Mục lục nỗi đau dan tôi

Saturday, October 12, 2013

Xây dựng dân chủ Việt Nam qua kinh nghiệm Hoa Kỳ


Tạ Dzu (Danlambao) - Nước Mỹ đang trải qua cơn bế tắc chính trị khi hai đảng Cộng Hòa và Dân Chủ không thể thỏa hiệp với nhau về ngân sách quốc gia, có liên quan tới chương trình Bảo hiểm Y tế Giá Phải chăng, còn được gọi là Cải tổ Y tế, hoặc có tên Obamacare đã được thông qua vào tháng 3 năm 2010. Cuộc tranh chấp giữa hai đảng hay giữa Hạ viện đa số Cộng hòa với Thượng viện lẫn Tổng thống Dân chủ làm cho một phần chính phủ phải ngưng hoạt động, ảnh hưởng tới những sinh hoạt cần thiết của người dân. Hơn thế nữa, sẽ ảnh hưởng lớn tới nền kinh tế thế giới.

Trong bối cảnh tranh chấp chính trị của quốc gia dân chủ tân tiến và hùng mạnh nhất hoàn cầu, người Việt học được gì qua kinh nghiệm đó?

Đây là lần thứ hai trong vòng 17 năm qua đã xảy ra tình trạng này. Tất nhiên, chỉ những phần không thiết yếu của chính quyền liên bang là phải tạm đóng cửa, cũng đủ để tám trăm ngàn nhân viên liên bang phải nghỉ việc không lương. Và chưa biết đến bao giờ. Một nhóm thiểu số của đảng Cộng hòa gọi là Tea Party tìm mọi cách triệt hạ hay trì hoãn thi hành chương trình Obamacare trong vòng một năm nếu muốn hai viện thỏa hiệp trong việc biểu quyết ngân sách hàng năm. Đảng Dân chủ nắm Thượng viện nhất định không nhượng bộ, muốn đưa đạo luật ngân sách ra biểu quyết ngay mà không dính líu gì tới Obamacare, sẽ đi vào hoạt động từ năm 2014. Đó là lý do chính yếu xảy ra bế tắc.

Tại sao biểu quyết Ngân sách Liên bang, hay ít nhất, gia hạn ngân sách cho chính phủ hoạt động, lại liên quan tới Obamacare? Theo luật, mỗi viện Quốc hội có quyền biểu quyết ngân sách riêng, sau đó hai viện sẽ thỏa hiệp với nhau để đi đến kết quả cuối cùng mà đôi bên đồng ý. Tuy nhiên, luật cũng cho phép các dân biểu được quyền đề nghị bất cứ điều gì ghi thêm vào dự luật mà hai viện biểu quyết. Nhóm Tea Party liền đưa đề nghị hoãn thi hành những điều khoản quan trọng của Obamacare, tức làm cho nó vô hiệu, sau khi tìm mọi cách mà không thể chấm dứt tài trợ cho chương trình đó được. Năm ngoái họ đã kiện đòi xóa bỏ luật này nhưng đã bị Tối cao Pháp viện bác bỏ. Tổng thống Obama và đảng Dân Chủ coi việc thông qua dự luật Cải tổ Y tế của Quốc hội vào năm 2010 là một thắng lợi lớn, thực hiện được giấc mơ theo đuổi trong mấy chục năm qua là làm sao cho mọi người đều có bảo hiểm y tế. Thực ra, Obamacare không phải là chương trình bao biện hay cung cấp dịch vụ y tế, mà chỉ trợ giá cho những ai không đủ điều kiện tài chánh mua bảo hiểm sức khỏe tư nhân, tương tự chương trình mà Mitt Romney – đối thủ của Obama trong cuộc chạy đua tranh ghế tổng tống vừa qua – đã thực hiện ở Massachusettes khi ông còn làm thống đốc ở đó. Kể từ 2014, các tiểu bang sẽ thành lập các chương trình bảo hiểm rẻ tiền cho dân chúng, được chính phủ liên bang trợ giúp. Từ năm 2015, những người chọn không mua bảo hiểm sẽ bị trả tiền phạt thuế $95.00; từ 2017, tiền phạt tăng lên ít nhất là $695.00. Thế nhưng, đảng Cộng Hòa, được những tập đoàn y sĩ, hệ thống bệnh viện và các hãng bảo hiểm vận động hành lang nhằm trì hoãn Obamacare, lý luận rằng việc bắt mọi người phải mua bảo hiểm là vi phạm đến quyền tự do mua bán của người dân.

