Bên cạnh những tổ chức đã và đang hoạt động với mục tiêu bảo vệ Nhân quyền, tại Đức, có một tổ chức mới được thành lập mang tên: VETO! Human Rights Defenders‘ Network. Tuy chỉ mới hoạt động được khoảng gần 1 năm nay nhưng VETO! cũng đã có những hoạt động khá nổi bật trong lãnh vực Nhân quyền.
Liên kết các tổ chức nhân quyền
Tổ chức VETO! Human Rights Defenders‘ Network là một liên kết của các tổ chức nhân quyền thuộc nhiều quốc gia trên thế giới trong mục đích bảo vệ nhân quyền một cách hữu hiệu dựa trên nguyên tắc phổ-quát và bất-khả-phân của luật nhân quyền quốc tế.
Ông Vũ Quốc Dụng - một thành viên sáng lập - cho biết khi chọn chữ VETO! với một dấu chấm thang và hình bàn tay trong chữ O, ngoài ý nghĩa nói lên sự phủ quyết hay quyền được kháng án, tổ chức VETO! còn muốn nói lên sự phản đối việc vi phạm Nhân quyền:
“Tên chính thức của VETO! là: Mạng Lưới của Những Người Bảo Vệ Nhân Quyền. Tên VETO! khi mà chúng tôi chọn nó thì nó có lợi thế là nó vừa là tiếng Anh, tiếng Đức hay tiếng La-tinh thì người ta cũng đều hiểu, đó là cái quyền phủ quyết, hay là sự phản đối, hay nói trong phiên xử thì đó là quyền kháng án. Chúng tôi muốn nói rằng là chúng tôi chống lại việc vi phạm Nhân quyền và chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc chúng tôi phản đối lại việc vi phạm Nhân quyền đó bằng một dấu chấm thang! Và nếu quý vị để ý thì thấy trong chữ “O” trong chữ VETO! có thêm một bàn tay, thì đó là dấu hiệu về Nhân quyền Quốc tế.”
Mặc dù tên VETO! hãy còn chưa quen lắm với những người hoạt động Nhân quyền, thật ra, nó đã được ấp ủ từ lâu bởi những người có kinh nghiệm trong lãnh vực này. Với mô hình mới, ông Vũ Quốc Dụng, người đã hoạt động hơn 20 năm nay trong lãnh vực nhân quyền và hiện là người điều hành tổ chức VETO! hy vọng sẽ đáp ứng được với nhu cầu vận động quốc tế hiện tại. Ông nói:
Chúng tôi muốn nói rằng là chúng tôi chống lại việc vi phạm Nhân quyền và chúng tôi muốn nhấn mạnh đến việc chúng tôi phản đối lại việc vi phạm Nhân quyền đó bằng một dấu chấm thang!
-Vũ Quốc Dụng
“Cái ý tưởng này thì nó cũng thai nghén từ lâu rồi và những anh em mà thai nghén đó thì cũng là những người đã từng hoạt động trong các tổ chức Nhân quyền quốc tế. Chúng tôi nghĩ rằng một tổ chức mới với một cơ cấu mới sẽ giải toả được những khó khăn do những cơ chế cũ và giúp cho những sáng kiến của những tân tổ chức phát triển. Chúng tôi nghĩ rằng cái phương thức đó nó sẽ đáp ứng được tính thời đại, đáp ứng được mong mỏi hiện nay của các quốc gia trên thế giới.
Do đó chúng tôi bắt đầu thành lập là vào cuối năm ngoái và đến đầu năm nay thì chúng tôi có giấy tờ chính thức được công nhận là một tổ chức vô vụ lợi, hoạt động công ích và những đóng góp cho tổ chức chúng tôi sẽ được trừ thuế theo luật thuế của Đức.”
Tuy xuất phát là một tổ chức từ Đức, với các thành viên là người Đức và người Đức gốc Việt, nhưng VETO! hoạt động dưới hình thức Mạng Lưới để sự kết hợp có tính cách mở rộng hơn. Ông Vũ Quốc Dụng giải thích:
“Chúng tôi thành lập ra một mạng lưới là vì chúng tôi nghĩ rằng cái sức của một tổ chức để giải quyết vấn đề vi phạm Nhân quyền trên thế giới thì nhiều khi một tổ chức không thể làm được. Ở đây chúng ta cần nhiều đến các tổ chức với nhiều những phương tiện khác nhau để mà tạo ra một cái hiệu ứng thay đổi tình trạng vi phạm nhân quyền. Do đó chúng tôi thành lập ra một mô thức có tính cách mạng lưới. Các thành viên của chúng tôi là thành viên của các tổ chức Nhân quyền và ở nhiều các quốc gia thì chúng tôi dự định là chúng tôi sẽ có những thành viên và những thành viên đó thì tự họ sẽ kết hợp để thành ra những Mạng lưới khu vực, mình kết hợp tuỳ theo lục địa rồi từng trong lục địa đó thì chúng ta có mạng lưới nhỏ, rồi trong từng quốc gia ở trong mạng lưới đó lại có mạng lưới nhỏ nữa. Chúng tôi muốn rằng sự kết hợp đó sẽ là kết hợp mở rộng.”
