Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, April 27, 2014

Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu - Chúng ta thà chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hạt gạo cuối cùng còn hơn đầu hàng cộng sản


Đây là phần cuối bài diễn văn của Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu đọc vào ngày 6 tháng Sáu 1974 tại hội nghị toàn quốc của Hội Giáo Chức.

Bản dịch tiếng Anh của Việt Tấn Xã VNCH (Vietnam Press) - Trần Quốc Việt (Danlambao)dịch

*

Chúng ta sẽ không chờ những nước khác mang quân đến giúp chúng ta, vì điều này sẽ không bao giờ có. Chúng ta chỉ xin viện trợ đủ để củng cố quân lực, phát triển sức mạnh kinh tế của chúng ta và tự bảo vệ mình. Quân lực của chúng ta không thiếu người, chỉ thiếu vũ khí và đạn dược. Chúng ta chỉ yêu cầu đồng minh cung cấp viện trợ đầy đủ. Không cần đưa quân Mỹ đến nước này.

Trong lĩnh vực kinh tế, chúng ta phải thừa nhận nước ta bị thiệt hại. Thiệt hại này là do tình hình bối cảnh quốc tế hiện nay khác với bối cảnh quốc tế trong quá khứ. Sau Đệ Nhị Thế Chiến, cả thế giới giúp đỡ mạnh mẽ Tây Đức, Nhật và Pháp phát triển nhanh chóng; sau chiến tranh Triều Tiên Đại Hàn cũng được giúp đỡ tương tự. Đặc biệt Mỹ đã đặt ra kế hoạch Marshall để giúp đỡ những nước này.

Nhưng bây giờ chúng ta không được đối đãi như thế. Chúng ta phải thương lượng với đồng minh Mỹ. Tuy nhiên, đồng minh của chúng ta - đối mặt với những khó khăn trong nước như phong trào phản chiến, những sự chống đối của những kẻ không thức thời và không biết gì, và bất ổn chính trị - đã bắt buộc phải theo chính sách hiện nay chứ không còn cách nào khác. Trước đây tôi nói với Mỹ như sau: trong lịch sử thế giới cũng như trong chính lịch sử Mỹ, Mỹ chưa bao giờ bỏ rơi đồng minh của mình trước khi chiến tranh kết thúc. Bây giờ tôi đồng ý với các ông về chương trình Việt Nam hóa Quân đội Việt Nam Cộng Hòa - nghĩa là quân đội đồng minh sẽ rút về nước và quân đội Việt Nam sẽ trở nên lớn mạnh. Chúng tôi không thiếu máu xương; và chúng tôi không hèn nhát về sự thay thế máu xương của công dân Mỹ bằng máu xương của nhân dân Việt Nam. Chúng tôi sẵn sàng hy sinh máu xương của mình; nhưng sau khi các ông ra đi, các ông phải cho chúng tôi tiền bạc để giúp chúng tôi nuôi dưỡng máu xương của chúng tôi để chống lại cộng sản. Chỉ có cách này các ông mới làm tròn bổn phận của mình với tư cách đồng minh lãnh đạo thế giới tự do. Còn không, nếu các ông ngưng đóng góp máu xương cũng như tiền bạc, điều này có nghĩa là các ông đến đây chọc người ta giận rồi trốn tránh trách nhiệm; làm như thế các ông để cho cộng sản xâm chiếm đồng minh của các ông.

Tôi đã khẳng định với Mỹ như thế. Mỹ hứa hẹn rõ ràng rằng "Mỹ sẽ rút quân về nước và gởi tiền bạc để giúp chúng tôi nuôi quân đội và xây dựng kinh tế." Vì lý do này, tôi bây giờ một lần nữa nói với Mỹ rằng viện trợ kinh tế là vũ khí duy nhất chúng tôi vẫn còn đang chờ đợi ở Mỹ.

Chúng tôi hiện nay cũng đang nhận viện trợ kinh tế từ các nước như Pháp và Nhật, nhưng viện trợ này không đáng kể và tượng trưng. Vì vậy, viện trợ của các ông quan trọng và là vũ khí chính mà nhờ đấy chúng tôi có thể xây dựng nền kinh tế quốc gia; và trên nền tảng kinh tế này chúng tôi mới có thể nuôi quân đội và củng cố sức mạnh của mình. Tôi cũng yêu cầu những nhà lãnh đạo Mỹ trả lời thẳng thắn. Được hay không? Các ông làm được điều này hay không? Các ông phải khẳng định lập trường. Là nước đồng minh các ông sẽ gánh vác trách nhiệm của mình để sát cánh với đồng minh của các ông cho đến chết, và để lãnh đạo thế giới tự do bảo vệ đồng minh của mình? Nếu các ông trả lời không thì chúng tôi không còn gì để nói nữa. Chúng tôi nhất định sẽ chiến đấu tới viên đạn cuối cùng. Chúng tôi nhất định sẽ không đầu hàng, cho dù các ông tiếp tục cắt viện trợ kinh tế. Nhưng chúng tôi sẽ không đầu hàng cộng sản. Chúng tôi thà chiến đấu đến viên đạn cuối cùng và hạt gạo cuối cùng còn hơn đầu hàng cộng sản.

_________________________________________

Nguồn:

Wikileaks. Bản dịch tiếng Anh của Việt Tấn Xã VNCH (Vietnam Press). Người dịch tham khảo thêm một bản dịch tiếng Anh khác ở phần phụ lục số 1 của bài viết nhan đề Vietnam's Menacing Cease-fire của tác giả Brigadier F. P. Serong đăng trong tạp chí Conflict Studies số tháng Mười một 1974.




No comments:

Post a Comment