Sự việc chính phủ không có ngân sách hoạt động không chỉ làm xáo trộn thị trường quốc nội mà còn làm gián đoạn trật tự kinh tế thế giới. Thị trường chứng khoán Dow Jones tuy đã khôi phục lại niềm tin từ giới đầu tư sau vụ ngưng tấn công vào Syria, đã liên tục rớt điểm ngay từ trước khi có thông tin chính phủ Mỹ hết ngân khoản gần hai tuần lễ. Các kinh tế gia tiên đoán mức tăng trưởng của quý bốn 2013 sẽ sụt giảm từ 2.2% xuống còn 1.8%.

Bế tắc chính trị không chỉ dừng lại ở chuyện ngân sách.

Ngày 17 tháng 10 tới đây, hai đảng lại phải đối đầu với trần nợ, tức tổng số tiền chính phủ có thể vay mượn để làm tròn các nghĩa vụ pháp lý, trong đó có các chương trình An sinh Xã hội, chương trình bảo hiểm xã hội Medicare, lương quân đội, lãi suất nợ quốc gia và tiền thuế hoàn lại cho dân chúng. Từ năm 1960, quốc hội đã phải nâng giới hạn trần nợ 78 lần. Nếu mức trần nợ không được nâng cao, quân đội sẽ không được trả lương, nguy hại tới tình hình an ninh quốc gia. Khoảng 80% nhân viên CIA đã bị nghỉ việc không lương.

Các nhà lãnh đạo kinh tế và tài chánh trên thế giới đều lên tiếng kêu gọi Hoa Kỳ phải nâng mức trần nợ nếu không muốn lâm vào nguy cơ không còn tiền chi trả các món nợ lần đầu tiên trong lịch sử, kể cả tiền lời các trái phiếu nằm trong tay Trung Quốc, Nhật Bản và các nhà đầu tư nước ngoài khác. Các nhà phân tích đã cảnh báo rằng việc chính phủ đóng cửa kéo dài sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế Mỹ. Nhưng nguy cơ vỡ nợ còn đem đến những hậu quả tai hại hơn nhiều, có thể đẩy nền kinh tế đang chật vật phục hồi sau cơn suy thoái về khủng hoảng tài chánh và bất động sản vừa qua vào cuộc suy thoái mới. Tổng giám đốc IMF, Christine Lagarde, cảnh báo rằng "những bất ổn tiếp diễn về chính trị xoay quanh ngân sách, mức trần nợ, không giúp ích gì cả. Việc đóng cửa chính phủ đã quá tệ hại. Nhưng việc không thể nâng mức trần nợ còn xấu hơn nhiều và sẽ gây tổn hại hết sức nghiêm trọng không chỉ với kinh tế Mỹ mà cả kinh tế toàn cầu nữa".

Điều đáng nói là mặc dù được khuyến cáo từ mọi phía, lãnh đạo hai đảng vẫn không thể đi đến một thỏa hiệp nào mà còn đổ lỗi cho nhau. Chủ tịch Hạ viện, John Boehner, nói với các phóng viên rằng ông "thất vọng vì tổng thống đã bác bỏ đề nghị đàm phán". Ngược lại, Tổng thống Obama cho rằng bất kỳ một cuộc đàm phán nào xung quanh vấn đề ngân sách và trần nợ cũng không thể đi kèm với việc đe dọa đóng cửa chính phủ và gây xáo trộn cho nền kinh tế lên đầu người dân Mỹ. Ông tuyên bố, "chúng ta không thể để hành động tống tiền trở thành một phần trong nền dân chủ của chúng ta".

Với khủng hoảng chính trị từ một trong những quốc gia có nền dân chủ tân tiến và cường thịnh nhất thế giới như Hoa Kỳ, người Việt rút ra được bài học gì cho việc chuyển hóa và xây dựng dân chủ trong tương lai?

Đề nghị hướng giải quyết

Để giải quyết bế tắc chính trị tương tự như của Hoa Kỳ, chúng ta cần phải thay đổi tư duy và cách thức sinh hoạt dân chủ.