Nha sĩ Thục Quyên, một người hoạt động Nhân quyền từ nhiều năm nay tại Đức, cho biết lợi thế của VETO! là ở chỗ có những liên hệ tốt với chính quyền Đức, và đó cũng là một nhu cầu cần phải có cho các cuộc vận động Nhân quyền ở các quốc gia khác:
“VETO! là một mạng lưới gồm rất nhiều những cái hội Nhân quyền ở nhiều nước. Tuy là VETO! mới ra mắt nhưng mà công việc của chúng tôi gần như là những công việc tiếp tục vì tất cả những người trong VETO! đều là những người đã từng hoạt động hai, ba chục năm trong địa hạt về Nhân quyền rồi ! Điều chúng tôi đặt nặng là những người làm việc cho VETO! phải là những người rất là nhiều kinh nghiệm, đã từng làm việc về Nhân quyền rất nhiều năm rồi thì mới có thể hoạt động trong chương trình làm việc của VETO! Ở nước Đức thì chúng tôi đã quen nhiều với những người ở trong chính quyền rất là tốt, do đó mà công việc trôi chảy nhanh hơn và mình cũng bắt liên lạc nhanh hơn, thế lợi của VETO! là nằm ở chỗ đó!”
Đấu tranh bất bạo động
Dựa trên phương thức bất bạo động. VETO! có nhiều chương trình giúp đỡ cho những Người Bảo Vệ Nhân quyền như chương trình nâng cao kiến thức nhân quyền, giáo dục an toàn internet và ddiejn thoại, tài trợ hoạt động và giúp đỡ gia đình cũng như vận động quốc tế khi những Người Bảo Vệ Nhân Quyền bị giam giữ. Ông Vũ Quốc Dụng trình bày:
“Chúng tôi đều dấn thân cho sự phổ quát của Nhân quyền và sự bất khả phân của Nhân quyền, đó là hai nguyên tắc căn bản của vấn đề Nhân quyền, chúng tôi muốn rằng Nhân quyền phải được áp dụng cho mọi người ở mọi nơi trên thế giới và khi chúng ta nói đến những người bảo vệ nhân quyền thì chúng ta phải thêm 2 yếu tố nữa là những người đó không được vi phạm Nhân quyền và họ hoạt động theo nguyên tắc bất bạo động.
Tổ chức chúng tôi giúp đỡ cho tất cả những người bảo vệ Nhân quyền ở trên thế giới. Chúng tôi sẽ có những chương trình: thí dụ như chúng tôi có những chương trình bảo vệ cho những người bảo vệ Nhân quyền, và trong chương trình bảo vệ cho những người bảo vệ Nhân quyền thì chúng tôi có rất nhiều các chương trình khác nhau thí dụ như bảo vệ cho họ trước khi họ bị bắt, chúng tôi huy động sự hổ trợ quốc tế đối với các tù nhân chính trị để bảo vệ họ khi họ đang bị giam giữ và chúng tôi tìm người bảo vệ quốc tế cho họ đồng thời chúng tôi cũng có những chương trình giúp đỡ cho họ sau khi họ được thả ra.
Chúng tôi có những chương trình giúp đỡ cho gia đình của các tù nhân chính trị. Ngoài ra muốn cộng đồng quốc tế người ta chấp nhận để mà hổ trợ thì chúng ta phải nói cùng một ngôn ngữ, thì chúng tôi có những chương trình huấn luyện họ về Nhân quyền. Nếu mà muốn ngăn ngừa không để cho tình trạng vi phạm nhân quyền xảy ra thì chúng ta sẽ phải bắt đầu ngay từ đầu. Do đó chương trình của chúng tôi có tính cách rộng và tổng quát như thế.”
Sau khi đã có giấy tờ chính thức đầu năm nay, VETO! đã vận động được phía hành pháp, lập pháp, các tổ chức dân sự, báo chí cũng như các xã hội dân sư để tổ chức hai cuộc gặp gỡ giữa Uỷ Ban Nhân quyền Quốc hội Liên bang Đức và Đặc ủy viên Nhân quyền Liên bang Đức với bà Trần Thị Ngọc Minh, Mẹ của tù nhân lương tâm Đỗ Thị Minh Hạnh trong hay ngày 8 và 9 tháng 4 để trình bày về tình trạng của cô Hạnh nói riêng và tình trạng Nhân quyền của Việt Nam nói chung:
Nói đến những người bảo vệ nhân quyền thì chúng ta phải thêm 2 yếu tố nữa là những người đó không được vi phạm Nhân quyền và họ hoạt động theo nguyên tắc bất bạo động.
-Vũ Quốc Dụng
“Trong những ngày qua chúng tôi vận động được Uỷ Ban Nhân quyền của Quốc hội Liên bang Đức, họ đã chính thức mời bà Minh đến để nghe nguyện vọng của bà Minh cũng như là tìm hiểu hoàn cảnh của cô Đỗ Thị Minh Hạnh và họ cũng hứa là họ sẽ họp tất cả các dân biểu của các Ủy ban đó lại để tìm ra một đường hướng làm sao đấu tranh cho tự do của cô Đỗ Thị Minh Hạnh cũng như là bảo vệ cô ta trong thời gian bị giam giữ. Ngoài ra chúng tôi cũng được ông Christoph STRÄSSER, Đặc uỷ Liên bang về chính sách Nhân quyền và cứu trợ nhân đạo, ông ta là viên chức cao cấp nhất của chính phủ Đức về chính sách Nhân quyền. Ông ta đã nói chuyện rất thân mật và với tất cả những sự thông cảm ông ta hứa là sẽ tập trung vào 2 điểm là sức khoẻ của cô Đỗ Thị Minh Hạnh và vần đề thứ hai là tự do của cô Đỗ Thị Minh Hạnh.
Chúng tôi cũng tiếp xúc với 2 nữ dân biểu đại diện về vấn đề Nhân quyền của đảng tả khuynh - đảng tả khuynh là hậu thân của đảng bên Đức ngày xưa, họ kết hợp với đảng tả khuynh bên Tây Đức để trở thành một đảng- Ngoài ra, từ đầu tháng hai thì bà Sabine Bätzing-Lichtenthäler là nữ dân biểu của đảng Xã hội cũng đã nhận đỡ đầu cho cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Nói chung, tất cả những dân biểu đều quan tâm đến: thứ nhất là vấn đề giam giữ trái phép, thứ hai là vấn đề tra tấn, hành hạ tù nhân, thứ ba là vấn đề cưỡng bức lao động trong tù, thứ tư là vấn đề giam giữ xa nhà và vấn đề cuối cùng mà họ cũng rất là quan tâm đến những điều kiện sinh hoạt của những tù nhân trong các trại giam.
Nói chung, khi làm việc về vấn đề Nhân quyền thì chúng tôi là một tổ chức phi chính phủ, chúng tôi đứng trên tất cả các khuynh hướng chính trị, chúng tôi mong mỏi giá trị Nhân quyền là một giá trị chung, nó không phải là của một phe này hay phe kia, thành ra chính vì thể mà khi chúng tôi tiếp xúc với tất cả các khối đảng trong chính trường Đức thì họ đều mở rộng vòng tay để mà đón tiếp chúng tôi.”
Cuộc gặp gỡ đã gây được nhiều sự quan tâm của các viên chức cao cấp nhất trong Uỷ Ban Nhân quyền của Liên bang Đức về trường hợp của cô Đỗ Thị Minh Hạnh. Bà Trần Thị Ngọc Minh cho biết cảm tưởng của bà sau 2 cuộc tiếp xúc:
“Tôi cảm thấy rất là vinh dự, tôi nghĩ rằng Minh Hạnh nếu mà biết được điều này thì Minh Hạnh cũng sẽ vững niềm tin hơn trong nhà tù, cảm thấy hạnh phúc, ấm áp rất nhiều. Tuy nhiên, Hùng và Chương, hai người đồng hành với Hạnh vẫn còn nằm trong tù và thân nhân của họ cũng không nói được tiếng nói của mình ra nước ngoài để mà kêu cứu cho con mình, cho chồng mình. Tôi cũng muốn được thay họ đem tiếng nói của mình góp với những tiếng nói của cộng đồng hải ngoại gióng lên tiếng chuông báo động cho các chính giới ở trên thế giới biết về tình hình tù nhân lương tâm tại Việt Nam để họ kịp thời can thiệp giúp đỡ cho chúng ta, để đấu tranh cho tự do cho các tù nhân lương tâm tại Việt Nam, trong đó có Hạnh, Hùng và Chương."
Hai cuộc vận động Quốc Hội với những giới chức cao cấp nhất trong Uỷ Ban Nhân Quyền của Cộng hòa Liên bang Đức đã tạo được những thành quả khả quan, gây được sự quan tâm của nhiều dân biểu Đức về tình trạng Nhân quyền tại Việt Nam. Và đây chỉ là những bước đầu tiên trong những bậc thang kế tiếp nhằm tạo áp lực, bắt buộc những thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc phải thực hiện đúng vai trò của nó.
No comments:
Post a Comment