Mùa Phật Đản đến, vài ngày nữa, Phật Tử Huế sẽ đón mừng ngày Đức Phật Đản Sanh, ngày thế giới đón nhận thêm sự có mặt của một bậc hiền triết Á Đông. Trải qua gần ba ngàn năm lịch sử, triết lý về Duyên – Nghiệp của ngài vẫn còn mới mẽ và giàu ý nghĩa đối với cuộc sống. Thế nhưng, hiện nay, sự lệch hướng trong cách hiểu triết lý của Đức Phật và kiểu hoạt động có tính hình tướng của Phật giáo thời xã hội chủ nghĩa đã làm cho nhiều Phật Tử lo lắng.
Ủng hộ và ngăn cản
Và mùa Phật Đản này, như mọi năm, một mặt, nhà cầm quyền ủng hộ, cổ xúy cho các hoạt động của Giáo Hội Phật Giáo xã hội chủ nghĩa, mặt khác, Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất Việt Nam lại bị quấy rầy, ngăn cản sinh hoạt.
Một Phật Tử yêu cầu giấu tên, là đạo hữu của chùa Thuyền Quang – thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, Huế, chia sẻ với chúng tôi rằng cung cách sinh hoạt và cách hiểu kinh Phật và triết lý của ngài đã dạy đang bị bóp méo, lệch lạc chưa từng có. Nhất là về khái niệm Duyên – Nghiệp, nhân quả, dường như các Phật Tử đã không hiểu đúng và có chiều hướng mê tín hơn là suy tư. Thay vì đến chùa để chiêm bái một bậc hiền triết và suy niệm về những gì ngài đã dạy, phần lớn Phật Tử đến chùa để cầu may, thậm chí xin lộc và biến hoạt động bố thí, cúng dường thành một kiểu tích đức theo mô hình bỏ tiết kiệm, có suy tính và có giá trị lợi nhuận.
Một người bán thịt heo ở chợ Đông Ba, Huế, than thở với chúng tôi là chị quá ngán ngẫm cảnh mẹ mình đi chùa, mỗi lần đi chùa về, bà cụ nhìn chị giống như nhìn một quái vật và bắt đầu thuyết giảng về nhân quả, bà cụ cứ khuyên chị bỏ nghề bán thịt heo đi, vì làm nghề bán thịt heo có liên quan đến nghiệp sát sanh, có người bán thì có người mổ, có người mổ thì heo sẽ bị chết vì dao mổ, chính vì thế, nên bỏ nghề và nên ăn chay để sám hối. Nói chung là bà cụ nói với chị đủ điều, chị tìm cách nói tránh và đi làm việc. Được một thời gian thì bà cụ đòi bỏ nhà, đến chùa ở luôn, chị khuyên gì bà cũng không chịu, bà nói rằng người đã nghe giảng mà không chịu quay đầu thì đó là yêu quái chứ không còn là người nữa, từ đó bà luôn nhìn chị với ánh mắt sợ hãi và tránh né, không tin tưởng chị, chị rất buồn, đôi khi cảm thấy bế tắc, chị đã buôn thịt heo gần hai mươi năm nay, nuôi ba đứa con học đến đại học cũng từ tiền buôn thịt heo, nếu quả thật là nghiệp thì ba đứa con của chị cũng có liên đới, chị thấy buồn.
Không riêng gì chị bán thịt heo ở chợ Đông ba than thở chuyện này, dường như phần đông con cái có cha mẹ đi sinh hoạt ở các chùa quốc doanh đều than thở về chuyện này. Đặc biệt, vấn đề cha mẹ lấy tiền dưỡng già để cúng dường ở các chùa quốc doanh đã khiến cho con cái hết sức phiền lòng. Một người kinh doanh nhà hàng trên đường Lê Lợi, thành phố Huế, than thở với chúng tôi rằng giá như mọi chuyện diễn ra như trước đây thì hay hơn nhiều. Nghĩa là một Phật Tử, khi thấy trong tâm hồn có nhiều náo động, mệt mỏi và chán chường đời sống, sẽ tìm đến chùa để vấn an tâm linh, để chiêm nghiệm về ý nghĩa vô thường và tự kiến tạo cho mình một cuộc sống tốt đẹp hơn, bình an hơn ngay trong mái ấm của mình. Còn bây giờ, đa phầ người thấy chán gia đình là tính chuyện tìm đến các ngôi chùa quốc doanh để tu, vì trong một chừng mực nào đó, cơ hội kiếm sống ở các chùa quá cao, thời kinh tế khó khăn, thu nhập của một sư quốc doanh cao hơn nhiều so với thu nhập của một nhân viên ngân hàng, thu nhập của một trụ trì chùa quốc doanh có khi gấp vài lần so với thu nhập của giám đốc doanh nghiệp.
