Mục lục nỗi đau dan tôi

Sunday, April 27, 2014

30/4/1975 - 30/4/2014 một triệu người vui - một triệu người buồn!



Clip tác giả viếng mộ những người lính QĐND và VNCH

Ngô Thị Hồng Lâm (Danlambao) - Cuộc chiến tranh tàn khốc qua đi đã để lại trong lòng đất những nầm mộ của những người đã ngã xuống trong chiến trận của cả 2 phía. Họ đã mãi mãi không trở về với chúng ta nữa. Cùng những tiếng khóc của những người thân đi viếng mộ với "một triệu người vui có một triệu người buồn" mỗi khi ngày 30/4 lại trở về.

Sáng nay 24/4 tôi đi viếng mộ các anh. Mặc dù cả 2 phía của chiến hào tôi đều không có thân nhân nằm lại ở 2 nghĩa trang này.

Nghĩa trang liệt sĩ thành phố nằm trên đường quốc lộ 1A. Bước vào nghĩa trang đã thấy sự hoành tráng, 7h30 đã thấy nhộn nhịp những người quản trang với công việc tu sửa chăm sóc cho những ngôi mộ. Những con đường được tráng nhựa phẳng phiu đến tận từng khu mộ các anh nằm, những thảm cỏ mịn màng một màu xanh được tưới đủ nước dưới cái nắng gắt của mùa hè. Mỗi ngôi mộ của các anh đều được gắn bia ốp đá.


Trưng bông, thắp nhang từng ngôi mộ của các anh xong quay ra theo chiều xe của quốc lộ, tôi lên viếng nghĩa trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa ở Biên Hòa.
Khu nghĩa trang của các quân nhân VNCH được thành lập năm 1965 an tọa trên một quả đồi với 125ha bên cạnh xa lộ Biên Hòa được Công binh của VNCH khởi công thiết lập và do Quân Nhu quản trị. Nghĩa trang đủ chỗ cho 30.000 ngôi mộ. Cổng của ngôi đền tử sĩ hướng ngay mặt đường với dòng chữ: "Vi quốc vong thân. Vì dân chiến đấu" ghi công của những người lính VNCH đã ngã xuống. Dòng chữ này còn dấu tích bị đục bỏ sau 1975 nay không còn đọc được nữa.

Vào nghĩa trang liệt sĩ hoành tráng bao nhiêu thì khi tôi bước chân lên ngôi Đền Tử sĩ là cảnh tiêu điều hoang dã, lá rụng đầy. Điều này cho thấy không có sự chăm sóc hàng ngày. Bước vào ngôi đền là một căn phòng đã xuống cấp, bốn bức tường đã bị hoan ố và bụi bặm. Ở giữa có một cái bàn trống được dùng làm bàn hương khói bầy đồ cúng. Bàn chỉ được lót bằng những tờ báo cũ chắp nối. Tôi cúi đầu thắp nhang tưởng nhớ các anh và chia sẻ nỗi đau cùng biết bao gia đình có người thân nằm lại nơi đây.


Muốn đi vào khu mộ của các chiến sĩ VNCH phải đi vòng phía bên cạnh ngôi đền. Đó là cổng chính đi vào khu mộ, với tấm bảng ở cổng bằng đá còn khá mới mẻ ghi dòng chữ "NGHĨA TRANG NHÂN DÂN BÌNH AN". Ngước nhìn lên trên tường rào nơi đặt tấm bảng là những vòng rào kẽm gai chằng chịt. Người bảo vệ gác cổng khu nghĩa trang yêu cầu chúng tôi đọc tên và địa chỉ của mình và tên và cấp bậc, cùng năm tử trận của người lính nằm trong nghĩa trang này. Xong nhiệm vụ khai báo chúng tôi quay ra và đi thăm và thắp nhang một số ngôi mộ trong nghĩa trang. Những con đường dẫn đến mộ nhấp nhô, gập ghềnh. Số ngôi mộ được xây, có bia mộ tên tuổi, số quân và những ngôi mộ đất vô danh không tên tuổi xen lẫn với nhau. Có rất nhiều những ngôi mộ bị đục phá lởm chởm vì những tấm đan trên mộ đã bị cậy gỡ mất đi một cách có hệ thống, không biết dùng vào việc gì khác??? Lá vàng thì rụng đầy khắp toát lên vẻ vắng lạnh hoang tàn trong khu mộ,

So với những ngôi mộ của những liệt sĩ ấm áp tình người bao nhiêu, thì những ngôi mộ của những chiến sĩ VNCH hương lạnh khói tàn do không có thân nhân hương khói thường xuyên.


Trong lúc chúng tôi đi thắp nhang chăm sóc từng phần mộ thường xuyên xuất hiện những người quản trang chạy xe máy tới hỏi chúng tôi tìm mộ nào tên gì? Người nhà hay bạn bè? Chúng tôi nói chúng tôi tự tìm được vì đó là người nhà của chúng tôi. Nghe vậy họ bỏ đi. Chúng tôi hỏi mấy người đàn bà bám theo khi chúng tôi đến thì được họ cho biết: người đến viếng thì quản trang cho vào. Chứ người lạ thì không được vào thăm và tuyệt đối không được chụp ảnh quay phim. Khiến cuộc đi viếng mộ các chiến sĩ VNCH như người đi ăn trộm. Chỉ khi họ đi rồi mới dám lấy máy ra quay và chụp ảnh.

Ra về dừng ở cổng chính nghĩa trang để chụp ảnh cổng chính với những hàng rào kẽm gai bên trên bờ tường. Nhưng cũng không chụp được những bức ảnh như ý muốn, vì có tiếng xe máy của quản trang từ phía trong đi ra nhắm hướng về phía chúng tôi. Vì không muốn lôi thôi với họ chúng tôi lên xe nổ máy chạy. Họ cũng chạy theo chúng tôi, đến khi chúng tôi rẽ sang ngả khác thì họ cũng biến mất.

Trên tinh thần hàn lại vết thương lòng Hòa Giải để Hòa Hợp dân tộc, những hàng rào kẽm gai trên bức tường bao quanh nghĩa trang Quân đội VNCH để như cầm tù những ngôi mộ của những chiến sĩ VNCH cần được rỡ bỏ. Việc làm tiếp theo là nâng cấp chăm sóc hương khói hàng ngày cho những ngôi mộ của anh em VNCH như những ngôi mộ của các liệt sĩ mà không có phân biệt trong đối xử. Bởi Nghĩa tữ là nghĩa tận!

Có như thế mới lấp đầy cái hố đau thương còn tồn tại lâu nay trong lòng người Việt.

No comments:

Post a Comment