Đoan Trang - Sẽ là một nhà nước lưu manh, phản động, nếu chính nhà nước bí mật tổ chức cho một nhóm trong xã hội chuyên đi “biểu tình chống biểu tình”. Nói cách khác, nếu chính quyền dùng tiền ngân sách, dùng quyền lực của lãnh đạo, để huy động lực lượng “phản biểu tình”, “đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch” của một số công dân, mà thực chất là tấn công vào quyền tự do ngôn luận của những công dân ấy, thì đó là biểu hiện của một nhà nước độc tài đáng ghê tởm...
*
Dưới đây là bài viết thứ 9 trong loạt bài “Nói với mình và các bạn: Vẻ đẹp của chính trị”. Mục đích mà loạt bài hướng tới là góp phần giúp độc giả, nhất là các bạn trẻ, hiểu hơn về chính trị, về sự tham gia, về tự do ngôn luận và sự phân biệt giữa tự do ngôn luận với xúc phạm người khác, về hiến pháp, quyền lập hiến và quyền tẩy chay hiến pháp, bất tuân dân sự, về kỹ thuật bầu cử và làm thế nào để có bầu cử tự do, công bằng.
Ở bài trước, chúng ta đã nói rằng văn hoá chính trị là cái quyết định một xã hội nhìn chung sẽ có thái độ như thế nào trước các hoạt động chính trị như biểu tình, đình công, kiện tụng... Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận rằng biểu tình có những mặt trái của nó. Làm thế nào để giảm thiểu tác hại tiêu cực của biểu tình đây?
Phạm Đoan Trang
* * *
Kỳ 9 - MẶT TRÁI CỦA BIỂU TÌNH
Một trong những mặt trái của biểu tình – và nó càng trở nên nghiêm trọng trong văn hoá chính trị “phản biểu tình” của Việt Nam – là sự cản trở tự do đi lại. Vì “phố phường chật chội, người đông đúc”, biểu tình có nguy cơ gây ảnh hưởng đến giao thông, mà đấy là người biểu tình ở nước ta còn chưa sử dụng biện pháp phong toả đường đi lối lại, cắm trại, dựng rào v.v... đấy nhé.
Ở một quốc gia dân chủ, với văn hoá chính trị thừa nhận và ủng hộ biểu tình, thì để vừa đảm bảo quyền tự do biểu đạt của nhóm người biểu tình, vừa đảm bảo quyền tự do đi lại của những người khác, chính quyền sẽ phải có các biện pháp như bố trí lực lượng hỗ trợ người biểu tình (dẹp đường, hướng dẫn giao thông...), đảm bảo những không gian công cộng thích hợp cho việc biểu tình. Ở Việt Nam thì khác: Chính quyền gộp tất cả những người đi biểu tình vào một rọ, gồm các “đối tượng” hoặc là phản động nhân danh yêu nước, hoặc là bị bọn phản động lợi dụng, lôi kéo. Từ quan niệm đó đến hành động cụ thể như thế nào thì chúng ta đều đã biết, nên người viết sẽ không “kể lể” thêm, mà sẽ bàn về các trường hợp có mâu thuẫn, xung đột thật sự liên quan đến biểu tình, ở phần tiếp sau.
“Ông Nguyễn Sinh Hùng và thế lưỡng nan”
Biểu tình hoàn toàn có thể cản trở nghiêm trọng quyền tự do đi lại của một cá nhân cụ thể. Ví dụ, đó là khi những người biểu tình chặn cổng Văn phòng Quốc hội, không cho ông Nguyễn Sinh Hùng ra đường khi đã hết giờ làm. (Xin các bạn lưu ý, đây chỉ là một ví dụ giả tưởng, trên thực tế bản thân người viết cũng không biết chính xác ông Nguyễn Sinh Hùng làm việc ở đâu). Trong trường hợp này, chúng ta đối diện với một thứ mà các nhà khoa học ưa gọi là “thế lưỡng nan”:
- Vì ông Nguyễn Sinh Hùng là Chủ tịch Quốc hội, là quan chức, cho nên ông có nghĩa vụ phải lắng nghe ý kiến của người dân, tôn trọng quyền tự do biểu đạt và biểu tình của công dân;
- Vì ông Nguyễn Sinh Hùng là một công dân Việt Nam, nên ông có quyền riêng tư, quyền tự do đi lại, tự do về thân thể, và ông phải được đi đâu tuỳ ý sau khi đã hết giờ làm việc. Do đó, khi bị cản trở tự do đi lại, ông có quyền khởi kiện.
Trên giác độ luật pháp thuần tuý, công dân Nguyễn Sinh Hùng quả thật có thể kiện những kẻ đã xâm phạm quyền của ông. Tuy nhiên, trong văn hoá chính trị ở nhiều nước, người ta thường quan niệm lãnh đạo, quan chức là luôn phải ở một thế chịu thiệt thòi trước công luận hơn người dân, và sẽ rất nực cười nếu lãnh đạo, quan chức muốn “ăn thua đủ” với dân – cái này trong tiếng Việt gọi là “tiểu nhân”. Đương nhiên là ông Hùng có quyền kiện và có thể kiện, nhưng nếu ông làm thế thì sẽ rất buồn cười trong mắt các chính trị gia đồng nhiệm, đồng nghiệp của ông ở nước ngoài.