Quá xem trọng hình tướng?
Một vị sư, đương nhậm trụ trì một ngôi chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất ở Huế, chia sẻ với chúng tôi rằng nếu quá xem trọng hình tướng, thì đạo pháp sẽ rơi vào mạt vận. Những cách người ta đang làm hiện nay, cụ thể là cách của phía chính quyền hành xử, đối đãi tệ với Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất và dùng Giáo Hội Phật Giáo xã nhà nước làm chiêu bài tự do tôn giáo, trong khi đó, phần lớn các hoạt động tâm linh ở Giáo Hội nhà nước đã bị đánh tráo, hình thức hoạt động có chiều hướng phô trương thanh thế nhiều hơn là chiều sâu tâm linh. Đó là điều làm cho giới tăng sư có lương tri, dấn thân vì đạo cảm thấy buồn và lo.
Vị sư này chia sẻ thêm rằng thời Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất hoạt động, chưa bị đàn áp như bây giờ, đến mùa An Cư, các tăng sư, ni sư hầu như vắng bóng trên các đường phố bởi lúc này, các vị an cư, tránh đi lại làm giẫm lên các sinh linh đang mùa sinh nở. Nhưng bây giờ thì khác, sau dịp Rằm tháng Tư, vẫn có rất nhiều vị sư chạy xe, đi lại trên đường, nhiều vị đi tìm đá cảnh, cây cảnh, thậm chí có nhiều chùa còn nuôi cá cảnh để bán cho khách. Nhìn chung, các hoạt động treo cờ xí, bắt loa phát thanh tụng kinh với âm thanh lớn quá cỡ, làm ảnh hưởng đến việc học hành của các em nhỏ trong xóm diễn ra từ Bắc chí Nam hay việc cúng cầu siêu bạt độ với kinh phí vài chục triệu đồng thậm chí vài trăm triệu đồng cho những gia đình có kinh tế khá giả… đều có tính chất hình tướng, cầu vật dục nhiều hơn là tâm linh, nếu không nói đó là hoạt động đậm chất mê tín, dị đoan và ít nhiều mị dân. Tất cả những hoạt động này đều có lợi cho nhà cầm quyền, đẩy con người vào tâm lý sợ hãi, thụ động và thây kệ mọi chuyện, phó thác cho số phận, trái ngược với triết thuyết của Đức Phật về tính tự thắp đuốc và tinh tấn tìm giải thoát cho tâm hồn, cho đời sống hiện tại.
Mùa Phật Đản Sanh năm nay, cả thành phố Huế rực rỡ cờ và hoa sen nhựa, ở các ngã ba Lê Lợi, cầu Tràng Tiền, dọc hai bên bờ sông Hương và ở các chùa, trừ những chùa thuộc Giáo Hội Phật Giáo Thống Nhất, đều trang trí đèn hoa, xe hoa rực rỡ để đón mừng khánh lễ. Có lẽ, lời nhận xét của một vị Đại Đức, hiện đang là trụ trì một ngôi tịnh xá ở Biên Hòa – Đồng Nai, từng tu tập ở Huế, sẽ thay lời kết cho bài tường trình này, vị này nói rằng tất cả các Phật Tử đều vui mừng đón khánh lễ, đó là một duyên lành, cho thấy tinh thần xiển dương đạo pháp còn rất mạnh, nhưng những hoạt động có tính hình thức và mang dấu ấn phân biệt giữa giáo đoàn nhà nước và giáo đoàn Phật Giáo Thống Nhất là điều hoàn toàn không nên có, điều này còn tồn tại, chỉ cho thấy một hệ lụy duy nhất là Phật Giáo đang yếu đi bởi sự nhúng tay quá sâu của nhà cầm quyền vào các sinh hoạt tâm linh.
Uyên Nguyên, tường trình từ Huế, Việt Nam.
No comments:
Post a Comment