Hiện tượng cán bộ nhà nước ăn xài phung phí và cư xử xem thường luật pháp được bàn đến nhiều lần. Gần đây nhất là một viên Tổng giám đốc khi đi chơi trò chơi golf đắt tiền đã hành hung nhân viên sân golf.
Đạo đức sa sút
Sự việc làm xôn xao báo giới trong nước trong vài ngày qua là chuyện ông Nguyễn Đức Sơn, tổng giám đốc một công ty của nhà nước về Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội, khi đi chơi golf đã dùng gậy đánh nhân viên sân golf bị thương. Sau đó ông Sơn đã bị sân golf Tam đảo cấm chơi một tháng.
Theo điều tra của báo Sài Gòn Tiếp Thị thì ông Nguyễn Đức Sơn có mức lương là tám triệu đồng một tháng, và doanh thu của công ty ông đều nộp vào ngân sách nhà nước.
Trong khi đó chi phí chơi golf tại sân Tam Đảo nếu không phải là hội viên là 82 đô la Mỹ một lần tức là vào khoảng một triệu rưỡi tiền Việt Nam. Ông Sơn cho báo chí biết là ông đi chơi golf mỗi tuần từ một đến hai lần.
Như vậy số lương ông Sơn lãnh hàng tháng xem như được tiêu trọn vào việc chơi golf. Ông Sơn cũng cho rằng nhiều công chức vùng Hà Nội cũng chơi golf như ông vì bây giờ đây là trò chơi rất phổ biến.
Đây là doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp của chính quyền địa phương, tôi nghĩ chuyện đấy bộc lộ lên toàn bộ sự thối rữa của hệ thống này.
-TS Nguyễn Quang A
Công luận có vẻ sẽ chú ý đến hai việc. Thứ nhất là tiền từ đâu mà các công chức như ông Sơn có để dùng vào việc chơi trò đắt tiền này. Việc thứ hai là việc cư xử của các viên chức này trong hành vi phạm pháp xúc phạm than thể con người như vụ việc vừa nêu.
Cách đây không lâu báo chí Việt Nam đưa tin việc những giám đốc các công ty công ích ở TP HCM có lương lên đến 2,6 tỉ đồng một năm, tức là hơn 100.000 đô la Mỹ.
Đây có lẽ là một trong những vụ việc rất hiếm hoi mà số tiền thu nhập của các viên chức nhà nước được ghi trong giấy tờ với số cao như vậy. Từ lâu ở Việt Nam đã có những cặp khái niệm đi song hành với nhau để chỉ việc thu nhập của quan chức, như Bổng - Lộc, Lương - Lậu, ý nói rằng khoản tiền lương trên giấy tờ chỉ có tính tượng trưng, còn thu nhập thực sự đến từ nhiều nguồn khác nhau, và những nguồn gốc khác nhau đó không thể công khai được vì nó bất hợp pháp.
Một cô nhân viên kinh doanh trẻ của một công ty tư nhân nói với chúng tôi về sự việc này như sau:
“Vấn đề cán bộ nhà nước ở Việt Nam tiêu xài quá đáng như vậy không có lạ. Những cán bộ đó có cái thế và có nhiều tiền. Họ không sợ dư luận hay gì cả, mà điều đó dường như là một sự hiển nhiên của xã hội Việt Nam mình.”
Nói về hành vi đạo đức của những người nhiều tiền của trong xã hội hiện nay, một nhà sư từ TP HCM nói với chúng tôi:
“Sự sa sút đạo đức trong xã hội có nhiều mặt, nhiều khía cạnh. Bỗng dưng có nhiều tiền mà không hiểu giá trị mồ hôi xương máu của đồng tiền thế nào rồi ăn xài phung phí mất đạo đức đi, đó là một vấn đề nhức nhối.”
Khi đề cập đến thu nhập quá cao như vậy của các công chức nhà nước, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nguyên viện trưởng Viện IDS một tổ chức Think Tank độc lập đã tự giải thể nói:
“Nếu là một công ty tư nhân thì khỏi phải bàn cãi về lương bổng của lãnh đạo. Họ làm hiệu quả lương họ cao, lương cao quá mà hoạt động không được thì họ phá sản. Nhưng đây là doanh nghiệp công ích, doanh nghiệp của chính quyền địa phương, tôi nghĩ chuyện đấy bộc lộ lên toàn bộ sự thối rữa của hệ thống này.”
Cái trục trặc của cả hệ thống mà tiến sĩ Quang A vừa đề cập trở nên nghiêm trọng hơn khi những người thuộc thế hệ trẻ như cô nhân viên kinh doanh mà chúng tôi hỏi chuyện trên kia cho rằng điều đó đã trở thành bình thường trong xã hội Việt Nam.
Một giai cấp mới
Đất nước đang bị kiềm hãm rất nhiều, thiếu dân chủ trong vấn đề chọn lựa nhân sự, thiếu dân chủ trong lúc thực thi quyền lực cho nên mới kéo tới tình trạng thê thảm hiện nay.
-GS Nguyễn Đăng Hưng
Công ty mà ông Nguyễn Đức Sơn làm Tổng giám đốc đảm nhiệm những công việc rất cao cả. Đó là: nhà ở cho người thu nhập thấp, người thuộc diện chính sách, người có công với cách mạng, nhà ở phục vụ công nhân, học sinh, sinh viên. Tức là những mục tiêu xã hội chủ nghĩa mà đảng cộng sản Việt Nam lúc nào cũng tuyên bố là mình phục vụ dưới bóng cờ công nông của họ.
Nhưng thực sự là đã hình thành một giai cấp mới gồm có nhiều người như ông Sơn, thuộc đảng lãnh đạo, xem việc người khác phục vụ mình là đương nhiên và mình có quyền xâm hại đến những người thấp cổ bé họng hơn mà không bị trừng phạt. Cô nhân viên trẻ tuổi nói tiếp:
“Những người đó họ có thế, họ nhìn những người bình thường, những nhân viên mà họ gặp là những người phải phục vụ họ tối đa. Họ có thể bức hiếp xâm hại mà những người kia khó có thể nào đòi lại được công bằng.”
Sự sa sút đạo đức trên nhiều mặt như lời nhà sư, trong một bối cảnh thu nhập cao không rõ ràng của quan chức và sự xem thường pháp luật của họ, đã thực sự trở nên đáng lo ngại vì nó đã trở nên những điều bình thường.
Trả lời đài Á châu tự do nhân dịp tuyên bố thành lập diễn đàn xã hội dân sự của các nhân sĩ trí thức và nhiều tầng lớp khác vừa xảy ra cách đây vài này, Giáo sư Nguyễn Đăng Hưng, một nhà khoa học Việt kiều hồi hương, nói:
“Đất nước đang bị kiềm hãm rất nhiều, thiếu dân chủ trong vấn đề chọn lựa nhân sự, thiếu dân chủ trong lúc thực thi quyền lực cho nên mới kéo tới tình trạng thê thảm hiện nay, đó là tham nhũng.”
Diễn đàn được thành lập với hy vọng tập hợp nhiều tiếng nói hơn nữa nhằm tiến tới một xã hội dân sự có sự kiểm tra quyền lực, chống sự bạo quyền và tham nhũng. Những cố gắng liên tục vẫn đang được thực hiện để biến những điều bình thường đau đớn trở thành bất thường và loại bỏ chúng.
No comments:
Post a Comment