Trong vòng gần một tháng đến nay, kể từ ngày 31/05/2013, Nguyễn Tấn Dũng, thủ tướng Việt Cộng, được đề bạt đọc Diễn Văn Dẫn Đề cho Hội Nghị An Ninh Khu Vực – Đối Thoại Shangri-La 2013, tại Singapore về “Xây Dựng Lòng Tin Chiến Lược vì Hoà Bình, Hợp Tác, Thịnh Vượng của Á Châu Thái Bình Dương”, để Nguyễn Tấn Dũng có dịp khẳng định: “Các nước trong khu vực coi trọng vai trò của Trung Quốc và Hoa Kỳ và ủng hộ hành động của hai cường quốc này, nếu như chiến lược và việc làm của Washington và Bắc Kinh tuân thủ pháp luật quốc tế, tôn trọng độc lập chủ quyền của các quốc gia”. Bài diễn văn đu dây có điều kiện này, bị phái đoàn Trung Cộng ra mặt bất mãn, nhưng được toàn thể hội nghị đánh giá cao và bộ trưởng quốc phòng Mỹ, Chuck Hagel tỏ ra hài lòng.
Ngày 05/06/13 đến lượt Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Samuel Locklear, trực tiếp chỉ huy các lực lượng quân sự Mỹ tại đây, tuyên bố tại Malaysia rằng: “Chúng tôi sẽ phản đối bất kỳ ai dùng vũ lực để thay đổi trạng thái nguyên trạng hiện nay. Chúng ta cần duy trì những gì ở đâu, thuộc về ai thì vẫn như thế cho tới khi có được Bộ Quy Tắc Ứng Xử – COC, hoặc một giải pháp mà các quốc gia liên quan chấp nhận một cách hòa bình”. Rồi đến hai ngày 07 và 08/06/2013, cuộc gặp thượng đỉnh bỏ túi giữa tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama với chủ tịch Trung Cộng, Tập Cận Bình ở Nam California, để ông Tập Cận Bình tỏ ra hy vọng: “Hai nước có thể xây dựng một mô hình mới của các quan hệ nước lớn”. Từ đó không khí ngoại giao của Việt Nam sôi hẳn lên.
Ngày 19/06/13, nhận lời mời của Tập Cận Bình chủ tịch Trung Cộng, Trương Tấn Sang chủ tịch Việt Cộng chính thức thăm Trung Hoa và được đón tiếp linh đình tại Đại Lễ Đường Nhân Dân Bắc Kinh, với 21 phát súng đại bác, đúng nghi thức đón tiếp quốc trưởng của một nước. Có lẽ đây là bước đầu thành công của Trung Cộng về chủ trương Đối Thoại Song Phương với Việt Nam, một nước có quan hệ về vấn đề Biển Đông, trong khi Hoa Kỳ và các nước Asean luôn luôn chủ trương Đối Thoại Đa Phương. Trương Tấn Sang và Tập Cận Bình đã chứng kiến ký kết 10 văn kiện hợp tác song phương. Đáng chú ý như: “Hai nước mở rộng, kéo dài đến năm 2016 về việc hợp tác thăm dò dầu khí ngoài khơi vịnh Bắc Việt”. “Bộ nông nghiệp hai nước sẽ lập đường dây nóng để giải quyết các vụ va chạm liên quan đến ngư dân trên biển”. Làm việc này, Trung Cộng muốn ngăn chủ trương:“Hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đang hợp tác để phát triển Lực Lượng Cảnh Sát Biển đủ năng lực giúp ngư dân Việt Nam khi gặp nạn”. Trên đây là lời tuyên bố của chuẩn đô đốc Mỹ. William Lee, phụ trách về chính sách hoạt động và năng lực của Tuần Duyên Hoa Kỳ ngày 09/04/13.
Trung Cộng và Việt Cộng hai bên còn ký: “Chương trình hành động giữa hai chính phủ về triển khai quan hệ đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện”. Từ trước tới giờ Trung Cộng thường chỉ bí mật ra lệnh cho các lãnh tụ Đảng Cộng Sản Việt Nam phải thực hiện những gì Bắc Kinh muốn, đây là lần công khai ký kết với Nhà Nước Việt Cộng về đối tác, hợp tác chiến lược toàn diện song phương giữa hai chính phủ. Trong tuyên bố chung Việt Nam và China kết thúc bằng lời cam kết: “Trước khi tranh chấp trên biển được giải quyết dứt điểm, hai bên nhất trí giữ bình tĩnh và kiềm chế, không có hành động làm phức tạp, mở rộng tranh chấp, đồng thời sử dụng đường dây nóng quản lý, kiểm soát khủng hoảng trên biển giữa bộ ngoại giao hai nước, xử lý thỏa đáng các vấn đề nảy sinh với thái độ xây dựng, không để các vấn đề này ảnh hưởng đến đại cục quan hệ Việt – Trung cũng như hòa bình, ổn định tại Biển Đông”. Đúng với ý nghĩa lời tuyên bố của Tư Lệnh Thái Bình Dương của Mỹ, đô đốc Samuel Locklear nêu trên.
