Mục lục nỗi đau dan tôi

Thursday, May 23, 2013

Thăm nơi đặt tượng Hồ Chí Minh ở Anh


Cập nhật: 12:35 GMT - thứ ba, 21 tháng 5, 2013
Thị trấn Newhaven hy vọng nêu ra dấu tích về ông Hồ sẽ thu hút thêm du khách
Ngày 19/5 năm nay là một ngày bận rộn đặc biệt của giới chức địa phương ở Newhaven, một thị trấn bờ biển nhỏ bé và yên bình ở miền Nam nước Anh, như nhân viên tòa thị chính và bà thị trưởng nói với tôi.

"Ngày hôm nay chúng tôi tổ chức một sự kiện văn hóa chính trị đặc biệt để đánh dấu tròn 123 năm sinh nhật của Hồ Chí Minh và 100 năm sự kiện ông tới nước Anh," bà thị trưởng Julie Carr nói.
"Chúng tôi rất vui mừng với món quà mà Tòa đại sứ đã tặng Bảo tàng của chúng tôi", ông Tony Helyar, quyền Giám đốc Bảo tàng hàng hải và địa phương của Newhaven cho hay.
Vừa nói, ông vừa chỉ vào bức tượng đồng Hồ Chí Minh cùng hai bức hình trắng đen đóng khung, khổ lớn ghi lại cuộc tái ngộ ở Việt Nam giữa cố Chủ tịch Hồ Chí Minh và luật sư người Anh, Francis Loseby ((1883-1967) cùng gia đình vị trạng sư ân nhân, từng cứu ông Hồ khỏi vụ án ở Hong Kong.
"Newhaven cũng đáp lại và món quà của chúng tôi là hôm nay khánh thành một biểu ngữ, căng ở hàng cột dọc bờ biển ở khu kè phía Tây (West Quay) và đặc biệt là một bia kỷ niệm Hồ Chí Minh với nước Anh và Newhaven," một dân biểu địa phương, ông Normal Baker nói.
Tại khu kè West Quay, sau một nghi lễ nhanh gọn, đại diện ban tổ chức, chủ và khách đã kéo băng khai trương một biểu ngữ bằng vải, nằm cạnh nhiều biểu ngữ khác ngay ven một cảng hẹp.
Chúng tôi đọc được dòng chữ bằng tiếng Anh, tạm dịch là: “Bạn có biết là Hồ Chí Minh từng làm thợ làm bánh trên tuyến phà nối Newhaven và Dieppe (thuộc Pháp)?”
Còn ở cách đó độ 5 phút đi bộ, ở mũi đất phía Nam thuộc bến tàu nhỏ này, chúng tôi đọc được một hàng chữ khác khảm nhũ vàng khắc trên một tấm bia đá màu đen, tạm dịch sang tiếng Việt là:
“Bia kỷ niệm 100 năm Hồ Chí Minh đến Anh và những liên hệ di sản của ông với Newhaven (1913-2013) đặt ngày 19/5/2013.”

‘Lên bờ duỗi chân’

