Mùa Phật Đản năm nay khác đặc biệt so với mọi năm, trong đó, vấn đề thời tiết bất thường và cách thức tổ chức khánh lễ ở các chùa trực thuộc giáo hội nhà nước cũng khá mới lạ.
Hát Quốc ca thay cho Pháp ca
Bắt đầu từ ngày Mồng Mười tháng Tư, tức ngày 19 tháng 5 dương lịch, các chùa ở Huế đã bắt đầu dựng sân khấu, treo cờ, kết lồng đèn. Riêng lồng đèn Huế và lồng đèn Hội An được treo kết hợp trên cầu Tràng Tiền với số lượng tương đương số năm Phật lịch. Trên sông Hương, bảy đóa hoa sen tượng trưng cho bảy bước chân của Đức Phật được kết vào ngày mồng Tám âm lịch, đến ngày mồng Mười bị mưa đá nhấn chìm hết hai đóa.
Điểm đặc biệt về thời tiết, suốt gần một tháng trời nắng nóng khô hạn, đến khi chuẩn bị lễ thì ập xuống những trận mưa đá và mưa xối xả trong vòng vài chục phút rồi trở lại hanh khô, nóng nực rất khó chịu. Ngay trong đêm Mười Bốn, đêm chính của khánh lễ, khắp miền Trung đổ ập trận mưa từ 19h đến 19h45, ngay lúc đang khai mạc lễ ở khắp nơi, làm ảnh hưởng đến không khí khánh lễ, cho cảm giác hụt hẫng và khó chịu.
Nhưng điều đó chưa có gì đáng kể so với cách tổ chức khác lạ ở các chùa thuộc giáo hội nhà nước. Thay vì mọi năm, vị trụ trì của các chùa đứng lên đọc diễn văn khai mạc sau lời giới thiệu của người dẫn chương trình, và âm nhạc cho chương trình sẽ là âm nhạc ca ngợi công đức của Đức Thích Ca, năm nay, chương trình dạo đầu từ 4h chiều bằng những bản nhạc “đỏ” như: Chiếc gậy tầm vông, O du kích, Tiến về Sài gòn, Hồ Chí Minh, Việt Nam đẹp nhất tên người…
Và đến phần khai mạc khánh lễ, bài Quốc ca Việt Nam được xướng lên đầu tiên kết hợp với lễ kéo cờ đỏ sao vàng, sau đó là lời phát biểu của trụ trì, vị này đọc bài kêu gọi đại đoàn kết dân tộc, thuyết giảng về giá trị con người thời đại mới với lòng vị tha, không nên đi ra ngoài mục tiêu của Đảng, nhà nước. Và, đây là điểm nhấn: Trừ một số chùa, còn lại, gần như 100% các chùa, không riêng gì ở Huế mà theo chúng tôi khảo sát được sáng nay là trên cả nước đều có yêu cầu Phật Tử dành riêng một phút mặc niệm để tưởng nhớ công ơn của các liệt sĩ, đương nhiên là những liệt sĩ theo định nghĩa của nhà nước Việt Nam hiện tại.
Sau buổi lễ, chúng tôi liên lạc với một vị Phật Tử, yêu cầu giấu tên, vị này chia sẻ rằng tinh thần tốt đời đẹp đạo thì rất hay, nhưng ông thấy chuyện kéo cở đỏ sao vàng lên nằm ngang với cờ Phật Giáo là đủ lắm rồi, cần gì phải hát quốc ca, nghe ra nặng chính trị quá, vì những chuyện đó nên dành cho các cơ quan hành chính sự nghiệp, trường học hoặc các công ty chẳng hạn, nhưng chùa thì không nên thế vì chùa có cảnh giới và tâm thức riêng của chùa, tinh thần vô cầu, vô úy và hỷ xả là Pháp ca của chùa, ở chùa nên hát Pháp ca chứ không nên hát quốc ca. Hơn nữa, nhiều em Phật tử còn rất nhỏ, nếu để những ca từ như “đường vinh quang xây xác quân thù” hát to trước chùa, cách hiểu về tôn giáo và lòng bi mẫn của các em sẽ ít nhiều lệch lạc.