Nhằm thực hiện kế hoạch “Bành Trướng Mềm” với chính sách hợp tác song phương hoà bình giữa Việt – Hoa của Bắc kinh, Nguyễn Phú Trọng tổng bí thư đảng Việt Cộng đã nhận lời mời của thủ tướng Thái, Yingluck Shinawatra, một nước đang giữ vai trò Điều Phối Viên quan hệ Asean và Trung Cộng, từ ngày 25 đến 27/06/13, phái đoàn 90 người, gồm bộ trưởng Ngoại Giao, Quốc Phòng, Kế Hoạch, Đầu Tư, Lao Động – Thương Binh và Xã Hội. Việt Nam và Thailan nâng quan hệ song phương thành Quan Hệ Đối Tác Chiến Lược. Tháilan là quốc gia đầu tiên trong khối Asean ký Hiệp Định Đối Tác Chiến Lược với Việt Nam. Ngoài gặp và làm việc với thủ tướng Yingluck Shinawatra, ông Trọng còn hội kiến với quốc vương Thái Bhumibol và nhận bằng tiến sĩ danh dự môn Chính Trị Học tại đại học Thammasat. Bản tin trong ngày 25/06, của tờ Jakarta Post loan báo Trương Tấn Sang chủ tịch nước Việt Nam sẽ đến thăm nước này vào ngày 27/06/13 để thảo luận với tổng thống Indonesia. Susilo Bambang Yudhoyono về một loạt các vấn đề bao gồm các quan hệ song phương, cũng như các vấn đề khu vực và toàn cầu.
Trong khi đó về phía Mỹ đã mời Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Đội Việt Nam, thượng tướng Đỗ Bá Tỵ và phái đoàn tướng lãnh như: Trung tướng Phương Minh Hòa, tư lệnh Phòng Không và Không Quân, Trung tướng Phạm Ngọc Hùng, phó Tổng Cục Tình Báo, Chuẩn đô đốc Nguyễn Văn Ninh, phó tư lệnh Hải Quân, Thiếu tướng Phạm Hữu Mạnh, chánh văn phòng Bộ Tổng Tham Mưu và Thiếu tướng Vũ Chiến Thắng, cục trưởng Đối Ngoại sang thăm Hoa Kỳ, từ ngày 17 đến 22/06/2013. Ngày 20/06/13, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã gặp đại tướng Martin Dempsey, chủ tịch Hội Đồng Tham Mưu Liên Quân Hoa Kỳ, hai đoàn đã có cuộc hội đàm, trong đó “Ngoài khu vực châu Á – Thái Bình Dương hai ông Dempsey và Đỗ Bá Tỵ còn thảo luận về chính sáh chuyển dịch trọng tâm về khu vực của chính quyền Obama”. Tướng Đỗ Bá Tỵ khẳng định: “Việt Nam coi trọng phát triển quan hệ toàn diện với Hoa Kỳ, trong đó có quan hệ quốc phòng”. Ông bày tỏ hy vọng “Hai bên tiếp tục triển khai bản Thoả Thuận thúc đẩy hợp tác quốc phòng đã ký kết”. Tướng Đỗ Bá Tỵ cũng khẳng định: “Sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy quan hệ Asean – Mỹ”. Về phần mình, tướng Dempsey bày tỏ: “Ủng hộ giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công Ước của LHQ về Luật Biển 1982”.
Ông Danny Russel vốn là một trong các “kiến trúc sư” chiến lược xoay trục sang châu Á của chính quyền Obama, được tổng thống bổ nhiệm làm trợ lý Ngoại Trưởng thay ông Kurk Campbell đã cam kết trước Thượng Viện ngày 20/06/13 rằng: “Sẽ lưu ý Bắc Kinh là, Trungquốc chỉ có thể phát triển, nếu như Á Châu trở thành một vùng pháp quyền, một vùng có trật tự và một vùng tôn trọng các nước láng giềng, chứ không phải là nơi mà cưỡng chế đe doạ ngự trị”. Ông Russel nhấn mạnh: “Hoa Kỳ có lợi ích thúc đẩy một giải pháp hòa bình cho các cuộc tranh chấp lãnh thổ ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Điều cơ bản đối với Washington là bảo đảm tự do lưu thông và thương mại trong vùng”. Chủ tịch tiểu ban Đối Ngoại Thượng Viện Mỹ, nghị sĩ Ben Cardin hy vọng ông Russel sớm được Thượng Viện chấp thuận. Trong khi ngoại trưởng John Kerry đang bị Do Thái và Ông Putin cầm chân ở vũng lầy Trung Đông, nếu bà Susan Rice cố vấn An Ninh Quốc Gia và ông Danny Russel trợ lý Ngoại Trưởng Mỹ, cùng đặc trách về châu Á thì chiến lược Hoa Kỳ ở đây mới sớm tiến triển.
LÝ ĐẠI NGUYÊN
No comments:
Post a Comment