"Đã có những dấu chứng cho thấy ông ấy hiện diện ở nhiều nơi tại London cho nên tôi tin rằng ông ấy rất có khả năng đã qua Newhaven"
Sử gia Martin Evans
Trong lúc khách và chủ cùng mọi người bận rộn chụp hình lưu niệm bên tấm bia mới dựng, tôi hỏi ông quyền Giám đốc bảo tàng địa phương:
“Bản thân ông được thuyết phục thế nào về việc cố Chủ tịch Hồ Chí Minh của Việt Nam từng hiện diện ở đây? Ông ấy có lưu lại ở một nơi nào đó cụ thể và làm một việc gì đó quan trọng ở Newhaven?”
Ông đáp: “Ồ, đó là một câu hỏi khó trả lời vì có thể ông ấy đã làm việc trên một chiếc phà chạy từ Pháp qua Anh và mỗi lần có lẽ chỉ chạy lên bờ để duỗi chân cho khỏi mỏi thôi.”
“Thật vậy sao ông, nhưng có nguồn sử liệu, có thể là từ các sử gia cánh tả, nói ông ấy đã lên bờ, thậm chí hàng tối tới thư viện và các nơi công cộng để tìm đọc tài liệu, nghiên cứu về chính trị, tiếp xúc với cộng đồng địa phương để chuẩn bị tốt hơn cho các hoạt động chính trị, ông thấy thế nào?” tôi hỏi tiếp.
Ông quyền Giám đốc với thâm niên 20 năm trong nghề bảo tàng nói với tôi: “Cái đó thì anh phải hỏi các sử gia, mà hôm nay có mặt đại diện sử gia đấy.”
Thế là câu trả lời của nhà bảo tàng học đưa tôi tới gặp Giáo sư Martin Evans, sử gia Đại học Sussex, người cũng có mặt tại sự kiện cùng cô con gái ở độ tuổi tiểu học.
“Anh biết đấy tuyến phà từ Dieppe tới Newhaven có thể là một lối vào đưa Hồ Chí Minh di chuyển từ Pháp qua Anh, đã có những dấu chứng cho thấy ông ấy hiện diện ở nhiều nơi tại London cho nên tôi tin rằng ông ấy rất có khả năng đã qua Newhaven."
Tôi đặt thêm câu hỏi: “Vâng, thế nhưng sau con đường mà Hồ Chí Minh đi qua, ông có để lại một di sản gì cho Việt Nam mà theo ông là còn đáng tranh cãi, đáng phải sửa chữa hay không?"
“Chẳng hạn có người nói Việt Nam nay đã độc lập, nhưng vẫn còn bị cai trị bởi nền chính trị chuyên chế, đất nước còn nhiều bất công, thiếu dân chủ, vi phạm nhân quyền, ông thấy thế nào?”
Giáo sư Evans đáp: “Hồ Chí Minh có một đóng góp rất lớn cho độc lập của Việt Nam và cho sự phản kháng trên phạm vi thế giới với chế độ thuộc địa thời kỳ thực dân.
"Tất nhiên rằng Việt Nam hiện nay vẫn còn là một quôc gia cộng sản. Và thế giới cộng sản đang biến mất, chúng ta đang ở trong một bối cảnh toàn cầu mới và tôi không thấy có những lý do gì mà Việt Nam lại bỏ qua những cơ hội để hòa nhập và phát triển, đặc biệt về mặt nhân quyền."

Rất mong hợp tác

Có ý kiến nói Newhaven cần có thêm các dòng chữ về Hồ Chí Minh bằng tiếng Việt
Ở gần Tòa thị chính thành phố có một tiệm bánh pizza. Khi đoàn tới đây, tôi tranh thủ dạo quanh và tình cờ gặp một người thợ làm bánh trẻ tuổi.
Tôi nhắc lại nguyên văn câu hỏi trên biểu ngữ ở kè biển Newhaven và hỏi thanh niên này về sự kiện Hồ Chí Minh ở Newhaven 100 năm trước, rồi hỏi han anh thợ bánh thêm về tình hình làm ăn hiện nay.
“Ông ấy đã đến đây ư? Tôi không biết đâu, ông ấy là ai? Còn chuyện làm ăn thì quán của chúng tôi cũng nhì nhằng thôi, mấy năm trước thì khá hơn,” người thợ bánh cởi mở nói và cho biết rằng nhiều người dân địa phương đi làm ăn tại thành phố láng giềng là Brighton hơn là ở Newhaven.”
Trước đó, tôi cũng hỏi bà Thị trưởng về khả năng hấp dẫn thêm khách du lịch từ sự kiện 19/5 năm nay, bà nói:
“À, mặc dù không phải là thế mạnh nhưng chúng tôi luôn vui lòng tiếp nhận phát triển du lịch, chúng tôi sẽ rất vui nếu có thêm du khách tới đây tham quan, cũng như có hợp tác với Việt Nam.”
Trở lại với những món quà của Tòa Đại sứ Việt Nam cho Newhaven, trong lúc đi quanh chụp hình tư liệu, tôi loáng thoáng nghe thấy vài lời bình phẩm:
“Lẽ ra bức tượng phải được đặt cao lên, không nên để ngay dưới sàn như thế…,” một ý kiến nói.
“Mấy bức hình thì cần phải có chú thích bằng tiếng Anh, chứ để mỗi tiếng Việt như vậy, ai người ta hiểu,” ý kiến khác chen vào.
Có người thì bình luận: “Bức tượng này nặng thật, nghe nói là đúc toàn bằng đồng và nặng tới 80 ký, để cao quá đổ xuống thì tai nạn,” một ý kiến khác nữa lại nói.
"Vấn đề nghiên cứu, ứng dụng loại đề tài này không dễ ở Việt Nam, nhưng câu hỏi đặt ra là ở nhà định nghĩa thế nào là tài năng"
Tôi đem câu hỏi này ra để hỏi ông quyền Giám đốc thư viện:
“Để các tranh tượng đó ở chỗ nào ư, tất nhiên là chúng tôi có nhiều hiện vật trưng bày có giá trị ở đây rồi, nhưng chúng tôi sẽ cố tìm một chỗ nào đó phù hợp, vì riêng bức tượng được đúc hoàn toàn bằng đồng, cũng rất có giá trị, phải không anh,” ông cười và nói.
"À, đó là chỗ mọi người đặt tạm cho buổi lễ thôi, chúng tôi dự định sẽ tìm một chỗ chắc chắn và đặt tượng vào đó, có thể tôi sẽ sắp xếp vài người giúp việc vì tượng khá nặng," ông Tom Bonnor, chuyên gia lắp đặt nội thất kiêm người quay phim, chụp hình tư liệu cho Bảo tàng nói thêm với tôi.

