Nguyễn Hội (Danlambao) - Với bài "Thực chất việc Phái đoàn Tôn giáo của chính phủ Việt Nam tới thăm Vatican ra sao?" [1] LM Trần Công Nghị cho biết một phái đoàn Ủy ban Tôn giáo Nhà nước Việt Nam gồm 7 thành viên do ông Phạm Dũng, thứ trưởng Bộ Nội vụ kiêm trưởng ban Tôn giáo dẫn đầu đã đến Vatican ngày 16/09/2013. Phái đoàn được phó thư ký Bộ Truyền giáo là Đức ông Tadeusz Wojda và phó thư ký Bộ Ngoại giao, Đức ông Antoine Camilleri đón tiếp trong hai ngày 15/09 và 16/09/2013. Vào ngày 18/09/2013 phái đoàn tham dự cuộc tiếp kiến chung của Giáo Hoàng Phanxicô. Cuộc tiếp kiến chung này được thực hiện thường xuyên vào mỗi ngày thứ tư hàng tuần dành cho mọi tín hữu Công giáo cũng như du khách tại quảng trường thánh Phêrô.
"Chuyến đi lần này của đoàn Việt Nam là của Ủy ban Tôn giáo thuộc Bộ Nội Vụ đến thăm hữu nghị, và đoàn Việt Nam đến là cố ý để trao đổi thông tin về hiện tình ở giáo phận Vinh và các sự kiện liên quan tới Dòng Chúa Cứu Thế. Thực chất không có cuộc họp làm việc nào giữa Tòa Thánh và đoàn Việt Nam, không phải là cuộc đàm phán chính thức, nên sau cuộc gặp gỡ không có thông cáo chính thức.
Tuy nhiên, trong cuộc gặp gỡ với các viên chức Vatican, Phái đoàn Tôn giáo của chính phủ Việt Nam muốn Tòa Thánh can thiệp vào hiện tình đang xẩy ra ở Giáo phận Vinh, nhưng Tòa Thánh nói Tòa Thánh chỉ mới nghe thông tin từ phía phái đoàn Việt Nam, Tòa Thánh cần phải nghe thông tin từ phía Giáo Hội Việt Nam nữa, của vị Đại diện Tòa Thánh không thường trú tại Việt Nam nữa." [1]
Tại Việt Nam, ngày 18/09/2013 Giám mục Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã chính thức thông báo và gửi các bản tường trình về sự kiện đàn áp người Công giáo tại Mỹ Yên đến các thành viên Hội đồng Giám mục Việt Nam.
Toàn thể Giám mục các Giáo phận phía Bắc cùng viết và ký tên trong một văn bản đề ngày 21/09/2013 bày tỏ tình liên đới, hiệp thông cùng Giáo phận Vinh. Ngày 22/09/2013 Giám mục Cosma Hoàng văn Đạt, Tổng thư ký Hội đồng Giám mục Việt Nam đã đến thăm Giáo phận Vinh cùng linh địa Trại Gáo. Ngài đã dâng thánh lễ tại Trại Gáo để tỏ lòng hiệp thông với nạn nhân trong cuộc đàn áp ngày 4/9/2013 nói riêng và với Giáo phận Vinh nói chung.
"Giáo Hội là một gia đình của Thiên Chúa [2]"
Ngay trong lần tiếp kiến chung kế tiếp vào ngày 25/09/2013 Đức Giáo Hoàng kêu gọi cộng đồng dân Chúa hiệp nhất và đoàn kết với nhau nhiều hơn nữa:
"Sách Giáo Lý Công Giáo" khẳng định rằng Giáo Hội Công Giáo rải rác trên thế giới" có một đức tin, một cuộc sống bí tích, một sự kế nhiệm tông đồ duy nhất, một niềm hy vọng chung, cùng đức yêu thương” (trang 161). Đây là một định nghĩa tốt đẹp, rõ ràng và cho chúng ta hướng sống tốt. Hiệp nhất trong lòng tin, cậy, mến, hiệp nhất trong các Bí Tích, trong chức Thừa tác: chúng là các cột trụ nâng đỡ, hiệp nhất toàn ngôi nhà vĩ đại của Giáo Hội. Chúng ta đi bất cứ nơi nào, kể cả đến một giáo xứ nhỏ bé nhất, đến một xó xỉnh xa xôi nhất của trái đất này, mọi nơi đều có Giáo Hội; những nơi đó đều là nhà của chúng ta, là mái ấm gia đình của chúng ta, tất cả mọi người chúng ta đều là anh chị em với nhau. Và đó chính là phần thưởng lớn lao của Thiên Chúa ban cho" [2].
Thí dụ cụ thể về sự hiệp nhất của đại gia đình Giáo hội, Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã nêu Đại hội Giới trẻ thế giới vừa qua tại Rio de Janeiro (Ba Tây). Nơi đó thanh niên ở khắp mọi nẻo trên thế giới tựu tập về cùng chung sống và sinh hoạt. Mặc dù họ nói những ngôn ngữ khác biệt, có diện mạo khác nhau, ảnh hưởng nền văn hoá và phong tục không đồng nhất, nhưng họ đã hiểu nhau và thể hiện một sự hiệp nhất sâu sắc là đức tin, là Hội thánh, một "gia đình của Thiên Chúa" [2].
Hiệp thông với tín hữu bị bách hại vì chúng ta cùng một gia đình
Là người trong cùng một gia đình, người tín hữu có trách nhiệm chia sẻ với nhau những niềm đau, nỗi buồn, những hoạn nạn, đau khổ... Đức Giáo Hoàng đặt câu hỏi về tinh thần trách nhiệm, tinh thần hiệp thông của Kitô hữu trên toàn cầu đối với những tín hữu đang bị bách hại chỉ vì niềm tin của họ vào Thiên Chúa:
"Khi tôi nghe rằng có biết bao kitô hữu trên thế giới đau khổ, tôi vô cảm hay đau khổ như là một thành viên của gia đình hay không? Khi tôi nghe nói rằng có biết bao kitô hữu bị bách hai và hơn nữa là hy sinh mạng sống mình vì đức tin, việc đó có làm rung động trái tim tôi, hay không liên quan gì tới tôi? Tôi có cởi mở đối với anh chị em trong gia đình đã hiến mạng sống mình cho Chúa Giêsu Kitô không?" [2]
Sự kiện Mỹ Yên
Ngày 22/05/2013 trên đường vào khu hành hương Trại Gáo, một số Kitô hữu trên đường đến khu hành hương để cầu nguyện cho 14 thanh niên Công giáo bị bách hại lại bị bách hại bởi những "kẻ lạ mặt" chặn đường lục soát xe, hành lý, cản trở không cho họ đến khu hành hương tham gia cầu nguyện. Trong tinh thần hiệp thông, đoàn kết, người dân (Kitô hữu lẫn không Kitô hữu) đã giải cứu những người đang bị bách hại.
Hơn một tháng sau, ngày 27/6/2013 công an đã chận bắt vô cớ ông Phêrô Ngô văn Khởi trên đường đi đám cưới cháu và ông Nguyễn văn Hải đang chở cháu trai 5 tuổi đi bác sĩ và họ bỏ mặc đứa bé bơ vơ trên đường lộ một mình. Hai ông Khởi và Hải là tín hữu Công giáo thuộc Giáo xứ Mỹ Yên.
Do áp lực của dân chúng, chủ tịch UBND và nhiều quan chức xã Mỹ yên chính thức cam kết bằng văn bản là: "Trước yêu cầu của nhân dân, tôi Nguyễn Trọng Tạo, thay mặt UBND xã cam kết với nhân dân sáng mai trực tiếp đề nghị công an tỉnh thả người trước 16 giờ, ngày 4/9. Nếu đến thời gian trên mà công an tỉnh không thả ông Ngô Văn Khởi và Nguyễn Văn Hải thì UBND xã chịu trách nhiệm trước nhân dân." [3]. Khoảng 15:30 ngày 4/9/2013 thân nhân hai ông Khởi và Hải cùng một số giáo dân Mỹ Yên đến UBND xã để nhận lại người thân. Thay vì trả tự do cho hai ông Khởi và Hải, nhà cầm quyền đã huy động hàng trăm cảnh sát, công an, du côn, chó chuyên nghiệp trang bị vũ khí, đạn dược các loại đuổi đánh người dân tay không.
Tệ hại hơn là công an đã điều động côn đồ giả dạng giáo dân trà trộn vào hàng ngũ giáo dân gây bạo động, ném đá về phía công an để công an có cớ đàn áp giáo dân Mỹ Yên. Những côn đồ giả dạng giáo dân này bị công an bắt nhưng được thả ngay[4].
Kết luận
Việc tập chung cầu nguyện cho anh chị em bị bách hại để phải hứng chịu bách hại, cũng như việc đòi hỏi công lý cho những tín hữu đang bị giam cầm một cách phi lý để rồi bị lực lượng công quyền hành hung mang trọng thương không những chỉ chứng tỏ được vì tình yêu giữa anh chị em tín hữu với nhau, sẵn sàng hy sinh cho nhau mà còn thể hiện được tinh thần hiệp nhất của người Kitô hữu trong một Giáo hội duy nhất có cùng một Cha trên Trời của Giáo xứ Mỹ yên.
Xét kỹ những tiến trình xảy ra trong thời gian từ 16/09 đến 25/09/2013, một số được nêu bên trên, chúng ta thấy rằng, sự kiện Mỹ Yên và tinh thần liên đới của các Tín hữu miền Bắc Việt Nam đã đánh động „Đức Giáo Hoàng của người nghèo[5]“. Ngài đã đem đức ái và tinh thần hiệp nhất của Tín hữu Giáo xứ Mỹ Yên, của Giáo phận Vinh và của tất cả các Giáo phận toàn miền Bắc Việt Nam vào bài giảng trong cuộc tiếp kiến chung với hơn 50 ngàn người trên quảng trường Thánh Phaolô ngày 25/09/2013 vừa qua. Đồng thời, bằng một kỹ thuật hỏi để gây nhiều chú ý, Ngài đã kêu gọi Tín hữu toàn thế giới cầu nguyện cho Giáo dân Mỹ Yên, Giáo phận Vinh cùng tất cả các Tín hữu bị bách hại vì bảo vệ đức tin:
"Tôi hỏi anh chị em một câu, nhưng đừng trả lời lớn, mà chỉ trả lời âm thầm trong trái tim mình: Có bao nhiều người trong anh chị em cầu nguyện cho các kitô hữu bị bách hại? Có bao nhiêu người? Mỗi người hãy trả lời trong tim mình: Tôi có cầu nguyện cho những anh chị em đang bị bách hại vì họ đã tuyên xưng và bảo vệ đức tin không? Điều quan trọng là biết nhìn ra bên ngoài hàng rào của mình, để cảm nhận mình là chính là Giáo Hội, là một gia đình của Thiên Chúa." [2]
____________________________
[2] Nguồn : vatican.va/holy_father/francesco/audiences/2013/documents/papa-francesco_20130925_udienza-generale_ge.html (tiếng Đức)
[3] Xin xem
[5] Danh từ của báo chí gọi ĐGH Phanxicô
No comments:
Post a Comment