Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, June 27, 2014

Những tấm gương bất tử


Trần Quốc Việt (Danlambao) - Vào trưa ngày 11 tháng Bảy, 1974 Bửu Phùng, một thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa 26 tuổi, đổ hơn 4 lít xăng lên người rồi ngồi xuống giữa đại lộ đối diện ngay trước trụ sở của Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế về Hiệp định Paris ở Sài gòn. Anh đặt trước mặt mình một lá cờ VNCH nhỏ và bốn lá thư viết tay bên trong những phong bì ghi tên những người người nhận- Tổng thống VNCH, Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế, các nhà lãnh đạo Bắc Việt và đồng bào ở cả hai miền của Việt Nam - rồi quẹt diêm. Anh chết liền sau đó.

Trong lá thư gởi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, anh viết: 

"Tôi vẫn còn trẻ. Tôi tuy chưa trải đời nhiều, nhưng hàng ngày tôi thấy đồng bào chúng ta quá đau khổ vì chiến tranh, cho nên tôi quyết định tự thiêu để kêu gọi hòa bình. 

Tôi cũng muốn cho thế giới thấy rằng nhân dân Việt Nam không muốn chiến tranh. Tôi tự thiêu cũng để kêu gọi thống nhất hai miền Nam Bắc Việt Nam. 

Tôi vẫn ủng hộ lập trường của Tổng thống Thiệu và Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Tôi muốn Tổng thống Thiệu và quân đội tiếp tục cảnh giác và chiến đấu cho tự do, không để quốc gia này rơi vào tay cộng sản." 

Trong lá thư gởi Ủy ban Giám sát và Kiểm soát Quốc tế, anh chỉ trích các nước thành viên của Ủy ban (Hung, Indonesia, Iran và Ba Lan) đã "không làm gì để chấm dứt chiến tranh." Anh viết: 

"Tại sao các ông không kêu gọi cộng sản ngừng đưa vũ khí và đạn dược vào miền Nam để tiếp tục gây chiến tranh? Tại sao các ông không điều tra những vụ vi phạm ngừng bắn của phía cộng sản? 

Tôi quyết định tự thiêu để mong các ông, các nước thành viên của Ủy ban, sẽ thực hiện tất cả các nghĩa vụ của các ông là chấm dứt chiến tranh." 

Bửu Phụng cũng kêu gọi nhà cầm quyền Hà Nội không tiếp tục xô đẩy những thế hệ thanh niên miền Bắc vào lò lửa chiến tranh. 

Cái chết cao quý của Bửu Phụng cho hòa bình và tự do mở đầu cho bốn cuộc tự thiêu khác cho cùng nguyện vọng chỉ trong vòng hai tháng. Ba trong số năm người tự thiêu cho hòa bình và tự do này là các thương phế binh VNCH. 

Ngọn đuốc hòa bình thứ hai là Phan Văn Lua 33 tuổi. Anh tự thiêu vào ngày 15 tháng Tám bên ngoài tòa nhà Quốc hội. Người thương phế binh này viết trong lá thư tuyệt mệnh như sau: 

"Đả đảo cộng sản xâm lược! Chúng bây là cộng sản miền Bắc, và chúng bây liên tục đưa quân vào miền Nam để gây ra bao cảnh chết chóc đau thương cho đồng bào vô tội." 

Người thương phế binh cuối cùng chết vì tổ quốc là Lê Quang Đô, 20 tuổi. Anh tự thiêu ở công viên đối diện với Dinh Độc lập vào ngày 26 tháng Tám. Trong lá thư gởi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu anh viết anh đã cống hiến tất cả sức mạnh tuổi trẻ cho cuộc chiến đấu chống cộng sản và giờ đây anh muốn dâng lên tổ quốc thân xác còn lại của mình. 

Hôm nay, bốn mươi năm sau, cựu chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa Hoàng Thu đã tự thiêu vì quê hương bỏ lại ở bên kia đại dương. Người lính già xa quê hương sống trọn vẹn với quê hương trong tâm tưởng, trong từng đêm thao thức tha thiết về quê hương nơi bóng dáng quân thù đang hiện diện sững sững ở biển Đông. 

Tất cả họ đã ra đi theo ngọn lửa họ thắp lên. Chúng ta không nên coi sự hy sinh cao quý nhất- sự xả thân đau đớn vô vàn ấy -là vô ích hay chúng ta không nên để cho thời gian chôn vùi ký ức về họ. Không quan trọng là hành động hiến thân của họ mang lại kết quả gì. Họ tuy không thay đổi được thời thế nhưng ít ra qua sự hy sinh của mình họ đã thể hiện cao nhất tình yêu tự do và tổ quốc. Những ngọn khói đen bay lên từ thân xác đau đớn trong ánh lửa của họ sẽ hòa vào đất trời, sẽ hòa vào không khí chúng ta thở, sẽ biến thành mưa trên đầu chúng ta. Họ là những tấm gương bất tử với thời gian để cho chúng ta soi và tìm lại chính mình. 



____________________________________

Tài liệu tham khảo:

1. Philip A. McCombs, Pro-Thieu Immolation In Saigon, Washington Post, July 12,1974 

2. Saigon Vet Burns Self To Death, Washington Post, August 27,1974

3. Philip A. McCombs, 'Enough' Self-Burnings, Thieu Tells His Backers, Washington Post, September 13,1974 

4. A Death For Peace, Vietnam Press Number 6736, July 12,1974.

No comments:

Post a Comment