Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, October 18, 2013

Việt Nam xúc tiến tham vọng hạt nhân bất chấp quan ngại về an toàn


VOA - Việt Nam xúc tiến chương trình năng lượng hạt nhân dân sự mang tính tham vọng nhất ở khu vực Đông Nam Á bất chấp các quan ngại về an toàn kỹ thuật sau thảm họa hạt nhân 2011 ở Nhật Bản, theo một bài phân tích của AP ngày 17/10. 

Bài viết nói các doanh nghiệp nước ngoài và các công ty quốc doanh Việt Nam đang cạnh tranh để bước chân vào ngành công nghiệp trị giá ước tính có thể lên đến 50 tỷ đô la vào năm 2030.

Các kế hoạch hạt nhân dân sự của Việt Nam tuần qua được thúc đẩy bởi thỏa thuận với Hoa Kỳ cho phép các công ty Mỹ phát triển năng lượng hạt nhân dân sự tại Việt Nam.

Một khi Tổng thống Mỹ và các giới chức năng lượng hàng đầu của Mỹ ký vào Thỏa thuận 123, Quốc hội Hoa Kỳ có 3 tháng để quyết định thông qua hay không.

Sau lễ ký thỏa thuận với Việt Nam hồi tuần trước tại Brunei, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói ở khu vực Đông Á, Việt Nam là thị trường lớn thứ nhì chỉ sau Trung Quốc về năng lượng hạt nhân.

Ngành điện lực Việt Nam bị thống trị bởi công ty điện lực quốc doanh và các chi nhánh hoạt động không hiệu quả và đầy nợ nần. 

Việt Nam đang dự tính xây 7 nhà máy hạt nhân trong vài năm tới để đối phó với các khó khăn về năng lượng sau nhiều năm thiếu đầu tư.

Ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam. 

Tuy nhiên, ngày khởi công xây dựng 2 nhà máy đầu tiên bị đình hoãn 3 năm, từ 2014 thành 2017, theo ông Vương Hữu Tấn, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam trong một cuộc phỏng vấn với AP mới đây.

Thảm họa hạt nhân ở Nhật cũng là một nguyên nhân làm trì hoãn các kế hoạch của Việt Nam.

Một cuộc nghiên cứu hồi năm 2011 do 3 khoa học gia thuộc các viện nghiên cứu của Italy thực hiện nói rằng đường duyên hải Việt Nam có nguy cơ dễ bị ảnh hưởng bởi các đợt sóng thần do động đất gây ra xuất phát từ vùng viễn đông ở Biển Đông. 

Cuộc nghiên cứu cho thấy Ninh Thuận, nơi Việt Nam dự tính xây lò phản ứng hạt nhân đầu tiên, và một vài tỉnh lân cận nằm trong các vùng dễ bị tác hại nhất trước các ảnh hưởng của sóng biển.

Tuy nhiên, Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam nói Việt Nam cần phải có các nhà máy này để bảo đảm nguồn cung ứng năng lượng cho quốc gia vì các nguồn năng lượng khác không đủ. Ông Tấn khẳng định an toàn là ưu tiên hàng đầu và các nhà máy hạt nhân của Việt Nam sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn quốc tế.

Phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Việt Nam, Lương Thanh Nghị, ngày 16/10 tuyên bố: “Chính sách nhất quán của Việt Nam là sử dụng năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình và có trách nhiệm, bảo đảm an toàn, an ninh và không phổ biến vũ khí hạt nhân.”

Vẫn theo bài viết của AP, một lý do khiến Việt Nam không nao núng trong kế hoạch xây dựng các nhà máy điện hạt nhân là vì chính phủ có thể xúc tiến mà không phải lo ngại về ý kiến quần chúng. Tại Việt Nam, đảng cộng sản kiểm soát tất cả truyền thông nội địa và cấm dân chỉ trích về các hoạt động của nhà nước.

Điều này trái ngược với các nước khác trong cùng khu vực như Malaysia, Indonesia, hay Philipines, nơi mà các dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân dân sự bị trở ngại khi gặp phải sự phản đối mạnh mẽ từ dân chúng.

Nguồn: AP, FOXnews, Vietnam MOFA.

No comments:

Post a Comment