“Gạch mới và cũ”

Tiệc vui cũng có lúc tàn, sau một ngày đầy ắp các sự kiện ở thị trấn nhỏ, tôi theo đoàn “hành hương”, lên xe bus để trở về London cùng với các hành khách, trong đó có nhiều Việt kiều, cán bộ, sinh viên Việt Nam đang học tập, công tác, sinh sống ở London.
Hồ Chí Minh ra nước ngoài từ thời trẻ, bôn ba hải ngoại trong nhiều năm và ngày nay những suy nghĩ 'đem gì về áp dụng cho đất nước' từ giới trẻ Việt Nam ở Anh hẳn là câu chuyện phù hợp cho chuyến đi.
Anh Quốc hiện là điểm đến hấp dẫn của giới trẻ Việt Nam
“Tôi thấy Việt Nam còn thiếu ứng dụng các bản đồ về biến đổi khí hậu, với những thông số đo đạc, cảnh báo các nguy cơ, và lồng ghép chúng vào công tác quy hoạch đô thị ở cả nước và các tỉnh, thành, địa phương,” một nhà khoa học trẻ chia sẻ kỳ vọng đóng góp sau khi tu nghiệp tại Anh.
Khi được hỏi có trở ngại lớn nào không nếu ứng dụng ở quê nhà, bạn trẻ đáp:
“Vấn đề chính là làm thế nào tác động được vào quá trình ra quyết định của người lãnh đạo, điều quan trọng nữa là phải hiểu được tư duy của họ, đấy là chưa kể có những vấn đề phải lường trước mà người ta vẫn hay đề cập là các nhóm lợi ích, trong quy hoạch. Nhưng ở nước nào mà chẳng có nhóm lợi ích?” nhà khoa học trẻ này nói thêm.
Một bạn trẻ khác trong lĩnh vực quản trị nguồn nhân lực lại chia sẻ:
"Em quan tâm tới việc làm thế nào để khu vực công ở Việt Nam không bị chảy máu chất xám, làm sao để dòng nhân lực có trình độ, năng lực, được đào tạo tốt, không bị thất thoát sang các khu vực khác như nước ngoài kể cả tư nhân.
Cũng liên quan lĩnh vực này, một cán bộ trẻ vừa lấy bằng tiến sỹ bình phẩm ngay:
“Vấn đề nghiên cứu, ứng dụng loại đề tài này không dễ ở Việt Nam, những câu hỏi đặt ra là ở nhà định nghĩa thế nào là tài năng, thế nào là năng lực không dễ dàng,”
“Và một khó khăn khác riêng cho cán bộ trẻ được đào tạo trở về nước là họ như những viên gạch mới, nay làm thế nào lắp ráp được cho ổn vào những bức tường, với những viên gạch cũ, lớp gạch đã cũ khác, đó là một câu hỏi lớn,” nhà khoa học trẻ này bình luận.

Thêm về tin này

No comments:

Post a Comment