Mục lục nỗi đau dan tôi

Thursday, April 17, 2014

Trở lại Vân Nam


Cập nhật: 12:47 GMT - thứ năm, 17 tháng 4, 2014
Tác giả tới Vân Nam qua ngả Cốc Lếu, Lào Cai.
Tôi quay lại Vân Nam- Trung Quốc sau đúng 20 năm, hai bên bờ Nậm Thi và con sông mẹ của đồng bằng Bắc Bộ, Sông Hồng, cũng có nhiều đổi khác. 


Thay cho đống đổ nát hoang tàn sau cuộc chiến là những dãy nhà to lớn hơn nhiều, có cả một cao ốc của công ty Bitis (chiếm lĩnh thị phần áp đảo ở Vân Nam về giày dép).
Bờ sông cả hai bên được xây bằng những kè đá lừng lững như một bức trường thành.
Không còn cảnh lầy lội và cũng vắng bóng những chiếc cano, thuyền lớn nhỏ thậm chí cả những cái bè bằng tre luồng tấp nập chở dân hai bên qua lại buôn bán (tôi cũng ngồi thử vài lần vượt sông Hồng trên những chiếc bè này).
Cửa khẩu hai bên được ngăn cách bởi những chiếc cổng thật to lớn, có đầy đủ các lực lượng an ninh, biên phòng, hải quan kiểm soát người qua lại.
Nó đã được nâng cấp thành “Cửa khẩu Quốc gia” và hữu nghị (?).
Dean nhà báo người Bắc Kinh chỉ bờ kè hỏi tôi :
- Anh có cảm giác gì khi nhìn những thứ này ?
- Tốt chứ sao, nó làm bờ sông đỡ lầy lội.
- Tôi thì thấy nó xa cách, nó tạo cảm giác không tin cậy lẫn nhau nếu không nói là thù địch. Như hai tòa thành đối địch vậy.
Rồi anh hỏi tiếp :
- Anh đã bao giờ tới biên giới Trung – Miến chưa ?
- Đã từng, nhưng cũng 20 năm rồi. Hồi ấy tôi cũng rất ấn tượng với sự buôn bán tấp nập ở đó.
- Tôi vừa ở đấy về, nơi đó được so sánh với cảng Thượng Hải hồi mới mở cửa. Tôi sẽ tìm số liệu về kim ngạch trao đổi giữa hai nước qua cửa khẩu đó gửi cho anh. Dân chúng vẫn tự do qua lại không phải phiền phức như ở đây.
Myanmar đang trong quá trình chuyển đổi từ chế độ độc tài sang Dân chủ, có nhiều bất ổn chính trị, thậm chí còn xảy ra bạo lực trong vấn đề sắc tộc.
Họ cũng có căng thẳng với Trung Quốc khi chính quyền mới hủy bỏ hàng loạt các hợp đồng kinh tế lớn đã ký với Bắc Kinh, đâu có được hữu nghị và ổn định như chúng ta với 16 chữ vàng và 4 tốt được nhắc ra rả hàng ngày trên các phương tiện thông tin đại chúng về quan hệ Việt – Trung.

Từ Vân Nam...

