Lê Thanh (Danlambao) - Chắc dư luận không thể quên vụ 3 trẻ sơ sinh tử vong sau khi tiêm vắc xin viêm gan B tại Quảng Trị hôm 20 tháng 7. Ngay ngày hôm sau (21 tháng 7) một trẻ sơ sinh khác ở Bình Thuận cũng chết sau khi tiêm vắc xin. Sự việc “rộ” lên trên báo chí khi nó xảy ra rồi lại đột ngột im ắng.
Tương tự, sự việc cháu bé Phạm Khánh Nhi 5 tuổi ở Hải Phòng chết tức tưởi sau một mũi tiêm. Báo chí cũng vào cuộc đưa tin. Rồi im bặt.
Vàng cho báo chí
Chúng tôi đã gọi điện thoại cho chị Bùi Thanh Hương, mẹ cháu bé Khánh Nhi để chia buồn, động viên và tìm hiểu thêm một vài chi tiết. Chị Hương tỏ ra khá “dè dặt”, nhưng cuối cùng cũng cho phép chúng tôi phổ biến một số chi tiết quanh cuộc nói chuyện này đến quý độc giả. Trước đó, khi tâm sự với một người trong số chúng tôi, chị Hương cho biết báo chí đã được “lệnh” để không tiếp tục đưa tin về vụ việc. Một người bạn làm phóng viên đã nói với chị Hương điều này. Tuy nhiên, chị Hương đã không “chia sẻ” thông tin trên trong cuộc nói chuyện được ghi âm lại với chúng tôi sau đó. Chị cho biết: “Lúc đầu báo chí có tham gia. Mình cũng muốn báo chí giúp nhưng các báo cũng từ chối khéo. Mình cũng chẳng biết nguyên nhân sâu xa nó như thế nào nữa.” và “người ta rất nhiệt tình nhưng sau đó thì mình gọi thì người ta bảo người ta có việc bận.”
Vậy ra những sự việc này, dù chẳng liên quan gì đến chính trị, cũng được liệt vào diện “nhạy cảm”. Những chuyện tiêu cực mặc dù đã lồ lộ ra trước mắt cũng không được (hoặc thật hạn chế) công khai phản ánh trên báo chí bởi sẽ ảnh hưởng xấu tới “sự tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa”. Nó là một phần của “tự do báo chí kiểu Việt Nam”, theo như cách nói của nhà báo Đoan Trang. Cũng theo nhà báo này, thì “có những cú điện thoại và chỉ thị miệng định hướng cụ thể đến các tổng biên tập về các chủ đề nhạy cảm. Đừng đưa tin về vụ này - họ được dặn như thế; không làm đậm vụ kia, hạn chế viết về các đề tài đó. Do không có bằng chứng vật chất nào về những định hướng như thế, cho nên khi bị chỉ trích là bịt miệng báo chí về chuyện này chuyện nọ, các quan chức của Bộ Thông tin Truyền thông có thể trả lời một cách rất nghiêm túc rằng Việt Nam bị “các thế lực thù địch” vu khống, bôi nhọ.”
Chị Hương không dám mạnh dạn thừa nhận thông tin người bạn phóng viên cung cấp, nhưng xem ra sự việc có vẻ đã diễn ra đúng như thế.
Chẳng một tờ báo nào có gan xé rào. Lên tiếng là... chết. Cho nên, ngậm miệng ăn tiền. Im lặng luôn là giải pháp tốt nhất. Khi báo chí không đưa tin, công luận (đương nhiên) sẽ chẳng bao giờ buồn nhắc tới. Đấy mới là mục tiêu cuối cùng cần đạt được. Nó là cách “làm sạch” chế độ.
Vàng cho bệnh viện:
Một số tờ báo đưa tin, đề cập đến việc người nhà của cháu Khánh Nhi phản ánh thái độ của bác sĩ trực cấp cứu và yêu cầu làm rõ trách nhiệm cá nhân trong vụ việc này. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, chị Hương tỏ ra rất thận trọng. Và cho rằng “thái độ không nhiệt tình” của bác sĩ là điều phải chấp nhận. Ở bệnh viện nào cũng thế (!)
Báo Trí thức trẻ viết: “Trước mắt, bệnh viện hứa sẽ hỗ trợ hai mươi triệu đồng tiền hương hoa và cử cán bộ lo cho đám tang của cháu bé. Mọi việc sau đó, bệnh viện sẽ tiếp tục phối hợp với gia đình để giải quyết”.
Nhưng ngoài hai mươi triệu tiền “hương hoa” ở cái sự “trước mắt” đó của bệnh viện thì mọi chuyện lại như đang đi vào quên lãng.
Muốn có “mọi việc sau đó”, tức là để “bệnh viện tiếp tục phối hợp với gia đình giải quyết”, (mặc dầu chưa biết sẽ giải quyết thế nào) thì gia đình phải chấp nhận việc mổ tử thi cháu Khánh Nhi. Đây chính là thế mạnh của bệnh viện để phủi tay trước mọi trách nhiệm. Bởi theo tâm lý của người Việt, không ai muốn người thân của mình phải bị mổ xẻ, phanh thây, “chịu đau đớn sau khi chết”, để rồi sẽ nhận một kết luận pháp y ngoài ý muốn, tức không đúng với sự thật. Người ta, cụ thể ở đây là gia đình bé Khánh Nhi, không tin vào sự trung thực của cơ quan pháp y. Càng nhiều bộ, ban, ngành vào cuộc, gia đình nạn nhân càng bất an, thậm chí bất lợi.
Báo chí đã... tịt. Gia đình nạn nhân không chấp nhận mổ tử thi đồng nghĩa với việc chẳng có kiện tụng gì ráo. Mọi sự quá hoàn hảo. Bệnh viện (đương nhiên) vẫn tiếp tục làm việc như thường. Những bác sĩ đã trực tiếp chữa trị cho cháu Khánh Nhi, có thể trong lúc ấy cũng run sợ đôi chút, bị khiển trách đôi chút. Rồi thôi. Vẫn được hành nghề, vẫn nhận phong bì (như thường) từ người nhà của những bệnh nhân khác. Và nếu có lỡ gây ra một, thậm chí những sai lầm tương tự, chỉ cần bỏ ra một chút “hương hoa” gọi là..., cộng với vài lời hứa hẹn (suông) là xong. Nếu gia đình nạn nhân muốn làm căng, muốn kiện tụng thì đấy, cứ cái võ “mổ tử thi” đem ra mà dọa. Có mà dám. Chưa kể báo chí sẽ bị bịt mồm. Im lặng cho là may lắm rồi. Chứ mấy tờ báo đảng mà được chỉ thị tấn công lại nạn nhân bằng vài bài viết sai sự thật thì cái sự uất ức này, cộng với nỗi đau mất con, mất cháu sẽ đeo đẳng suốt đời biết ngày nào nguôi.
Cơ hội ngàn vàng cho bệnh viện. Ngu gì không im lặng.
Và vàng cho gia đình nạn nhân?
Ngoài việc không muốn giải phẫu tử thi cháu bé. Một trong những lý do chị Hương đưa ra để không kiện tụng gì vì thấy mình “không đủ lực, không đủ sức”. Chị cho rằng “những người dân bình thường như mình thì làm sao mà kêu lên được trên cao”.
Lẽ ra, để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho mình thì pháp luật, thay vì là sự lựa chọn đầu tiên lại trở thành nỗi sợ của người dân. Trước một rừng luật - đáng thương thay - nạn nhân lại hy vọng được “giải quyết về tình cảm” với chính hung thủ gây ra cái chết của con mình.
Lựa chọn nào tốt hơn giải pháp cam chịu khi chỉ là một con dân “thấp cổ bé họng, không đủ lực, không đủ sức”?
Sự im lặng dù không là vàng, nhưng ít ra cũng tránh được phiền nhiễu, thậm chí tai họa. Người mẹ trẻ ấy muốn yên thân để đau nỗi đau mất con. Một đứa con gái 5 tuổi. Rất đáng sống nhưng đã phải chết tức tưởi chỉ sau một mũi tiêm oan nghiệt.
No comments:
Post a Comment