Mục lục nỗi đau dan tôi

Friday, October 18, 2013


Vũ Bất Khuất (Danlambao) - Tôi không định viết về Nho giáo vì khả năng hiểu biết về nho giáo hạn hẹp của mình. Nhưng hôm nay thì phải đành “múa gậy vườn hoang” một bận, khi tể tướng Lý Khắc Cường ra chiếu chỉ cho các thái thú ở An Nam phải nhanh chóng thành lập viện Khổng Tử ở Việt Nam.

Những ai am tường về lịch sử nước nhà đều hiểu rằng Việt Nam là một quốc gia của đạo Bụt. Tính cách của dân tộc suốt chiều dài lịch sử của mình hoàn toàn dung hợp một cách máu thịt với đạo Bụt với một quan điểm sống rất giản dị, cụ thể: “Ăn Hiền Ở Lành” với ba bước “văn, tư, tu” nghĩa là học tập, suy nghĩ và thực nghiệm.

Bên cạnh là một dân tộc khác, hoàn toàn khác, Hán tộc. Nền tảng văn hóa của họ hoàn toàn được gói gọn trong tư tưởng Nho giáo với bốn bước để thành người “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” mà xương sống của học thuyết Nho giáo là thuyết chính danh. Thuyết này kêu gọi mọi người cầm phải hành xử đúng vị trí mà họ đảm đang “Vua ra vua, tôi ra tôi. Cha ra cha, con ra con...”. Tất cả những giáo điều của Nho giáo chỉ nhằm một đích duy nhất là giáo dục con người học tập, suy nghĩ và làm việc để thực hiện nghiêm chỉnh điều này, một thứ trật tự mặc định. Trong suốt quá trình phát triển của Nho giáo với hàng loạt những nhà tư tưởng Nho giáo dù có triển khai, du nhập các học thuyết khác như đạo Bụt, Lão Trang, Hồi giáo, Công giáo cũng đều nằm trong mục đích duy nhất; tôn tạo và phát triển Nho giáo, nghĩa là phát triển con người với tiêu chí “tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ” đã nêu trên. Nghĩa là “tu thân phải có cây kềm”“tề gia phải có cây roi”“trị quốc phải có cây cùm”“bình thiên hạ phải có cây gươm”. Từ đó nãy sinh ra một cái tên Trung Hoa hay Trung Quốc và nãy sinh ra khái niệm “dĩ Hạ biến Di” nghĩa là lấy văn minh Hoa Hạ để giáo hóa các dân tộc man di khác. Tư tưởng này phát triển đến đỉnh điểm vào thời Đường Thái Tôn với tứ trấn: An Bắc (Nội, Ngoại Mông, chúng gọi là bắc di) An Nam (Đại Việt, chúng gọi là nam man), An Tây (Tân Cương, Tứ Xuyên, chúng gọi là tây nhung), An Đông (Mãn Châu, Triều Tiên, chúng gọi đông địch). Nhưng trên thực tế thì dân tộc Hán đều bị các dân tộc nằm ở tứ trấn ấy thay phiên xâu xé và đô hộ, trừ Đại Việt, nhưng cũng đã từng bị quân dân Đại Việt giáng cho những trận “thất điên bát đảo” khi cất bước xâm lăng.

Trở lại vấn đề Nho giáo ở Việt Nam, ngay từ khi tiêu diệt nhà nước Nam Việt năm 111 TCN, Nho giáo đã nương theo bóng dáng quân xâm lược tràn vào Đại Việt, nhưng sức thẩm thấu bị dội ngược lại, đến năm 43 SCN, sau khi nhà nước của Hai Bà Trưng thất bại, Mã Viện đã thực hiện một cú xâm lược văn hóa tàn khốc với cây trụ đồng như là một sự định vị của sách lược đồng hóa, nhưng không bao lâu sau những hòn sỏi nhỏ mang đầy tính “ăn hiền ở lành” đã xóa sạch vết tích của nền văn hóa nô dịch. Nhân dân Đại Việt và đạo Bụt âm thầm tôn tạo bản lĩnh dân tộc làm cho tư tưởng Nho giáo lại phải dội ngược lên giới quan lại thống trị và bọn theo đóm ăn tàn.

Có hai câu ca dao rất đáng suy nghĩ, dù rất buồn cười:

Tam hoàng ngũ đế chi thư.
Thầy ngồi thầy để củ từ thầy ra.

Cuối thế kỷ thứ II, năm 187 khi vừa nhón chân vào phủ thái thú ở Luy Lâu, việc làm đầu tiên của Sĩ Nhiếp là mở hàng loạt các trường học và cấm nhân dân Đại Việt sử dụng chữ Việt cổ và đón nhận hàng loạt những nho gia thuộc loại “vong gia thất thổ” từ chính quốc tránh loạn Tam quốc vào Đại Việt. Đây là một cú xâm lược văn hóa lớn nhất lịch sử. Nhưng, cũng lại nhưng, với 40 năm ngồi chễm chệ trong dinh thái thú như ông vua con, Sĩ Nhiếp lại bị chính cái quan điểm“dĩ Hạ biến Di” đảo ngược lại thành “dĩ Di biến Hạ” vì một độc chiêu của Mâu Tử “giáo Tàu đâm Chệt” với tác phẩm Lý hoặc Luận viết bằng chữ Hán, sử dụng lập luận Nho gia để phản bác Nho gia và một câu nói làm rúng động thiên hạ “Hán địa vị tất vi thiên trung dã”(Đất Hán không phải là trung tâm của trời đất) và sau này, thời vua Lê Đại Hành, Lý Giác cũng phải xác nhận “Thiên ngoại hữu thiên ưng viễn chiếu” (Ngoài trời còn có trời khác sáng hơn).

Hơn một ngàn năm (111 TCN - 938 SCN), Nho giáo tung tẩy những giáo điều của mình trên non sông Đại Việt như là một cơn gió thoảng qua và kết thúc bằng một câu thơ nổi tiếng “Đằng giang tự cổ huyết do hồng” (từ xưa máu quân xâm lược loang hồng trên sông Bạch Đằng). 

Tất nhiên tham vọng thì bao giờ cũng là tham vọng, bởi vì cái học thuyết bá quyền tiềm ẩn trong Nho giáo luôn luôn nuôi dưỡng sự hiếu chiến trong lòng Hán tộc. Dù họ lúc nào ngán ngẩm vì điều đó, nhưng chỉ là với những người dân hiền lành chất phác thôi, chứ nếu như bò lên tới bước “bình thiên hạ” rồi thì tất nhiên là phải sắt máu.

Tiếc rằng bài học của vua Trần Nhân Tông dạy Hốt Tất Liệt cách làm vua thì chỉ có một mình ông ta thuộc.

Sau khi đánh bại Nguyên Mông lần thứ ba. Nhân lễ chúc thọ Hốt Tất Liệt. Vua Trần Nhân Tông có sai sứ sang chúc thọ mà phẩm vật chỉ là một bài thơ có 16 từ:

Thiên tứ hoàng đế
Đế tứ thứ dân
Thần chúc thánh thượng
Ức vạn niên xuân

(Trời cho làm vua
Vua lo cho dân
Thần chúc thánh thượng
Muôn triệu mùa xuân)

Đúng là vị vua nhân từ, sáng suốt và tài hoa nhất lịch sử Việt Nam đã dạy cho một ông vua đã từng làm kinh động thế giới hiểu rằng phải biết lo cho dân mình có muôn triệu mùa xuân. Mùa xuân đồng nghĩa với an lạc, thịnh vượng mà muốn thế thì đừng đàn áp kẻ khác, đừng gây chiến tranh làm thương vong ly tán, làm đất nước cạn cùng. Bài thơ mượn quan điểm Nho giáo mà nội dung lại chuyển tải tinh thần đạo Bụt. Có lẽ Hốt Tất Liệt thuộc bài nên từ đó không thấy Nguyên Mông dòm ngó Đại Việt.

Nhưng với Nho gia Việt Nam thì không thuộc bài học mà ông cha đã dạy cho, một Hồ Quý Ly đã đẩy đất nước đến họa diệt vong vì choáng ngợp trước những hào nhoáng của Nho giáo đến nỗi con ông là Hồ Nguyên Trừng phải than vãn “Thần không sợ đánh mà chỉ sợ dân không theo”. Nhưng đã trễ, Trương Phụ đã tràn sang tiêu diệt nhà Hồ và các cuộc khởi nghĩa khác tiến hành một cuộc xâm lược lãnh thổ và xâm lược văn hóa một cách bạo liệt. Sử sách, nhân tài, vật lực bị cướp sạch và tuồn vào hàng núi tứ thư, ngũ kinh và các mầm mống văn hóa độc hại khác mà sau khi Lê Thái Tổ dành lại đất nước thì cái mầm mống độc hại của Nho giáo phát triển như một căn bệnh cấp tính, trước tiên là cái chết của Phạm Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Trãi với cái trò “điểu tận cùng tàn” xảy ra nhan nhản trên đất nước Trung Hoa mà đây là lần đầu tiên xảy ra ở Đại Việt. Để rồi khi một ông vua nho gia Lê Thánh Tông lên ngôi sau những cuộc tranh giành quyền lực kinh hoàng. Triều chính mà vua Lê Thánh Tông thiết lập gần như là một bản sao hoàn chỉnh của mô hình chính quyền theo kiểu Nho giáo “Dân khả sử do chi, bất khả sử tri chi” (Đối với dân, chuyện nào cần họ làm thì bảo họ làm, chớ không nên giảng giải nghĩa lý sâu xa vi diệu với họ) (Luận Ngữ tiết 10. Thái Bá). 

Để sau khi vua Lê Thánh Tông chết (1497) thì đất nước hoàn toàn rơi vào loạn lạc, cảnh anh em giết nhau, vua tôi giết nhau, quân tướng giết nhau để tranh giành quyền lực xảy ra như cơm bữa giữa các Nho gia luôn mồm “chi hồ giả dã” để tạo ra cái loạn Nam Bắc triều và một mô hình nhà nước dị hợm “phủ Chúa, cung Vua”.

Từ đó, Nho giáo chiếm lĩnh vũ đài chính trị trong cả nước với những loạn lạc triền miên, nhưng đất nước không diệt vong mà còn phát triển chính là nhờ tinh thần dân tộc hòa quyện cùng nội hàm của đạo Bụt đã ăn sâu vào trong tâm thức mặc cho sự khuynh loát của những thế lực quân sự, văn hóa, kinh tế ngoại bang mà điển hình độc đáo là 200 năm yên bình và phát triển của Đại Việt Đàng Trong (1561-1767) theo con đường của Bụt.

Vua Gia Long (1802-1819), Minh Mạng (1819-1840), Tự Đức (1847-1883) là 3 ông vua hùng tài đại lược đầu triều Nguyễn nhưng họ lại không có cái tinh thần dung thông của đạo Bụt mà bị trói buộc vào cái vòng kim cô bảo thủ cứng ngắt của Nho giáo để rồi đất nước lại lâm vào thảm họa.

Đã bao nhiêu tiếng than van vì cái nho giáo cổ hủ, bá quyền, hiếu chiến và vong bản.

Nào có ra gì cái chữ Nho
Ông nghe ông cống cũng nằm co
Chi bằng đi học làm ông phán
Tối rượu sâm banh sáng sữa bò - Tú Xương

Sự lệ thuộc vào Nho giáo hay đúng hơn vào Trung Quốc, dù trên bất cứ lĩnh vực nào cũng là một hiểm họa khôn lường. Nó đày ải con người đi đến chỗ chán chường, rồi khi họ thức tỉnh thì lại rẽ sa một đường tiêu cực khác.

Một non sông bị bán rẻ, đã từng bị bán rồi, thì luôn luôn giành lại được để tồn tại đến hôm nay. Nhưng một nền văn hóa bị bán rẻ là một điều không thể. Mà nếu có thể thì có nghĩa là bị tiêu diệt hoàn toàn. Không hiểu mấy tay cộng sản chóp bu có hiểu không?

Viện Khổng tử thành lập ở Việt Nam để làm gì? Bất cứ một người yêu nước nào cũng đều lo ngại, thậm chí phẫn nộ. Họ đã quá hiểu mục tiêu của cái viện đó.

Ở đây không bài bác Khổng Tử và Nho Giáo. Trong một chừng mực nhất định Khổng Tử và Nho giáo cũng là một thứ văn hóa cần học hỏi. Nhưng dứt khoát không phải để thuộc vào. Lịch sử với bao nhiêu trang hào hùng, bất khuất vẫn còn đó, nhưng một vài trang bi thương, điếm nhục vẫn chưa nhòa. Nhưng không thể, một ngàn, một triệu lần không thể để cho cái học thuyết bá quyền hiếu chiến ấy cùng hiệp đồng với chủ nghĩa cộng sản tàn phá lương tâm dân tộc này.


No comments:

Post a Comment