Đúng năm tháng sau khi trở lại làm Thủ tướng Nhật Bản lần thứ nhì, ông Shinzo Abe đạt một số thành tích kinh tế có thể lấy trớn cho một chương trình cải cách rộng lớn hơn trong thời gian tới. Việc cải cách ấy gồm những gì, Diễn đàn Kinh tế sẽ tìm hiểu qua phần trao đổi với chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa do Vũ Hoàng thực hiện sau đây.
“Hiệu ứng Abe”
Vũ Hoàng: Xin kính chào ông Nghĩa. Thưa ông, Tháng Chín năm 2007, Thủ tướng Shinzo Abe của Nhật Bản bất ngờ từ chức sau đúng một năm cầm quyền. Lý do chính thức là vì sức khoẻ mà lý do thực tế có thể là sự bất lực trước những ách tắc quá sâu rộng trong hệ thống kinh tế và chính trị của nước Nhật. Thế rồi, sáu tháng trước đây, ông Abe tái xuất hiện như lãnh tụ sáng giá của đảng Tự do Dân chủ với một đề nghị cải cách táo bạo và thắng cử vẻ vang tại Hạ viện Nhật để làm Thủ tướng từ hôm 26 Tháng 12 năm ngoái. Năm tháng sau, một số biện pháp của Nội các Abe đã đạt kết quả ngoạn mục nên chúng tôi xin đề nghị ông trình bày tiếp xem là ông Abe sẽ còn phải thực thi những dự án cải cách nào nữa, với hậu quả sẽ ra sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Trước hết về bối cảnh của "hiệu ứng Abe" hay chính sách kinh tế kiểu Abe mà quốc tế gọi là "Abenomics", ta nên nhớ lại vài điều u ám sau đây. Khi Nhật Bản bị bể bóng đầu tư cổ phiếu và địa ốc năm 1989 rồi kinh tế sa sút từ năm 1991 thì trong 22 năm, sản lượng thực tế của họ không tăng, kinh tế suy trầm bảy lần và 15 Thủ tướng đã thay nhau cầm quyền mà không có giải pháp thích ứng. Suốt 13 năm qua, lãi suất tại Nhật nằm ở số không, kinh tế giảm phát, hàng họ xuống giá mà bán không chạy, nay gánh công trái đã lên tới 240% Tổng sản lượng. Đã vậy, dân số Nhật bị lão hóa nên mỗi năm số người tham gia sản xuất giảm 1%....
Đấy là lúc ông Shinzo Abe đem lại tia hy vọng cho dân Nhật với một kế hoạch lớn lao trong tinh thần đầy vẻ Minh Trị Thiên Hoàng vào thế kỷ 19, là "nước giàu, quân mạnh".
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Tình trạng sa sút ấy gây thất vọng cho người dân ở bên trong. Bên ngoài thì Nhật gặp mâu thuẫn nặng với Trung Quốc vì tranh chấp chủ quyền trên một quần đảo nhỏ là Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Đấy là lúc ông Shinzo Abe đem lại tia hy vọng cho dân Nhật với một kế hoạch lớn lao trong tinh thần đầy vẻ Minh Trị Thiên Hoàng vào thế kỷ 19, là "nước giàu, quân mạnh". Tức là phải phục hồi kinh tế và xây dựng lại sức mạnh cho nước Nhật.
Vũ Hoàng: Thưa ông, mới nhậm chức chưa đầy nửa năm, ông Abe đã đạt thành tích kinh tế đáng kể và có một tỷ lệ hậu thuẫn rất cao là hơn 70%. Nhờ đâu mà được như vậy?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Chương trình kinh tế Abe được coi như cái nỏ liên châu bắn ra ba mũi tên, là thứ nhất tăng chi để nâng mức đầu tư trong các dự án xây dựng, thứ hai là bơm thêm tiền vào kinh tế để đẩy lui nạn giảm phát và đạt mức tăng trưởng cao hơn. Mũi tên thứ ba mới quan trọng, là cải tổ cơ chế kinh tế và cả xã hội để kéo xứ sở ra khỏi hai chục năm trì trệ và lụn bại.
Thật ra, mũi tên thứ nhì là biện pháp tiền tệ liều lĩnh của Chính quyền Abe và tân Thống đốc Ngân hàng Trung ương mới chỉ được công bố hôm mùng bốn tháng trước. Cho nên, đáng chú ý ở đây là tinh thần phấn khởi của thị trường và của người dân. Nó đã có trớn từ cuối năm ngoái.
Về những thành tích mới sau một giai đoạn u ám kéo dài thì sản lượng kinh tế của ba tháng đầu năm tăng 0,9%, là gấp ba quý trước, quy ra toàn năm thì tăng trưởng được 3,5%. Thứ hai, 60% lực đẩy của đà tăng trưởng ấy lại đến từ sức tiêu thụ, xưa nay vốn dĩ èo uột vì dân Nhật không dám chi tiêu nên kinh tế mới bị giảm phát. Thứ ba, vì lượng tiền lớn lao dự tính bơm ra để nhân đôi khối tiền tệ lưu hành và đạt chỉ tiêu lạm phát là 2%, nên đồng Yen sụt giá mạnh so với các ngoại tệ khác. Nó góp phần nâng cao số xuất khẩu và nhất là mức lời của doanh nghiệp Nhật. Nhờ vậy, chỉ số Nikkei của cổ phiếu Nhật đã tăng đến 70% so với Tháng 11 năm ngoái.
Vũ Hoàng: Một cách đơn giản mà dễ hiểu thì ông giải thích thế nào về những thành tích này?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Nói nôm na là khi kinh tế bị giảm phát và hàng họ mất giá đều cỡ 0,2% mỗi năm trong 13 năm qua, Chính phủ Nhật báo trước là sẽ ào ạt bơm tiền, có thể bằng 220 tỷ đô la mỗi tháng, để đạt cho được mức lạm phát là 2% một năm. Không chỉ dọa người dân là phải tiêu tiền trước khi có lạm phát, chính quyền còn đòi đánh thuế tiền tiết kiệm của tư nhân và doanh nghiệp, mục đích là khuyến khích đầu tư và tiêu thụ hầu kích hoạt nền kinh tế đình đọng.
Động lượng thứ hai là bơm tiền như vậy thì sẽ làm đồng Yen mất giá, và thực tế thì đã sụt 30% so với Mỹ kim và 37% so với đồng Euro. Đó là chủ trương "Enyasu", tức là "đồngYen rẻ". Theo nhật báo chuyên đề kinh doanh của Nhật là tờ Nihon Keizai thì mỗi khi đồng Yen sụt một đơn vị so với đồng đô la, giả dụ từ 99 đồng thì phải trăm đồng mới đổi được một đô la Mỹ, thì doanh lợi của 30 công ty xuất khẩu lớn nhất của Nhật tăng được hai tỷ bảy đô la nhờ xuất khẩu. Nghĩa là nhiều doanh nghiệp Nhật vừa thắng lớn trong mấy tháng qua và thổi lên niềm hy vọng.
Vượt thành trì bảo thủ
Vũ Hoàng: Bây giờ, ta nhìn qua "mũi tên thứ ba" là dự tính cải cách rộng lớn mà ông Abe muốn tiến hành. Thưa ông, dự tính ấy là những gì?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Kinh tế và xã hội Nhật bị trì trệ trong sự xơ cứng của hệ thống chính trị, bộ máy hành chính công quyền và các doanh nghiệp, trước lực cản của các nhóm lợi ích. Đấy là một nét văn hóa đặc thù của Nhật.
Sau khi đạt một số thành tích nhờ đó hy vọng thắng cử tại Thượng viện vào Tháng Bảy tới để có đa số rất mạnh ở cả hai viện trên dưới, Chính quyền Abe mong có đủ hậu thuẫn để vượt sức cản của nhiều thành trì bảo thủ, đó là nội dung cải cách sắp tới. Sau đây là một vài hướng chính.
Thứ nhất là cải cách nông nghiệp và điền địa. Nông gia Nhật là thế lực chính trị xưa nay vẫn ủng hộ đảng Tự do Dân chủ để duy trì chế độ bảo hộ mậu dịch, hạn chế nhập khẩu nông sản và chi phối cả quyền sử dụng đất canh tác. Với hậu thuẫn của ngành công nghiệp, ông Abe trù tính sửa đổi tình trạng này nên mới chủ trương tham gia vào Hiệp định Đối tác Kinh tế và Chiến lược Xuyên Thái Bình Dương, mà ta hay gọi tắt là TPP. Nếu thành hình thì đây là một bước đột phá rất lớn và tăng cường vai trò quốc tế của Nhật trong vùng Thái Bình Dương, đối diện với một Trung Quốc vẫn đứng ngoài vì vị trí chủ đạo của khu vực quốc doanh.
Khi cải cách thì thể nào nhà nước cũng đem lại mối lợi cho thành phần này mà gây thiệt hại cho thành phần khác. Vì vậy, phải nhìn chuyện lợi và hại của cải cách trên tổng thể.
-Nguyễn-Xuân Nghĩa
Thứ hai là cải tổ chế độ lao động để nâng sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Vì dân số sa sút, Nhật chỉ có tương lai nhờ cải tiến năng suất nhưng doanh nghiệp bị kẹt vì sức cản của công đoàn nên không thể sa thải nhân viên toàn thời. Nếp văn hóa Nhật là bảo đảm việc làm toàn thời và suốt đời cho một lực lượng lao động còm cõi là một điều phải sửa đổi, mà không dễ. Thủ tướng Abe phải giải phóng thị trường lao động thì Nhật mới có được năng suất ngang bằng với các nền kinh tế mạnh.