Vân Nam không khác gì nhiều so với 20 năm trước, ngoài con đường cao tốc Côn Minh đang được gấp rút xây dựng.
Chúng tôi đi dọc con đường tỉnh lộ song song với đường sắt được người Pháp xây dựng từ những năm 30 của thế kỷ trước, đường ray nhỏ xíu rộng 80 cm với những con tàu hơi nước ngày xưa kéo theo những toa tầu có tuổi thọ cả gần thế kỷ.
Lần trước tôi đã thử đi, thú thật ngoài cảm giác như được trở về lịch sử nhưng cũng lo ngay ngáy khi nó vất vả trườn qua những vách núi nhìn xuống vực sâu thăm thẳm, chẳng khác gì đường sạn đạo của Khổng Minh hồi vào Ba Thục.
Có những lúc xe chúng tôi phải bò qua những con đường cực kỳ xấu, đầy ổ gà, tốc độ chỉ từ 10-20km/giờ, đôi khi phải dừng lại chờ cho những chú lợn thả rông chạy ngang đường.
Phong cảnh đẹp nhưng dân chúng thì quá nghèo khổ. Khác hẳn với tốc độ chóng mặt ở các tỉnh phía Đông giáp biển.
Không khí ngột ngạt căng thẳng bao trùm vì vụ thảm sát vừa xảy ra ở Kun ming ( Côn Minh), chốc chốc xe lại phải dừng lại trước một trạm kiểm soát với các lực lượng võ cảnh vũ khí lăm lăm trong tay.
Họ lên xe xem xét giấy tờ tùy thân của từng người.
Một lần tôi đã thấy hai cậu thanh niên bị lôi xuống xe một cách thô bạo, bị xét hỏi, lục lọi hành lý và bị giữ lại ngang đường.
Tình cờ gặp lại trong một quán ăn, chúng tôi rất vui mừng mời hai người một bữa cơm và họ cho biết họ là sinh viên đi thực tập về thổ nhuỡng và giống cây trồng tại Vân Nam.
Cái tội của họ là đi từ Tân Cương.
Tác giả Ngô Nhật Đăng (phải) cùng hai thanh niên từ Tân Cương (giữa)
Nhiều người dân Trung Quốc vẫn sống rất đơn sơ
Hà Khẩu bên Vân Nam, Trung Quốc
Nhiều khách sạn mọc lên ở Cốc Lếu, Lào Cai
Dean bảo :
- Đó là chính sách ngu xuẩn của chính phủ chúng tôi, Bắc Kinh vì muốn ổn định chính trị nên đã dùng bạo lực trong vấn đề sắc tộc, điều đó rất nguy hiểm khi đến một ngưỡng nào đó người dân sẽ đáp trả bằng bạo lực.
Phải tuyệt vọng đến thế nào người ta mới dùng dao đâm chết bất kể người Hán nào họ gặp ở ga Côn Minh vừa rồi.
Chính sự muốn “ổn định chính trị” bằng mọi giá ấy là nguyên nhân vùng này vẫn là một trong những vùng nghèo nhất Trung Quốc.
Chứng minh cho luận điểm của Dean, ngay tại thị trấn Bình Biên chúng tôi thấy rất nhiều những dòng chữ trên bờ tường, thành cầu, sau bảng chỉ đường có nội dung: “Bán súng, vũ khí các loại” và số điện thoại kèm theo.

...Tới Bangkok

Thái Lan sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế năm 1997 là những bất ổn chính trị liên miên, quân đội đảo chính, rồi đến năm 2006 họ bắt đầu có chính phủ dân sự với các thủ tướng được bầu.
Nhưng cũng từ đây đất nước này bắt đầu đối mặt với những cuộc biểu tình lật đổ chính phủ của các phe phái đối lập với quy mô hàng trăm ngàn người.
Đã có đến 4 thủ tướng phải ra đi, máu đã đổ và Bangkok có lúc tê liệt vì người biểu tình phong tỏa, chiếm đóng tòa nhà chính phủ, nhà ga, sân bay quốc tế. Năm 2011 họ cũng phải nếm trải một trận lụt “đại hồng thủy” chưa từng có suốt gần 100 năm.
Vậy mà đây cũng là lúc mà Thái Lan có những thành tích về phát triển kinh tế chưa từng có, Ngân hàng Á châu đánh giá nước này là một trong những nền kinh tế năng động nhất châu Á.
Tác giả Ngô Nhật Đăng với người biểu tình áo đỏ ở Bangkok
Người dân Thái Lan được thêm nhiều quyền hơn bất chấp bất ổn
Một vài số liệu của Ngân hàng Á châu :
-Thái Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo, thứ nhì về sản xuất Tungsten và thứ ba về thiếc.
- Đã tiến bộ vượt bậc về xã hội và kinh tế và đang chuyển dần từ kỹ nghệ nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp.
- Đến tháng 7/2013 Quỹ dự trữ Quốc gia của Thailand là 171,2 tỷ USD.
Tại sao vậy ? Một người bạn thông thạo tình hình chính trị Thái Lan giải thích :
- Qua sự tưởng như bất ổn về chính trị như vậy, nó chỉ gây ra khó khăn ngắn hạn, cái được mà nhân dân Thái Lan có là: Xã hội dân sự và Dân chủ của người dân được nới rộng. Người dân lấy được nhiều quyền lợi từ chính phủ, giới tài phiệt và quân đội. Mọi kế hoạch lớn của Nhà nước phải minh bạch hơn và do đó làm bớt tham nhũng, đời sống dân nghèo được cải thiện rõ rệt và họ đang tiến tới một nhà nước pháp quyền. Tôi tin Thái Lan còn tiến xa.
Campuchia cũng đang chuyển mình dù đang có bất ổn chính trị. Vậy câu hỏi cần ưu tiên phát triển kinh tế trước hay cần dân chủ trước có lẽ không khó trả lời.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment