Thanh Hóa là tỉnh có chiều dài dọc bờ biển thuộc vào diện nhất nhì Việt Nam, và đây cũng là tỉnh chiếm chiều dài dãy Trường Sơn thuộc vào diện nhất nhì so với cả nước, như vậy cũng có nghĩa là Thanh Hóa thuộc vào diện nhiều rừng vàng biển bạc nhất nhì trên cả nước. Nhưng, đó là trên lý thuyết, thực tế thì Thanh Hóa luôn là tỉnh có nhiều gia đình nghèo đói nhất, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa, Thường Xuân, Ngọc Lặc, Như Xuân, Lang Chánh… Có thể nói, cái đói ở đây vẫn còn ở ngưỡng xanh da mờ con mắt.
Ông Trần Nam, người xã Thanh Xuân, Quan Hóa kể với chúng tôi rằng kể từ ngày thủy điện Hồi Xuân khởi công xây dựng, người nông dân trong xã có một bước chuyển mới, họ đi từ đói kém sang bệ rạc. Ông giải thích thêm, sở dĩ có được kiểu chuyển mình không giống ai này là nhờ vào tiền đền bù chính sách lấy tiền nông dân bằng thủ thuật đề đóm rất ngọt của các tay tư bản đỏ và đầu gấu. Nghĩa là, kể từ ngày nhà nước giải tỏa đền bù, lấy đất của nhân dân làm lòng hồ thủy điện Hồi Xuân, thì bà con nông dân bắt đầu đổi đời, nhưng mà đổi theo chiều hướng xấu.
Nếu như trước đây, người nông dân quanh năm bữa đói bữa no bám lấy đám ruộng bậc thang, gồng lưng mà chịu nắng chịu mưa vào rừng hái củi, đào củ mài, đào cây nhân trần để bán thì từ lúc nhận tiền đền bù, một lượng tiền quá lớn đối với họ, có người cầm vài trăm triệu đồng trên tay mà rươm rướm nước mắt vì họ nghĩ rằng cuộc đời họ sẽ chẳng bao giờ có được số tiền như vậy. Và họ cũng không hề hay biết rằng kế sinh nhai của họ sẽ khép lại vĩnh viễn bởi đất đã bị lấy mất, không có nghề nghiệp, không có chữ nghĩa, không có cơ hội xin việc…
Cầm tiền chưa nóng tay thì mọi sự thay đổi. Ông Hà Trung Huấn, người Kinh, làm thầy giáo lâu năm ở đây chia sẻ thêm rằng do nắm được tâm lý bà con dân tộc thiểu số khốn khó, khi cầm tiền sẽ nghĩ cách để tiêu xài cho thỏa chí, những đầu nậu, những tay lừa bịp ở Hà Nội bắt đầu giở trò với bà con. Ban đầu, họ mang ti vi, tủ lạnh cũ, hàng phế thải dưới xuôi lên bán cho bà con. Có nhiều người mua chiếc tủ lạnh về rồi hình dung cách đặt nó giống như đặt chiếc quan tài, họ đặt chiếc tủ lạnh nằm ngửa, mỗi khi mở thì người ta lật nắp lên. Có không biết bao nhiêu tiền của bà con nghèo phải đổ vào mấy chiếc ti vi, tủ lạnh để rồi xài vài ngày, vài tuần đã hỏng.
Trò lừa đảo công khai của xã hội đen
Một phần bán đồ dỏm, một phần đưa rượu ngoại giả lên lừa bà con để bán, một phần, họ mượn những cuộc rượu để xúi bà con đánh số đề. Chẳng bao lâu sau ngày bà con dân tộc thiểu số, mà cụ thể là đồng bào Thái Trắng, nhận tiền đền bù đất, mọi ngôi làng chung quanh lòng hồ Thủy điện Hồi Xuân, từ huyện Quan Hóa cho đến Thường Xuân đều dính đến rượu chè, bia ôm và số đề. Ban đầu chơi ít, dần dần, có nhà mỗi ngày đánh đề với số tiền tương đương vài chỉ vàng. Và cũng không bao lâu sau đó, dân làng trắng tay vì thua đề, nợ nần các quán bia, nợ tiền mua rượu ở các đại lý, lại cùng nhau vào rừng hái củ, đi vác đá cho công trình, tương lai hoàn toàn mù mịt.
Tuấn, giáo viên ngoại ngữ trẻ người Kinh, dạy một trường phổ thông cơ sở ở Thường Xuân, chia sẻ thêm với chúng tôi rằng anh cảm thấy trong chuyện này, rõ ràng có bàn tay của nhà cầm quyền nhúng vào, ngay từ việc giải tỏa đền bù đất, họ đã trả tiền cho người Thái Trắng với mức giá quá rẻ bèo, một mét vuông dao động từ hai ngàn đồng đến năm ngàn đồng, mức giá mà một mét vuông đất chưa mua được một ổ bánh mì để ăn sáng. Rồi đến chuyện đầu nậu bán hàng dỏm, các nhà cái số đề và gái bia ôm lên đến tận trên vùng hẻo lánh này để hoạt động, làm sao ngành an ninh lại không biết đến. Theo như thầy giáo Tuấn nhận thấy, chỉ cần ai đó nói một câu báng bổ bác Hồ hoặc chống đối chế độ Cộng sản, mặc dù là nói nhỏ với nhau trong quán rượu cũng sẽ bị công an kêu lên xã, hù dọa, thậm chí bắt nhốt, đánh đập… Thì làm sao có chuyện cả một đám đầu nậu, gái bia ôm và nhà cái số đề đông đảo từ tít tận Hà Nội lên đây hoạt động trờ trờ ra đó mà công an không biết. Chỉ do họ phớt lờ đi thôi, không chừng sẽ có chung chi, chia lãi với nhau giữa đám giang hồ và công an. Thầy Tuấn còn nói rằng mình thấy lạ ở chỗ khi bà con phá sản, đói rách và túng quẫn, bệ rạc thì nhà các quan chức đại phương lại xây dựng khang trang ra, có người sắm xe hơi. Chuyện này rất vô lý nhưng khó nói.
Lúc chúng tôi đến huyện Thường Xuân, đồng hồ đã chỉ sang 12h trưa, xóm vắng vẻ, chỉ có người già và trẻ con. Đi mãi đến cuối xóm, gặp một đại lý bán tạp hóa, chúng tôi ghé vào ngồi uống nước và hỏi thăm, người chủ đại lý tên Thùy, 32 tuổi, người hà Nội mới lên đây chưa đầy hai năm, chị cho biết là dân ở đây nợ chị quá nhiều, ngập sổ rồi, có nhiều nhà không còn khả năng thanh toán nợ, phải vào rừng đào rễ cây mật nhân đi bán, mỗi ngày trả góp cho chị từ 20 ngàn đồng đến 50 ngàn đồng. Với kiều trả nợ như thế này, chắc phải hai mươi năm sau họ mới trả hết nợ, đó là chưa nói đến chuyện hiện nay họ vẫn phải mua gạo nợ gối đầu, biết là khó lấy nợ nhưng phải bán chịu gạo cho họ ăn, có ăn mới no bụng mà vào rừng hái củ và ra công trường vác đá kiếm tiền về trả nợ cho Thùy được.
Bốn giờ chiều, sau một buổi lang thang dưới cái nắng đổ lửa, chúng tôi ghé vào thăm một gia đình người Thái Trắng, chủ nhà nói tiếng Kinh tương đối rõ, anh cho biết cả nhà anh vừa mới về đến nhà, hôm nay con trai đầu lòng anh đào được khá nhiều củ mật nhân, bán hết thảy có thể kiếm được chừng 120 ngàn đồng, như vậy, sau khi trả bớt nợ, anh còn được 20 ngàn đồng để mua sắm một số thứ cần thiết cho gia đình. Khi nghe chúng tôi hỏi trước đây anh nhận tiền đền bù đất được bao nhiêu, anh buồn rầu trả lời: Bảy trăm triệu đồng, cả chục hec ta rừng trồng cây luồng và tỉa bắp, bây giờ không còn gì nữa, làm được ngày nào thì ăn ngày đó!
Nhìn bữa ăn của gia đình người Thái Trắng này, nó cũng giồng như nhiều bữa ăn khác của những gia đình Thái Trắng khác mà chúng tôi gặp ở Mường Lát, Quan Hóa, Ngọc Lặc, Lang Chánh… Một nồi cơm độn sắn lát, một bát cà rừng và một chén mắm chuột để chấm cà, chúng tôi chỉ biết ứa nước mắt nhìn đồng loại nuốt cơm! Cách chỗ khốn khổ này không xa, là những nhà hàng ứ hự rượu bia của các quan chức và những chi cục thuế xây cao chót vót, khang trang, đầy đủ tiện nghi.
No comments:
Post a Comment