để bảo vệ quyền con người.
Thế thì ở Việt Nam do cái chế độ độc tài, giữ chế độ độc tài của đảng trị của Cộng sản Việt Nam. Do đó, nó đi ngược lại tất cả nguyện vọng của nhân dân, vi phạm những cái tối thiểu của người dân Việt Nam. Nhất là việc người Việt Nam không được quyền lựa chọn người đã lãnh đạo mình để đưa mình đến hạnh phúc”.
Cách của phía Việt Nam thì cũng rất dễ hiểu thôi. Tức là mập mờ và có thể đánh tráo, đánh lừa dư luận.
-Đặng Xương Hùng
Chúng tôi hỏi ông Võ Văn Ái để tìm hiểu về 227 khuyến nghị, ông cho biết như sau:
Võ Văn Ái: Việt Nam là nước đứng thứ hai sau Bắc Triều tiên nhận được số khuyến nghị cao nhất tại cuộc Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát. Ông Đại sứ Nguyễn Thanh Tùng cho biết bác bỏ 45 khuyến nghị trong số 227 khuyến nghị, nghe có vẻ nhiều. Nhưng thực tế, những khuyến nghị được Việt Nam chấp nhận chỉ là những điều chung chung, không giúp cho sự thăng tiến nhân quyền tại Việt Nam.
Trái lại các khuyến bị bị bác bỏ thì hết sức quan trọng. Ví dụ, Việt Nam bác bỏ các khuyến nghị yêu cầu Việt Nam ký kết Nghị định thư tuỳ chọn (Optional Protocols) của Công ước nhân quyền mà Việt Nam ký kết. Các Nghị định thư tuỳ chọn này hết sức quan trọng, vì nó bảo đảm cho quyền cá nhân được phép khiếu kiện chống lại chính phủ nào vi phạm các Công ước LHQ mà chính phủ đó đã ký kết.
Ỷ Lan: Còn những khuyến nghị bác bỏ nào khác quan trong, thưa ông?
Võ Văn Ái: Có năm khuyến nghị rất quan trọng giúp cho việc thăng tiến nhân quyền và dân chủ bị Việt Nam bác bỏ. Ví dụ bác bỏ sửa đổi các điều luật mơ hồ về “an ninh quốc gia” được dùng để đàn áp những người bất đồng chính kiến như các điều 79, 88 và 258; bác bỏ thông tin về các trại tù và số lượng tù nhân; bác bỏ thiết lập truyền thông, báo chí độc lập; bác bỏ trả tự do cho những người bảo vệ nhân quyền, các nhà báo, nhà tôn giáo và các nhà bất đồng chính kiến bị giam giữ vì sử dụng quyền ăn nói của họ; bác bỏ việc ban hành sắc luật tự do biểu tình, chấm dứt việc đàn áp những người biểu tình ôn hoà. Đặt biệt là bác bỏ khuyến nghị đòi hỏi tăng cường bình đẳng chính trị cho mọi công dân được quyền tham gia chính trị để từng bước tiến tới thể chế dân chủ đa nguyên.
Ỷ Lan: Xin cám ơn ông Võ Văn Ái.
Ỷ Lan, Phóng viên Đài Á châu Tự do tại LHQ Genève.
No comments:
Post a Comment