Những tấm ảnh
Chỉ trong vòng vài ngày người dân được xem những tấm ảnh minh họa rất sinh động tình trạng chính trị xã hội của Việt Nam đến tận gốc rễ. Những tấm ảnh đăng tải trên báo chí chính thống và chúng không hể được Photoshop, vì vậy đã đào sâu vào ý thức nhận dạng sự việc của người xem cùng những tầng nấc ý nghĩa cũng như phản ứng xã hội mà nó chuyển tải.
Tấm ảnh thứ nhất là một em nữ sinh bị bảo vệ cột tay vào lan can của một siêu thì trên ngực mang tấm bảng: “Tôi là người ăn trộm”.
Ban đầu tấm ảnh này xuất hiện trên trang mạng xã hội nên người xem không biết là cũ hay mới, hơn nữa thông tin về tấm ảnh không rõ ràng. Thế nhưng chỉ sau hai ngày báo chí đã tìm ra được địa chỉ của nó là siêu thị Vĩ Yên thị trấn Chư Sê và những người bắt trói em S. là 4 bảo vệ của siêu thị này.
Vật bị trộm là hai cuốn sách.
Em S không những đói ăn, vì nghèo, mà em còn đói sách. Loại sách thiếu nhi như chất dinh dưỡng tâm hồn trẻ thơ của em đã thôi thúc em đến hành động mà bất cứ đứa trẻ nào cũng có thể làm nếu không được nhà trường và gia đình hướng dẫn rằng việc làm đó là xấu cần phải tránh. Hai cuốn sách thiếu nhi đã dẫn em S vào cơn trầm cảm đến suốt cuộc đời vì không ai có thể tẩy xóa vết thương ấy trong lòng em, một đứa trẻ ngây thơ không hể nào ngờ sự ác tâm của những người lớn dành cho em trong siêu thị Vĩ Yên.
Không biết Quốc hội có nghe vụ này hay không nhưng Bộ Giáo dục đã bị quốc hội mắng té tát (từ dùng của báo GDVN) vì đã xin cấp 34 ngàn tỷ để đổi mới sách. Có lẽ cũng nên mắng cái Bộ này vì không tiền in sách thiếu nhi cho các em như em S trong khi hết tỷ này đến tỷ khác rơi vào túi các bậc “hiền tài” của Bộ giáo dục như giấy lộn.
Tấm ảnh thứ hai là thi thể của anh Đỗ Văn Bình, 18 tuổi, quê ở xã Đại Hiệp, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam tử vong tại nhà
tạm giam Công an Huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng sau khi anh Bình ra công an huyện Hòa vang đầu thú. Anh Đỗ Văn Bình chết tại trại giam của công an huyện Hòa Vang chiều ngày 14 tháng Tư và được công an thông báo với gia đình là tự tử.
Không cần nói thì người dân cũng biết vì sao anh Bình chết nhưng việc cần nói là vì sao cứ mỗi lần như vậy thì không ai bị truy tố, các cấp cao nhất của công an luôn phát ngôn là không có hành vi trái phép nào xảy ra và rồi mọi chuyện lại trôi qua, những người khác tiếp tục vào đồn, tiếp tục chết và cứ thế…cứ thế…
Vào đồn công an tự tử đang là mốt thời thượng nhưng rất khó coi. Có lẽ để ngăn chặn bớt cái mốt không mấy dễ coi ấy nên Bộ trưởng công an Trần Đại Quang vừa yêu cầu Quốc hội chuẩn thuận thêm 6 tướng nữa cho ngành này.
Có lẽ công an thiếu tướng đứng coi nhà giam chăng?
Các tấm ảnh kế tiếp là Bộ trưởng y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vi hành chống sởi.
Cái hại nhất là cách ăn nói nên khi nhìn vào những tấm ảnh của bà bộ trưởng người dân lập tức phản ứng như chính gia đình của họ bị bà cho ăn những chiếc bánh vẽ đã mốc meo.
Bản thân bà Kim Tiến đang có ba vị trí xã hội, thứ nhất bà là Tiến sĩ y khoa từng đạt danh hiệu Thấy thuốc nhân dân, thứ hai bà đương nhiệm chức Bộ trưởng Y tế, và thứ ba bà còn là công dân của nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Không hiểu sao học hành giỏi giang như thế nhưng khi nói thì hình như có ai đó nói giúp cho bà, vì mỗi lần bà nói là một lần sóng gió.
Là bộ trưởng y tế nhưng bà đã không công bố dịch sởi đúng như các nước người ta từng làm và vẫn làm như từ trước tới nay. Bà không kiểm tra vắc-xin chủng ngừa trong kho có đủ cho một cộng đồng cư dân nhất định nào đó hay không chứ không nói là cả nước. Đến khi có dịch sởi xảy ra thì bà lại cấm báo chí không được tham dự cuộc họp giữa bộ y tế và WHO và nói rằng đây là cuộc họp chuyên môn báo chí không được dự.
