Truyền thông Việt nam lại lên tiếng về vấn nạn chạy trường lớp và tham nhũng trong giáo dục. Kính Hòa có cuộc trò chuyện với ông Trần Hữu Dũng, nguyên Giáo sư kinh tế Đại Học Dayton, Ohio, Hoa Kỳ về vấn đề này. Giáo sư Trần Hữu Dũng có trang thông tin Viet-studies dẫn nhiều tin tức về tình hình kinh tế xã hội Việt Nam. Vừa qua Giáo sư cũng có tham gia một cuộc thảo luận về xã hội hóa giáo dục do thời báo kinh tế Sài gòn tổ chức.
Quá ít trường tốt
Kính Hòa: Thưa Giáo sư, vừa qua truyền thông Việt Nam có đưa tin là để có thể vào một trường tiểu học danh tiếng thì phải tốn khoảng 3.000 đô la. Câu hỏi đầu tiên xin đặt ra cho Giáo sư là Giáo sư là hình như vấn đề này đã được đặt ra từ rất lâu nhưng chưa thấy có lối ra, một người quan tâm nhiều đến giáo dục Việt Nam có nhận định gì về việc này?
Vì cha mẹ thì ai cũng muốn con mình học trường tốt, mà trường tốt thì ít quá, nên phải chạy, đứng về mặt xã hội thì nó không công bình nhưng mà cá nhân thì nó như thế.
-GS Trần Hữu Dũng
GS Trần Hữu Dũng: Tôi nghĩ đó là một chuyện bình thường trong xã hội như Việt Nam vì cha mẹ thì ai cũng muốn con mình học trường tốt, mà trường tốt thì ít quá, nên phải chạy, đứng về mặt xã hội thì nó không công bình nhưng mà cá nhân thì nó như thế. Nếu tôi mà ở Việt Nam thì chắc tôi cũng chạy. Đứng về phương diện cá nhân thì không thể trách họ làm như vậy được.
Kính Hòa: Thưa Giáo sư khi chúng ta nhìn trên toàn xã hội thì nó sinh ra nhiều vấn đề như vấn đề về đạo đức, rồi sự xáo trộn trong cách tổ chức trường lớp… công luận cũng như từ phía nhà nước Việt Nam cũng nói rằng đây là vấn đề cần phải giải quyết nhưng tại sao không thể giải quyết được trong chừng ấy năm?
GS Trần Hữu Dũng: Nó ngày càng tệ hơn, cái nguyên nhân nó là cả một thể chế chứ không phải duy nhất giáo dục, nhìn trên toàn xã hội có cả các vấn đề giao thông, rồi y tế… Giáo dục chỉ là một mảnh của xã hội thôi, nó không thể tránh được. Thực trạng là như thế.
Kính Hòa: Cũng có ý kiến cho rằng do cái mà ở Việt nam hay gọi là bệnh thành tích, tạo nên một sự hiếm hoi các trường tốt, thưa giáo sư?
GS Trần Hữu Dũng: Nếu mình dùng luật cung cầu của kinh tế thì nếu mà tăng số trường tốt lên thì giá nó sẽ giảm xuống thôi. Cái lỗi cụ thể của nhà nước là có quá ít trường tốt, còn thì là tệ và quá tệ.
Kính Hòa: Vậy thì câu hỏi kế tiếp sẽ là làm cách nào để tăng số trường tốt lên thưa Giáo sư?
GS Trần Hữu Dũng: Tôi nghĩ là chế độ hiện giờ thì mặc dù họ nói quan tâm đến giáo dục nhưng họ chỉ quan tâm đến cá nhân chức vụ thôi. Nếu họ thực tâm dẹp bỏ lợi ích cá nhân của mình thì có thể khá hơn.
Cần một cuộc cách mạng
Kính Hòa: Thưa nhà nước Việt Nam mang tên là xã hội chủ nghĩa, tức là về nguyên tắc phải tạo phúc lợi cho số đông, nhưng do cơ chế thế nào đó mà rõ ràng là giáo dục không phải là phúc lợi cho số đông phải không thưa giáo sư?
GS Trần Hữu Dũng: Vâng tôi nghĩ như vậy. Ai thì cũng nói hay, mà tôi cho là họ cũng thực sự tin rằng họ đang làm điều lợi cho xã hội, nhưng thực tế không phải như vậy. Mà tôi cũng có nói nhiều lần, con cái họ đưa ra nước ngoài học cả, thì đâu quan tâm đến con cái những người thấp cổ bé miệng nữa.
Phải có sự thay đổi toàn diện, phải có một sự sáng suốt, một sự can đảm. Nếu một hay hai người cấp trên thì cũng không làm gì được, vì cả tập thể là như vậy.
-GS Trần Hữu Dũng
Kính Hòa: Vậy thì phải chăng là phải có một cải cách sâu rộng liên quan đến nền tảng của xã hội, đến thể chế?
GS Trần Hữu Dũng: Vâng tôi nghĩ như vậy, từ trên xuống dưới, vì tất cả dính liền với nhau. Cái tư duy của những người lãnh đạo, nói người lãnh đạo thì có vẻ hẹp hòi quá, mà là thành phần ưu tú ngày càng tư lợi.
Kính Hòa: Vậy thì có phải chăng là, nếu ta có thể nói, sự suy thoái của thành phần ưu tú là do cái thể chế chính trị không tạo điều kiện cho một sự cạnh tranh để quần chúng bên dưới tuyển chọn cho mình những thành phần ưu tú?
GS Trần Hữu Dũng: Cũng có thể nghĩ như vậy. Ưu tiên của họ là nắm quyền càng lâu càng tốt, mà họ cũng thực tâm nghĩ là chỉ có họ mới cứu vãn được nước Việt nam thôi. Họ nghĩ rằng họ là cứu tinh của dân tộc, đó là cách biện minh của họ.
Kính Hòa: Như vậy thì vấn đề chạy trường chạy lớp mà chúng ta cứ khơi lại mỗi năm tựu chung lại cũng chỉ là vấn đề thể chế, mà phải cần có một cải cách một quyết tâm chính trị sâu sắc để có thể làm thay đổi?
GS Trần Hữu Dũng: Đúng rồi đó, tôi muốn dùng từ cách mạng dù cái từ cách mạng nó bị lạm dụng nhiều quá, nhưng mà phải có sự thay đổi toàn diện. Phải có một sự sáng suốt, một sự can đảm. Nếu một hay hai người cấp trên thì cũng không làm gì được, vì cả tập thể là như vậy, cho nên tôi không đổ lỗi cho ông nào cả, giả sử như tôi có làm Bộ trưởng thì tôi cũng chẳng làm gì được.
Kính Hòa: Xin cám ơn Giáo sư đã dành thì giờ cho buổi trao đổi ngày hôm nay.
No comments:
Post a Comment