Nền dân chủ với hệ thống chính quyền dựa căn bản trên đảng phái và các chính trị gia chuyên nghiệp đã càng ngày càng tỏ ra kém hữu hiệu, dễ vướng vào bế tắc nếu các chính đảng không thể thỏa hiệp với nhau về một chính sách nào đó. Các chính trị gia thường có khuynh hướng sử dụng quyền làm luật và vai trò thiết kế chính sách quốc gia để bắt bí, đả phá nhau mỗi khi quyền lợi phe phái bị ảnh hưởng, để mị dân hay để giành phiếu trong kỳ bầu cử kế tiếp. Vai trò của người dân trong sinh hoạt chính trị trở thành thứ yếu, các đảng phái trở nên trội yếu. Quyền lực và quyền lợi của người dân thay vì được thực thi và tôn trọng, đã bị các đảng phái thao túng, cho dù vẫn sinh hoạt trong khuôn khổ luật pháp cho phép. Thể chế dân chủ chúng ta trông đợi không chỉ là dân chủ từ trên chính quyền xuống, mà còn phải phối hợp nhịp nhàng từ dưới dân chúng lên, bảo đảm quyền lực thực sự là của toàn dân. Với các tiến bộ trong thời đại hiện nay, nhất là hệ thống thông tin liên lạc điện tử, một nền dân chủ toàn dân tham gia có thể thực hiện được. 

Vai trò khác biệt giữa chính và trị (*)

Chính trị, hiểu như hiện nay, thường chỉ có nghĩa là sinh hoạt của các chính trị gia, các đảng phái và của chính quyền. Chính trị đúng nghĩa phải là "thiết kế và chấp hành dân sinh" (*), và phải là công việc chung của cả chính quyền và người dân, chứ không thể chỉ là công việc và trách nhiệm riêng của những người "làm chính trị" trong nền chính trị đại nghị hiện nay. Cần có một cơ chế dân chủ mới, tạo điều kiện để toàn dân cùng tham gia vào việc nước ("thiết kế và chấp hành dân sinh"), tránh đảng tranh và khủng hoảng chính trị. Nền dân chủ mới này phải mang ba nội hàm sau.

Thứ nhất, cần phân biệt giữa chính và trị trong từ kép "chính trị".

Chính, thuộc quyền người dân; trị, thuộc phần chính quyền.

Chính, bao gồm các sách lược, chính sách quốc gia trên mọi bình diện, từ văn hóa, giáo dục, kinh tế, xã hội đến an ninh, ngoại giao, quốc phòng v.v… phải được đề xuất từ người dân thuộc mọi thành phần dân tộc, chứ không chỉ là đảng viên các đảng phái và tùy thuộc vào các chính đảng như hiện nay. 

Trị (quản trị), vai trò điều hành guồng máy sinh hoạt quốc gia thuộc trách nhiệm nhà nước, có thể bao gồm các chính đảng. Một trong những nhiệm vụ quan yếu của chính quyền là tạo phương tiện và cơ hội cho mọi cá nhân, tập thể và xã hội dân sự phát huy hết khả năng và sức sáng tạo chứ không phải lạm dụng quyền lực rồi đàn áp, ức chế người dân làm thui chột tài năng con người.

Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của toàn dân cần hoạt động độc lập với các đảng phái. Sự độc lập này là nhằm ngăn chặn nguy cơ xung đột quyền lợi giữa công (quyền lợi quốc gia) và tư (quyền lợi đảng phái). Vì không phân biệt rõ ràng chức năng giữa chính và trị, các đảng phái vừa làm luật (đá bóng), vừa tranh giành quyền thi hành luật của ngành hành pháp (thổi còi) mặc dù được luật pháp cho phép. Sự lẫn lộn này dễ gây nên bế tắc chính trị mà ta thường thấy ở ngay các nước dân chủ tiên tiến nhất. Trong thế giới hội nhập và phát triển ngày nay, bất kỳ một sự khủng hoảng chính trị hay kinh tế nào tại mỗi quốc gia, đều có thể ảnh hưởng đến khu vực hay toàn cầu như trường hợp Hoa Kỳ mà chúng ta đang chứng kiến, do đó đòi hỏi những bước cải tiến căn bản trong sinh hoạt chính trị.