Bà không phân biệt nỗi giữa một hội nghị chuyên môn và hội nghị chỉ dựa vào chuyên môn để tìm giải pháp chống sởi, trong đó thông tin của báo chí sẽ góp phần ổn định dư luận đang dậy sóng vì phát ngôn của bà.
Là Bộ trưởng Y tế nhưng bà không ngần ngại gì khi nói: “Lỗi của vắc xin thì xử vắc xin… do kỹ thuật xử lý kỹ thuật”, “Thiếu giường bệnh thì phải hỏi… Nhà nước!” hay tệ hơn: “Tăng viện phí là thành tựu y tế” . Bằng ấy câu chữ góp lại sẽ ra một tấm hình khác rất méo mó và rất phủ thủy mà không cần phải xử dụng phần mềm Photoshop.
Là một “thầy thuốc nhân dân” nhưng bà lại phát biểu: Nếu có con cháu bị sởi sẽ không dại gì mang trẻ vào Bệnh viện nhi Trung ương.
Câu nói này rõ ràng là bà đang lấy cái danh hiệu “thầy thuốc nhân dân” của bà để mắng mỏ những anh, những chị thầy thuốc “không, hoặc chưa nhân dân” tại Bệnh viện nhi Trung ương. Bà không thể biện minh rằng bà muốn nói đừng vào bệnh viện này vì quá tải, vì không đủ sức chữa trị cho tất cả các trẻ vì nếu nói như thế thì chính bà đã chống lại chức vụ Bộ trưởng Y tế của mình.
Là một công dân bà nghĩ sao khi phát biểu rằng: “Hãy thử hình dung, bàn thấp chỉ 50cm, ghế cũng thấp. Kèm theo đó là bụi bặm, chặn lối giao thông, rửa bát đũa trong cái xô… trông mất mỹ quan và mất vệ sinh. Tôi không hiểu sao người dân thành phố mình vẫn ngồi ăn.”
Bà không hiểu nhưng mọi người đều hiểu.
Văn hóa vỉa hè là nét đặc sắc của Việt Nam. Nó không hề thua kém bất cứ nền văn hóa ẩm thực vỉa hè nào của thế giới và nét văn hóa đáng yêu này đã ăn sâu vào từng con người Việt Nam. Là người Việt lại nói không ăn vỉa hè là điều dối trá và hợm hĩnh. Bà chỉ có thể nói rằng tại sao Bộ y tế không cải thiện được tình trạng vệ sinh thức ăn đường phố, và câu hỏi này sẽ rất khác câu hỏi mang tính công dân của bà.
Trong những tấm ảnh chụp sởi mọc đầy trên thân thể của trẻ em nạn nhân sởi có một tấm ghi nhận những mụt sởi lan tận vòm họng của trẻ. Không lẽ tôi lại bất kính lấy tấm ảnh này so sánh cho các phát ngôn của bà hay sao?
Thế nhưng những tấm ảnh của bầu Kiên lại hoàn toàn khác.
Các tấm ảnh chụp bầu Kiên ra tòa gần như tổng hợp cả hệ thống chính trị Việt Nam không gì độc đáo bằng . Nếu có một giải Pulitzer cho Việt Nam thì những tấm này không khó khăn gì để đoạt giải.
Tấm thứ nhất: Bầu Kiên bị áp giải ra tòa với sợi giây xích cả hai chân và dọc thân mình, giống như một tội phạm khủng bố hay cướp nhà băng nguy hiểm cần phải đề phòng tẩu thoát. Giống như dẫn một con chó ra tòa chứ không phải một con người, nhất là người nổi tiếng và chưa hề có tiền án tiền sự nào như bầu Kiên.
Tấm ảnh nảy sinh một cẩu hỏi: có phải hệ thống tư pháp đang bị làm nhục hay ngược lại hệ thống này đang cố tình làm nhục bầu Kiên?
Tấm thứ hai trong phòng xử án: ánh mắt khinh bỉ và nhạo báng của bầu Kiên chứng tỏ ông không hề sợ hãi đã làm cư dân mạng xôn xao và cho đó là tấm ảnh của một anh hùng và có người còn trại đi: gian hùng.
Không biết bầu Kiên có anh hùng hay gian hùng hay không nhưng khi thấy ánh mắt này rất nhiều người sẽ có cảm giác rằng đấy chính là đôi mắt mang hình viên đạn. Sự khinh bỉ lẫn căm thù bộc lộ trong đôi mắt ấy và thông điệp của nó gửi tới cho tòa án xử ông rất rõ ràng: cả căn phòng này không ai có quyền xử tôi cả vì tôi với lãnh đạo của các ông đều cùng một giuộc
Trích Blogger Cánh Cò
No comments:
Post a Comment