Thứ ba là hệ thống bán lẻ của Nhật, xưa nay vẫn là loại cửa hàng nhỏ của các hộ gia đình với một chu trình phân phối và tiếp liệu phức tạp và kém hiệu năng và chỉ tồn tại là nhờ trợ cấp, biện pháp thuế khóa lẫn luật lệ quy hoạch có mục tiêu bảo vệ và loại bỏ cạnh tranh. Hệ thống ấy cũng đánh sụt năng suất trong ngành bán lẻ. Doanh nghiệp nào muốn vào thị trường đó ở các địa phương phải được hai phần ba cư dân sở tại đồng ý nên kinh tế địa phương khó phát triển.
Ngoài ra, còn nhiều lĩnh vực khác cũng phải được tái cơ cấu, như cải tổ quyền sử dụng đất, quy hoạch về xây cất cho yêu cầu gia cư, hoặc hệ thống dịch vụ y tế quá rườm rà, hay cải tổ thuế vụ và giải tỏa hành chính, v.v.... Nói chung, đây là loại vấn đề lưu cữu từ mấy chục năm mà không giải quyết nổi, chứ không là sáng kiến riêng của ông Abe.
Vũ Hoàng: Mới chỉ phác họa vài nét thì mình đã thấy đủ loại trở ngại về kinh tế, xã hội, chính trị và cả văn hóa. Thưa ông, nếu vậy thì Chính quyền Nhật có hy vọng cải cách được không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin được nêu ra một quy tắc chung ở mọi nơi và vào mọi hoàn cảnh. Khi cải cách thì thể nào nhà nước cũng đem lại mối lợi cho thành phần này mà gây thiệt hại cho thành phần khác. Vì vậy, phải nhìn chuyện lợi và hại của cải cách trên tổng thể, cho cả quốc gia và xã hội chứ không thể chỉ lo cho thành phần thân hữu của mình.
Rút kinh nghiệm của một vị tiền nhiệm có nỗ lực cải cách là Thủ tướng Junichiro Koizumi từ 2001 đến 2006, tôi thiển nghĩ rằng ông Abe có thể tiến từng bước, mỗi bước lại tranh thủ được hậu thuẫn của một số thành phần có lợi nhờ việc cải cách, để cuối cùng thì đem lại kết quả chung là mối lợi cho cả quốc gia.
Yếu tố hy vọng thứ hai là thắng lợi kinh tế ở bên ngoài cũng huy động được sự ủng hộ chính trị ở bên trong. Ta thấy ra điều ấy khi Thủ tướng Abe vượt qua mâu thuẫn với Liên bang Nga về chủ quyền trên các quần đảo Kurils ở mạn Bắc để tìm cách hợp tác với Nga về năng lượng. Chính quyền Abe còn chủ động mở ra kế hoạch yểm trợ Hiệp hội ASEAN vào đầu tháng này để vừa tranh thủ quyền lợi vừa tăng cường vai trò quốc tế của Nhật trước sự bành trướng của Trung Quốc. Có lẽ chính thái độ hung hăng của Bắc Kinh lại mặc nhiên củng cố tư thế của Thủ tướng Nhật và giúp ông có hy vọng thành công.
Vũ Hoàng: Câu hỏi cuối thưa ông, kết quả của nỗ lực cải cách này sẽ là những gì cho các xứ khác, kể cả Việt Nam?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Như trong mọi chuyện ở đời, ta đều có thể thấy ra hai mặt lợi và hại.
Ngay trước mắt là trong một vài năm, đồng Yen Nhật có thể còn sụt giá nữa nếu so với đô la, và đấy một là yếu tố bất ổn nữa. Rồi sức cạnh tranh của Nhật nhờ hàng bán rẻ có thể gây sức ép mậu dịch cho các nước Á Châu như Nam Hàn, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam lẫn Trung Quốc. Thứ nữa, tư bản Nhật sẽ chảy rất mạnh ra ngoài dưới dạng đầu tư và tín dụng. Nếu luồng tư bản đó có yểm trợ sản xuất thì cũng dễ thổi lên bong bóng. Mà nếu thoái trào vì khó khăn ở bên trong xứ Nhật thì lại dẫn tới khủng hoảng như các nước Đông Á đã từng bị vào năm 1997.
Vì vậy, thuần về kinh tế thì sự xoay chuyển của Nhật Bản sẽ là bài toán quản lý vĩ mô khác cho Việt Nam do những bất ổn trước mặt. Nhưng ngược lại, nếu Chính quyền Nhật thành công và hiệp định Xuyên Thái Bình Dương thành hình vào cuối năm tới thì đây là cơ hội tốt đẹp hơn cho Việt Nam, kể cả về kinh tế lẫn chiến lược, nếu Việt Nam cũng kịp thời cải cách.
Vũ Hoàng: Xin cảm tạ ông Nghĩa về cuộc trao đổi này.
No comments:
Post a Comment