Một vị nữ Phật Tử khác chia sẻ thêm rằng bà thấy lạ và hơi khó hiểu vì trong đạo pháp, tâm thức vô phân biệt, vô sai biệt rất lớn, không phân biệt đâu là thù, đâu là bạn cả, chỉ có từ tâm đứng trên hết, chính vì thế, nếu đã cầu siêu thì sẽ cầu siêu cho liệt sĩ Việt Nam, không cần phân biệt bên nào. Như vậy sẽ tốt hơn. Hơn nữa, đây không phải là cầu siêu mà là mặc niệm, nghe ra có vẻ chấp thủ quá, vì mặc niệm tức là còn giữ niệm, mà còn giữ niệm thì chưa đạt đến tinh thần nguyên ủy của Phật Giáo. Vị nữ Phật tử này nói thêm rằng nếu như được góp ý, bà sẽ góp ý với Giáo hội không nên để những lễ nghi nhà nước lấn quá sâu vào lễ nghi tôn giáo, làm như vậy, không chừng lại phản tác dụng và dẫn đến hiểu nhầm. Bà cười chua chát nói thêm rằng riêng chữ hiểu nhầm có khi cũng cần xét lại, mà xét như thế nào thì khó nói lắm!
Diễn văn khai mạc quá lạ
Một Phật Tử khác ở Thừa Lưu, cũng phàn nàn với chúng tôi rằng cách thức tổ chức và diễn văn khai mạc khánh lễ năm nay lạ quá, thay vì nói về công đức của Đức Thích Ca, vị trụ trì lại nói về Dự thảo sửa đổi Hiến Pháp Việt Nam và kêu gọi đại đoàn kết dân tộc. Mà một khi các sư còn kêu gọi, điều đó cũng cho thấy các Phật Tử chưa bao giờ đi đúng tinh thần Phật Pháp, vì tinh thần Vô Ưu, Vô Phân Biệt và Hỷ Xả của Phật Giáo dạy người Phật Tử phải tu tập, không để lòng thù hận chiếm cứ tâm hồn, phải để lòng yêu thương trải ra trước vạn vật, một khi thực hiện đúng lời dạy của Đức Tổ, không cần lời kêu gọi đại đoàn kết nữa, vì lời kêu gọi này hàm chứa yếu tố phân ly và viễn kiến thù – bạn.
Một em bé Phật Tử chùa Từ Đàm, Huế, tâm sự rằng em không có ý kiến gì về chuyện tổ chức, em chỉ thấy Đức Phật luôn là thần tượng lớn nhất của em, nơi em cần noi gương nhiều thật là nhiều, và hát quốc ca cũng thú vị vì em thấy chùa cũng làm giống như ở trường của em mỗi sáng thứ Hai, chào cờ gợi nhắc công ơn của Đàng, của Bác Hồ đã đấu tranh xây dựng nước Việt Nam giàu đẹp, em thích đi chùa mỗi Chủ Nhật.
Mẹ của em bé Phật Tử này thì nói khác, bà thấy rất lo âu bởi các hoạt động tôn giáo hoặc hoạt động hướng đạo gần đây đã để các ca khúc ca ngợi Đảng và Bác Hồ lấn sân quá nhiều, theo bà, như vậy sẽ không có gì khác biệt giữa sinh hoạt tôn giáo và sinh hoạt Đoàn, sinh hoạt Đội. Bà mong mỏi tâm linh của con mình được phát triển một cách hoàn hảo và lành mạnh.
Một vị sư trụ trì ở Hương Trà, Huế, chia sẻ rằng năm nay, chùa ông trụ trì vẫn không có gì khác biệt, nhưng nói thì nói, vẫn phải treo cờ Đảng, vẫn phải chào cờ và hát quốc ca, vì đó là chỉ thị, đặc biệt là sẽ mời một vị đại diện nhà nước lên đánh trống khai mạc khánh lễ, có như vậy mới được.
Nhìn chung, phương cách sinh hoạt và tổ chức khánh lễ Phật Đản năm nay có nhiều mới lạ, khó tìm ra ranh giới giữa tôn giáo và chính trị.
No comments:
Post a Comment