Tương tự, chúng ta sẽ không thể thấy Tổng thống Clinton hay đảng Dân chủ tìm cách can thiệp, đóng cửa tờ báo nào dám bôi nhọ ông và chuyện tình ái, bồ bịch của ông. Tổng thống Bush cũng không thể truy tìm và khởi kiện kẻ nào dám vẽ bẩn vào ảnh ông rồi vác đi biểu tình, rồi đốt… Bởi vì văn hoá chính trị của người Mỹ, về căn bản, ủng hộ quyền tự do biểu đạt, ngôn luận của công dân và buộc lãnh đạo phải chấp nhận “chịu thiệt”, “tỏ ra quân tử” trong mắt dư luận.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng đừng quên rằng, trong các chế độ dân chủ, ghế của quan chức phụ thuộc vào lá phiếu của người dân, nên quan chức có xu hướng nhượng bộ trước những phản ứng của người dân và tìm cách thuyết phục họ, chứ không dám đối đầu.
Nếu chúng tôi thích “biểu tình chống biểu tình”, thì sao?
Trường hợp nói trên là khi biểu tình cản trở quyền tự do đi lại của một cá nhân cụ thể - một quan chức. Còn trường hợp sau đây hơi khác.
Giả sử sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm đánh bắt cá trên vùng biển Hoàng Sa và Trường Sa, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ nói vài câu phản đối như thường lệ. Giả sử khoảng 300 người ở quận Nhất, TP.HCM nổi giận – trong đó một nửa phẫn nộ với Trung Quốc, một nửa bất mãn về chính sách ngoại giao của Chính phủ Việt Nam – và họ xuống đường biểu tình. Giả sử cùng lúc, có khoảng 300 người dân ở quận Hai, TP.HCM lại suy nghĩ ngược lại hoàn toàn – một nửa trong số họ cho rằng Trung Quốc cấm đánh bắt cá là đúng (cần phải bảo vệ và khai thác tiết kiệm tài nguyên thuỷ hải sản chứ, bất luận tài nguyên ấy của quốc gia nào), một nửa ủng hộ chính sách ngoại giao của Việt Nam (phản ứng ở mức độ như người phát ngôn đã phản ứng thôi chứ còn làm gì hơn được nữa).
Câu hỏi đặt ra là: 300 người ở quận Hai có thể đi biểu tình phản đối 300 người ở quận Nhất không?
Câu trả lời: Có, nếu như đúng là tất cả công dân Việt Nam đều được hưởng quyền tự do ngôn luận và tự do tụ tập.
Vậy sẽ ra sao nếu trên đường phố, các nhóm cư dân bất đồng quan điểm cứ biểu tình qua lại như thế?
Chẳng sao cả, chuyện đó là… bình thường trong một xã hội dân chủ, có nền văn hoá chính trị thiên về các giá trị dân chủ, tự do, nhân quyền. Có điều, trong mọi trường hợp, bạo lực phải bị lên án và loại bỏ; xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác là một tội có thể bị kiện và bị xử lý theo pháp luật. Khi ấy, vai trò của luật pháp và của Nhà nước càng trở nên quan trọng hơn trong việc bảo vệ quyền tự do ngôn luận và tụ tập của các bên, quyền tự do đi lại của những người khác, giữ gìn trật tự trị an và điều hoà các lợi ích mâu thuẫn. Việc này, tất nhiên, chưa bao giờ dễ dàng.
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý một điểm quan trọng: Sẽ là một nhà nước lưu manh, phản động, nếu chính nhà nước bí mật tổ chức cho một nhóm trong xã hội chuyên đi “biểu tình chống biểu tình”. Nói cách khác, nếu chính quyền dùng tiền ngân sách, dùng quyền lực của lãnh đạo, để huy động lực lượng “phản biểu tình”, “đấu tranh với các luận điểm sai trái, thù địch” của một số công dân, mà thực chất là tấn công vào quyền tự do ngôn luận của những công dân ấy, thì đó là biểu hiện của một nhà nước độc tài đáng ghê tởm.
Khi văn hoá chính trị khó chấp nhận biểu tình
Ở đâu cũng vậy, biểu tình có những hành động đặc thù như gây tiếng ồn, phong toả đường đi lối lại, thậm chí có khi còn kéo theo bạo lực – giữa công an, cảnh sát với những người tuần hành, hoặc giữa chính những người dân với nhau, nhóm phản đối gây lộn với nhóm ủng hộ như trong ví dụ giả tưởng nêu trên. Đó chính là các mặt trái của biểu tình, và trong văn hoá chính trị của Việt Nam thì những hạn chế đó càng bị khuếch đại: Bạn hãy hình dung một nơi đường phố chật hẹp, bụi bặm, vỉa hè là không gian kinh doanh (mà đoàn người đi biểu tình có thể gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh đó), và đa số dân chúng thì tới gần 70 năm nay không có ý niệm nào về việc “tự nhiên ra ngoài đường hò hét”.
Liệu văn hoá chính trị như thế có tạo ra một môi trường tâm lý-xã hội ủng hộ biểu tình và các hoạt động chính trị khác không? Chúng ta thấy ngay là không.
Vậy khi văn hoá chính trị về cơ bản là chống lại việc biểu tình, thì một số ít người muốn thể hiện chính kiến thông qua hành động biểu tình có thể và nên làm gì? Có nên hò hét, chửi bới kể tội “phe kia”, đốt cờ/ảnh, phong toả đường xá v.v.? Chúng ta sẽ tiếp tục vấn đề gây tranh cãi này ở kỳ sau, với câu chuyện về một hình thức hoạt động chính trị khác, xuất phát từ một phương pháp đấu tranh của vị anh hùng dân tộc Ấn Độ Mahatma Gandhi: bất tuân dân sự.
Kỳ sau: Bất tuân dân sự hay phản động?
No comments:
Post a Comment