Cập nhật: 10:33 GMT - thứ năm, 23 tháng 5, 2013
Việc phát hiện lượng catmi (cadmium) tới mức độc hại trong gạo bán tại thành phố Quảng Châu ở miền Nam Trung Quốc, vụ mới nhất trong một loạt các bê bối liên quan tới thực phẩm, đang làm gia tăng thêm áp lực đối với Trung Quốc phải làm sửa đổi các dây chuyền thực phẩm của nước này.
Đảng Cộng sản cầm quyền từ lâu vẫn hứa quyết tâm đảm bảo ít nhất tự cung tự cấp được 95% nhu cầu lương thực trong nước bất chấp như cầu gia tăng và quá trình đô thị hóa nhanh và lớn nhất trong lịch sử nước này đang cướp đi đất cấy trồng.
Chủ đề liên quan
Điều đó dẫn tới việc nhắm vào số lượng hơn là chất lượng - làm sao đảm bảo năng suất thu hoạch cao thậm chí từ đất bị ô nhiễm do chất thải công nghiệp và được tưới tiêu bằng nước không phù hợp cho thực phẩm của con người.
"Trung Quốc có dân số rất lớn và chúng tôi thường đứng trước tình trạng thiếu lương thực vì thế chính phủ tập trung vào số lượng," ông Lý Quốc Tường, một nhà nghiên cứu làm việc tại Viện Phát triển Nông thôn thuộc Viện hàn lâm Khoa học Xã hội Trung Quốc.
Nhưng an toàn thực phầm đang trở thành lo ngại lớn hơn so với vấn đề an ninh lương thực sau một loạt những vụ bê bối, từ sữa có chất melamine tới gạo và rau quả nhiễm kim loại nặng.
Tăng nhập khẩu?
"Số lượng vẫn là một điều kiện tiên quyết nhưng chính phủ nay đặt nhiều nỗ lực vào an toàn thực phẩm và nhập khẩu thực phẩm chất lượng cao chắc chắn sẽ gia tăng."
Lý Quốc Tường, nghiên cứu gia, Viện Phát triển Nông thôn TQ
Chính phủ Trung Quốc, trước áp lực ngày càng gia tăng của dân chúng và phải đương đầu với các cuộc biểu tình chống ô nhiễm, đã hứa sẽ đảo ngược một số thiệt hại tới môi trường do ba thập niên phát triển công nghiệp với tốc độ chóng mặt gây ra.
Thế nhưng phạm vi của vấn đề là rất lớn, đặc biệt vào khi Trung Quốc đang tìm cách duy trì tăng trưởng kinh tế, tìm công ăn việc làm cho hàng triệu người dân mới tới thành phố kiếm sống và đảm bảo rằng chỉ với diện tích bằng 9% đất trên thế giới có thể nuôi đủ số dân chiếm một phần năm dân số thế giới.
"Số lượng vẫn là một điều kiện tiên quyết nhưng chính phủ nay đặt nhiều nỗ lực vào an toàn thực phẩm và nhập khẩu thực phẩm chất lượng cao chắc chắn sẽ gia tăng," ông Lý nói.
"Người ta sẽ nhận ra rằng tăng nhập khẩu lương thực có lợi hơn là có hại và mọi thứ sẽ chuyển sang hướng đó."
Trung Quốc đã là nước nhập khẩu đậu tương lớn nhất thế giới sau khi có quyết định chiến lược chuyển sản xuất sang chủ yếu cho Hoa Kỳ. Một số dự đoán là chính phủ Trung Quốc có thể sẽ làm tương tự với các sản phẩm khác cũng cần sử dụng tới đất đai như nuôi bò lấy thịt - một quyết định sẽ có thể có lợi cho các nhà sản xuất lớn sản phẩm này như Úc.
Trong khi tiếp tục quyết hứa sẽ duy trì việc tự cung tự cấp các nông sản chính, nhập khẩu gạo và ngô được cho là sẽ lên mức kỷ lụac trong năm nay, theo dự báo của Bộ Nông nghiệp Mỹ. Nhập khẩu lúa mạch cũng được thấy lên gần tới mức kỷ lục.
No comments:
Post a Comment