Dân chủ toàn dân và trực tiếp (*)

Thứ nhì, đa số các nền dân chủ trên thế giới đều theo mô hình các chính đảng đưa đại diện của mình ra cho dân chúng bầu chọn. Tất nhiên, đa đảng tốt hơn thể chế độc đảng bội phần, nhưng người dân vẫn chưa có cơ hội bình đẳng trong việc đề cử và ứng cử vào các chức vụ công quyền, nhất là ở cơ quan quyền lực cao nhất là quốc hội. Tại Mỹ, gần như chỉ đảng viên thuộc hai đảng lớn là Dân Chủ và Cộng Hòa là có cơ hội được ngồi trong lưỡng viện quốc hội. Ở các quốc gia đa đảng khác cũng tương tự, tức đảng viên các chính đảng mới có cơ hội trúng cử. Mặc dù đa đảng, mô hình chính trị ngày nay vẫn mang tính (đa) đảng cử, dân bầu, chưa đạt được mô thức dân cử, dân bầu, để chính quyền thực sự là "của dân, do dân và vì dân". Tình trạng này dẫn đến sự việc là người dân không thực sự có quyền mà chỉ gián tiếp qua các chính đảng. Nếu các đảng phái không thể thỏa hiệp với nhau về một chính sách nào đó, thường dẫn đến bế tắc chính trị, có khi phải giải tán quốc hội để bầu lại khiến người dân mất dần niềm tin vào các chính trị gia, xa lánh chính trị và xem các sinh hoạt chính trị chỉ là đấu trường giành giật quyền lợi phe nhóm mang tính đảng tranh chứ không phải để phục vụ xã hội. Do đó, người dân cần một cơ chế mới để có thể trực tiếp quyết định những việc quan trọng, nhất là những vấn đề liên hệ đến đời sống hằng ngày của họ, chứ không chỉ phó thác sinh mệnh chính trị cho các chính trị gia phe nhóm đảng phái chuyên nghiệp.

Phân công và hợp tác (*)

Cuối cùng, sự phân quyền trong hệ thống công quyền giữa ba ngành lập pháp, hành pháp và tư pháp không thôi chưa đủ, nền chính trị quốc gia còn phải mang tính phân công và nhất là hợp tác. Tuy đã có cơ cấu phân quyền, hai ngành hành pháp và lập pháp vẫn tìm cách ngáng trở nhau mỗi khi có dịp chứ chưa hoàn toàn hợp tác làm việc, gây ra bởi quyền lợi phe nhóm. Phân quyền chính là để ngăn chặn cảnh tranh giành quyền lực chứ chưa đạt tới sự phân công và hợp tác nhuần nhuyễn giữa các cơ chế dân sự và nhà nước. Phân công là để tránh sự trùng lắp, dẫm chân lên nhau và để mỗi bộ phận làm đúng và đủ chức năng lẫn nhiệm vụ của mình. Hợp tác là để cả bộ máy vận động và kết hợp hoạt động nhịp nhàng.

Hãy hình dung cơ thể con người. Giữa tim và óc hay các cơ phận khác không có sự "phân quyền", nhưng rõ ràng mỗi bộ phận được "phân công" làm một hay nhiều chức năng khác nhau. Chúng "hợp tác" với nhau để một cơ thể hoạt động bình thường và mạnh khỏe. Muốn sinh hoạt chính trị hữu hiệu và lành mạnh hơn, nền dân chủ mới cũng cần được nhìn tương tự như thế. Phân công mà không hợp tác sẽ gây trì trệ, khó phát triển. Hợp tác mà không phân công sẽ dẫn đến rối loạn.

Kết

Để đạt được những điều trên, xã hội cần đến một phương tiện hỗ trợ. Đó là hệ thống giáo dục nhân bản, qua nhiều hình thức, vừa nuôi vừa dưỡng và để mọi người vừa học vừa làm. Mỗi cá nhân và mỗi tập thể phải được nâng cao ý thức công dân, đạt đến trình độ tự giác, tự chủ quyết định sinh mệnh chính trị của mình, chứ không chỉ trông chờ hoặc giao phó toàn bộ cho sinh hoạt đảng phái.



__________________________________

(*) Ghi chú: Tất cả những khái niệm này là đề xuất của nhà tư tưởng Lý Đông A vào đầu thập niên 1940, được đề cập đến trong học thuyết cơ năng bản vị qua hai tài liệu Duy Dân Cơ Năng và Cơ Năng Hiến Pháp.
Chia sẻ bài viết:

No comments:

Post a Comment